Người tái tạo thần pháo Việt

Thứ Tư, 02/02/2011, 10:10
Tôi bước vào phòng làm việc của Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, căn phòng nhỏ nép mình giữa những dãy nhà dài của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Những cơn gió mùa đông thổi hun hút vào những ngôi nhà trống khiến tôi có cảm giác gai người. Nhưng khi bước vào phòng làm việc của ông, cảm giác đó hoàn toàn tan biến, mà tôi bị cuốn vào một thế giới khác, một thế giới mà đối với tôi còn rất lạ lẫm nhưng tôi đã bị dẫn dụ ngay từ những giây phút đầu tiên.

Phòng làm việc của Thượng tá Nguyễn Hồng Phong chất đầy những mô hình máy bay, xe pháo, và ngổn ngang những khẩu Thần pháo mà mọi người vẫn gọi bằng cái tên rất gần gụi, Thần pháo của Thượng tá Phong. Và  ở đó, tôi được nghe cả một câu chuyện lịch sử, mà âm hưởng của nó còn vọng lại cả đời sau.

Ở  cái tuổi của Nguyễn Hồng Phong bây giờ, người ta sẽ thường nói về danh vọng, tiền bạc hay những được mất trong đời người. Còn câu chuyện với Thượng tá Nguyễn Hồng Phong hoàn toàn xa lạ với điều đó. 33 năm học và gắn bó với nghề chế tạo cơ khí, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong miệt mài trong xưởng thiết kế của mình, với một niềm đam mê vô tận, niềm đam mê mà có thể không mang lại cho ông danh vọng, nhưng đã cho ông được sống là mình, đúng với khí chất của một người lính.

Với phương châm làm việc, tìm tòi, mày mò làm những cái gì chưa ai nghĩ tới, chưa ai làm, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong đã ghi dấu ấn cuộc đời binh nghiệp của mình bằng những sản phẩm có ý nghĩa, như tủ sấy parafin giúp chữa bệnh… hay cả những phát kiến trong công tác chế tạo máy móc.

Ông sinh ra trong một gia đình truyền thống, bố ông có thâm niên hơn 40 năm trong quân ngũ. Cuộc đời binh nghiệp nhiều vất vả, hy sinh, nhưng ông vẫn lựa chọn nối tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình, Hồng Phong chọn Học viện Kỹ thuật Quân sự, nơi giúp ông có thể thực hiện những mơ ước của mình về kỹ thuật cơ khí.

Nhiều bạn bè cùng lứa với ông, kể cả những người may mắn được ra nước ngoài tu nghiệp, không còn nhiều người theo đuổi giấc mơ tưởng như khô khan này. Còn với Nguyễn Hồng Phong, thì đó là sự lựa chọn của số phận, hơn hết của một niềm đam mê vô tận, mà vì nó, ông không đánh đổi bằng bất cứ giá nào.

Giờ thì Nguyễn Hồng Phong đang nổi tiếng, mà sự nổi tiếng và những gì ông có được hôm nay đều bắt nguồn từ một nỗ lực của chính bản thân ông, một nỗ lực không ngừng khám phá cuộc sống, khám phá chính mình, và hơn hết, biết vượt lên chính mình.

Trong tiếng rèn giũa của máy móc kim loại, trong khói bụi của xưởng chế tạo máy, vẫn cảm nhận được ở con người này, một tâm hồn nhiều khát vọng. Tôi muốn gọi ông là người nghệ sĩ trong lĩnh vực chế tạo cơ khí. Bởi lần đầu tiên, ông đã biết thổi hồn làm sống dậy một binh khí cổ, và hơn thế, làm sống lại tâm thức ngàn đời của cả một dân tộc…

Thượng tá Nguyễn Hồng Phong trong câu chuyện với tôi dường như chỉ xoay quanh khẩu thần công mà ông đặt bằng một cái tên rất trang trọng: Thần pháo -Tiếng vọng ngàn năm, một sản phẩm mừng Hà Nội - Thăng Long 1.000 năm tuổi. Vào dịp Đại lễ đó, rất nhiều sản phẩm đã ra đời, nhưng có những sản phẩm đã chìm vào quên lãng, hay chỉ có giá trị vào thời khắc thiêng liêng đó, rồi được cất giữ vào viện bảo tàng.

