Người nhỏ mà chí lớn

Thứ Sáu, 31/05/2019, 19:21
Dù năm nay đã bước vào tuổi 31 nhưng anh Nguyễn Văn Hưởng (xóm Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) lại có cơ thể như một đứa trẻ. 

Tuy vậy, anh đã kiên trì, bền bỉ, quyết tâm xây dựng một xưởng mộc ngay tại quê nhà và nhận dạy nghề miễn phí cho nhiều thanh niên địa phương.

Buổi sáng, mưa bụi giăng nhẹ nhưng chân trời phía đông lại phớt hồng, hứa hẹn ngày nắng đẹp, tôi tìm tới nhà anh Nguyễn Văn Hưởng. Tôi đã biết đến anh từ 2 năm trước qua lời kể của cậu học trò cùng quê với anh, nhưng chưa có dịp được gặp anh lần nào. Nhà anh Hưởng nằm không cách bao xa con đường bê tông liên xóm.

Từ xa, tôi đã nghe tiếng máy đang chạy. Xưởng của anh không lớn, núp dưới mái nhà cấp bốn, nhưng khá vững chãi. Bên trong xưởng nhiều máy móc, phụ kiện, các loại gỗ được xếp ngay ngắn, một số sản phẩm đã gần làm xong trông khá đẹp mắt.

Dẫn chúng tôi một vòng quanh nhà xưởng, nhìn anh đi chân đất, nghe từng lời nói mộc mạc thì mấy ai biết được phía sau những niềm vui của anh là cả một quá trình dài. Rồi anh kể cho chúng tôi nghe về quá trình phấn đấu đầy gian nan của mình.

Anh Hưởng đang say sưa làm việc.

Ngày ấy, bố anh là bộ đội từng tham gia chiến tranh biên giới năm 1979. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về quê hương lập gia đình và sinh được ba người con, trong đó anh Hưởng là người con thứ hai. Gia đình vốn thuần nông và trồng thêm cây chè để có thêm thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Hồi - mẹ anh Hưởng cho biết: "Những năm đó ở đâu cũng khó khăn, thiếu thốn, chị gái và em trai Hưởng vẫn cao lớn bình thường, nhưng Hưởng thì lại như vậy".

Anh Hưởng cũng cho hay: "Mình người nhỏ bé nên từ nhỏ cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, ra ngoài hay bị bắt nạt và không có nhiều cơ hội chọn lựa nghề nghiệp như các bạn cùng lứa". Cơ thể anh mãi "không lớn lên" được nên việc nghĩ đến có một nghề nghiệp trong tay là khá khó khăn. Anh bỗng thần người, đăm chiêu nghĩ ngợi.

Có một kỷ niệm mà đến nay anh không thể nào quên. Đó là khi còn học trung học, anh đã nghĩ phải tìm được nghề nào cho phù hợp với mình. Nhưng nghĩ nhiều rồi thấy buồn, vì mình nhỏ bé, sức khỏe yếu nên không biết sẽ theo được việc gì. Gia đình cũng không đủ điều kiện cho anh đi học chuyên nghiệp.

Sau khi học xong cấp III năm 2008, ông Nguyễn Văn Hắc - bố anh đưa xuống Đông Anh, Hà Nội xin theo học nghề làm biển quảng cáo. Anh Hưởng nhớ như in chuyến đi đầu tiên ấy, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm. Thấy mình nhỏ yếu nên họ không nhận. Đến nơi "đất khách quê người", anh buồn lòng cùng bố lại quay về nhà.

Không chịu đầu hàng số phận, bố của anh đã lại lần nữa định hướng cho anh theo nghề mộc của ông chú ruột. Anh bảo khó khăn lắm vì tất cả quá sức mình. Mọi thứ đều phải học từ đầu, từ những cái nhỏ nhất, như phân biệt các loại gỗ, cách dùng các thiết bị hỗ trợ, đến sử dụng máy móc của nghề mộc. Chú ruột luôn động viên anh chịu khó cần cù thì tay nghề sẽ tốt. Anh cũng luôn ý thức mình kém may mắn hơn bạn bè nên luôn nỗ lực hết mình.

