Người khiếm thị có đôi mắt sáng

Thứ Năm, 27/09/2018, 14:28
Ở thành phố nơi tôi sinh ra và sống trọn tuổi thơ, có một ông già mù, ngồi thổi sáo bên thềm của một hiệu sách lớn. Khi những giai điệu buồn bã cất lên, rơi tõm vào cái ồn ã của phố phường cũng là khi một vài đồng bạc lẻ được người đời thả xuống chiếc mũ nan đặt ngửa ở ngay bên cạnh. Hình ảnh ấy luôn luôn ám ảnh tôi và khi trưởng thành chính tôi cũng từng nghĩ rằng, cuộc sống của người khuyết tật thật là khó có thể giống một người bình thường.

Cho đến khi tôi gặp em - Lê Hương Giang, MC khiếm thị của Đài truyền hình Việt Nam, người được lọt vào top 5 đề cử "Nhân vật của năm" giải thưởng VTV Awards 2018 - thì tôi hiểu rằng, tôi đã lầm…


1. Lớp học nhỏ, chỉ chưa đầy ba chục sinh viên. Các em hầu hết học năm thứ 2 hoặc thứ 3, bắt đầu bước vào học các môn kỹ năng tác nghiệp báo chí. Tôi lên lớp, cũng không chú ý đến em vì em cũng là một em gái, nom dịu dàng, trong trẻo như tất cả các sinh viên khác.

Cho đến giờ giải lao của buổi học đầu tiên, em lên gặp tôi. Em bước đi bình thường, nhẹ nhõm, tiến đến trước bàn giảng viên, giữ một khoảng cách đủ gần, nói: "Thưa Cô, em xin phép được ghi âm bài giảng của Cô được không?". 

Tôi vẫn còn hơi ngỡ ngàng, thì em tiếp: "Vì em chỉ có thể nghe mà không thể nhìn thấy những gì Cô ghi trên bảng cũng như trong slide trình chiếu". 

Tôi bất ngờ nhưng khoảnh khắc ấy và cho mãi đến về sau, không hiểu sao trong tôi, tôi dường như vẫn thấy một nguồn sáng rực rỡ bừng lên trong đôi mắt em. Vì thế, trước em tôi cứ phải cố giấu đi sự ngượng ngùng, đúng hơn là áy náy. Rằng, có vẻ như tôi đã vô tâm.

Lê Hương Giang cùng ê-kip sản xuất chương trình trên kênh VOV sức khỏe.

Tối về, kể lại cho con gái nghe. Con gái tôi nói, nếu mẹ quan sát kỹ, mẹ sẽ biết chị ấy bị khiếm thị. Bởi, người khiếm thị, dù mắt vẫn mở nhưng chỉ như nhìn yên một chỗ. Đêm ấy, tôi khó ngủ...

Từ buổi học sau, tôi bắt đầu chú ý đến em và hầu như dành toàn bộ giờ giải lao để trò chuyện với em. Hóa ra, đó là một sinh viên khá nổi tiếng, không chỉ trong cộng đồng những người khuyết tật. Lê Hương Giang - là em - đã từng được nhắc đến nhiều trên truyền thông mà tôi, trong bộn bề công việc, đã không chú ý.

Sinh ra ở Hà Nội, trong một gia đình công chức bình thường nhưng cha mẹ em không ngại khó để đầu tư cho em theo học cho đến khi nào em còn muốn học. 

Học hết bậc trung học cơ sở ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, lên bậc trung học phổ thông, vì Hà Nội hiện chưa có trường chuyên biệt nên em xin vào Trường PTTH Thăng Long để tiếp tục con đường đèn sách chung với các bạn mắt sáng. 

Ở đây, em đã giành được giải quốc gia về khoa học kỹ thuật và được tuyển thẳng vào đại học. Em chọn ngành Tâm lý học của Đại học Quốc gia để theo học. Đến năm thứ ba, sau một thời gian cộng tác với Đài tiếng nói Việt Nam và tham gia một dự án truyền thông cho người khuyết tật, em đã quyết định học thêm một bằng đại học thứ hai là "báo chí" tại Khoa Báo chí song song với "tâm lý học". Em đã từng đi giao lưu ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

2. Em kể với tôi mọi chuyện, vui vẻ và hồn nhiên, giống như tất cả những thiếu nữ bình thường khác. Tôi lại một lần nữa ngượng ngùng với em khi tôi ngỏ ý muốn dắt em vào lớp. Em nói, em tự xác định được phương hướng và tự di chuyển được lâu rồi, chỉ sau khi mắt em bị tối lại một thời gian ngắn. 

Em nói, lúc nhỏ, em vẫn nhìn được nhưng rồi một căn bệnh quái ác đã ngày ngày lấy đi ánh sáng của em. Ánh sáng cứ tắt dần đi trong mắt em rồi lịm hẳn. 