Nhưng với khẩu Thần pháo của Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, thì nhân bản của nó đang ngày càng rộng rãi. Sản phẩm ra đời đúng vào dịp Đại lễ, nhưng nó đã vượt lên thời gian trở thành một biểu tượng đẹp của đất nước với chiều dài lịch sử văn hóa và quan trọng hơn, nó đã tìm được tiếng nói đồng vọng trong tha nhân.

Tiếng lành đồn xa, nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tìm gặp bằng được Thượng tá Phong để đặt hàng Thần pháo làm quà. Có một Việt kiều ở Canada vô tình xem giới thiệu về Thần pháo trên VTV4 đã gọi điện về cho bạn nhờ mua bằng được và gặp Nguyễn Hồng Phong để tỏ lòng khâm phục. Khi được sở hữu Thần pháo trong tay, ông đã rưng rưng khóc…

Câu chuyện bắt đầu cách đây khoảng chừng 10 năm, khi Thượng tá Nguyễn Hồng Phong tham gia vào lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Một lễ hội đã để lại trong ông nhiều cảm xúc thăng hoa, giúp ông ngộ ra nhiều điều mới mẻ như một sự khám phá mới về thế giới, hiểu được những ngôn ngữ trừu tượng của nghệ thuật mà từ trước đến giờ đối với ông còn quá xa lạ.

Và ông cảm thấy mình như đang bị mắc nợ, phải làm một điều gì đó có ý nghĩa cho Đại lễ 1.000 năm. Vốn con nhà binh, am hiểu và đam mê cơ khí, ông muốn có một sự chia sẻ với thế hệ mai sau. Tám năm ròng rã, Nguyễn Hồng Phong thu xếp công việc ở xưởng, lang thang khắp các đình chùa miếu mạo tìm hiểu về các hoa văn họa tiết của các thời kỳ lịch sử. 

Rồi rong ruổi du lịch các nước trên thế giới qua Internet. Nguyễn Hồng Phong nhận ra một điều rằng, nước nào cũng có súng thần công, đây là một binh khí cổ mà tất cả các dân tộc trên thế giới đều dùng để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc mình, và nó trở thành ngôn ngữ chung của thế giới.

Ông say sưa nói về thành quả của 10 năm khổ luyện. Bởi thành quả của ông đang nhận được sự cộng hưởng của cả xã hội, những ai thấu hiểu và biết trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. 10 năm đó, Nguyễn Hồng Phong dường như chẳng còn mối bận tâm nào khác ngoài khẩu súng thần công, mê đến quên ăn quên ngủ. Ám ảnh về nó hiện diện trong cả những giấc mơ của ông.

Nhiều đêm, ông choàng tỉnh dậy trong đêm vì một ý tưởng chợt đến và ngồi ghi chép một mạch đến sáng. Và liên tục di chuyển, trong Nam, ngoài Bắc, đâu có di tích lịch sử, đâu có lễ hội, nơi đó có dấu chân Nguyễn Hồng Phong. 10 năm lặng lẽ, như một con kén ủ mình trong tổ, miệt mài. Nguyễn Hồng Phong đọc, đi, lắng nghe, chiêm nghiệm rồi gạn lọc lại những tinh hoa của văn hóa Việt để thổi hồn vào tác phẩm của mình.

Và đứa con tinh thần của ông đã ra đời, trong một giây phút thăng hoa nhất của cảm xúc, trong một niềm hứng khởi vô tận. Một khẩu súng là binh khí cổ của nhân loại lần đầu tiên được Việt hóa một cách giản dị và sang trọng nhất, trở thành một biểu tượng cho sức mạnh và ý chí của dân tộc Việt.

