Người phụ nữ phía sau cha con nghệ sỹ Quý Dương - Chí Trung

Thứ Năm, 31/01/2008, 08:00
LTS: Sau khi bài báo "NSND Quý Dương - NSƯT Chí Trung: Cha và con và..." đăng tải, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, trong đó có ý kiến của bà Phùng Thúy Lan, mẹ NSƯT Chí Trung. Nhiều ý kiến trong số này không đồng tình với thông tin do NSND Quý Dương trả lời trong bài báo về việc bà Thúy Lan không chăm sóc con.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải những ý kiến của bà Thúy Lan và hy vọng bài báo này sẽ là những thông tin cuối cùng trên báo chí về nội tình gia đình người ca sĩ lừng danh đó.

Bà ngồi trong căn phòng nhỏ, khu chung cư cũ của Đài Tiếng nói Việt Nam yên tĩnh... Bà Phùng Thúy Lan không chơi cây đàn cello nữa, nhưng bà vẫn là người rất tinh khi nghe những nốt nhạc qua sóng phát thanh. Gần như cả cuộc đời bà gắn với làn sóng điện, với những bài viết giới thiệu những tác phẩm, những người nghệ sỹ lớn của nền âm nhạc thế giới đến với thính giả.

Có lẽ, nếu không trò chuyện với bà, tôi không thể nào hiểu được suốt bao nhiêu năm qua bà sống thầm lặng trước sự thành đạt của con trai bà, NSƯT Chí Trung và đã phải một mình nuôi hai đứa con nhỏ dại, vượt qua mọi bão tố của quãng đời làm vợ, làm mẹ.

Tôi gặp bà Thúy Lan lần đầu, nhưng nghe giọng bà quen lắm. Chợt nhận ra giọng nói ấy đã gắn với mình suốt bao năm trên sóng của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Bà học Trung cấp Violoncelle ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia Việt Nam). Nói về những ngày tháng ấy, bà Lan vẫn chứa đầy xúc động: "Tôi học đàn bốn năm, khi con gái cả mới lên 3, còn Chí Trung khi ấy mới là cậu bé một tuổi.

Đang học thì chiến tranh phá hoại miền Bắc xảy ra (1964), phải mang con theo trường lên nơi sơ tán. Vừa học vừa nuôi hai con nhỏ trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, tôi - một người mẹ vừa mới hai mươi tuổi, phải làm mọi việc như  quét lá tre, nhặt lá sắn để nấu cháo, thổi cơm cho các con... vừa trông con, vừa tập đàn. Rồi những lúc Chí Trung ốm, chị gái Trung bị chó cắn (nghi là chó dại), tôi phải lo thuốc thang; năn nỉ người quen mang hộ con mình đi tiêm phòng dại ở Hà Nội (21 mũi/21 ngày) và chăm sóc con để vẫn có thể tiếp tục học và nuôi Chí Trung ở khu sơ tán.

Mỗi sáng, tôi chỉ đủ tiền mua 2 chiếc bánh bẻng (bánh bột mì rán không nhân) cho các con ăn, còn tôi thường nhịn hoặc nhặt những trái sấu rụng trong vườn ăn cho đỡ đói lòng. Ngày ấy, ngoài đồng lương eo hẹp, tôi có nhận được sự viện trợ nào nữa đâu. Khi nhận công tác ở Đoàn Xiếc TW, phải đi sơ tán cùng đoàn, bữa trưa của tôi thường xuyên là phần cơm thừa còn lại của hai suất cơm tập thể, các con đã ăn xong chỉ còn lại vài cọng rau và chút nước chấm... Suốt những năm tháng chiến tranh, tôi đưa con đi sơ tán hết nơi này đến nơi khác nhưng vẫn miệt mài học tập và làm việc. Bố mẹ tôi mất sớm, tôi gần như tự lực vươn lên giữa Hà Nội để nuôi con nên người".

...Tôi luôn nghĩ rằng, không nên "xét lại" vì sao vợ chồng NSND Quý Dương và nghệ sỹ Thúy Lan không còn sống chung và vì sao họ không còn yêu nhau nữa. Nhưng có một sự thật, sau mỗi cuộc ly hôn, người phụ nữ vẫn thường nhận phần thiệt về mình. Bởi một cuộc hôn nhân đã tan vỡ là một thứ tì vết không dễ nhận được sự cảm thông nếu muốn bước tiếp con đường tìm kiếm hạnh phúc về sau cho họ.

