Người ngồi lên bom nổ chậm năm ấy

Thứ Sáu, 21/03/2008, 10:30
Người con gái đất Phù Hóa, Tuyên Hóa phía tả ngạn sông Gianh đã ngồi lên quả bom nổ chậm của Mỹ, để đồng đội an tâm tiếp tục san lấp mặt đường cho xe qua, trong thiên truyện đã trở thành thần tượng anh hùng in đậm trong tâm khảm tôi và có lẽ cả trong rất nhiều bạn đọc trên miền Bắc lúc bấy giờ.

Tìm người trong truyện

Tháng 5 năm 1968, trong những ngày ác liệt nhất của bom đạn Mỹ ném xuống Quảng Bình, đang ngồi soạn bài trong nhà hầm ngột ngạt cho giờ lên lớp ngày mai ở Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch, sơ tán tại xã Phù Lưu thì nhà thơ Trần Nhật Thu ở Hội Văn nghệ Quảng Bình, bạn cùng khóa học phổ thông, nhân chuyến đi công tác qua đã ghé tìm thăm tôi.

Sau những lời hàn huyên toàn chuyện sống chết bom đạn trên đường đi, Trần Nhật Thu tặng tôi cuốn "Vì sự sống con đường" của tác giả Nguyễn Khắc Phê mà rằng: "Đây là cuốn ký sự của một kỹ sư giao thông viết về đơn vị TNXP trên đường 12A phía Tây Quảng Bình vừa được NXB Thanh niên ấn hành. Sách in xong, chở một ít về Quảng Bình, bị máy bay Mỹ đánh nát hết. Tác giả nhặt lại được một ít. Đây là cuốn trong số đó. Tuyệt lắm, tặng cậu đấy!".

Sau này, Nguyễn Khắc Phê đã thành nhà văn, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh nổi tiếng, và cuốn ký sự ấy của anh được giải nhì của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam về đề tài công nhân và TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1970). Cuốn sách của anh đã thu hút hồn tôi trong căn hầm chữ A với ngọn đèn phòng không tù mù thắp bằng dầu ma dút, ánh sáng tỏa ra từ ô cửa hình chữ nhật bằng bao diêm, suốt cả đêm đó.

Trong truyện, hình ảnh chị Trần Thị Thành, Đại đội trưởng TNXP C759 - Anh hùng trên tuyến đường 12A rực lửa miền Tây Quảng Bình hiện ra trước mắt tôi, hiên ngang, sừng sững, gan dạ, kiên cường. Người con gái đất Phù Hóa, Tuyên Hóa phía tả ngạn sông Gianh đã ngồi lên quả bom nổ chậm của Mỹ, để đồng đội an tâm tiếp tục san lấp mặt đường cho xe qua, trong thiên truyện đã trở thành thần tượng anh hùng in đậm trong tâm khảm tôi và có lẽ cả trong rất nhiều bạn đọc trên miền Bắc lúc bấy giờ.

Vừa qua, chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM 26-3, tình cờ nhờ một người bạn, tôi biết được địa chỉ của ch. Tôi đã đến tiểu khu 5, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình để gặp người Anh hùng của lòng tôi năm xưa. Bây giờ chị đã sang tuổi 67, mái tóc đã bạc trên khuôn mặt dịu dàng nhưng rắn rỏi, đôi mắt chị đượm buồn vì người chồng thân yêu của chị mắc một chứng bệnh hiểm nghèo vừa qua đời.

Thế nhưng, khi nghe ý định và những lời khẩn khoản cởi mở của tôi, chị lẳng lặng dẫn tôi vào phòng khách, kéo ghế và pha trà. Sau 43 năm, hôm nay tôi mới đối diện được với người thực trong truyện, điều mà tôi hằng ao ước.

Đường 12A và chuyện về quả bom nổ chậm

Ngày 15/5/1965, Trung ương Đoàn TNCS HCM nhất trí cho Quảng Bình thành lập hai đơn vị TNXP chống Mỹ, cứu nước với phiên hiệu N73 và N75. N73 gồm 7 đại đội, phục vụ ở Bắc đường 9 sau rút về tăng cường cho công trường 151, bảo vệ tuyến đường từ ngã ba Khe Ve đến phà Xuân Sơn thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. N75 gồm 9 đại đội tăng cường cho công trường 12A, đoạn thuộc địa phận huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Đây là tuyến đường dài gần 30km nối Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn của con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử qua ba nước Đông Dương. Kể từ tháng 6-1964, địch bắt đầu phát hiện và đánh phá, nhưng từ 1965 trở đi thì mức độ càng ác liệt hơn. 24 giờ trong ngày, trên tuyến đường này không khi nào ngớt tiếng máy bay địch, kể cả B52.

