Người du kích bảo vệ Hội nghị Tân Trào và "Kinh Nhật Tụng" của Bác Hồ

Thứ Bảy, 12/02/2005, 10:01

Tuổi trẻ của ông đã cống hiến và hy sinh một phần xương máu cho cách mạng. Ông cũng vinh dự được ba lần phục vụ Bác Hồ và có nhiều kỷ niệm về Bác. Nhưng do giấy tờ bị thất lạc và những hoàn cảnh hạn chế của gia đình, ông chưa lần nào tự mình hoặc được ai giúp đỡ làm các thủ tục để hưởng các chế độ đối với người có công, ngoài số tiền thương tật ít ỏi hằng tháng.

Gần đây, trong đợt đi an dưỡng tại khu Điều dưỡng nước khoáng của Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hòa Bình, tại  Kim Bôi, tôi có dịp trò chuyện với một người nông dân đã ngoài tám mươi tuổi, ở địa phương. Qua các câu chuyện kể, được biết đó là một vị lão thành cách mạng, đã có nhiều hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong 60 ngày đêm máu lửa, sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 tại thủ đô Hà Nội, cũng như những năm tháng hoạt động ở chiến trường khu III năm 1947, 1948.

Một lão thành cách mạng mai danh

Ông tên là Nguyễn Xuân Tửu, sinh ngày 3/3/1919. Quê quán tại xã Thụy Khuê, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Trú quán tại thôn Mớ Đá, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Sinh trưởng trong một gia đình nho học, cụ thân sinh là một thầy đồ dạy chữ Hán. Học trò của cụ có người làm đến quan đầu tỉnh. Thuở nhỏ, ông Tửu được học khá nhiều chữ Hán, qua Tứ Thư và học cả Ngũ Kinh. Về Ngũ Kinh, ông đã học Kinh Thư và Kinh Thi. Lẽ dĩ nhiên, ông cũng học và đọc được chữ Nôm.

Được sự dìu dắt của ông Khuất Duy Tiến, người cùng huyện Quốc Oai và ông Phan Trọng Tuệ, người huyện Bất Bạt, ông Tửu sớm tham gia công tác cách mạng. Thời gian đầu ông Tửu làm liên lạc, giúp việc trực tiếp cho ông Khuất Duy Tiến. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông Tửu đã tham gia các trận phá kho đay, cướp kho thóc của Nhật để cứu đồng bào. Có thời gian, để tránh bị bắt, ông được cụ Phan Kế Toại, nguyên là khâm sai đại thần của triều đình Huế ở Bắc Kỳ và cũng là người cùng quê ở Sơn Tây đưa vào làm gia nhân, vắt sữa bò ở đồn điền Hòa Lạc. Sau đó cụ Phan Kế Toại bố trí, giới thiệu ông vào biên chế của quân đội Nhật. Ở trong hàng ngũ của quân đội Nhật, ông Tửu với sự hướng dẫn của cụ Phan Kế Toại, đã tiến hành các hoạt động binh vận để binh lính Nhật cung cấp cho cách mạng các loại quân nhu quân dụng như săm lốp ôtô, thóc gạo và vũ khí. Lúc Nhật sắp đầu hàng đồng minh, một số đơn vị lính Nhật đã không giao nộp vũ khí cho quân đồng minh mà giao nộp cho cách mạng. Nhờ công tác binh vận, có cả hàng tiểu đội lính Nhật sang gia nhập hàng ngũ của quân đội ta.

Ông Tửu được các ông Khuất Duy Tiến và Phan Trọng Tuệ bố trí lên chiến khu cách mạng ở châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tham gia thành lập trung đội du kích để bảo vệ Hội nghị Đại biểu Quốc dân ở Tân Trào.

