Người ngủ quên trên phố

Thứ Tư, 06/05/2009, 10:23
"Mỗi chúng ta, ai chẳng xuất phát từ nhà hộ sinh và kết thúc là cái lỗ huyệt. Cái còn lại cuối cùng là nghệ thuật, là cái đẹp. Người nghệ sĩ luôn luôn đi tìm cái đẹp và sự hoàn thiện của tâm hồn…". Họa sĩ Vũ Dân Tân tâm sự như thế trong ngôi nhà bề bộn tranh của mình. Trong không gian riêng ngay mặt con phố đắt đỏ nhất Hà Nội, ông họa sĩ chẳng cần biết ngoài kia phố xá tấp nập buôn bán, làm ăn. Một nhà thơ nói Vũ Dân Tân là một người ngủ quên trên phố.

1. Đó là cách nói yêu dành cho người họa sĩ có những việc làm chẳng ăn nhập gì với chốn phố xá. Khi những người khác đang cày cục, tận dụng mọi cơ hội kiếm tiền thì người họa sĩ già quyết giữ lấy không gian của mình, để bản thân có chỗ mà "nghịch" mà "chơi" như cách nói của ông.

Giải thích về câu "ngủ quên trên phố", Vũ Dân Tân nói rằng là do cái tính ngại giao tiếp với bên ngoài của ông. Nhưng hễ ai đến với không gian riêng của ông đều nhiệt tình tâm sự. Rất nhiều người hỏi ngôi nhà đó, ông có thể cho thuê và thu về mỗi tháng cả nghìn đô, cho ông một cuộc sống no đủ. Nhưng Vũ Dân Tân đã không làm thế. Bây giờ, bà cụ thân sinh ra ông đã già yếu. Ông định sẽ bán căn nhà này đi, số tiền có được sẽ dành để xây "chùa". "Nhưng ngôi chùa của tôi sẽ không có Phật, chỉ có Picasso, Leonard Da Vinci, Mozart… và cả tôi nữa. Tôi sẽ làm người coi sóc khu "chùa" của mình và thưởng thức cái đẹp ở đời theo cách riêng. Tôi sẽ làm theo ý tưởng của mình và ý tưởng ấy là vô giá" - Vũ Dân Tân nói, với lòng quyết tâm cao và một sự thanh thản. Tôi hiểu là ông đã chuẩn bị tinh thần và tâm thế cho một ngày đó, một ngày mình rời xa phố sau những ngày ngủ quên trên phố.

Mấy năm trước, ông rất thích nghệ thuật sắp đặt. Không gian riêng được người nghệ sĩ làm cho bề bộn không ai có thể hiểu nổi. Giấy nilon treo đầy cửa, máy tính và bàn phím mỗi thứ một nơi, bột màu và toan vẽ lổng chổng. Một chiếc đàn phủ màu thời gian cũng cõng trên mình nó những chiếc mặt nạ.

Từ năm 1970, dân Hà Nội biết đến những chiếc mặt nạ kỳ quái với thương hiệu Vũ Dân Tân. Ông có thể làm những chiếc mặt nạ bằng nhiều vật liệu, từ mặt nạ gỗ, giấy, nhôm, đồng, mẹt sàng, dần… mang nhiều dáng dấp cũng như giới tính khác nhau. Ông làm mặt nạ của cô gái, chàng trai, ma quỷ… Nhà thơ Dương Tường khen: "Dân Tân là một tay phù thủy, bất cứ vật gì rơi vào tay Dân Tân đều có thể trở thành một tác phẩm đẹp". Trong 10 năm, hàng nghìn chiếc mặt nạ ra đời, nhiều nhất là mặt hổ (ngũ hổ), tướng và mỹ nhân. Thời gian đó, đời sống kinh tế còn khó khăn, thu nhập của một họa sĩ ở xưởng phim hoạt họa không đủ trang trải cho cuộc sống, những chiếc mặt nạ của Dân Tân đã giúp cuộc sống gia đình sung túc hơn. Bây giờ, không làm mặt nạ nữa nhưng ở một vài con phố, người ta vẫn bán mặt nạ có ảnh hưởng của ông.

Vũ Dân Tân có nhiều kiểu "chơi", kiểu "nghịch" theo ý riêng. Khi "nghịch" bất kỳ một thứ gì, ông đều không chủ ý trước mà làm một cách hết sức ngẫu nhiên. Có một điều lạ là khi ông chơi mặt nạ, thì Hà Nội cũng rộ lên phong trào chơi mặt nạ. Khi ông chơi thuỷ tinh thì nhiều nghệ sĩ cũng thích chơi thuỷ tinh. Một thời gian dài ông thích thưởng thức bình sành sứ, bình đất nung. Ông tìm mua rất nhiều bình được đưa từ Bát Tràng sang. Ông bảo, những chiếc bình ấy vừa rẻ vừa mang lại cho ông cảm giác thích thú khi ngắm nhìn vì nó có rất nhiều kiểu dáng mà ngay cả tranh và sự tưởng tượng của nghệ sĩ cũng không thể hiện hết.

