Người khổng lồ Shinzo Abe với di sản không dễ lấp

Thứ Ba, 15/09/2020, 11:42
Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe hôm 28-8 thực sự là một tin chấn động. Không chỉ với chính trường Nhật Bản, nó còn đặt ra câu hỏi lớn dành cho thế cục của khu vực Đông Bắc Á trong thời điểm hết sức nhạy cảm này.

Nhà lãnh đạo quyết đoán

Tham gia chính trường Nhật Bản từ khi còn trẻ, gắn bó trong suốt 40 năm, hai lần trở thành người đứng đầu chính phủ với thời gian tại vị dài nhất trong lịch sử, ông Shinzo Abe đã đặt dấu ấn quan trọng trong nền chính trị của đất nước mặt trời mọc. Là một nhà lãnh đạo cấp tiến, ông Abe luôn nổi bật với sự quyết đoán và giàu ý tưởng cải cách. Được bầu làm hạ nghị sĩ trẻ nhất Nhật Bản năm 1993 khi mới 39 tuổi, ông chính là người đã đề xuất, đồng thời đứng đầu một dự án về giáo dục giới tính, trái ngược với tư tưởng truyền thống của xã hội Nhật Bản thời kỳ đó.

Sớm trở thành một nhân vật nổi bật trong đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Abe được chỉ định làm Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Koizumi Junichiro, một nhiệm kỳ thành công với những kết quả về kinh tế tốt. Bước đệm đó đã đưa ông Abe lên vị trí Thủ tướng Nhật lần đầu tiên vào năm 2006 khi mới 52 tuổi, trở thành người đứng đầu chính phủ trẻ nhất của nước Nhật kể từ sau Thế chiến 2.

Việc ông Abe từ chức đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai nước Nhật.

Tuy nhiên, ông Abe đã phải tuyên bố từ chức đúng một năm sau vì lý do sức khỏe. Sự kiện này đã để lại một khoảng trống lớn trên chính trường Nhật với 5 vị thủ tướng trong 5 năm tiếp theo. Đây cũng là một giai đoạn hết sức khó khăn cho nước Nhật, khi rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Sự trở lại kịp lúc của ông Abe ngay trước cuộc bầu cử năm 2012 góp phần quan trọng giúp LDP này lấy lại vị thế lãnh đạo đất nước.

Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Abe đã tiến hành một loạt cải cách sâu rộng vào nền kinh tế và cả xã hội Nhật. Chính sách kinh tế tổng thể có tên Abenomics bao gồm sự kết hợp giữa nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa thông qua chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu kinh tế đã mang lại những kết quả ấn tượng, làm bật dậy nền kinh tế già cỗi của Nhật Bản, giúp nó thoát khỏi tình trạng giảm phát trong hai thập niên trước đó.

Những cải cách xã hội quan trọng như trao quyền cho phụ nữ đồng thời tăng trợ cấp nghỉ phép, cải thiện tính minh bạch về giới, cải cách lao động đã dẫn đến sự tham gia kỷ lục của lao động nữ (tăng tới 71% trong 5 năm) tạo nên động lực mới cho xã hội Nhật Bản đang bước sang giai đoạn già hóa. Ông Abe cũng đã liên tục thực hiện những cuộc cải tổ nội các theo chu kỳ 2 năm để làm mới chính quyền của mình. Những cải cách đó đã giúp xóa đi hình ảnh về một nước Nhật già cỗi, bảo thủ, đưa đất nước bước vào một chu kỳ phát triển mới.

Di sản đối ngoại khổng lồ

Không chỉ thành công trong chính sách đối nội, ông Abe cũng tỏ ra là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn ngoại giao chiến lược. Là vị thủ tướng có nhiều chuyến công du nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông Abe dành rất nhiều công sức cho việc xây dựng những mối quan hệ với các đối tác bên ngoài. Ngay trong nhiệm kỳ đầu ngắn ngủi của mình, ông Abe đã chủ động có những bước đi cải thiện mối quan hệ với hai nước láng giềng có nhiều mâu thuẫn lịch sử là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chuyến đi công du đầu tiên sau lễ nhậm chức tháng 9-2006, ông Abe đã chủ động tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào để hàn gắn mối quan hệ giữa hai bên. Việc khẳng định mối quan hệ hai nước "không nên dựa trên cảm xúc” đã giúp hai nền kinh tế hàng đầu châu Á xích lại gần nhau, để trở thành điểm tựa cho cả hai phát triển nhanh chóng trong hơn một thập niên sau đó. Đối với Hàn Quốc, tuy có lúc căng thẳng do vấn đề Triều Tiên hay những bất đồng về lịch sử, thì ông Abe đã luôn giữ vững mối quan hệ có tính tương hỗ này nhằm giữ cho nước Nhật một đồng minh quan trọng ở ngay bên cạnh.

