Người mẹ ở Mường Tè

Chủ Nhật, 19/03/2017, 10:26
“…Tờ giấy ghi gì, tôi không biết. Tôi chỉ biết, khi nhà nào có tờ giấy đó là có tang chồng, tang con. Thấy trai làng cưới vợ, tôi lại khóc vì nhớ con…”.

Từ Lai Châu, đoàn làm phim về huyện Mường Tè, tìm gặp mẹ Lý Khừ Pứ - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất còn sống ở Lai Châu...

Xe đi qua con đường sạt lở, phải dừng hàng giờ chờ thông đường. Ở các tỉnh miền Tây Bắc, hoàng hôn buông xuống rất nhanh. Con đường phía trước chúng tôi về Mường Tè quá lầy lội. Nếu không có một lái xe quả cảm, có lẽ chúng tôi đã nằm đường trong đêm.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà mẹ Lý Khừ Pứ, tại thị trấn Mường Tè. Mẹ đang sống cùng người cháu tên Lù Hà Chê - nhân viên ngành viễn thông ở Mường Tè, Lai Châu, trong ngôi nhà tình nghĩa. Mẹ không nói thạo được tiếng Kinh, nên cháu của mẹ - anh Lù Hà Chê làm người phiên dịch. Mẹ kể quê mẹ ngày xưa ở Ca Lăng, cách Mường Tè khoảng 70-80 cây số.

Cho đến giờ, nếu đường đi từ Lai Châu đến Mường Tè đã khó như vậy thì từ Mường Tè đi Ca Lăng còn khó gấp nhiều lần, chắc chắn xe không thể đi qua được những đoạn đường sạt lở, lầy lội, thật nguy hiểm...

Đời mẹ rất khổ, như bao đồng bào dân tộc người Hà Nhì, phải đào củ mài, củ nâu kiếm cái ăn. Mẹ sinh được hai con nhưng chỉ nuôi được mình anh Lý Hừ Po. Sinh con đã khó, nuôi con còn khó nhọc gấp nhiều lần. Mẹ nhớ những ngày con đau ốm, mẹ lên rừng hái lá thuốc. Đói vàng mắt nhưng mẹ vẫn dành cho anh những bắp ngô non, những hạt gạo hiếm hoi...

Mỗi khi lên nương rẫy, mẹ địu anh sau lưng. Lên 4-5 tuổi, cậu bé Lý Hừ Po đã lốc thốc theo mẹ vào rừng, đào củ mài, hái củi... Chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai, củ sắn, bắp ngô...; mẹ nuôi con lớn lên.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Khừ Pứ, người Hà Nhì, ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Trong ký ức mẹ, anh Lý Hừ Po là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai, vui tính, cởi mở, chịu thương, chịu khó. Anh có yêu một cô gái. Tên cô là Hà Pứ. Anh đang chuẩn bị lấy vợ thì lên đường nhập ngũ. Khi hay tin anh Lý Hừ Po hi sinh, cô rất buồn. Rồi cô phải đi lấy chồng...

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương ở Mường Tè, chúng tôi được biết vài dòng thông tin sơ lược về người con trai duy nhất của mẹ đã ngã xuống cho Tổ quốc:

“Liệt sĩ Lý Hờ Po sinh năm 1949

Nhập ngũ tháng 12/1967

Hi sinh ngày 14/4/1971, ở mặt trận phía Tây”.

Đó là những gì chúng tôi có thể biết về về người con trai của mẹ đã nằm lại nơi mặt trận phía Tây...

Anh Lý Hờ Po không còn một tấm hình, cũng không còn để lại cho cuộc đời một vật kỷ niệm nào. Mẹ nghẹn ngào nói: “Con đi bộ đội, cũng có gửi thư về, mẹ cũng còn quần áo, tập viết của con... Nhưng nhà ở bản làng Ca Lăng mấy lần bị đốt cháy nên thành tro bụi hết!”.