Giờ, ngôi nhà gọn gàng và sạch sẽ hơn nhiều. Đầu tháng tư vừa qua, trong không gian Salon Natasa của ông diễn ra triển lãm tranh của các em thiếu nhi. Người xem nhận thấy nét tương đồng trong những nét vẽ của Vũ Dân Tân với các em thiếu nhi. Điều đó cho thấy trong nghệ thuật, khoảng cách của tuổi tác sẽ chẳng còn ý nghĩa. Còn ông họa sĩ thì chẳng có khoảng cách nào vì đã coi các em như những họa sĩ thực thụ. Ông cho rằng, các em đã làm được những điều mình nghĩ, những khát vọng của tuổi trẻ thơ bằng tư duy  còn chưa bị vấy những lo toan. Nhất là trong đời sống nghèo nàn về tinh thần của trẻ em hiện nay, được tự do vẽ và được vẽ như các em là một hạnh phúc. Một lần nữa, được sống lại cảm giác của trẻ thơ, khi gần các em, những tác phẩm của các em, ông họa sĩ dường như khoan khoái ngẫm ngợi tuổi thiếu thời của mình trôi đi và dường như quên mất nó ở trên phố. Nay kịp nhận ra mình cũng có một thời như thế.

2. Lúc tôi đến thăm, ông họa sĩ gầy gò ngồi gọn một góc trong không gian của mình. Dù chân chậm, mắt mờ nhưng tình yêu hội họa và âm nhạc với ông không bao giờ nhạt. Ông tâm sự rằng, mình chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi trong con đường nghệ thuật, dù có lúc rất nhiều người than thân tại sao lại lao vào cái nghiệp, giống như trời hành. Lúc nào ông cũng tự tin, đầy nhiệt huyết để bước trên đường nghệ thuật và thăng hoa với những cảm giác đẹp đẽ khó tả mà nghệ thuật mang lại, dù bản thân ông cũng có lúc bị trời hành. Với tinh thần lạc quan, ông chấp nhận và cảm giác thấy mình thưởng thức được cái mùi vị đau khổ, mệt mỏi đó, đồng thời thấy hạnh phúc. Rồi có lúc ông đốt tim mình bằng sự thăng hoa. Hơn mười năm qua mắt bị mờ, ông chỉ nghe thông tin từ đài và nhờ người đọc báo, như thế cũng đủ để ông hiểu những gì đang trôi đi ngoài đời kia.

Những gì đang đến và đang đi, trời cho cái gì và lấy đi cái gì. Nghệ thuật hay sự tầm thường. Nhân phẩm hay điều rẻ rúng… Đôi tai thính là thứ ông trời đã bù đắp cho người nghệ sĩ, để ông vẫn có thể chơi đàn, nghe và nhận biết được dòng nghệ thuật trên tay mình đang chảy, đang tuôn khi tay và tâm ông hòa làm một. Tay nghe thấy, tâm điều khiển và tâm hồn luôn là người chỉ đường nhanh nhạy và chính xác cho tay. Hỏi ra mới biết Vũ Dân Tân bị cận thị nặng từ trẻ, cách đây hơn mười năm, mắt ông bị biến chứng và mờ đi. Nhưng với ông, nó không hạn chế. Ông bảo: "Dường như đó lại là ân huệ trời cho tôi, hoặc trời muốn tôi như thế. Dù không còn đôi mắt sáng nhưng nó chẳng ảnh hưởng đến chuyện vẽ vời của tôi. Không nhìn thấy, như thế sẽ bỏ được những cái không cần thiết trong nghệ thuật hội họa. Mà trong hội họa, rất nhiều cái cần phải bỏ qua…". Đúng là lời nói của một người lạc quan!