Nhìn rõ những lợi ích kinh tế từ việc xây dựng quan hệ với Trung Quốc nhưng ông Abe cũng đồng thời lường trước những thách thức có thể xảy ra khi Trung Quốc lớn mạnh. Từ năm 2007, ông Abe đã chủ động nâng cấp quan hệ với Ấn Độ và thiết lập mối quan hệ thân thiết với Úc, những nước lớn trong khu vực. Bất chấp một nước Mỹ khó lường thời ông Donald Trump, mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương vẫn được giữ vững.

Một cơ cấu Đối thoại an ninh 4 bên (còn được biết với tên gọi "Tứ giác kim cương") giữa Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ do ông Abe đề xuất đã tạo nên một “vòng kim cô vô hình” kiềm tỏa tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Vị thế của Nhật Bản tại Đông Nam Á cũng gia tăng nhanh chóng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông từ năm 2012 tới nay. Tầm nhìn chiến lược đó đã giúp cho Nhật Bản giữ được vị thế vững chắc giữa những bối cảnh căng thẳng mới gia tăng tại khu vực thời gian gần đây.

Cùng với việc mở rộng quan hệ quốc tế nhằm nâng cao vị thế Nhật Bản, ông Abe là vị Thủ tướng nhiệt thành nhất với kế hoạch tái lập Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Cho dù đến thời điểm này, mục tiêu đó chưa đạt được nhưng việc hiện đại hóa cũng như đưa quân đội tham gia hoạt động ở nước ngoài đã đem đến vị thế mới cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Điều này đã giúp ông Abe giữ được thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong những tranh chấp trên vùng biển Hoa Đông trong thời gian qua.

Nước Nhật dưới thời ông Shinzo Abe đã tạo ra được một sức mạnh an ninh đáng kể trong khu vực.

Câu hỏi lớn về sự kế thừa

Vấn đề lớn nhất trong thập niên tới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực chiến lược này. Gần một thập niên nắm quyền của ông Abe đã giữ cho nước Nhật ổn định phát triển và trở thành một bức bình phong ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc đang trỗi dậy. Chính vì thế, quyết định từ chức của ông Abe vào lúc này có thể nói là một cú sốc đối với không chỉ nước Nhật mà còn với cả nước Mỹ.

Nước Nhật đang trải qua giai đoạn khó khăn giữa đại dịch COVID với những dấu hiệu kinh tế ảm đạm. Còn người Mỹ ở bên kia bờ Thái Bình Dương thì lại đang lo lắng về một nước Nhật bất ổn thời hậu Shinzo Abe. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhật Bản với nhiều quyết sách trong thời gian qua của chính quyền Washington phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ thân thiết của ông Abe với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bản thân Tổng thống Trump cũng bất ngờ trước quyết định từ chức của "người bạn quý Abe".

Điều này đang đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của nước Nhật trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đối đầu giữa hai siêu cường mạnh nhất thế giới vào thời điểm này. Bản thân ông Abe cũng biết rõ những khó khăn sẽ đến ngay sau quyết định từ chức của mình, nhưng đây là điều không thể tránh khỏi.

Cho đến lúc này, ông Abe vẫn đang cố gắng hoàn tất nốt công việc, cho đến lúc có thể chuyển giao cho một vị thủ tướng mới. Nhưng, đây cũng là thách thức lớn với chính ông Abe và cả nền chính trị Nhật Bản.

Mặc dù là một quốc gia có truyền thống bảo thủ nhưng nước Nhật lại có một nền chính trị nhiều biến động, hiếm khi duy trì được một chính phủ ổn định trong thời gian dài, thế nên 7 năm lãnh đạo đất nước của ông Abe mới trở thành nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử đất nước này. Bối cảnh quốc tế và khu vực đầy biến động thời gian tới càng đòi hỏi một nước Nhật ổn định hơn để đương đầu với thách thức nhưng để tìm được một nhà lãnh đạo quyết đoán mạnh mẽ lại giàu sức hút như ông Abe không phải là điều dễ dàng, khi hiện nay chưa có gương mặt nào thực sự nổi bật. Nguy cơ về một nước Nhật bất ổn như 13 năm trước đang quay trở lại sẽ càng khiến cho tình hình trở nên khó lường hơn.

Nước Nhật đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng và chắc chắn khúc quanh đó cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thế cục của cả khu vực Đông Bắc Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương lúc này.

Tử Uyên
.
.