Dù được đưa về thị trấn Mường Tè sống với vợ chồng người cháu trai nhưng nỗi nhớ quê vẫn đong đầy trong mắt mẹ. Mẹ nhớ lúc anh Lý Hờ Po còn nhỏ, mẹ biết được giá trị của cái chữ nên cho anh đi học. Mỗi ngày, mẹ gói cơm vào lá chuối, lá dong cho anh mang theo. Sáng anh đi, vượt qua đường rừng, tối về. Nhờ vậy mà anh biết chữ, sáng cái bụng ra.

Nhờ con chữ thắp sáng, anh Lý Hờ Po biết được Tổ quốc Việt Nam trải dài từ những mỏm đá vùng Tây Bắc đến mũi Cà Mau. Nhờ những con chữ, chàng trai Hà Nhì nơi xứ sở Ca Lăng mù sương xa xôi biết đất nước Việt Nam gồm mấy mươi dân tộc anh em. Và nửa đất nước còn đang bị chia cắt. Nhờ những con chữ thắp sáng mà anh đọc được lời kêu gọi của Bác Hồ:

“Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Những con chữ thôi thúc, chàng trai người Hà Nhì Lý Hờ Po làm đơn xin vào bộ đội. Anh muốn được đi chiến đấu để nước Việt Nam liền một dãy, để đất nước không còn bị chia cắt, để mấy mươi dân tộc anh em cùng là một trong ngày hội non sông, mừng ngày hòa bình thống nhất.

Mẹ nhớ ngày tiễn anh Lý Hờ Po đi bộ đội, mẹ xúc hết gạo trong nhà cho đầy ruột tượng, gói ghém lương khô, muối ớt cho anh Lý Hờ Po ăn đi đường. Mẹ không nói được lời nào, chỉ để nước mắt nói thay. Chồng mẹ - ông Lý Gà Há, cũng là người Hà Nhì ngồi lặng yên. Anh Lý Hờ Po nói với bố mẹ: “Bố mẹ yên tâm ở nhà. Con đi chiến đấu, rồi con sẽ về với bố mẹ, với bản làng...”.

Mẹ nhớ, ngày anh Lý Hờ Po ra đi, mẹ tiễn ra cổng bản. Anh quỳ lạy từ biệt mẹ, theo tập tục người Hà Nhì. Hôm ấy, ở Ca Lăng cũng có nhiều người cùng đi với anh Po. Họ cũng không trở về bản vì bom đạn, hy sinh, bệnh tật. 

Từ Ca Lăng, anh Lý Hờ Po đi xuống Mường Tè, rồi đi Lai Châu hàng trăm cây số. Mỗi ngày, anh chỉ đi được khoảng 50 cây số, phải luồn rừng mà đi. Hồi đó rừng dày bịt, người đi bên này đường kêu bên kia đường không nghe được. Vắt rất nhiều. Anh Po phải luồn rừng mà đi...

Mẹ Lý Khừ Pứ kể: “Lý Hờ Po đi rồi, ở lại bản làng, mẹ rất buồn, rất nhớ con! Con đi rồi, quanh mình cái gì cũng lạnh, cũng trống trải. Đêm mẹ dõi theo con. Mẹ không ngủ được vì lo lắng, đủ nỗi lo, lo con đi đường bất trắc, lo con không tránh được bom đạn. 

Ở nhà, anh Lý Hờ Po là lao động chính, giúp bố mẹ làm nương rẫy. Nó bắt cá rất giỏi. Mỗi khi thấy mấy đứa trẻ con trong bản quấn quýt bên bố mẹ, mẹ lại quặn lòng nhớ con. Cái nhớ nó dày vò làm mình héo hon. Nằm trên giường cũng nhớ, bước xuống đất cũng nhớ, ra rẫy càng nhớ nó. Bản làng có cuộc vui nào là mẹ cũng thấy buồn. Thấy trai làng cưới vợ, mẹ lại khóc vì nhớ con”.

Khi chúng tôi đến, mẹ đang sống với người cháu Lù Hà Chê ở thị trấn Mường Tè.

Anh Lù Hà Chê - người cháu đang nuôi dưỡng mẹ ở Mường Tè chân thành kể về hoàn cảnh đơn chiếc của mẹ: “Lúc Nhà nước chưa ban hành Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cuộc sống của dì rất khổ. Chồng dì qua đời năm 1979, dì càng cô quạnh. 

