Đồng chí Trần Đông:

Người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Lực lượng CAND

Thứ Hai, 11/11/2013, 11:45

Đồng chí Trần Đông, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V và VI; nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tư pháp; nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng; nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng,vừa từ biệt cõi trần trong niềm tiếc thương của nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân.

Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đông, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an,  đã đến viếng và trân trọng ghi trong sổ tang: “Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và toàn thể cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đông, cán bộ hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa IV, V, VI), nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tư pháp; người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Lực lượng Công an nhân dân, đã có nhiều công lao đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam”.

Đồng chí Trần Đông sinh năm 1925, quê ở làng Hòe Thị, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Tên khai sinh là Bùi Thuyên. Ông là một trong hai đảng viên lớp đầu của xã và là Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Đại Hòe (nay là Đại Hợp, một xã đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp). Sớm giác ngộ lý tưởng Cách mạng, ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, từng hoạt động ở vùng địch tạm chiếm Hải Phòng. Năm 1955, ông làm Trưởng đoàn trật tự gồm 153 cán bộ, sĩ quan đại diện cho phía Việt Nam vào Hải Phòng trước 5 ngày để nhận bàn giao với đại diện phía Liên hiệp Pháp về trật tự trị an của thành phố. 28 tuổi ông đã giữ chức vụ Trưởng ty Công an Hải Phòng. Ông được phân công làm Giám đốc Công an tới 16 năm liền, cộng với nhiều năm sau đó làm Thứ trưởng Bộ Công an, có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng không ngưng nghỉ, với Lực lượng Công an, ông đã gắn bó khoảng thời gian dài nhất và trải nhiều khó khăn nhất.

Ông bà Trần Đông cùng các con cháu.

Bài học kinh nghiệm cốt lõi về xây dựng Lực lượng Công an của ông là, phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy - những người thật sự có đức, có tài, quy tụ được mọi tài năng, phát huy được mọi trí tuệ, đoàn kết và động viên được mọi người. Điều đó là do ông thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, có lần ông từng viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Cán bộ phải thực sự có đức, có tài. Bác Hồ nói, có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ được tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ…, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không kiêu ngạo, hủ hóa. Ngược lại khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”. Có lần đồng chí Trần Đông khẳng định: “Sống, chiến đấu và học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm chính trị và lẽ sống, là hạnh phúc của chúng ta.

Theo quan niệm của đồng chí Trần Đông, cán bộ muốn có đức, có tài thì phải trải qua rèn luyện, qua các phong trào thi đua. Còn nhớ năm 1986, tôi được tham dự Hội nghị sơ kết và nhân điển hình tiên tiến thực hiện “cuộc hành quân theo chân Bác Hồ” và phong trào tuổi trẻ Công an nhân dân xung kích thực hiện 6 điều dạy của Bác Hồ đối với Công an, đồng chí Thứ trưởng Trần Đông đã đến dự và phát biểu. Ông không đọc bài đã chuẩn bị sẵn, ông chọn cách tâm sự với thanh niên, những tâm sự chân tình, chia sẻ, tôi nhớ tại buổi lễ đó ông đã nói rất say sưa về thanh niên Công an cần học tập 6 điều dạy của Bác Hồ như thế  nào, phương pháp thi đua học tập, thực hiện, phương pháp kiểm tra ra sao. Ông nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên phải thường xuyên thông qua tự phê bình và phê bình, phấn đấu rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, ra sức học tập nâng cao trình độ, năng lực, rèn luyện nâng cao sức khỏe… Rèn luyện những đức tính trung thực, dũng cảm, bình tĩnh, linh hoạt, nhạy bén và yêu nghề. Thực hành tiết kiệm, sinh hoạt giản dị, trong sạch, lành mạnh…”. Càng ngày lớp cán bộ đoàn chúng tôi ngày ấy càng thấm sâu ý nghĩa lời ông dặn dò, càng thấy trân trọng đồng chí Trần Đông bởi cuộc đời hoạt động cách mạng, nhân cách và lối sống của ông là một tấm gương sáng cho chúng tôi học tập. Ông nói và làm song đôi.

