Người trinh sát an ninh và những lần vào hang cọp

Thứ Ba, 05/08/2014, 08:30
Tây Bắc bây giờ bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa rừng rả rích cả ngày làm bầu trời xầm xì, u ám và lúc nào cũng sũng sĩnh nước. Tôi ngồi trò chuyện với Đại úy Vàng A Xó, Phó trưởng phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Điện Biên trong một căn nhà nhỏ thông thốc gió lùa ở gần trụ sở Ủy ban nhân dân xã Mường Toong, huyện Mường Nhé. Giữa thời bình nhưng các chiến sĩ an ninh nơi miền đất hiểm cực Tây vẫn đang bước vào cuộc chiến đấu thầm lặng đầy gian khổ, hy sinh…

Đại úy Vàng A Xó có “chất” của một cán bộ công an “cắm” bản  miệng nói tay làm, dáng người phong trần, nước da sạm đen vì nắng gió biên thùy. Sinh năm 1978, Vàng A Xó vào lực lượng Công an từ năm 14 tuổi khi theo học Trường Văn hóa I của Bộ Công an. Sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2004, anh về đầu quân cho Phòng An ninh xã hội, và hơn 10 năm gắn bó với đơn vị chủ công của lực lượng an ninh này là những chuyến đi dằng dặc, mải miết dưới cơ sở. Anh đi và “cắm” ở dưới địa bàn nhiều đến mức bà con ở Na Cô Sa, Nậm Kè, Nà Bủng, Quảng Lâm, Leng Xu Xìn thuộc huyện ngã ba biên giới Mường Nhé xa xôi, diệu vợi biết anh nhiều hơn cả đồng chí đồng đội ở Công an tỉnh.

Nghe đồng đội và hôm nay qua câu chuyện của anh kể thật khó có thể hình dung hết những vất vả, khó khăn và cả những nguy hiểm rình rập mà Đại uý Vàng A Xó và các trinh sát an ninh phải trải qua. Trận tuyến an ninh tuy không trực diện với những tên tội phạm ma túy, hình sự nguy hiểm nhưng anh và đồng đội lại đối mặt với những đối tượng phản động, gây rối ngoan cố, manh động và đôi khi hành xử hết sức cực đoan…

Đại úy Vàng A Xó.

Tháng 4/2013, Đại úy Vàng A Xó tiếp tục làm tổ trưởng một tổ công tác cắm chân tại các xã phía bắc của huyện Mường Chà. Đây là các xã có tình hình rất phức tạp, nhiều đối tượng cầm đầu ra sức tuyên truyền luận điệu gây mất đoàn kết dân tộc, lôi kéo di cư tự do, tụ tập bỏ bê sản xuất. Nhóm đối tượng này do tên Giàng Khua Dơ, sinh năm 1972 ở bản Huổi Xưa, xã Na Sang, huyện Mường Chà cầm đầu. Nhiều lần gặp gỡ tuyên truyền, vận động nhưng Giàng Khua Dơ vẫn hết sức ngoan cố và tiếp tục có những hoạt động chống đối.

Ngày 27/4, Vàng A Xó dẫn đầu một tổ công tác vào bản Huổi Xưa để đưa giấy triệu tập Giàng Khua Dơ lên Công an huyện làm việc. Trên đường vào bản, các anh đã rơi vào ổ phục kích của nhóm đối tượng này. Chúng tụ tập hơn 20 thanh niên càn quấy sử dụng gậy gộc, dao phát vừa lăng mạ vừa bao vây tổ công tác. A Xó đã mưu trí “điều” một trinh sát ra khỏi vòng vây để về công an huyện báo cáo, anh và 5 người còn lại đối mặt với nhóm đối tượng. Bị tên Dơ kích động, một số tên đã đẩy xe máy của tổ công tác xuống vực và hành hung 2 trinh sát là Thiếu tá Lâm Quang Phương và Đại úy Vừ A Páo. Trong tình thế đó, Vàng A Xó một mặt động viên anh em bình tĩnh, mặt khác tiếp cận Giàng Khua Dơ để trò chuyện. Chính sự dũng cảm của anh đã làm các đối tượng chùn bước và không có những hành vi manh động thêm. Thấy Dơ và đám đồng bọn xuống thang, anh tiếp tục “bồi” thêm vài chiêu nữa làm bọn chúng lục tục buông hung khí chịu ngồi lại nói chuyện với cán bộ…