Mới vào học nghề còn nhiều bỡ ngỡ nhưng anh luôn chịu khó. Sau một năm anh đã có thể ra ngoài làm thuê ở một xưởng mộc lớn hơn ở xã bên. Thế nhưng quãng đường từ nhà đến xưởng chừng 6 km, anh không thể đi xe máy được, nên chỉ còn phương tiện duy nhất là đi xe đạp.

Ngày ấy, anh kiếm được số tiền công ít ỏi chỉ hơn 40.000 đồng mỗi ngày. Rồi dần dần anh tích lũy được kinh nghiệm và chút tiền để chi tiêu cho sinh hoạt. Sau hai năm làm thợ, anh nhận thấy tiềm năng phát triển nghề mộc rất lớn, lúc nào cũng có khách đặt hàng và đem lại thu nhập cao.

Nhưng anh lại hiểu rằng trình độ tay nghề ở địa phương chỉ làm những mặt hàng bình dân, đi theo một lối mòn, các sản phẩm không có gì thay đổi về kiểu dáng, mẫu mã. Vì thế anh đã tìm hiểu một số nơi nổi tiếng về nghề mộc và quyết tâm tiếp tục theo học.

Năm 2011, anh lại quay lại Thủ đô để vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau một thời gian ông chủ xưởng mộc khuyên anh nên học sâu về chạm khắc sẽ hợp với sức khỏe hơn. Hơn nữa, chạm khắc giỏi sẽ làm được nhiều sản phẩm đẹp, giá thành cao hơn mà đỡ vất vả. Thấy ông chủ khuyên vậy phù hợp với hoàn cảnh của mình nên anh bắt tay vào học.

Được những thợ có tay nghề tốt hướng dẫn, kèm cặp, mỗi lần không hiểu hoặc không biết xử lí sao cho đúng kĩ thuật thì anh lại hỏi để được chỉ cho cách làm đúng. Ngoài ra anh cũng dành thời gian nghiên cứu mẫu mã các sản phẩm ở làng nghề nổi tiếng Đồng Kỵ (Bắc Ninh).

Anh Hưởng nhớ lại: "Ông chủ xưởng mộc cũng tốt với mình lắm. Không bao giờ ông khinh thường hay có ý muốn đuổi việc mình cả. Còn những thợ khác thì đôi khi họ coi thường mình vì mình nhỏ con quá, nhưng quen rồi thì cũng không sao. Lúc ấy, mình chỉ mong có cái nghề để nuôi thân và phụ giúp gia đình".

Nhớ lại thời rèn nghiệp của mình, anh không khỏi ngậm ngùi. Cứ như vậy sau một năm theo học việc, tay nghề anh dần được cải thiện. Không những thế anh còn được chủ xưởng giao cho kèm cặp những thợ mới, hoặc những người mới học việc như anh ngày trước từ đó anh có thêm thu nhập. Mỗi tháng thu về được 6 triệu đồng, anh đã dành một phần để chi tiêu còn một phần gửi về cho gia đình.

Thế nhưng không thể mãi làm thợ, năm 2016, anh quyết định trở về nhà mở xưởng mộc riêng từ số số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm. Người thân trong nhà cũng góp sức anh xây dựng nên nhà xưởng để tiết kiệm chi phí. Nhìn xưởng mộc gần mặt đường hiện tại đang hoạt động máy móc liên tục, tôi cũng mừng thay anh. Ngoài thiết bị đồ nghề cơ bản đủ để làm nghề, anh tìm mua gỗ xoan, gỗ mít để làm ra sản phẩm như hoành phi, câu đối, bàn thờ, giường, tủ,….

Với kinh nghiệm có được sau nhiều năm học hỏi, anh làm ra những sản phẩm đồ gỗ đẹp, giá phải chăng nên được nhiều người biết đến, làm đến đâu bán hết đến đó, thậm chí nhiều người đã đến đặt hàng trước.

Hiện tại, mỗi tháng thu nhập trung bình trừ tất cả chi phí đi anh thu về hơn 10 triệu đồng. Thế nhưng, anh lại lấy lãi đó đầu tư ngược trở lại thêm máy móc lên tới hàng trăm triệu như: máy bào cuốn, máy lọng, máy cửa đứng và nhiều máy móc hỗ trợ khác.

