Họa sỹ Lê Thiết Cương:

Người nhận đơn đặt hàng của chúa Jesus

Thứ Sáu, 24/05/2013, 15:28
Vào một chiều đông giá lạnh áp tết năm ngoái. Có một người khách lạ từ phương xa tới. Ăn vận đồ Tây theo lối những năm 20, 30 của thế kỷ trước. Đầu đội mũ vải rộng vành có đính một bông Tử đinh hương 4 cánh tím nhạt. Đã bạc màu vì sương gió. Đứng ngơ ngác một lúc lâu ở quảng trường Nhà thờ lớn Hà Nội. Người ấy thong thả theo đường phía tay phải vỉa hè phố Lý Quốc Sư. Dừng lại trước cửa nhà số 39A. Bấm chuông. Chờ gia nhân trong nhà bước ra, khách lạ hỏi: Thưa, đây có phải là nhà họa sỹ Lê Thiết Cương không? - Dạ.

Khách bước vào nhà. Ngồi xuống bên mép ghế tràng kỷ gỗ gụ xưa cũ. Dường như nó không phải làm cái công việc tự mình già đi ở đây mà ở đâu đó trong phòng khách sang trọng một thời của kinh thành cổ Thăng Long đã rêu phong từ thế kỷ trước. Chủ của ngôi nhà này đã mang cái muôn năm cũ của Hà Nội về đây. Bỗng thấy một trang nam tử độ sắp ngũ tuần, dáng mảnh khảnh từ trên gác đi xuống. Đầu húi cua. Bộ ria mép đen và thưa. Vẻ rõ là một tay trí thức thành thị lãng tử, thích hài hước và kiêu bạc. Ông khách khẽ khàng cất giọng khiêm nhường. Những câu tiếng Việt pha lẫn một vài từ cổ mà người Hà Nội thời nay ít dùng.

Thưa monsieur Cương, đội ơn đã dành thời gian nghênh tiếp. Tôi từ xa tới. Có cái nguyện vọng muốn trình nơi ông. Nghe nói. Ông thành đạt trong lâu đài hội họa bằng quan điểm nghệ thuật tối giản. Mấy người bạn của tôi đã mua tranh. Được biết có ngày ông thu về tới mấy chục ngàn Mỹ kim. Thay vì tiền. Họ khổ công đưa cái sản phẩm tinh thần của ông từ đất Thăng Long về phía trời Tây.

Đặt trong phòng khách những tòa biệt thự sang trọng mang phong cách Anh-cát-lợi, với bao lơn có cửa kính vòng bán nguyệt ở phía mặt tiền. Tôi mạo muội xin ông hãy vẽ giùm tôi một bức tranh đã có mẫu sẵn từ thời phục hưng…Dạ thưa, bức Bữa tiệc cuối cùng của chúa Jesus. Hiện đang lưu giữ tại thánh đường Milan - Ý đại lợi. Leonardo da Vinci gửi lại hồn mình trong bức họa bất tử này. Xin ông, bằng quan điểm tối giản, hãy vẽ một bức tranh khác về bữa tiệc cuối cùng của chúa. Được như thế thì tôi cảm ơn  lắm lắm.

Thiết Cương khẽ nhếch mép. Miệng ngúc ngoắc nở một nụ cười nửa muốn nhận. Nửa muốn không. Rồi sau đó tỏ ra thận trọng: Thôi được. Ba ngày nữa mời ông trở lại đây. Và thế là hợp đồng vẽ bữa tiệc của chúa theo quan điểm tối giản đã được giao kết sau ba chiều đông giá lạnh dừng lại ở bên trong tòa nhà gần giáo đường Hà Nội.

Họa sỹ họ Lê cầm tinh con hổ. Sinh năm 1962. Ông đã phải sơ tán tuổi thơ của mình về làng pháo Bình Đà, Hà Tây cũ. Hết Mỹ bắn phá. Năm 1973 về lại Hà Nội học trung học. Rồi làm lính nghĩa vụ vài năm với kỷ niệm sâu sắc hơn cả là cái mũ cối và miếng cháy ở bếp ăn tập thể nhà binh.Trở lại Hà Nội học Trường Sân khấu điện ảnh cũng độ chừng ấy năm nữa. Rồi dấn thân đoạn trường vào nghề hội họa.

