Người kể chuyện cổ tích tình yêu bằng những thước phim

Thứ Ba, 18/12/2012, 15:10
Đã gần 40 năm nay, kể từ đêm tất niên Dương lịch bước vào năm 1976, khán giả màn ảnh nhỏ ở Liên Xô cũ và ở nước Nga hiện nay đều náo nức trông chờ cuộc tái ngộ với bộ phim hài quen thuộc “Số phận trớ trêu hay Tắm hơi khoẻ nhé”.

Bộ phim này của đạo diễn lão thành Eldar Riazanov gần như đã trở thành “thần tượng kinh điển” của người dân Nga mỗi lúc bước vào xuân mới. Bộ phim có được sức hấp dẫn lâu bền như thế không phải vì những tình tiết mới lạ hay những thủ pháp tân kỳ mà vì, câu chuyện cổ tích thời hiện đại về tình yêu trong phim giúp cho khán giả đêm tất niên như nạp được thêm năng lượng cho trái tim để đủ sức sống và làm việc dưới ánh sáng của thiện tâm, thiện chí suốt 365 ngày sắp đến.

Xem mãi không chán

Kịch bản Số phận trớ trêu có cốt truyện dựa trên chuyện có thật xảy ra với nhạc sĩ Nikita Bogoslovsky. Một bận, quá chén, Bogoslovsky đã tiễn ra ga tàu hỏa một người bạn chỉ có 15 côpếch trong túi đi nhầm xuống Kiev. Và thế là mọi sự trớ trêu đã diễn ra vì thế...  Vở kịch Số phận trớ trêu trong những năm 60 của thế kỷ trước từng được công diễn tại rất nhiều nhà hát ở Liên Xô. Năm 1975, Riazanov quyết định chuyển vở kịch này thành phim và đã tạo nên một kiệt tác của nền điện ảnh Xôviết. Số phận trớ trêu là bộ phim đầu tiên trong chế độ Xôviết được quay bằng nhiều camera cùng một lúc (ba máy quay). Căn hộ hai phòng của nhân vật chính Lukashin chiếm một diện tích lên tới 600 mét vuông trong trường quay của xưởng Mosfilm...

Nhân vật chính trong phim Lukashin (do nghệ sĩ Andrey Myagkov đóng) cũng bị rơi vào tình huống tương tự, vào nhầm nhà, gặp nhầm người và từ đó bắt đầu câu chuyện tình hay nhất đời anh. Kể lại tình tiết của bộ phim này bằng lời thật vô nghĩa, vì tình yêu và cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải nhìn thấy tận mắt, chứ không nên chỉ “văn kỳ thanh”...

Chỉ biết rằng, phẩm chất thật của con người lắm lúc chỉ được bộc lộ trong những tình huống lạ bất thường. Thay đổi số phận ta đôi khi cũng là những tình huống lại bất thường, như thể bỗng nhiên có một luồng ánh sáng lạ rọi vào cảnh đời thường đã nhàm chán vì quá quen thuộc, cho ta nhìn thấy rõ những chân giá trị của chính ta và những người gần gụi. Tiếng sét ái tình cũng vang lên trong những cảnh huống như thế. Đó có lẽ là thông điệp lớn nhất mà những người làm phim muốn gửi tới khán giả. Thông điệp thực ra là đơn giản nhưng được những người làm phim truyền tải một cách đầy tài hoa và sinh động nên đã khiến khán giả xem hoài mà không chán, như thể đó là người tình thú vị đến mức gặp một lần rồi thành “quen mui bén mùi ăn mãi” mỗi dịp xuân về.

Đạo diễn lão thành Nga Eldar Riazanov lên lão 85 tuổi.