Anh Hưởng quá nhỏ bé bên máy cắt gỗ.

Với nghề mộc, đặc trưng công việc là tiếp xúc với gỗ lớn, máy nặng, nhiều thiết bị to lớn mà anh thì quá nhỏ, sức khỏe yếu nên nhiều khi bê gỗ rồi vận hành máy cũng gặp nhiều khó khăn. Anh đã từng bật khóc vì cực nhọc, tủi thân trước số phận mình.

Không nói nhiều về những gì mình làm được, nhưng những câu chuyện mộc mạc của anh thật xúc động. Đó là những giọt nước mắt lăn trên gò má anh khi bị máy cắt đụng tới da thịt, là những lần gồng sức vác tấm gỗ to dài gấp đôi người; là gia đình thân yêu luôn ở bên đồng hành giúp đỡ, động viên, khích lệ anh.

Phải chăng, sức trẻ và trái tim "có lửa" của anh đã san phẳng mọi gian nan. Tình yêu thương của những người trong gia đình, sự ủng hộ của bạn bè luôn là nguồn động viên, là động lực lớn tiếp sức cho ý chí của anh.

Ngoài công việc kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân và gia đình, thì anh còn luôn ý thức được việc phải làm nhiều việc thiện, không ngần ngại giúp đỡ bà con lối xóm. Mỗi khi có ai nhờ sửa những món đồ cũ như bàn ghế bị hỏng hay sơn lại chiếc tủ cũ cho mới hơn, những việc nào quá nhỏ anh chỉ làm giúp, còn những việc tốn công hơn thì anh lấy giá rẻ vì bà con ở đây còn khó khăn. Yêu mến và cảm phục, chuyện anh Hưởng vượt lên số phận được mọi người truyền tai nhau.

Cô Bùi Thị Huấn - hàng xóm anh Hưởng cho biết: "Hưởng làm việc rất chăm chỉ, người nhỏ con nhưng chí lớn. Tay nghề khéo mà giá sản phẩm lại rẻ, có những lúc Hưởng chỉ làm giúp mọi người mà không lấy công".

Không chỉ tự vươn lên vượt mặc cảm, bằng đôi bàn tay tài hoa của mình, anh Hưởng đã khẳng định bản thân, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Anh còn nhận dạy nghề mộc miễn phí tạo điều kiện giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, thắp sáng ước mơ cho những người mong muốn có một công ăn việc làm, một cái nghề để sống.

Chưa bằng lòng với kết quả đó, anh vẫn còn biết bao dự định trong thời gian tới. Anh bảo nhất định phải đa dạng hoá sản phẩm. Tôi tin những điều anh nói, càng tin những việc anh đã và đang làm.

Mặc dù trong công việc đã có chút thành công, đã có "của ăn của để", thế nhưng con đường tình duyên với anh vẫn đầy trắc trở. Tuy vậy, khi tôi đả động đến vấn đề ấy, bỗng dưng anh đọc câu ca dao bằng giọng đầy lạc quan: "Lấy chồng thợ mộc sướng sao/ Mạt cưa rấm bếp, vỏ bào nấu cơm/ Vỏ bào còn nỏ hơn rơm/ Mạt cưa rấm bếp còn thơm hơn trầm".

Được trò chuyện cùng anh trong nhiều giờ đồng hồ, tôi cảm nhận được đầy đủ hơn những con người sinh ra trong cuộc đời phải chịu thiệt thòi, nhưng họ lại vượt lên hoàn cảnh, phấn đấu mong trở thành người có ích cho xã hội. Những câu chuyện về anh Hưởng cứ nho nhỏ, bình dị vậy thôi nhưng sao mà ý nghĩa, thực đáng để chúng ta nhìn vào và cùng suy ngẫm. Đối với anh, được tự tay làm ra sản phẩm ngày nào là ngày còn hạnh phúc. Đôi bàn tay khéo léo trên cơ thể không "đầy đặn" ấy sẽ mãi như cánh hoa nhỏ thơm mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Phương Vy
.
.