Hoạ sỹ Lê Thiết Cương. Ảnh: Minh Trí.

Năm 1991, Lê Thiết Cương đã có triển lãm cho riêng mình. Rồi sau đó liên tục là các Solo Exhibition hoặc Group Exhibition ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Tên các bức tranh và triển lãm của Cương mang đậm dấu ấn văn chương. Có lẽ vì thế người xem nhận biết được vẻ đẹp của nó bằng những rung cảm thi ca. Và có thể vì thế vào cuối năm 2012, ông đã triển lãm 13 bức tranh được họa vẽ trên nền cảm hứng nhận từ 13 câu thơ của các thi nhân Việt Nam đương đại mà ông thích. Một minh chứng cho sự gần gụi và đồng điệu giữa họa và thơ…

Các tác phẩm hội họa của Cương nối dài thời gian và nỗi đam mê của ông suốt hai chục năm trời đeo đuổi đến cùng tôn chỉ nghệ thuật: Sự tối giản…

Nhà 39A Lý Quốc Sư là chỗ lui tới của nhiều anh em trong giới văn nghệ. Phần đông họ ở Hà Nội. Lang thang mãi ngoài phố. Tạt vào bến đỗ một lát rồi đi. Nhiều khi chẳng có mục đích gì cả. Họ vô tư như những ngọn gió hoang dại của phố phường Hà Nội mà thôi. Có nhiều người hiền tài tuyệt lộ mà chẳng tỏ vẻ chán chường, bi quan hay làm bộ cao sang cho bõ tức, bõ tủi cái đời. Thi thoảng cũng có người đậu lại dùng bữa cơm nhạt.

Thường là bữa trưa. Gọi là cho vui cửa vui nhà. Thức ăn bày ra lắm khi chỉ tô canh chân giò lợn nấu giả cầy. Đĩa đậu phụ nướng. Vài mươi hạt lạc. Một ít bún rối. Đĩa rau thơm riêng có và đặc sắc của người Hà Nội. Một chai sủi tăm chính hiệu là sủi tăm. Thực khách đôi khi cao nhất cũng chỉ 4,5 người. Gia chủ ngồi ghế giữa cầm chai rượu. Có thói quen ăn ít. Uống nhâm nhi. Chẳng nói chuyện gì. Thỉnh thoảng lại ngồi thừ ra. Nhìn ngơ ngác. Như thể bỏ quên một mảng màu hội họa vô tư lự nào đó trên giá vẽ mà chưa kịp gỡ ra. Có lần ông Nguyễn Huy Thiệp tham gia còn cẩn thận mở món truyền thống mang từ nhà tới.

Ba nắm cơm nắm mỏng như cái bánh giầy chợ Bưởi. Lại gói muối vừng góp thức cho vui. Văn nghệ ơi là văn nghệ! Có ông chẳng ăn uống gì chỉ ngắt mấy lá rau thơm trên đĩa. Đưa cay. Chẳng mấy khi nói chuyện văn chương nghệ thuật. Vốn con nhà nông, lắm khi tôi bụng bảo dạ: tối giản kể cả trong ăn uống thế này thì em chịu! Cái sự ăn uống mang màu sắc tiêu dao như cái thú chơi của mấy ông văn nghệ. Chơi kiểu nghèo mà vẫn sang. Một thứ văn hóa thuần khiết của loại người có chữ lại có dính dáng đến nghệ thuật…

Một lần nọ. Ông Cương rủ họa sỹ Đào Hải Phong có biệt danh Mr. Blue cùng tôi đi chơi tết trên bờ sông Đáy. Đoạn sông dòng chảy vốn đã vành rộng ra ở vùng Sơn Nam Thượng thuở trước. Phía nam tỉnh Hà Đông, trước khi đổ vào đất Hà Nam danh giá. Hôm ấy độ ba tuần sau tết. Mưa xuân mờ ảo khắp các bờ đê đầy những cỏ may ướt át. Đâu đó lấp ló một mái đình, chùa cổ đánh quên mất cả thời gian sát ở chân đê. Mặt sông Đáy mỏng mảnh những làn sóng nhẹ bảo rằng tình xuân còn ở dưới đáy sông, nên ba kẻ lữ khách tìm mãi mà chưa thấy hoa xoan nở. Chỉ là một sản phẩm tối giản của mùa xuân châu thổ thôi mà.