Trinh sát an ninh là một công việc thầm lặng nhưng “tác nghiệp” ở địa bàn vùng cao biên giới, vùng dân tộc thiểu số lại có những khó khăn rất đặc thù. Để nắm chắc tình hình giữ vững an ninh trật tự thì người cán bộ công an phải bám dân, bám địa bàn, thực hiện “3 cùng” với nhân dân. Các chuyên án an ninh mà Đại úy Vàng A Xó và đồng đội tiến hành cũng âm thầm. Tuy anh lập nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương chiến công nhưng do nhiều lý do, những chiến công đó cũng thầm lặng và không được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đại úy Vàng A Xó tâm sự rằng, phẩm chất cần nhất của người làm trinh sát an ninh là sự mưu trí, dũng cảm, am hiểu pháp luật, giỏi nghiệp vụ nhưng ở vùng miền núi dân tộc thì phải giỏi dân vận, am hiểu phong tục tập quán. Làm sao cảm hóa được cái đầu bướng bỉnh của các đối tượng cầm đầu, làm gì để nhân dân nhận thức được cái sai để họ tự giác quay về với phong tục tập quán của dân tộc chứ không thể chỉ sử dụng pháp luật để xử lý. Đại úy Vàng A Xó kể cho tôi rất nhiều chuyên án mà anh và đồng đội đã tiến hành. Quả thực mỗi chuyên án đều có đối tượng với tính chất đấu tranh riêng nhưng hầu hết các đối tượng ở vùng cao hoạt động đều do bị lôi kéo, dụ dỗ. Chính vì vậy, biện pháp vận động quần chúng vẫn là quan trọng nhất.

Cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Điện Biên thực hiện “3 cùng” với nhân dân.

Còn nhớ sau vụ gây rối ở Huổi Khon, Mường Nhé đầu tháng 5/2011, mặc dù qua vận động hầu hết người dân đã hiểu được chân tướng của bọn người xấu bụng, quay về quê cũ làm ăn nhưng cũng còn không ít kẻ ngoan cố tiếp tục kích động chống đối. Một trong những tên cầm đầu là Lù A Minh. Minh sinh năm 1968, nhà ở Than Uyên, Lào Cai nhưng di cư tự do và sinh sống ở bản Nậm Hích 2, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé với cái “nghề” gieo rắc luận điệu xấu. Thời điểm đó, tình hình bản Nậm Hích 2 vẫn khá căng thẳng, cán bộ hầu như không tiếp cận được với người dân ở đây. Không thể để tình trạng trên kéo dài, sau khi báo cáo lãnh đạo đơn vị, Đại úy Vàng A Xó quyết định một mình vào “hang cọp” để làm vai trò “thuyết khách” đối tượng cầm đầu. Lù A Minh rất ranh ma, xảo quyệt. Xung quanh hắn lúc nào cũng có vài chục tay chân thân tín được trang bị gậy gộc, vũ khí thô sơ và cả súng kíp. Có một điều khó khăn cho A Xó là anh chưa biết mặt đối tượng, qua nguồn tin quần chúng được biết Minh là một người cao to, để tóc dài và răng hơi vâu…

Hôm đó A Xó mặc thường phục lận dưới lưng khẩu súng ngắn một mình vượt gần 5 cây số đường rừng vào bản Nậm Hích 2. A Xó đã mưu trí “kết thân” với một đối tượng nghiện ma túy ở lán nương đã tìm hiểu thêm thông tin về Lù A Minh trước khi xâm nhập bản. Khi anh vào đến sân nhà, một nhóm hơn 10 đối tượng đang ngồi bàn bạc gì đó bên bếp lửa, thấy người lạ tất cả đứng lên với vẻ mặt hăm dọa. A Xó bình tĩnh vào nhà, ngồi xuống và hỏi thăm mấy câu bằng tiếng Mông. Sau khi biết anh là công an, một đối tượng cao to đứng lên đi ra ngoài, nhìn dáng vẻ bề ngoài và hành vi của gã này, A Xó đoán chắc đối tượng là Lù A Minh nên đã đi theo ra ngoài sân.