Khi là Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Đông nhiều năm phụ trách công tác xây dựng lực lượng. Theo nhiều cán bộ dưới quyền ông kể lại, đồng chí Trần Đông đã có nhiếu ý kiến chỉ đạo đúng đắn, sâu sắc và kịp thời trong chiến lược xây dựng, đào tạo cán bộ cho lực lượng Công an nhân dân. Nhiều ý kiến chỉ đạo của ông đúc kết thành lý luận về công tác xây dựng lực lượng. Có lần trong bài viết Bảo vệ an ninh trật tự trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ông chỉ đạo có tầm chiến lược: “Chúng ta đặc biệt quan tâm đào tạo bồi dưỡng những cán bộ đã có cống hiến và được thử thách trong Công an, đây là vốn quý của chúng ta. Đồng thời phải quan tâm bổ sung cán bộ từ ngoài vào Công an, thật sự quý trọng, chân thành cởi mở đón nhận cán bộ và vận dụng thực hiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, tự nguyện tham gia và có khả năng phát triển lâu dài trong ngành Công an”. Ông đặc biệt quan tâm tới chiến lược xây dựng Lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Muốn vậy, ông khẳng định: “Tổ chức Công an nhân dân phải tập trung thống nhất chuyên sâu, nhưng không thể phân tán và quá nhiều đầu mối, gây trở ngại cho việc lãnh đạo, chỉ huy của lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Công an các cấp”. Ông có đôi mắt nhìn xa trông rộng khi cách đây 13 năm đã có ý kiến: “Về bố trí chiến lược, chúng ta cần kiện toàn các đơn vị, các cấp công an ở biên cương của tổ quốc… Nước ta có biển Đông rộng lớn, thiết nghĩ cần quan tâm đúng mức các mặt công tác và tổ chức của Công an nhân dân ở vùng này, gắn liền với phát triển kinh tế biển: đánh bắt nuôi trồng thủy, hải sản, vận tải biển, thăm dò khai thác dầu khí…, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng công an, bảo vệ… góp phần từng bước tăng cường sức mạnh tổng hợp của nhân dân ta”.

Cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Trần Đông luôn quan tâm chỉ đạo toàn Lực lượng Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, coi đây là đòn bẩy để xây dựng Lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ông nhấn mạnh: “6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng (1948) là một di sản quý báu mà Người dành cho ngành Công an”, “Việc học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, gắn liền với nghiên cứu sâu sắc, quán triệt nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh… Nên chăng tổ chức nghiên cứu sâu sắc, toàn diện các nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác và tổ chức Công an nhân dân, về sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia của đất nước, từ đó có chương trình bắt buộc học tập và thực hiện hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, sỹ quan, chiến sỹ Công an nhân dân trong một số năm, sau đó đi vào thường xuyên, gắn liền với hành động cách mạng bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.  Trong câu chuyện từng tâm sự với phóng viên Báo Công an nhân dân, lúc nào ông cũng nhấn mạnh bài học về lòng dân: “Người lãnh đạo phải luôn ghi nhớ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Được lòng dân thì việc khó khăn đến đâu cũng có thể hoàn thành tốt. Lúc đương nhiệm, tôi đến với những ông “to tướng” có khi chỉ là vì quan hệ công việc thôi, còn những người dân nghèo sát đất tôi vẫn gần gũi, thương mến họ. Mình không gần dân làm sao có thể hiểu được lòng dân. Công an nhân dân cũng từ nhân dân mà ra, là con em của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà ra”. Thực tiễn đã chứng minh những ý kiến chỉ đạo của ông và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an là đúng khi mà hơn 65 năm qua, lực lượng Công an nhân dân liên tục duy trì phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy với nhiều hình thức thi đua sáng tạo, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Đối với chúng tôi, thế hệ những cán bộ công an thuộc tuổi con cháu, tuy không được gần gũi, trực tiếp làm việc với ông, nhưng trong cảm nhận và tâm thức luôn kính trọng bác Trần Đông chẳng những là người lãnh đạo, người chỉ huy xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân mà với giọng nói trầm ấm mà riết róng khi tâm sự với thanh niên, với lối sống giản dị, liêm khiết, nhân hậu của mình, ông đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu sắc, là tấm gương để thế hệ chúng tôi noi theo. Xin trích dẫn một đoạn thư ông gửi cho người con trai ngày anh lên đường nhập ngũ để hiểu hơn tấm lòng, nhân cách lớn của bác Trần Đông, của thế hệ những cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa. Bức thư gửi đề ngày 23/10/1976: “Trước khi con lên đường nhập ngũ - tham gia lực lượng Công an nhân dân vũ trang, bố nói thêm với con vài điều… Lương ạ, lực lượng vũ trang nhân dân là trường học chiến đấu và lao động của những chiến sỹ cách mạng và những người lao động chân chính. Con hãy cố gắng làm tròn nghĩa vụ chiến đấu và bảo vệ an ninh của Tổ quốc và nghĩa vụ lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh…Tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân, sẵn sàng bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân. Thực hiện lời dạy của đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn: Công an hãy thức cho dân ngủ ngon, hãy gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm nguồn vui, lẽ sống của mình… Bố chờ kết quả công tác, rèn luyện và học tập của con! Bố của con. Trần Đông”.

Tôi thực sự xúc động về bức thư này. Ông căn dặn con trai, nhưng tôi nghĩ, ông đã dạy thế hệ chúng tôi trưởng thành, dạy cả những thế hệ trẻ tương lai

Hồng Thái
.
.