Mỹ đã ném xuống đây đủ các loại: bom khoan, bom phá, bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm, bom na pan, bom lân tinh và vô số máy phát sóng ghi chấn động gọi là "Cây nhiệt đới". Cho nên bộ đội Trường Sơn gọi chặng đường này là "Cửa tử". Lán trại của công nhân và TNXP trên tuyến đường ban đầu ở trong rừng rậm. Địch đánh rừng rậm, đơn vị sơ tán ra đào hầm trú ẩn ở đồi trọc hoặc ven đường. Ý chí đó vang lên trong câu khẩu hiệu kẻ căng trên tường vách lán: "Địch đánh rừng già ta ra rừng non. Địch đánh rừng non ta ra đồi trọc".

Không ngày nào là không có người hy sinh. Bởi vậy, trước khi đi làm, đơn vị thường tổ chức "Lễ truy điệu sống", mang theo cả quan tài, rượu cồn phòng khi khâm liệm tử thi. Nếu trong đêm, đường tắc khoảng 1 giờ thì có hàng trăm chiếc xe vào chiến trường B, dồn ứ lại, làm mồi cho bom đạn Mỹ.

Bao chiến sĩ lái xe và chiến sĩ làm đường Trường Sơn đã hy sinh thầm lặng nơi đây. Bởi vậy, đơn vị TNXP trên đường 12A hạ quyết tâm không để tắc đường trong mọi tình huống. Họ ăn uống vô cùng kham khổ. Có khi suốt tuần chỉ ăn lương khô và canh rau tàu bay rừng. Chị em phụ nữ do công việc không có thời gian tắm giặt, và thiếu quần áo, đồ dùng sinh hoạt. Về mùa hạ thiếu nước, nỗi khổ càng tăng lên, khiến họ rụng tóc, lở loét, tróc da. Tuy vậy, không một ai rời đội ngũ.

Nổi bật trong sự chịu đựng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đó là Đại đội 759 Anh hùng, phụ trách đoạn đường 10km từ Khe Cấy lên Bãi Dinh.

Ngày 3/7/1966, Mỹ cho nhiều tốp máy bay thay phiên nhau giội bom xuống khu vực núi Y Leng. Suốt từ 1 giờ sáng đến 12h trưa, bom đạn địch ào ào trút xuống nơi đây. Một khối lượng đất đá từ trên núi đổ ập xuống, chôn vùi 8 người và làm bị thương toàn bộ chiến sĩ TNXP của C759 đang làm việc trên hiện trường. Gạt đau thương mất mát, những chiến sĩ còn lại vừa cứu thương, tìm tử thi vừa san lấp đường, tạo mặt bằng cho xe qua.

Dưới gầm trời rung chuyển tiếng máy bay và tiếng bom đạn Mỹ nổ chát chúa, sau 3 ngày đêm, họ đã thông được xe nhưng chỉ tìm được 2 người, 6 người còn lại vẫn nằm trong lòng đường. Mãi 45 ngày sau, kiên nhẫn và quyết tâm, tranh thủ lúc vắng xe, họ xới lại từng thước đường, tìm được những người còn lại, thi thể không còn nguyên vẹn, nhưng lòng vui khôn tả. Quả đồi này trước đây không tên, nay được mệnh danh là "Đồi 37" để nhớ về ngày 3/7 đau thương và hùng tráng của đơn vị C759 Anh hùng.

Chị Trần Thị Thành kể tiếp: "Chiều ấy, tôi nhận được điện của bộ phận cơ yếu chuyển sang, báo tối nay có đoàn xe quân sự quan trọng vượt qua cung đường này, phải chuẩn bị an toàn tuyệt đối. Sau này, tôi mới được biết đó là đoàn xe của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường Quảng Trị. Ấy cũng là lúc B57 của Mỹ đến ném một loạt bom trên đường. Các tiểu đội trực lên ngay mặt đường để làm nhiệm vụ. Bất chấp cái chết rình rập, chúng tôi san lấp những chỗ bom vừa nổ trên mặt đường. Đang làm thì có một quả hẹn giờ phát nổ cách đó chừng vài trăm mét. Cả đoàn thật hú vía và không thể không có tâm lý hoang mang. Mặt trời bắt đầu tắt nắng. Nhiều người bàn với tôi thôi cứ lui quân, chừng nào bom nổ chậm nổ hết sẽ lên mặt đường. Nghe thế, tôi nhảy lên hố một quả bom chưa nổ thân lùi lũi chui xuống lòng đường gần đó mà nói lớn:

- Các đồng chí, tôi ngồi trên lưng nó đây rồi, các đồng chí cứ an tâm làm việc, sống chết có nhau, không để tắc đường tối nay.