Điều gì hấp dẫn ở Thần pháo nếu không có một ngôn ngữ riêng, thứ ngôn ngữ mang đậm dấu ấn cá tính của người sáng tạo, và hơn thế, mang cả sức nặng văn hóa của một dân tộc, vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Đó là người sử dụng, phải có đủ tâm, tầm và trí lực mới có đủ uy lực và sức mạnh để sử dụng. Đó là sức mạnh hiện đại mà không gì có thể chiến thắng được.

Cái độc đáo làm nên giá trị của Thần pháo, là từ một binh khí cổ, một ngôn ngữ chung của thế giới, Nguyễn Hồng Phong đã thể hiện được bề dày lịch sử của đất nước, và khát vọng hòa bình, khát vọng được chia sẻ. Đó không phải là sự mô phỏng, mà Nguyễn Hồng Phong dã dùng ngôn ngữ của nghệ thuật bố trí, sắp đặt, và điêu khắc để tạo nên một sản phẩm hoàn hảo và mang đậm hồn cốt Việt.

Bệ đỡ của Thần pháo như một cuốn sách để mở, bởi sách là nền tảng của tri thức nhân loại, xung quanh nền của bệ đỡ được chạm khắc bằng những họa tiết của Hoàng thành Thăng Long. Hai bánh xe trở thành biểu tượng của bánh xe lịch sử, được khắc họa bằng những họa tiết của trống đồng, chim lạc, nhưng nét văn hóa đậm chất Việt, tỏa sáng bằng những ánh hào quang của tia nắng mặt trời, gợi lại không khí của những ngày đầu dựng nước.

Cái khéo léo và có tầm của người sáng tạo là trong suốt chiều dài 1.000 năm dựng nước của dân tộc, Nguyễn Hồng Phong đã biết gạn ra những gì tinh túy nhất, nhưng lại không bị lạc lõng với một binh khí cổ để thể hiện được hồn cốt của người Việt. Hai chiếc càng pháo trong tư thế rồng bay lên tái hiện giấc mơ của vua Lý Thái Tổ, báo hiệu một trang sử mới, một kinh đô Thăng Long rồng bay đã ra đời, phần đuôi cách điệu như một ngọn lửa châm ngòi cho mọi sự khởi đầu.

Và nguyên văn 214 chữ Hán trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn được chạm khắc một cách tinh xảo thể hiện tầm nhìn lịch sử của đất nước. Phần thân giữa chạm khắc biểu tượng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, hình ảnh Khuê Văn Các và nguyên mẫu rồng đời nhà Trần, một triều đại đã ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, làm nên sức mạnh của Đại Việt.

Nhưng điều tâm đắc của ông không chỉ dừng lại ở đó, mà nhìn từ góc độ nghệ thuật, từ trên xuống dưới, người xem sẽ được thưởng lãm một chiếc mai rùa gợi nhớ đến sự tích hoàn kiếm của  Lê Lợi, đến hình ảnh thần Kim Quy giúp Thục phán An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa.

1.000 sản phẩm đã ra lò, trong niềm ngưỡng mộ thích thú của nhiều người. Điều đó cũng vượt ra ngoài mong đợi của Nguyễn Hồng Phong, bởi hạnh phúc của người sáng tạo, không gì bằng khi tìm được tiếng nói đồng vọng của mọi người. Nhưng tôi hiểu, khát vọng của ông không chỉ dừng lại ở đó, với ý nghĩa tâm linh, Thần pháo là một hỏa khí đầu tiên thể hiện uy lực của một dân tộc, ông muốn thực hiện được giấc mơ đặt hai khẩu Thần pháo nặng 35 tấn trấn ải ở cửa Bắc Hà Nội.

Và tiếng vọng trong Thần pháo của Nguyễn Hồng Phong, không chỉ là tiếng vọng dội về từ quá khứ của dân tộc mà còn là tiếng vọng của tương lai, cho khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt

Hà Linh
.
.