Vũ Dân Tân sinh năm 1947, chưa từng học những trường mỹ thuật danh tiếng mà chủ yếu học ở ngoài và tự học. Từ ngày nhỏ, bố ông - nhà viết kịch Vũ Đình Long đã đưa con đi học các thầy ở bên ngoài để cậu học vẽ. Chính ông là người đã động viên con trai và thắp lên tình yêu âm nhạc, hội họa của con. Khi cậu bé Tân mới 7 tuổi, ông Vũ Đình Long đã mua tặng con trai chiếc máy quay đĩa của Pháp, hiệu Orphée, được sản xuất khoảng năm 1945. Niềm đam mê âm nhạc cứ lớn dần trong tâm hồn non nớt, với một bên chân tập tễnh tàn tật. Sau này, để nuôi niềm đam mê, ông lặng lẽ sưu tầm những chiếc máy nghe nhạc cổ điển và vô tình trở thành người sưu tập máy quay đĩa hàng đầu trên đất Hà Nội. Hiện nay, trong tủ đĩa hát của ông có khoảng 600 chiếc do những hãng đĩa hát nổi tiếng trên thế giới sản xuất như: Melodia, Supaphone, Damophone... Ông bảo, độ đó là thời kỳ bao cấp, để mua được chiếc đĩa hát là điều rất khó khăn. Phải quen biết nhiều ông mới có thể mua được. Bè bạn biết ông Tân mê đĩa hát, nên hễ ai đi công tác về lại mua tặng một vài chiếc, tích góp dần. Làm thành gia tài ngày hôm nay.--PageBreak--

3. Bề ngoài, Vũ Dân Tân khẳng khiu như một cây sậy, chỉ bộ râu của ông là đáng chú ý. Ông tâm sự rằng, bộ râu cũng là một kỳ công mà Thượng đế đã ban cho con người. Nếu đã chơi thì nó cũng cần được chăm sóc, bảo dưỡng và nó cũng có giá trị như những công trình nghệ thuật. Bộ râu gắn bó với ông mấy chục năm, thế nhưng đã mấy lần ông phải cắt đi. Lần đầu tiên ông ra nước ngoài, phải cắt để làm ảnh. Lần nữa là do bị ốm, bác sĩ buộc ông phải cắt để dễ dàng cho việc điều trị. Mỗi lần cắt, ông lại có cảm giác mới lạ, như những điều mới lạ khác mà ông đã từng khám phá.

Ông kéo tôi đến bên cây đàn đã ngả màu thời gian, nói nó là bạn mình. Nó là vật giúp ông nói chuyện với các danh cầm của thế giới. Và, dù ngoài kia tiếng xe cộ ồn ào, thì bên trong, đôi tay dài gầy guộc của ông nhẹ lướt trên phím, với bản nhạc cổ điển. Là một người có học âm nhạc bốn năm, vốn hiểu biết của ông không phải thường. Ông thường lấy đó làm quà để tiếp đãi bạn bè, và để mỗi khi màn đêm buông xuống, người họa sĩ lại tấu lên bản nhạc mình thích, để thấy đời đẹp đẽ biết bao.

Vũ Dân Tân vẽ nhiều tranh chân dung và ông gọi đó là "tự vịnh". Hàng chục bức chân dung với những kiểu dáng khác nhau. Thường các họa sĩ vẽ chân dung mình và gọi là tự họa, ông cũng vẽ chân dung mình nhưng gọi khác. Tự vịnh là tự khen ngợi, tự đề cao mình đồng thời lại tự giễu, tự cười mình. Chân dung tự vịnh của ông là để vui, để thưởng thức cái thú. Là để đem lại niềm vui cho công chúng, như sự sáng tạo nghệ thuật của ông là để đem lại niềm vui cho mọi người.

Vũ Dân Tân đã làm mấy câu thơ "tự vịnh", treo bên cạnh một chân dung mình, để mỗi lúc đọc lại, ông khoan khoái cười: "Chẳng là cái quái gì, sao lại đội lốt Napoléon?/ Mặt mũi, râu ria có giống ông?/ Mũ mãng Bonaparte lù lù một đống,/ Gậy gộc Charlie Chaplin tỉ tỉ mấy mấy đồng/ Trông lên, thôi thì chẳng bằng nó/ Nhìn xuống, thế đấy cũng là ông/ Em ơi, có yêu cho một tí/ Chẳng rồi mai lại nói rằng không".

4. Tôi đùa ông họa sĩ rằng, ông là người nhạy cảm, chắc chẳng ngủ quên trên phố đâu. Nếu ai cũng lo kiếm tiền, lo lắng chạy vạy làm giàu thì đâu có những không gian nghệ thuật theo kiểu Vũ Dân Tân. Ông họa sĩ già trước tuổi chỉ cười và tâm sự rằng, nghệ thuật là phải đam mê và cái đam mê của nghệ thuật nó xa xỉ, đặc biệt hơn bất cứ niềm đam mê nào khác. Nó không chấp nhận sự hời hợt, tẻ nhạt, nó cần sự dấn thân và hy sinh. Sự dấn thân và hy sinh của Vũ Dân Tân được trả giá bằng sự quý trọng, nể phục của bè bạn, đồng nghiệp và thêm nữa là ông thấy hài lòng với chính mình

Nguyễn Văn Học
.
.