Cả đại đội lại hùng hục lăn đá, đào đất, san đường. Mặt đường được giải phóng khi hoàng hôn phủ dày núi rừng. Chỗ quả bom nổ chậm tôi ngồi cũng được làm dấu, uốn đường cho xe né tránh từ xa.

Vừa về đến lán trại thì một khối lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ long trời phát ra từ mặt đường, nơi chúng tôi vừa làm. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

- Chị có cảm nghĩ gì khi ngồi lên bom nổ chậm trong lần ấy? - Tôi hỏi.

Chị Trần Thị Thành tươi cười:

- Lúc đó tôi mới 24 tuổi, có người yêu cùng quê đang chiến đấu ở chiến trường C. Nhưng tôi là Bí thư chi bộ, lại là chỉ huy đại đội. Với cương vị ấy, tôi không thể chần chừ với nhiệm vụ, dẫu biết rằng mình có thể hy sinh! Mà thời kỳ ấy, tất cả chúng tôi đều xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Những dòng nước mắt

Tôi nhìn lên bàn thờ phía gian trái ngôi nhà cấp 4 của chị Trần Thị Thành thì thấy quả tử đơm đầy trái cây tươi tắn, khói hương bay bảng lảng. Di ảnh là chân dung một thiếu nữ đội mũ tai bèo với nụ cười rạng rỡ trong khuôn mặt xinh xắn.

- Em ruột tôi đó - Chị Thành nói - Tên nó là Trần Thị Thế. Hôm nay là ngày giỗ của nó. Mới 15 tuổi nhưng cứ nằng nặc nạp đơn xin Xã Đoàn được đi TNXP. Rồi hai chị em cùng nhập ngũ một ngày, cùng vào một đơn vị. Nhập ngũ năm 1965 đến năm 1968, tôi được điều về làm Phó Chủ tịch huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và sau đó về Ban Văn xã, UBHC Tỉnh thì đơn vị C759 được điều về phụ trách tuyến đường Ba Trại đi Thọ Lộc, múi đường từ Nam bến phà sông Gianh không qua QL1A. Một chiều đi trinh sát đường, một quả bom tọa độ của Mỹ đã rơi giữa đội hình của tổ gồm ba chị em, trong đó có Thế em tôi. Người ta phải chia ba từng nắm tóc, phần da, rẻo thịt còn lại vướng trên cành cây cho ba ngôi mộ. Lúc đó em tôi vừa tròn 18 tuổi. Đúng lúc ấy tôi nhận được tin báo tử của người yêu sắp cưới của tôi. Nén đau thương, tôi lại cùng đồng đội tiếp tục vật lộn trên tuyến đường máu lửa. Năm đó C759 và Nguyễn Thị Kim Huế A trưởng A6, chiến sĩ của tôi được tuyên dương công trạng anh hùng. Tôi vô cùng tự hào vì trong thành tích ấy của đơn vị đã có sự đóng góp của mình.

Chị Trần Thị Thành còn kể cho tôi nghe những chuyện phi thường trên tuyến đường 12A rực lửa. Liệt sĩ Cao Thị Thường tìm được trong đất vùi ngày 3/7 ở tư thế đầu đội nón, tay cầm chặt cán xẻng. Anh Trần Đức Hè, hiên ngang lăn bom nổ chậm xuống khe và anh đã anh dũng hy sinh khi mở bom để giải phóng đường. Chị Nguyễn Thị Tình hy sinh trong túi áo còn bức thư vừa viết dở để gửi cho mẹ báo tin mình sắp được kết nạp Đảng...

Chia tay chị ra về, hình ảnh chị và những chiến sĩ TNXP trên đường 12A năm xưa làm lòng tôi lại vang lên hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

Đường đi mấy núi, mấy đèo

Núi bao nhiêu ngọn, bấy nhiêu anh hùng...

Hồ Ngọc Diệp
.
.