Người đi Tây Tiến ai còn lại

Thứ Hai, 12/01/2009, 09:00
Nhà thơ Quang Dũng mất đã tròn 20 năm. Nhớ đến Quang Dũng, nhớ về người nghệ sĩ đa tài đủ cầm kỳ thi họa với những thi phẩm bất hủ: "Tây Tiến", "Đôi mắt người Sơn Tây"…

Ông mất vì căn bệnh huyết áp gây tai biến. Căn bệnh ấy hiện nay đủ thuốc tốt và chăm sóc chu đáo thì vẫn sống chung với bệnh tật được. Nhưng vào cái thời bao cấp, cuộc sống còn quá nhiều khốn khó của cơm áo gạo tiền, ngã bệnh và dằng dai trong 4 năm trời, Quang Dũng đã không trụ lại được. Ông mất ở tuổi ngoài 60. Nhớ về người nghệ sĩ, thi sĩ tài danh, có nhiều người đã viết về ông qua những hồi ức, những kỷ niệm.

Nhưng, cuộc sống riêng tư của ông, gia đình, các con và đặc biệt là người vợ "lẩn khuất bóng dáng" của Quang Dũng thì hầu như chưa được nhắc đến. An ninh thế giới Cuối tháng số này, xin trân trọng gửi đến bạn đọc những câu chuyện riêng tư trong cuộc đời của nhà thơ Quang Dũng.

Phần I: Đắm đuối vì con

"Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhớ đến cha, tôi lại cứ nhớ đến hình ảnh của Jăngvanjăng trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Vích To Huy Gô. Từ bé, tôi đã đọc rất nhiều sách, đã nhìn thấy bóng hình của cha mình trong những nhân vật tiểu thuyết, những thiên cổ tích về một người đàn ông to lớn, râu tóc bạc trắng và có đôi mắt hiền từ sâu thẳm, lúc nào cũng chứa đựng trong đó kín đáo và e dè về một nỗi sầu mặc của kiếp người. Cả sau này, khi ông không còn lại trên cõi đời này, thì hình ảnh về cha vẫn quấn quýt vương vấn trong cuộc sống của chúng tôi, 5 đứa con một lứa bên trời của ông. Có lẽ vì Quang Dũng là một người cha quá đắm đuối với các con, yêu thương con một cách bao bọc, chở che và quan tâm con tỉ mỉ, cả đến phụ nữ cũng hiếm người như thế. Nên nỗi nhớ và ký ức về cha luôn trở về sâu đậm trong các con, dù ông đã xa lâu lắm rồi, nhưng hơi ấm mà ông để lại, chúng tôi luôn nhận được".

Đó là những sự trải lòng mình của con gái út nhà thơ Quang Dũng, chị Bùi Phương Thảo trong một buổi chiều muộn Hà Nội mặn gió mùa. Tôi thật may mắn khi tìm gặp được chị, người duy nhất trong số 5 người con của nhà thơ Quang Dũng đang sống và làm việc ở Hà Nội, và cũng là người duy nhất trong số các con lưu giữ hầu hết những kỷ vật, di vật về cha của mình như một báu vật của đời.

Vợ và con gái nhà thơ Quang Dũng.

Dốc Thọ Lão trong hoàng hôn muộn nhập nhoạng mặt người, tôi cùng chị trèo lên tầng 3 của khu chung cư vẹo vọ và quá cũ nát giữa lòng Hà Nội để tìm về nhà chị. Căn phòng nhỏ chỉ 30m2, có hai thế hệ cùng sinh sống là vợ chồng chị và hai con gái đã đến tuổi thiếu nữ.

Trong không gian chật hẹp chỉ 30m2 thôi, nhưng những bức tranh của nhà thơ Quang Dũng được đóng khung lồng cẩn thận và treo lên kín cả hai bức tường. Những bức tranh bằng chất liệu bột màu một thời nghèo khó, nhưng không vì thế mà làm che lấp hay mờ nhoà đi nét cọ tài hoa của người thi sỹ nổi tiếng.

Những bức tranh ghi rõ bút tích của nhà thơ Quang Dũng vẽ ở đâu, trong hoàn cảnh nào và chữ ký to nguệch của ông. Quang Dũng là người quá cẩn thận, bởi vậy, những gì ông để lại, dù chỉ là một mẩu nhắn tin nhỏ cũng thể hiện sự cẩn trọng trong từng chi tiết. Chị Phương Thảo lần giở lại tất cả những di cảo, bút tích, thư từ của Quang Dũng gửi cho vợ và các con, đọc cho tôi nghe trong buổi chiều tối mùa đông se lạnh, khiến cho những ký ức như gió mùa thổi day dứt mãi trong cả hai chị em chúng tôi.