"Tôi chia tay chồng vì những sự việc bất khả kháng nhưng tôi không bỏ mặc hai con. Thời đó ly dị là "một tội lớn" của hai người; đối với một phụ nữ thì càng khó khăn gấp bội. Tôi một mình nuôi dạy hai con thơ dại trong hoàn cảnh chiến tranh và sau này cả khi đất nước thống nhất. Nhưng vì để giữ tiếng tăm cho cha của con mình nên tôi đành chịu mất chồng, đành cam chịu búa rìu dư luận! Điều này tôi không muốn nói ra nhưng đó là sự thật và đã có rất nhiều người biết. Buồn và giận chồng vì nhiều lý do, tôi mang theo hai đứa con khi đó mới được 10 và 8 tuổi lên tập thể Nhà hát Thiếu nhi, nơi tôi công tác, ở số 1 Tràng Tiền (sau Nhà hát Lớn) để vừa làm việc vừa nuôi con.

Tôi đã phải làm thêm tất cả những công việc vất vả nhưng chân chính nhất để nuôi con như đan len, quấn thuốc lá, dán nilon từng gói thuốc lào thuê, máy thuê gia công túi học sinh bằng nilon đến 12h khuya; 4h sáng lại dậy thổi xôi thuê đèo xuống cửa hàng của người ta để người ta bán... Tôi không bao giờ rời xa các con ngay cả khi tôi đi bước nữa. Giữa lúc quan hệ của tôi và ông Quý Dương đang căng thẳng, tôi được Bộ Văn hóa cử đi học 7 năm Đại học Chỉ huy dàn nhạc ở Liên Xô, cùng lứa với NSND Phạm Thị Thành, nhưng vì không có bằng trung cấp chỉ huy để nộp cho Bộ Đại học và Chuyên nghiệp, tôi chỉ có bằng trung cấp cello, hồ sơ không hợp lệ, nên chuyến du học ấy đã không thành. Khi chuẩn bị để đi học ở Liên Xô, tôi phải đi học tập trung ở Trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa 9 tháng.

Chính thời gian này là lúc tòa cho ly hôn, tôi đành phải nhờ bà nội và bố các cháu nuôi các con để tôi đi học tập trung. Trong thời gian các con ở với bên nội, tôi không tiện đến nhà thăm các con vì bố chúng đã có vợ mới, tôi phải hẹn các con ra chùa bà Ngô, nơi bà nội ở để chăm sóc các con hoặc đến trường để thăm con. Dù ở hoàn cảnh nào tôi vẫn tìm cách chăm chút các con, không bao giờ bỏ con! Không đi du học nữa, dần dà tôi lại đón được cả hai con về số 1 Tràng Tiền, tập thể Nhà hát Lớn để ở. Ba mẹ con lại được ở bên nhau…

Tôi đã khép lại quá khứ từ lâu vì chuyện xảy ra lúc chúng tôi còn trẻ, tôi cũng tha thứ cho ông ấy từ lâu vì dù sao chúng tôi cũng đã có một thời yêu nhau và quan trọng nhất là chúng tôi đã có hai đứa con trưởng thành. Vì nghĩ vậy nên tôi đối xử rất tốt với ông ấy, mời tới dự tất cả các bữa tiệc, nhìn thấy ông đi đôi bít tất rách, tôi cũng không chịu được phải mua cho thay. Và tôi đã sẵn sàng thu băng cassette tất cả những bài hát của Quý Dương từng hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam để ông ấy lưu giữ làm kỷ niệm. Khi ông ấy ốm, tôi vẫn thăm nom và nhắc các con chăm sóc bố. Tôi đã im lặng sống, nhưng bây giờ tôi cũng muốn nói rõ mọi chuyện để bạn đọc và người thân cũng như các con tôi thông cảm và công bằng với tôi" - bà Thúy Lan ngậm ngùi nói.

...Nhà hát Thiếu nhi giải thể, bà chuyển qua nhiều đơn vị như Đoàn Dân ca Bình - Trị - Thiên, Đoàn Xiếc, Đài Huế, Đài Giải phóng (CP90). Năm 1975 về Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Năm 1976, bà xin lên biên tập và được làm biên tập viên Âm nhạc nước ngoài của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam chuyên viết chương trình giới thiệu tác giả và tác phẩm âm nhạc quốc tế trên sóng. Vừa đi học, vừa đi làm ở cơ quan, vừa phải làm thêm các việc để kiếm tiền nuôi các con, bà đã phải nỗ lực rất nhiều.