Người ta đồn rằng, sinh thời, dịp đón xuân mới nào, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brazhniev cũng ngồi xem trọn vẹn bộ phim và tất cả những diễn viên mà ông thích trong phim đều được ông đề nghị phong danh hiệu NSND hết. Nhiều nhân vật tham gia đoàn làm phim Số phận trớ trêu, kể cả nữ diễn viên người Ba Lan Barbara Brylskaya, đã được trao Giải thưởng Quốc gia Liên Xô, cũng là do sự “bật đèn xanh” của người chủ Điện Kremli.

Trong thời gian làm phim, đạo diễn Riazanov đã tìm thấy tình yêu đích thực nhất đời mình và cưới người vợ thứ hai Nina Squybina, một người biên tập phim tại Mosfilm. Chính bà Nina đã giúp cho ông “hóa giải” mọi mâu thuẫn và căng thẳng nảy sinh trong trường quay. Khi bà qua đời, Riazanov đặt trên mộ bà một tảng đá khổng lồ bị vỡ làm đôi... Hiện nay ông sống cùng người vợ thứ ba, Emma Abaidullina, cũng là một người biên tập phim... Chính bà hiện đang là chỗ dựa chính yếu của đời ông vì sức khỏe của trưởng lão điện ảnh Nga này đang rất không tốt. Chân đau nên ông không thể tự đi được.

Trong dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông (25/11/2012), khi xuất hiện trong tiệc lễ, ông đã phải để bà dắt đi... Cũng trong dịp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện tới chúc mừng ông, trong đó nhấn mạnh: “Ông thuộc về đội ngũ vinh quang của các nghệ sĩ mà sáng tạo đã làm giàu có thêm những truyền thống tuyệt vời của nền điện ảnh nước nhà và là những trang sáng chói của đời sống văn hóa quốc gia. Tài năng, khả năng xây dựng nên một đội ngũ nghệ sĩ xuất sắc, thực sự tinh tú, khát khao dồn tất cả tâm hồn vào từng tác phẩm, - đó là những phẩm chất chính trong thành công nghề nghiệp, trong sự tồn tại dài lâu và hạnh phúc của các tác phẩm điện ảnh mà ông đã tạo nên...”.

Cũng phải nói rằng, Ryazanov có thái độ không vui vẻ với thực tại nước Nga hiện nay. Trong con mắt ông, quốc gia Xôviết có nhiều điều tươi sáng hơn thế giới tư bản chủ nghĩa đang ngự trị ở nước Nga bây giờ...

Làm phim không mệt mỏi

Riazanov sinh ngày 18/11/1927 tại Samara, một thành phố lớn nằm trong lưu vực sông Volga. Ngay từ nhỏ, năng khiếu nghệ sĩ đã bộc lộ trong cậu bé vóc dáng to lớn như lực sĩ. Sau khi học hết lớp 10, Riazanov gửi đơn xin vào học ở Trường Hàng hải Odessa. Tuy nhiên, lúc đó đang là chiến tranh nên Riazanov không chờ được thư trả lời và đã vào học ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh VGIK tại Moskva, trong lớp do nghệ sĩ bậc thầy lúc đó là Grigory Kozintsev làm chủ nhiệm. Tại VGIK, Riazanov được nghe rất nhiều nhà làm phim lớn của chế độ Xôviết đọc bài giảng, trong đó có đạo diễn Sergey Eizenshtein vĩ đại. Chính Eizenshtein đã nhận ra thực tài của Riazanov và đã tạo nên ảnh hưởng vô cùng sâu sắc với chàng trai nhiều triển vọng Eldar. Thực tế đã chứng minh rằng, con mắt xanh của Eizenshtein đã rất đúng. Ngay từ bộ phim truyện đầu tiên Đêm Carnaval (1956), Riazanov đã tạo dựng được một tác phẩm điện ảnh cũng vào loại xem hoài không chán. (Cho tới hôm nay, đây vẫn là bộ phim hay được chiếu đi chiếu lại trên màn ảnh nhỏ ở nước Nga những dịp lễ hội). Mới ra mắt trong một thời gian ngắn, phim Đêm Carnaval đã thu hút được tới 48,64 triệu khán giả. Cũng từ bộ phim ấy, Riazanov có tiếng là một đạo diễn “mát tay”.