Nhưng em, như một sự kỳ diệu tự thân, em nói em chưa bao giờ cho phép mình chấp nhận bóng tối. Cha mẹ em, các thầy cô ở Trường Nguyễn Đình Chiểu dạy em cách sống tự lập. Không chỉ đi lại được một mình mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào, em còn biết nấu cơm, đun nước, chải tóc. Em nhìn theo cách của em. Không phải bằng mắt mà bằng sự cảm nhận mạnh mẽ siêu việt từ các giác quan khác.

Hàng ngày, em đến trường bằng xe buýt, em lên lớp một mình, như tất cả những người sáng mắt khác. Em sử dụng mạng xã hội, điện thoại di động. Trong những chiến dịch mùa hè xanh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nơi em đang theo học, em cũng tham gia sinh viên tình nguyện như tất cả các sinh viên khác.

Em có mặt trong cuộc sống bình thường, như thể, ánh sáng trong đôi mắt kia chưa từng bao giờ bị mất đi. Em nói, hòa nhập thực sự phải là thành quả lao động, học tập của người khuyết tật sẽ không có bất kỳ một sự khác biệt nào so với người bình thường. 

Khác chăng chỉ là phương tiện, cách thức để tạo ra nó. Và, em đã làm được. Những bài tập tin, bài tập phỏng vấn, bài tập phóng sự, em luôn là sinh viên nằm trong top đầu của lớp về điểm số.

Tôi ngượng ngùng thêm một lần nữa khi nhờ có em mà tôi biết rằng, hóa ra tôi dường như không hiểu gì về khái niệm hòa nhập của người khuyết tật. Tôi đã từng giống như nhiều người khác coi người khuyết tật là nhóm yếu thế và cứ tưởng là nhân hậu khi bày tỏ sự cảm thông và chấp nhận sự hạn chế ở nơi họ cho đến khi tôi gặp em. 

Em nói rằng, thực ra, trong cộng đồng những người khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng, em không có gì đặc biệt. Bạn học của em ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, có nhiều bạn học giỏi, chỉ tiếc là không có điều kiện đeo đuổi tiếp con đường đèn sách. Phần vì trường chuyên biệt cấp trung học phổ thông chưa có. Phần vì, nhiều gia đình vẫn buồn bã trong quan niệm "giàu hai con mắt", thế nên có cho học tiếp cũng sẽ vẫn “khó" thôi. 

Thì ngay cả em cũng vậy. Khi cha mẹ em đầu tư hết mức cho em học, cũng đã có nhiều người ngạc nhiên vì họ nghĩ, em khiếm thị nên rồi sẽ chẳng làm được gì và lo lắng "ông bà mà không còn nữa thì sẽ chẳng còn ai nuôi nó đâu". 

Hình ảnh những người khiếm thị hát rong buồn bã trên đường đời dằng dặc âu lo có lẽ vẫn là những ám ảnh khiến cho việc tiếp cận sự thừa nhận giá trị của số đông trở nên khó khăn với người khuyết tật. 

Một nghiên cứu đã được công bố của nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hiến cho thấy, trong số những khó khăn mà người khuyết tật nói chung gặp phải chiếm tỷ lệ cao nhất là trong cơ hội tìm việc làm bởi trình độ học vấn thấp, bởi việc làm cho người khuyết tật không đa dạng.

Lê Hương Giang trong màu áo xanh sinh viên tình nguyện.

Là người khuyết tật, Giang vốn không xa lạ gì với những rào cản kiểu như thế. Nhưng em không tổn thương bởi với những gì đã làm được, em là một người bình thường.

Từng làm việc với tư cách một phát thanh viên trên Đài tiếng nói Việt Nam, đã và đang làm MC cho kênh VTV4 Đài truyền hình Việt Nam. Mỗi lần lên hình trong chương trình "Cuộc sống vẫn tươi đẹp", một chương trình chuyên biệt cho cộng đồng người khuyết tật, em là một MC thực thụ, giống như tất cả các MC khác. Em tươi tắn và rạng ngời. Em không nhìn thấy mình trong gương hay trên màn ảnh nhỏ, nhưng em nhìn thấy mình trong cống hiến, như tất cả những người bình thường khác. 

"Những trang phục em vận lên hình, do mẹ em chuẩn bị", Giang nói, "em không nhìn thấy nó bằng màu sắc nhưng em cảm nhận được cái đẹp từ tình mẫu tử". 

Mẹ Giang, một phụ nữ khá đẹp và dịu dàng, khi tôi bày tỏ sự cảm phục và trân trọng bà, bà nói, Giang là cuộc sống nối dài của bà và bà tự hào khi "cuộc sống ấy vẫn tươi đẹp" như tên một chương trình truyền hình mà Giang đang làm MC.

Được lọt vào top 5 "Nhân vật của năm" cùng với các cá nhân, tập thể nổi tiếng như: Bé Hải An (em bé hiến giác mạc), Đội tuyển U23 Việt Nam, anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp và Cầu thủ Lương Xuân Trường ở giải thưởng VTV Awards 2018 là niềm vui lớn. Song, không chỉ với Hương Giang mà với cả cộng đồng người khuyết tật bởi đó là một minh chứng điển hình về sự hòa nhập đúng nghĩa của họ với xã hội.

Đặng Huyền
.
.