Người nuôi nấng những giấc mơ bằng âm nhạc

Thứ Bảy, 25/04/2015, 16:38
Nhạc Trịnh, là cơn mưa thấm vào từng ngày tháng tuổi trẻ, nuôi nấng một loài cây rất lạ, rất mơ hồ huyền hoặc khói sương trong tâm hồn. Tôi đã phải lòng thứ âm nhạc ấy, và đó cũng là cái cớ để bất kỳ ai yêu nhạc Trịnh đều là bạn của mình, như một nhẽ đương nhiên của đời sống.

Thực sự, có rất nhiều lúc đau buồn, tưởng như không thể gượng dậy, lạ kỳ thay một câu thơ, một giai điệu, một giọng hát lại có thể mạnh hơn toàn bộ đời sống thực ngoài kia. Nó cho mình vịn vào, nương tựa. Như một bàn tay xoa nhẹ sau lưng mình, vỗ về, an ủi. Như một lời thì thầm từ sâu thẳm tiềm thức, cho mình thêm những hân hoan để tiếp tục con đường. Vì đã cảm nhận như vậy, nên có nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi, thực và mộng trong đời, cái gì có thể nuôi nấng mình nhiều hơn. Đôi khi là mộng vậy.

Năm tôi 15 tuổi, một buổi chiều mưa đi qua ký túc xá trường chuyên, bất ngờ gặp một giọng hát. Một giọng hát vọng ra từ chiếc đài quay băng cũ kỹ của một chị học chuyên văn, lớp 12. Một giọng hát đặc biệt đến nỗi làm tôi bần thần. Tưởng như đó là tiếng hát từ ngàn trùng nào rơi xuống, từ một vùng đất rất xa xôi nào vang tới. Tôi đã nghe và gần như ngay lập tức có thể thuộc giai điệu của bài hát đó. Có một sự thay đổi nào đó trong tôi, không thể gọi thành lời. Nó khiến tâm hồn tuổi 15 của tôi xao động mạnh, trong một ngày mưa. Sau này tôi mới biết đó là bài hát Biển nhớ, biết đến giọng hát Khánh Ly, và biết có một người nhạc sĩ tên là Trịnh Công Sơn.

Tôi đã gặp nhạc Trịnh vào những năm rất đẹp của đời người. Những năm tôi đi học ở một ngôi trường ở một thành phố tỉnh lẻ nơi tôi sinh ra, mỗi ngày viết những câu thơ nhỏ để dưới ngăn bàn hay kẹp trong cuốn vở. Những năm mà nỗi buồn tuổi trẻ bắt đầu dò dẫm tìm đến mảnh đất ngây thơ của tâm hồn. Những chủ nhật lang thang khắp các tiệm bán băng đĩa trong thành phố, mua tất cả những gì liên quan đến nhạc Trịnh bằng tiền nhịn ăn sáng của mình.

Suốt những năm học đại học, đối với tôi, nhạc Trịnh là một phần thực đơn của đời sống. Những ca từ đẹp và buồn của Trịnh làm nên những buổi chiều ký túc xá, những ngày cuối tuần không tình yêu, những chớm nở và cả những héo tàn của một mối quan hệ không đầu chẳng cuối. Nhạc Trịnh, là cơn mưa thấm vào từng ngày tháng tuổi trẻ, nuôi nấng một loài cây rất lạ, rất mơ hồ huyền hoặc khói sương trong tâm hồn. Tôi đã phải lòng thứ âm nhạc ấy, và đó cũng là cái cớ để bất kỳ ai yêu nhạc Trịnh đều là bạn của mình, như một nhẽ đương nhiên của đời sống.

Những ngày tháng xa gia đình, quay quắt với cuộc đời cơm áo sau khi đã bước chân ra khỏi giảng đường. Những cú đập đầu tiên của cuộc đời khắc nghiệt không khỏi làm tôi bấn loạn, hoang mang tự hỏi mình là ai, mình đến từ đâu và sẽ đi về đâu. Những lúc như vậy, tôi ngồi lại trong nhạc Trịnh, cảm thấy mình được sẻ chia an ủi.

Nhưng tài sản lớn nhất của tuổi trẻ không thể không nhắc đến, là Tình yêu. Trong cõi Tình mênh mông vô bờ vô bến ấy, nhạc Trịnh mới thực sự chạm vào cánh cửa tâm hồn tuổi trẻ của tôi và bạn bè tôi. Tôi nhớ Hà, một người bạn gốc Huế. Chúng tôi thường ngồi với nhau từ trưa sang chiều từ chiều sang đêm trong góc một cái quán nhỏ gần trường Tổng hợp. Và trôi trong nhạc Trịnh. Trong những Ru đời đi nhé, Níu tay nghìn trùng, Bốn mùa thay lá, Trong nỗi đau tình cờ hay Đóa hoa vô thường. Hà thường bị những cơn đau dạ dày hành hạ vì uống rượu nhiều. Những cái quán với không gian nhiều cây, hơi tối tối, trầm trầm nuôi nấng chúng tôi một sự sẻ chia không thể gọi thành lời. Chúng tôi đều ít nhiều từng bị vết thương trong tình yêu.