NSND Liudmila Gurchenko, xuất hiện lần đầu tiên trên màn ảnh trong vai chính của bộ phim này, ngay nay đã trở thành một trong những diva điện ảnh của chế độ Xôviết. Nhìn chung, Riazanov rất “có trước có sau” với những ngôi sao mà ông phát hiện ra. Những ngôi sao này về sau liên tục có mặt trong những kiệt tác điện ảnh do ông đạo diễn...

Hàng loạt những phim tiếp theo của Riazanov cho thấy rõ những góc độ đặc sắc và phong phú của một tài năng hiếm có. Các bộ phim do ông đạo diễn liên tục trở thành tâm điểm chú ý của không chỉ giới chuyên môn mà còn của đông đảo khán giả Liên Xô cũ... Có thể kể ra đây một số bộ phim quen thuộc: Cẩn thận xe hơi (1966), Những ông già tướng cướp (1972), Những cuộc phiêu lưu không thể tưởng tượng nổi của người Italia ở Nga (1974), Chuyện tình công sở (1977), Ga dành cho hai người (1982), Garage (1979), Bản tình ca khắc nghiệt (1984), Âm điệu đã bị quên lãng dành cho cây sáo (1991), Những đầm lầy yên ắng (2000)... Năm 2006,  Riazanov còn bắt tay vào dựng một bộ phim về nhà văn vĩ đại Hans Andersen Không có tình yêu... Đây đã là bộ phim lớn cuối cùng của ông. Làm phim gì thì Riazanov cũng tuân theo một nguyên tắc: giúp con người yêu đời và yêu nhau hơn. Cốt truyện phim ông lúc hư lúc thực nhưng luôn luôn đong đầy những chi tiết cảm động của tình yêu đích thực.

Riazanov không chỉ là một đạo diễn điện ảnh mà ông còn là tác giả của nhiều bài thơ được phổ thành ca khúc. Thông thường, bộ phim nào mà ông đạo diễn đều có những ca khúc phổ thơ của ông. Và phải nói rằng, đó là những ca khúc hay, đầy tâm trạng: “Thiên nhiên không có thời tiết xấu. Nắng mưa chi ta cũng cảm ơn người!”. Ông cũng là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim mà ông là đạo diễn. Nhiều chương trình truyền hình mà ông là tác giả được công chúng rất ưa chuộng...

Ai đó đã nói rất đúng rằng, đã đạo diễn được những bộ phim hay thì việc gì còn lại cũng làm không dở.

Trong số các đạo diễn Nga hiện nay, Ryaznov là một trong những trưởng lão danh vọng vào hàng lớn nhất.

Tâm sự của Eldar Riazanov:

- Tôi thích mọi sự cũ nhàu rách nát.

- Trí nhớ tôi rất tốt nên tôi còn nhớ ngay cả số điện thoại nhà mình thời trước chiến tranh: G-69132. 

- Ở đâu có sự châm biếm thì ở đó có sự thật.

- Nếu mà đọc truyện dân gian thì có thể thấy rằng, người Nga luôn muốn được mọi thứ và ngay lập tức mà lại không phải làm gì. Chuyện cổ tích Nga, thật đáng tiếc lại chính là ý tưởng dân tộc. Cái căn cốt này nói một cách nhẹ nhàng không thể khiến thích thú được. Nhưng những người tử tế thì luôn tồn tại ở nước Nga bất chấp mọi sự.

- Việc khó nhất nhưng cũng là việc thú vị và đáng được biết ơn nhất là làm phim hài về những người tốt bụng và tử tế. Molière không viết một hài kịch nào mà các nhân vật trong đó đáng được chúng ta cảm thông.

Minh Huyền
.
.