Từ năm 1994, chúng tôi đưa dì về Mường Tè, để tiện việc chăm sóc. Chúng tôi luôn mong muốn dì có được sống tuổi già an nhàn, ấm áp. Nhưng sống ở Mường Tè, dì rất nhớ Ca Lăng. Dì rất mong được trở về thăm bản cũ nhưng giờ chân yếu không đi xa được nữa!”.

Về Mường Tè, mẹ được chính quyền địa phương quan tâm, chăm sóc. Mẹ được đưa đi thăm Hà Nội, không quên được ấn tượng những đội lính gác trước lăng Bác. Mẹ vui khi thấy ao của Bác Hồ có rất nhiều cá. Mẹ kể mẹ được đi thăm Quảng Ninh, Thanh Hóa... Bản tính chịu thương chịu khó, nên giờ dù sống ở thị trấn, mẹ vẫn thích đi làm vườn, thích trồng rau cỏ, chăm bón cây xanh.

Anh Lý Hờ Po hy sinh, tuổi già của mẹ nương tựa vào người cháu. Vợ chồng anh Lù Hà Chê luôn nỗ lực làm mẹ vui nhưng mẹ rất dễ mủi lòng, dễ tủi thân. Ở tuổi 88, mẹ vẫn không nguôi nỗi đau mất con. Khi chúng tôi hỏi: “Mẹ mong điều gì nhất?”.

Mẹ nói mẹ chỉ mong anh Lý Hờ Po sống dậy, trở về với mẹ. Hơn 40 năm, nỗi đau mất con vẫn âm ỉ trong lòng người mẹ Hà Nhì, xứ Ca Lăng xa xôi, vùng Tây Bắc. Chỉ cần chạm nhẹ cánh cửa thời gian, nước mắt mẹ đã tuôn tràn...

Với mẹ Lý Khừ Pứ, anh Lý Hờ Po là niềm kỳ vọng, là báu vật quý giá nhất của cuộc đời. Khi anh Lý Hờ Po hy sinh, chính quyền xã không dám báo ngay tin buồn cho mẹ. 

Dự cảm của người mẹ về sự an nguy của đứa con thôi thúc mẹ đi tìm hiểu cội nguồn sự lo lắng, bất an trong lòng... Mẹ lại nghe lõm bõm có người nói con mẹ đã mất. Cuối cùng mẹ cũng tận mắt nhìn thấy tờ giấy báo tử. Tờ giấy ghi gì, mẹ không cần biết. Mẹ chỉ biết, khi nhà nào có tờ giấy ấy là có người thân vĩnh viễn không trở về.

Khi biết tin con đã hy sinh, mẹ đã khóc ngất đi. Nhưng rồi mẹ cố gượng dậy, bởi mẹ biết, ở thế giới bên kia, anh Lý Hờ Po không bao giờ muốn nhìn thấy mẹ buồn đến mức không còn thiết tha gì đến sự sống.

Mẹ mong tìm thấy hài cốt con nhưng không biết anh nằm lại ở nơi đâu mà tìm. “Mặt trận phía Tây” thì xa xôi quá. Sức mẹ rất yếu, mẹ không biết mẹ sẽ sống đến ngày nào. Mẹ không biết có còn được sống để đưa hài cốt con về Mường Tè...”. Nói đến đây, mẹ Lý Khừ Pứ òa khóc nức nở. Những người trẻ tuổi chúng tôi cúi đầu im lặng trước nước mắt của một bà mẹ miền Tây Bắc khóc con.

Và chúng tôi - những người con từ miền Nam ra vùng miền núi phía Bắc trong những ngày giá rét - nơi xứ sở Mường Tè xa xôi, chợt hiểu những giọt nước mắt của những người mẹ khóc con, dù ở đồng bằng hay miền biên cương núi rừng, đều to tròn, trĩu nặng như nhau. Tiếng khóc nghẹn của mẹ đã nói lên tất cả. Nỗi đau người mẹ mất con, không ngôn ngữ nào diễn tả được...

Trầm Hương
.
.