Và ngay cả những câu chuyện đã xảy đến thật mơ hồ, chỉ ám một chút khói sương tâm trạng cũng có thể chiều chuộng một cảm xúc buồn, một ý nghĩ mất mát khó nguôi ngoai khiến chúng tôi tưởng như mình là những kẻ tuyệt vọng nhất trên đời. Ngẫm lại, cơ chế tự nhiên kích hoạt và khuếch đại những đau buồn chính là hương vị của tuổi trẻ mà về cơ bản chúng ta càng sống càng tỉnh táo, càng nhanh chóng đánh mất những ảo vọng đó đi. Có phải vì thế chăng, mà những giấc mơ cũng rời bỏ chúng ta nhanh chóng. Có phải vì thế chăng, mà chúng ta thường hay nhớ về tuổi trẻ của mình trong sự tiếc nuối khôn cùng.

Rồi một hôm bất chợt nhận ra, căn nguyên của sự tiếc nuối ấy bắt đầu từ khát khao quay về tìm kiếm những dư âm của tình yêu - một thứ bờ cõi mà dù có sống bao nhiêu năm tháng trên đời chúng ta vẫn luôn bị ám ảnh bởi mùi hương của nó. Nói như Trịnh Công Sơn, cuộc sống không thể thiếu tình yêu. Và, nếu thiếu tình yêu, đời người sẽ tẻ nhạt nhường nào.

Phải, nhạc Trịnh đã vỗ về những tuyệt vọng tình yêu tuổi trẻ, và để lại dấu vết trong tuổi trẻ của tôi bằng nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ Vinh, cô bạn cùng khóa yêu và hát hay nhạc Trịnh. Vinh thường ngồi bên cửa sổ, trong bóng tối, chất giọng khàn khàn rất gần với Khánh Ly, triền miên từ bài hát này qua bài hát khác. Sau này Vinh rời bỏ thủ đô, theo người đàn ông bạn yêu, đến một vùng đất khác. Thỉnh thoảng gặp nhau trên Facebook, chúng tôi vẫn nói với nhau về nhạc Trịnh.

Mỗi năm tháng mỗi thời điểm nghe Trịnh, chúng tôi ngộ ra một góc khác trong đời sống của mình. Và trong dằng dặc những lo toan, những công việc thường ngày của một người đàn bà tuổi gần 40, Vinh vẫn luôn dành những thứ 7 cho nhạc Trịnh, trong một cái quán mà bạn yêu thích, nghe giọng hát của một người ca sĩ mà tên tuổi của họ nếu gõ Google chưa chắc đã tìm thấy. 

Trước tôi và sau tôi, có biết bao người nghe và yêu nhạc Trịnh, tìm thấy mình trong nhạc Trịnh. Mỗi người sẽ có một cuộc tình riêng với âm nhạc của Trịnh. Và một câu chuyện riêng để kể, về phút họ bắt đầu nhìn thấy những giai điệu rơi vào thế giới của mình. Sức lan tỏa ấy trong âm nhạc của Trịnh từ đâu. Tôi đã nghĩ nhiều đến hai chữ tự do. Là tự do trong biểu đạt của người cầm bút. Làm thế nào đó mà âm nhạc của Trịnh đã chảy trong đời sống, như một dòng sông bình thản nhất, không lệ thuộc vào những hệ lụy khác. Những sân khấu lớn nhất không dành cho nhạc Trịnh. Những ngôi sao chói sáng nhất không dành cho nhạc Trịnh. Những phù phiếm lấp lánh nhất của ngành công nghiệp biểu diễn không dành cho nhạc Trịnh.

Tôi nghĩ, khi bắt đầu gặp nhạc Trịnh, người nghe có thể có chút kinh ngạc mà không hề choáng ngợp. Kinh ngạc vì nhận ra những gì vang lên trong những ca từ và giai điệu ấy, giống như đóa hoa vô thường từ lâu đã nở sẵn trong tâm hồn mình. Nhạc Trịnh không mang đến những phát hiện, mà chỉ là gọi ra những mùi hương, những dấu vết đâu đó trong mỗi người, vào mỗi sớm mai họ ngồi trước hiên nhà và tự hỏi về thân phận của mình trong đời sống bao la rất thực và cũng rất ảo này.