Loài hoa khiêm nhường mà vắng xa như những người đàn bà quê kiểng thương chồng thương con nhất mực ở chốn này. Mùa xuân như sắp đi qua mà vẫn chưa tìm được vẻ đẹp mơ hồ của hoa xoan giữa đất trời mưa bụi bay mờ mịt. Cái vẻ đẹp thầm kín, thuần khiết Việt ấy dường như đã theo mưa về bên kia sông Đáy mất rồi. Không biết cách đây 600 năm, nỗi ám ảnh của loài hoa ấy đã lặng lẽ rơi trong sách Ức Trai thi tập.

Ngần ấy năm rồi mà chưa vơi hết nỗi buồn nhân thế, để đến bây giờ nó vẫn rất gần mà lại rất xa. Than ôi! Bóng dáng của thời xưa cũ của cha ông, mong manh như thân phận và khát vọng sống của con người. Mấy kẻ du xuân hậu thế mong tìm về cái đẹp thuần Việt của ruộng đồng sông nước xứ quê; được xốn xang lạc vào cõi phôi thai của mỗi đời người. Mưa xuân hay hoa xoan đã phủ đầy vai áo ba kẻ lữ khách giữa một trưa xuân không có nắng mà chẳng ai trong họ kịp nhận ra để bày tỏ nỗi niềm.

Đám văn nghệ sỹ có trời mà biết được khối mâu thuẫn lớn của bản thân họ, của bộ dạng bên ngoài khăn áo đón đưa với tác phẩm của họ. Cái vẻ bề ngoài của Thiết Cương đôi khi khệnh khạng giống hệt cụ tiên chỉ làng Vũ Đại. Chẳng ăn nhập gì với quan điểm tối giản và thế giới nghệ thuật của ông ta. Lại nghĩ thương cho chàng thi sỹ ở thế kỷ trước. Cả một đời người viết hàng trăm bài thơ tình. Rằng hay thì thực là hay. Nhưng chắc gì đã nhận được sự cảm thông cho nỗi cô đơn dù chỉ bằng ánh mắt thôi và cũng chỉ cần một lần thôi của người thiếu nữ yêu kiều, thơ ngây, trong trắng.

Lỗi đâu phải người con gái ấy và cũng đâu phải của chàng. Chả bù cho người chỉ cầm trên tay chiếc lá diêu bông không có thật trong đời một lần thôi mà để cho người con gái váy buông chùng cửa võng một đời chẳng se chỉ ấm chôn kim! Cái quy luật sinh tồn và mê đắm nghệ thuật chẳng bao giờ đi cùng đường với nhau. Và cuộc đời của Lê Thiết Cương phải chăng cũng chỉ là một ví dụ trong hàng triệu ví dụ mà chúa trong bảy ngày sáng tạo ra con người chưa dự đoán hết.

Trở lại hợp đồng Bữa tiệc cuối cùng của chúa Jesus. Áp tết năm nay, vào một chiều đông giá lạnh hơn nhiều chiều đông năm trước. Người khách phương xa lại xuất hiện trước quảng trường Nhà thờ lớn. Ngơ ngác một hồi lại theo vỉa hè phía tay phải đường Lý Quốc Sư đến nhà số 39A. Lại ngồi xuống mép ghế tràng kỷ âm thầm đợi gia chủ. Cương nói: “Trong năm Rồng vừa rồi, đã dựng 13 giá vẽ và căng toan cùng một cỡ 50 x 100cm. Tất cả đều lót màu trắng ngà. Đã vẽ cả năm được 13 bức Bữa tiệc cuối cùng của chúa Jesus mà chưa bức nào ưng ý cả. Hiện đã căng thêm 13 bức toan lót màu trắng ngà mới để ra giêng bắt đầu làm tiếp. Nếu ông khách cần tranh hãy chọn lấy một bức. Bằng không xin đợi đến mùa xuân năm sau”.