Tôi hỏi bà về sự im lặng của người mẹ sau thành công của NSƯT Chí Trung, bà Phùng Thúy Lan tâm sự, bà im lặng vì sự nghiệp của Chí Trung cũng đã phát triển tốt. Bà chỉ là người nuôi và giúp con những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống.

Bà kể lại những ngày tháng khó khăn gắn bó với Chí Trung: "Khi Chí Trung cưới vợ, tôi chẳng có gì nhiều, chỉ giúp được 1/2 tiền bán chiếc xe đạp Peugeot (do người nhà bên Pháp gửi về) để con làm đám cưới.  Giá trị kinh tế của một cái xe đạp Peugeot hồi đó có thể mua được một căn nhà nhỏ. Cưới xong, vợ chồng Chí Trung ở với tôi trên tập thể Nhà hát Lớn số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Tôi nhường phần nhà thoáng, rộng cho vợ chồng Chí Trung, còn mình leo lên gác xép của căn bếp nhỏ (trên lợp mái fibrôximăng, dưới đun bếp) để ở. Khi bán căn hộ tập thể của Đài Phát thanh phân phối cho tôi được 7 chỉ vàng, tôi chia đều cho vợ chồng Chí Trung và vợ chồng cô con gái cả tên Hương Lan, mỗi đôi vợ chồng 3 chỉ, chỉ giữ cho riêng mình một chỉ. Những ngày Chí Trung có con nhỏ, tôi vẫn âm thầm chăm sóc và giúp các con trong việc nuôi dạy các cháu, trông các cháu cho vợ chồng Chí Trung đi biểu diễn hằng đêm".

Có lẽ, sự trưởng thành thông minh của hai cháu nội cũng có phần đóng góp nào đó của bà. Và gia đình Chí Trung vẫn đang ở trong nền cũ căn tập thể của mẹ đã được xây lại ở số 1 Tràng Tiền. Năm 2002, Chí Trung mua cho mẹ căn tập thể ở 128 Đại La vì bà bị nhiễm độc hóa chất ở nơi ở cũ. "Vì sức khỏe, chứ tôi không bao giờ bỏ con cháu để sống một mình" - bà Lan khẳng định.

...Khi bà Thúy Lan nghỉ hưu, Ban Biên tập Âm nhạc vẫn giữ bà lại làm hợp đồng thêm 9 năm nữa. Lúc này, bà lại làm phát thanh viên đọc cho một số chương trình ca nhạc của Phòng Biên tập Âm nhạc sóng AM và làm ở bộ phận "Thư yêu cầu thính giả" của Phòng FM (âm nhạc trên sóng FM của Đài). Chỉ đến năm 2003, khi bị tai nạn gãy chân, bà mới nghỉ hẳn việc ở đài, nhưng vẫn tiếp tục công việc tổ trưởng tổ dân phố.

Năm 2004, bà trúng cử vào HĐND phường Tràng Tiền khóa VII nhiệm kỳ 2004-2009. "Cái chức vị đó thì chẳng to lớn gì đối với xã hội, nhưng tôi vẫn làm vì đó là sự đánh giá và tín nhiệm của hàng ngàn cử tri trong phường, có tiền cũng không mua được. Tôi nghĩ tham gia công tác của HĐND cũng là một cách để hòa nhập vào cuộc sống chung của mọi người, không bị tuổi già cách ly với xã hội sau bốn bức tường" - bà chia sẻ. 

Đã từ lâu bà không còn cô đơn nữa vì con cái bà đã trưởng thành, hiểu biết: Con gái làm gia sư dạy đàn organ, con rể làm giám đốc một công ty thuộc Petrolimex, con trai và con dâu là NSƯT. Niềm vui, nguồn an ủi lớn nhất của bà Phùng Thúy Lan hiện giờ là những đứa cháu ngoan ngoãn rất yêu bà; những đứa con yêu thương và luôn quan tâm đến mẹ. Sau cả cuộc đời vất vả, bà đã có được những niềm vui nho nhỏ thường ngày do bạn bè và con cháu đem lại. Tiếp xúc với bà, tôi chợt nhận ra một cốt cách của một phụ nữ Hà Nội: nhẹ nhàng, sâu sắc, tinh tế và hiểu biết. Và giọng nói bà, như một nét duyên…

Loan Nhi
.
.