Tôi chưa từng được gặp Trịnh Công Sơn ngoài đời, nhưng tôi có một kỷ niệm nhỏ để kể về ông. Đấy là năm 18 tuổi, tôi in tập thơ đầu tay có tựa là Lối về. Tôi đã rất băn khoăn khi nghĩ đến bìa tập thơ đó. Một tập thơ của tuổi hoa niên, những trong vắt của tâm trạng, về quê nhà, về Mẹ, về những nỗi buồn thiếu nữ chưa hình hài chưa định dạng. Tôi muốn cầm tập sách nhỏ ấy trên tay trước khi bước vào cổng trường đại học. Và cuối cùng tôi chọn một bức tranh của Trịnh Công Sơn để làm bìa sách, từ sự gợi ý của một người bạn. Một bức tranh tĩnh vật với những hoa liti màu trắng. Bức tranh cho tôi một cảm giác rất nhẹ, rất trong, một chút mùi hương tưởng tượng như mùi hoa cúc chi mà bà nội tôi vẫn thường dùng làm vị thuốc chữa bệnh an thần.

Tháng Tư năm 2000, khi ấy tôi vừa rời cổng trường đại học, bắt đầu đi làm báo. Qua một người bạn, tôi gửi tập thơ đầu tay có sử dụng tranh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm bìa, để tặng ông. Nhạc sĩ nhận cuốn sách đó trong một cuộc ngồi uống cùng bạn bè tại nhà riêng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Và ngẫu hứng, ông nhìn tên của tôi trên bìa tập thơ mỏng - một cái tên chắc chắn là xa lạ vô cùng với ông, rồi viết họa hai câu thơ: “Bình Nguyên ấy em đi về một bận/ Giữa Trang thư anh lận đận vô cùng”. Buổi đó, trong bạn bè của nhạc sĩ có nhạc sĩ Từ Huy. Nhạc sĩ Từ Huy tếu táo họa thêm mấy câu thơ lấy cảm hứng từ cái tên bút danh Bình Nguyên Trang của tôi ở góc trái trang giấy.

Rồi một hôm, tôi nhận được kỷ vật đó. Một trang giấy với nét chữ của người nhạc sĩ mà âm nhạc của ông đã tri kỷ cùng tôi suốt những năm tháng tuổi trẻ. Tôi cầm điện thoại và gọi cho nhạc sĩ, chỉ để nói cảm ơn ông. Nhưng đầu dây bên kia là chất giọng Huế, của một người phụ nữ đã lớn tuổi. Tôi không biết đó là ai. Khi tôi nói tôi xin gặp nhạc sĩ, người phụ nữ đó nhỏ nhẹ thông báo: “Ông Sơn hôm nay mệt”. Đó là thời điểm cuối tháng 6 năm 2000, gần 1 năm trước ngày nhạc sĩ vĩnh viễn ra đi.

Tôi đã giữ trang giấy có bút tích của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một kỷ vật quý giá. Những năm tuổi hai mươi, vật vờ công việc, thuê nhà làm công dân hầu khắp các quận ở thủ đô, tôi thường bỏ lại rất nhiều đồ vật sau mỗi cuộc dịch chuyển. Chỉ có những cuốn sách hay là luôn được tôi mang theo. Và trong chiếc túi đựng những kỷ vật quý, luôn có trang giấy khổ A4 phẳng phiu có bút tích của người nhạc sĩ mà trong âm nhạc của ông tôi ngộ ra nhiều lý lẽ cuộc đời. 15 năm, nhìn lại, nhạc sĩ cũng đã thiên thu 14 năm tròn. Những người bạn của ông có mặt trong buổi ấy, nhạc sĩ Từ Huy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cũng đã từ biệt nhân gian để đi về miền cát bụi. 

Tôi còn nhớ, đêm 1 tháng 4 năm 2001, sau khi truyền thông đưa tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, Đài Truyền hình phát sóng ca khúc Đóa hoa vô thường do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện. Khi ấy, tôi đang ở thành phố tỉnh lẻ, nơi tôi đi học thời trung học, nơi tôi lần đầu nghe bài hát Biển nhớ của Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly. Và tôi đã viết bài thơ Gửi người hát rong thế kỷ, sau này in trong tập thơ Chỉ em và chiếc bình pha lê biết, như một lời tiễn biệt ông. Bài thơ có những câu: “Nhưng đêm nay/ Một thế kỷ sau lưng tôi/ Và trăm năm phía trước/ Tôi níu vào nốt nhạc màu thân phận/ Ngồi nhìn mặt trời lên/ Để nhìn thấy mặt người...”.

Mỗi người trong chúng ta đều sống phần đời sống của riêng mình, với đủ mọi cung bậc thăng trầm, biến cố. Nhưng đời sống chỉ cao hơn đời sống đang có, khi chúng ta biết chạm tay vào giấc mơ. Nghệ thuật sinh ra từ đó, từ cuộc hạnh ngộ của con người với giấc mơ, để mở cửa một thế giới khác, sâu thẳm hơn, kỳ lạ hơn, yêu thương và trắc ẩn hơn.

Và tôi nghĩ, mỗi người yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn đều có một cuộc hạnh ngộ như vậy, khai sáng những khoảng không im lặng phía sau những nhạt nhẽo thường tình của đời sống. Điều này lý giải vì sao nhạc Trịnh chứa đựng một đời sống âm thầm mãnh liệt đến thế, trong trái tim người nghe nhiều thế hệ...

Bình Nguyên Trang
.
.