Người khách mỉm cười nhỏ nhẹ nói: “Ơn chúa! Cảm tạ tấm lòng nghĩa hiệp của ông. Nhưng tranh ông vẽ ra mà ông chưa vừa ý thì nỡ lòng nào cầm tranh đi được”.

Trầm ngâm một lát, người ấy cao giọng chẳng khác gì giọng nói sang trọng của một đức cha: “Mỗi thời đại lịch sử, thiên chúa chỉ ban cho con người khả năng tạo ra những giá trị tinh thần nghệ thuật theo tầm vóc của chính con người. Chúa và chính bản thân con người không muốn và không thể lặp lại những di sản vĩ đại do những người khổng lồ đi trước sáng tạo ra. Lặp y như cũ cũng chỉ như người thợ truyền thần thôi. Bữa tiệc cuối cùng của chúa Jesus chỉ có một và mãi mãi chỉ có một. Khuôn mặt đầy tâm trạng khác nhau, thậm chí khác hẳn nhau của 12 vị thánh tông đồ khi chúa Jesus thổ lộ có kẻ phản bội mình là một thách thức cho họa sỹ mọi thời đại thể hiện điều đó trên giá vẽ bằng ý tưởng và phương pháp sáng tác khác nhau. Thưa monsieur Cương! Tôi hiểu và thông cảm điều đó là tuyệt đối không dễ dàng đối với ông”.

Lê Thiết Cương có thói quen trầm ngâm khi nghe người khác nói. Lúc ông tỉnh dòng suy nghĩ thì không còn thấy vị khách đâu nữa. Chỉ thấy bông hoa Tử đinh hương màu tím nhạt ở lại khiêm nhường trên mặt gỗ gụ tràng kỷ cổ xưa. Vội chạy ra cửa. Phố xá chiều đông đã lên đèn. Vẳng đâu đây tiếng chuông nhà thờ lớn Hà Nội buông ra những vòng sóng âm thanh linh thiêng vào thế giới huyền ảo ước vọng trong bóng chiều thăm thẳm của tiết cuối đông.

Thiết Cương trở lại trai phòng. Cầm trên tay bông hoa Tử đinh hương, ông chợt nghĩ những tác phẩm hội họa lớn nhất của đời mình còn đang ở phía trước. Con đường nghệ thuật của ông một lần nữa lại mở ra đến vô cùng. Gallery 39A Lý Quốc Sư không thể đóng cửa được. Nó đang chờ đợi tác phẩm đẹp nhất của gia chủ trong một đức tin đầy lãng mạn của mùa xuân Hà Nội.

Lê Thiết Cương đã từng nêu ra một tuyên ngôn nghệ thuật: “Tôi thích số ít, thậm chí chỉ là một. Nơi chúng ta ra đi và sẽ trở về. Tôi không thích nhiều màu. Tôi thích trắng và đen. Trắng, nơi các màu trở về. Đen, màu ban đầu khi mắt chưa mở”. Đây là tiếng nói chung cho nhiều người theo đuổi nghiệp văn chương nghệ thuật. Bữa tiệc cuối cùng của chúa Jesus là đơn đặt hàng cho tất cả chúng ta.

Đó phải chăng là tiếng gọi thiết tha và thiêng liêng nhất của cuộc đời, là tiếng gọi của lương tâm thanh bạch người nghệ sỹ đang tự mang trong mình cái thiên chức cầm bút. Tự vượt lên chính mình, sáng tạo ra những tác phẩm không lặp lại người khác, lặp lại ánh sáng đã qua, dù đó là ánh hào quang chói lọi của mặt trời Leonardo da Vinci.

Lê Thiết Cương còn phải mất bao nhiêu thời gian nữa bên 13 bức toan trắng ngà đã được căng sẵn trên giá vẽ trong căn nhà 39A Lý Quốc Sư cho Bữa tiệc cuối cùng của chúa Jesus. Tôi hy vọng ông sẽ tìm thấy gam màu thiên đường của hoa xoan nở bên bờ đê sông Đáy vào một sáng mùa xuân, giống như màu phúc âm tím nhạt của bông Tử đinh hương thiên sứ đã mang đến nhà ông từ phương trời xa lắc để giúp ông làm bản hòa âm màu sắc cho bức họa lớn nhất đời mình còn dang dở

Khuất Bình Nguyên
.
.