Trung đội du kích do ông Mai Hiền, một công nhân hỏa xa làm trung đội trưởng. Ông Nguyễn Xuân Tửu làm trung đội phó. Đội viên hầu hết là người dân tộc Thổ ở địa phương. Trong khoảng thời gian một tuần, trước và sau Hội nghị Tân Trào, ông Tửu và ông Mai Hiền được ở bên cạnh Bác Hồ để bảo vệ Bác, bảo vệ các đồng chí Trung ương và đại biểu về dự Hội nghị, bảo vệ Hội nghị được an toàn. Các ông được Bác chỉ bảo rất tỉ mỉ về công tác bảo vệ. Bác đã tự mình sáng tác, tự đánh máy quyển Kinh Nhật Tụng trên giấy pơluya và tự thân lên lớp cho ông Mai Hiền và ông Tửu. Bác bảo: “Các chú phải thuộc trước, rồi dạy cho đội viên học thuộc mà thực hiện. Các chú ngày nào cũng phải đọc, để đừng quên”. Kinh Nhật Tụng gồm có 12 bài. Mặc dầu đã gần 60 năm, ông Tửu vẫn còn nhớ được gần nguyên vẹn 7 bài. Mỗi bài là một chủ đề huấn luyện cho bộ đội về đạo đức, lối sống, tinh thần hy sinh chiến đấu, các điều lệnh về canh gác, kỷ luật quân đội, công tác dân vận và địch vận. Kinh được viết thành các bài thơ 4 chữ hoặc lục bát.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Hội nghị Tân Trào, ông Tửu theo các đơn vị Nam tiến, hành quân về thị xã Sơn Tây, tham gia giành chính quyền.

Ngày 10/9/1945, chỉ một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, Tiểu đoàn Quốc Ninh (lấy tên của tiểu đoàn trưởng) được thành lập. Ông Tửu được biên chế vào tiểu đoàn này. Cùng thời gian đó, Trường Võ bị đầu tiên của quân đội cũng được thành lập tại thành cổ Sơn Tây. Tiểu đoàn Quốc Ninh làm nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ nhà trường. Tại đây, ông Tửu lại được đón Bác Hồ và ông Võ Nguyên Giáp đến thăm nhà trường, lúc đó do tướng Hoàng Sâm làm hiệu trưởng.

Tháng 3/1946, cũng tại thành cổ Sơn Tây, Trung đoàn 66 được thành lập, do ông Phùng Thế Tài làm trung đoàn trưởng. Tiểu đoàn Quốc Ninh được biên chế vào Trung đoàn 66. Ông Tửu được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội 3, thuộc Đại đội 176, do ông Lê Bính làm đại đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 171 do ông Lê Viết Thọ làm tiểu đoàn trưởng.--PageBreak--

Sát trước ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ông Tửu lại được cùng ông Khuất Duy Tiến và ông Phan Trong Tuệ tháp tùng Bác Hồ thăm đến Ngọc Sơn ở Hà Nội. Ngày đó, không khí chiến tranh đã tràn ngập thành phố. Nhân dân nội thành phần lớn đã tản cư. Đền Ngọc Sơn hầu như bị bỏ ngỏ. Vào đến cổng đền, ông Khuất Duy Tiến và ông Phan Trọng Tuệ dừng lại đứng bên ngoài. Ông Tửu làm nhiệm vụ bảo vệ Bác tầm gần, được theo Bác vào tận hậu cung. Trên ban thờ còn ba quyển kinh, quyển mở, quyển đóng. Bác Hồ thắp hương kính cẩn khấn vái, sau đó Bác lần giở các quyển kinh ra xem lướt qua. Rồi Bác chậm rãi trao cả ba quyển kinh cho ông Tửu và nói: “ Chú cầm và giữ lấy khi gặp nạn có thể dùng để cứu thân”. Kinh viết bằng chữ Nôm. Sở dĩ Bác trao cho ông Tửu vì Bác biết ông có vốn học Hán Nôm, qua các lần trò chuyện thăm hỏi hồi Hội nghị Tân Trào. Sau này, vào năm 1947 khi Pháp nhảy dù ở Vân Đình, để che chở mắt địch, có lần, ông Tửu đã phải đóng vai nhà sư, tụng kinh ở chùa Tế Tiêu. Các quyển kinh sau đó đã thất lạc, nhưng đến tận nay, ông vẫn còn nhớ bài kinh Tâm Pháp và bài kinh Sám hối.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trung đoàn 66 được lệnh đưa một số đơn vị vào phối hợp với Trung đoàn Thủ đô chiến đấu tại mặt trận Hà Nội. Lúc này, theo yêu cầu tác chiến, lực lượng chiến đấu được chia nhỏ thành từng tiểu đội độc lập. Ông Tửu phụ trách một tiểu đội 7 người. Số chiến sĩ trong tiểu đội mà ông Tửu cón nhớ có ông Tá, ông Tuấn. Trong suốt 60 ngày đêm quyết tử chiến đấu trong từng góc phố, có thời gian ông Tửu và các chiến sĩ phải nằm dưới cống ngầm hàng tháng. Do chiến đấu dũng cảm, gan dạ, ông Tửu được tướng Hoàng Sâm tặng bằng khen ở mặt trận Bồng Lai- Bá Giang (vùng Chèm-Vẽ), được đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Bằng khen trong trận đánh nhà thương Cống Võ ( tức bệnh viện Bạch Mai).