Anh đến gần nói nhỏ nhưng dứt khoát và đanh thép: “Tôi là công an, muốn gặp anh nói chuyện. Nếu anh bỏ đi tôi sẽ cho lực lượng đang phục kích ở ngoài kia bắt ngay”. Minh có vẻ chùn bước, sau đó đồng ý theo anh quay vào nhà. Bằng cái “lý” của người Mông, sau hơn 2 tiếng trò chuyện anh đã dần cảm hóa được cái đầu bướng bỉnh của Lù A Minh. Không những thế hơn 10 đối tượng thân tín của hắn không dám ho he mà ngồi lại nghe anh nói chuyện. Chiều tối hôm đó, Minh rủ A Xó quay về nhà người họ hàng mổ gà uống rượu và nói chuyện hết cả đêm hôm đó. Để ngăn chặn việc Lù A Minh tiếp tục hoạt động xấu, A Xó đã “rủ” Minh ra thị trấn huyện chơi, sau đó bỏ tiền túi biếu anh ta 1 triệu đồng làm lộ phí để quay về quê cũ ở Than Uyên, Lai Châu... Sau khi cảm hóa được Minh, 46 hộ dân hơn 200 nhân khẩu của người dân bản Nậm Hích 2 cũng thay đổi. Họ đã hiểu rõ chân tướng bọn người xấu bụng, lập lại bàn thờ tổ tiên, quay về với phong tục tập quán của dân tộc…

Đây chỉ là vụ điển hình trong số hàng chục lần Đại úy Vàng A Xó trực tiếp vào “hang hùm”; có lần anh vào với vai trò “thuyết khách” nhưng cũng có lần phải chiến đấu đơn thương độc mã giữa một nhóm đối tượng gây rối cực đoan, manh động giữa bản làng heo hút. Thượng tá Tạ Văn Dương, Trưởng phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Mặc dù Đại úy A Xó là lãnh đạo đơn vị nhưng anh cũng là một trinh sát lão luyện và tay công chính của phòng. Cứ nơi nào phức tạp là có mặt anh”.

Chuyên án bắt giữ đối tượng Lý A Dế là một ví dụ. Lý A Dế sinh năm 1968, quê ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà. Hắn là đối tượng cầm đầu trong một tổ chức gồm 9 tên câu kết với một số đối tượng bên kia biên giới âm mưu hoạt động thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông”. Sau khi chuyên án được xác lập, Đại úy Vàng A Xó được giao nhiệm vụ xâm nhập xác minh điều tra hoạt động của nhóm đối tượng này trên một địa bàn trải dài từ Mường Chà (Điện Biên) đến Sìn Hồ (Lai Châu).

9 tháng ròng rã anh ăn rừng ngủ rú bám theo hành tung của các đối tượng. Trong quá trình tham gia chuyên án này, Đại úy Vàng A Xó ít nhất 2 lần bị lũ cuốn trôi ở sông Đà, 1 lần bị lợn lòi đuổi húc, nguy hiểm nhất là lần anh điều khiển xe máy bị tai nạn rơi xuống vực ở khu vực Nậm Ban, Sìn Hồ. May là chiếc xe và anh đâm vào khu đất ẩm, có thảm cây bụi nên thoát chết, nhưng anh phải ngủ trong rừng đến trưa hôm sau có mấy thầy giáo đi qua mới nhờ khênh được xe lên để tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất khi anh tham gia chuyên án này chính là lần bị lạc 2 ngày trong rừng thẳm. Hôm đó nhận được tin báo của lực lượng biên phòng về sự xuất hiện của Lý A Dế ở khu vực bản Nậm Tần, xã Pa Tần. Anh và 2 trinh sát lập tức lên đường. Nhưng tên Dế cũng không phải tay vừa, hắn vừa đi vừa xóa dấu vết nên anh chia 2 mũi để đón lõng Lý A Dế. Mải mê truy theo đối tượng anh bị lạc đường. Trong tay chỉ có một khẩu súng, 1 còng số 8 và 1 chiếc đèn pin, Vàng A Xó đã phải mất 2 ngày mới lần tìm về được mốc 56 biên giới với Trung Quốc, từ đây anh tiếp tục cắt góc phương vị để tìm về được đồn biên phòng Pa Tần. 2 ngày lạc đường anh phải ăn ngọn cây rừng, uống nước khe để lấy sức tìm đường về…

Một cơn mưa rừng lại ầm ào ập đến, căn lán nhỏ của đoàn công tác tăng cường như rung lên giữa từng đợt gió từ đại ngàn. Giữa vùng ngã ba biên giới xa xôi trùng khuất, tận mắt chứng kiến những gì Đại úy Vàng A Xó và đồng đội đang làm, càng thêm cảm phục các anh. Trong cuộc đấu tranh với các luận điệu tuyên tuyền gây mất đoàn kết dân tộc, chống âm mưu thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông” mới thấy hết những nỗ lực và cống hiến của anh và đồng đội thật cao cả và phi thường…

Vũ Mạnh Hà
.
.