Đến khoảng ngày 19/2/1947, đúng vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán, đơn vị của ông được lệnh mở đường máu để rút ra vùng tự do, qua quốc lộ 1 tại địa phận làng Tám ở Giáp Nhất, qua làng Nủ, để đi về phía Hà Đông- Vân Đình, hội quân với đơn vị ở Hạ Hòa - Trại Tráo.

Năm 1947, khi Pháp nhảy dù đánh chiếm Vân Đình, ông Tửu bị bắt, đưa về giam ở Nhà Tiền hai tháng. Trong một nhiệm vụ, quân Pháp đưa tù binh đi làm một chiếc cầu, do ông Tửu khai đã từng làm cai thợ mộc, nên ông Tửu cũng được đi. Được sự liên lạc mật báo trước, bộ đội ta dùng hỏa lực đánh giải thoát số tù binh. Ông Tửu lại được trở về với đơn vị.

Ngày 19/2/1948, trong một trận tao ngộ chiến ở Hòa Bình, ông Tửu bị thương, được đưa đi điều trị rồi về điều dưỡng tại Ty Thương binh Tuyên Quang. Sau khi hồi phục, tháng 6/1948, được chuyển sang công tác ở Chi cục Kho bạc Nhà nước, hồi đó gọi là Ty Ngân khố Trung ương thuộc Bộ Tài chính. Ông Tửu được giao nhiệm vụ chỉ huy các đoàn áp tải tiền bạc phân phối cho các địa phương thuộc các tỉnh Liên khu IV cũ.

Năm 1950, trên đường công tác, đơn vị ông bị địch vây ở núi Vua Bà, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Toàn bộ giấy tờ tùy thân mang theo dấu ở một hang núi. Sau khi địch rút, trở lại tìm thì bị thất lạc. Trong đó có thẻ đảng viên, các bằng khen và lý lịch quân nhân...

Năm 1951, vì vết thương tái phát, sức khỏe yếu, không thể tiếp tục công tác ở cơ quan, ông Tửu xin nghỉ, trở về sinh sống tại quê hương mới Hòa Bình. Gia đình ông tham gia Hợp tác xã nông nghiệp. Ông được cử làm đội trưởng đội sản xuất và sống như mọi người nông dân bình thường.

Ông Tửu rất ít nói về mình, về quá khứ hào hùng của tuổi thanh xuân cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân. Bình thường, ít ai biết đó là một lão thành cách mạng, nhiều lần bảo vệ Bác Hồ, được Bác tin tưởng và yêu mến.

Lúc về già, có lúc ông nghĩ đến việc kê khai, nhưng ở địa phương thì không được, vì đơn giản là không còn giấy tờ. Còn việc tìm người xác minh thì một ông già nông dân miền núi lấy đâu ra sức lực, tiền tàu xe để mà đi. Vả lại, gia cảnh ông hai bà vợ và mấy người con trai lần lượt qua đời, để lại nhiều nỗi đau lấn át cả thời quá khứ. Hiện ông chỉ được hưởng một chế độ duy nhất là tiền thương tật, mỗi tháng 265 nghìn đồng.

Năm nay, ông Tửu đã 84 tuổi, sức yếu, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt, minh mẫn. Ông vẫn nhớ và đọc cho tôi chép các bài thơ trong Kinh Nhật Tụng của Bác Hồ, Kinh Tâm Pháp và Kinh Sám hối ở chùa Ngọc Sơn, do chính Bác Hồ giao cho.

Thay lời kết

Những việc làm, những tên đất, tên người và những mốc thời gian mà ông Tửu kể với tôi rất rành rọt. Trong số những người mà ông đã kể, không rõ hiện nay ai còn, ai mất. Tôi hy vọng, qua bài viết này, độc giả nào biết gì thêm về ông Tửu xin hãy phát tâm tế độ, giúp ông trong việc trong việc xác minh thành tích, ngõ hầu giải quyết được chế độ ưu đãi người có công, mà Đảng ta, Nhà nước ta đã ban hành, âu cũng là góp phần lấy lại sự công bằng cho quá khứ

Hoàng Nghĩa Lược (theo lời kể lại của cụ Nguyễn Xuân Tửu)
.
.