Vợ chồng nhà thơ Quang Dũng sinh hạ được 5 người con: Con trai cả Bùi Quang Vĩnh nguyên là giảng viên Đại học Nông Lâm Bắc Thái. Anh Bùi Quang Doãn bộ đội phục viên. Anh Bùi Quang Thuận công tác ở Công ty Bảo trì bảo dưỡng khách sạn TP HCM, chị Bùi Phương Hạ nguyên là giáo viên mầm non, và chị Bùi Phương Thảo hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hoàn cảnh gia đình Quang Dũng có những nỗi éo le của số phận. Anh Bùi Quang Doãn đã trọng bệnh mất khi đang ở tuổi 49, chị Phương Hạ bị bệnh tim mất khi tròn 35 tuổi. Hiện nay, chỉ còn lại 3 anh em, một ở TP HCM, một ở Thái Nguyên, và một ở Hà Nội.

Chị Phương Thảo kể rằng, vì chị là con út nên khi lớn lên, biết cảm nhận về cha, mẹ thì các anh đã lớn và đều đã xa gia đình. Chỉ còn lại chị Hạ và chị là quấn cha nhiều nhất. Nhà thơ Quang Dũng rất yêu thương các con, chăm bẵm và lo lắng từng ly từng tý như một người mẹ chăm chút đàn con. Ông là người lo lắng và định hướng nghề nghiệp, xin việc cho cả 5 đứa con.

Riêng chị Hạ là người chịu nhiều thiệt thòi và bất hạnh nhất do bệnh tật. Chị Hạ khi sinh ra rất khoẻ mạnh, nhưng độ lên 8-9 tuổi, theo mẹ đi tản cư, do không giữ gìn được nên đã bị bệnh thấp khớp nặng, sau đó biến chứng lên tim, hở hai van tim. Tuổi thơ của chị Hạ gắn liền với bệnh viện, đi viện như cơm bữa.

Mỗi lần chị Hạ đau, cha và mẹ lại than thở: "Phải chi lúc đó đừng đặt tên con là Hạ, đặt là Hà có phải nhẹ nhàng hơn, đỡ khổ con hơn". Những ngày còn ở tập thể 91 Lý Thường Kiệt, rồi về 296 Bà Triệu, mỗi lần chị Hạ lên cơn khó thở, ông Quang Dũng lại vội vàng cõng con qua cấp cứu ở bệnh viện.

Khu tập thể và khu phố nơi nhà Quang Dũng ở, hễ thấy nhà thơ to cao như gấu cõng con chạy trên đường, là biết ngay lại đi cấp cứu ở viện. Chị Hạ nằm điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, một lần trong nhật ký của chị Hạ, sau này chị Thảo đọc mà thương cha rơi nước mắt. Chị Hạ kể đang nằm viện thì nghe tiếng bom nổ rất gần ở phía bên ngoài.

Cha Quang Dũng vội vàng ôm choàng lấy con gái, tấm lưng rộng của ông che chắn hết cho con và ông thầm thì: "Con đừng sợ, bố che hết cho con rồi, nếu có bom đạn thì cũng không vào tới được người con đâu. Đừng sợ con nhé".

Gần như bệnh tình của con gái suốt tuổi ấu thơ đều vắt qua tâm trạng của người cha đắm đuối vì con. Ông ở bên cạnh con, đưa con đi viện, chăm sóc con đều một tay ông. Ông nói với vợ, tôi to khoẻ, lại chạy nhanh, quen biết bác sỹ nhiều, để tôi theo con chữa bệnh. Bà ở nhà cơm nước và còn đan len để kiếm tiền đỡ đần cả gia đình.

Cứ thế cho đến năm chị Hạ 17 tuổi, sức khoẻ đã khá hơn một chút, nhà thơ Quang Dũng đã xin cho chị Hạ vào sửa mo rát ở nhà xuất bản Văn học. Cũng dịp này, ông định hướng cho con trai thứ là anh Thuận đi bộ đội.

Trong số những bức thư viết cho các con, có bức thư viết trong thời điểm này: "Ngày 8/1/1975. Thuận. Buổi chiều nay bố cùng gửi thư nhờ 1 bác ở phố Mai Hắc Đế và một gói muối, chắc con sẽ nhận được ngay. Tối nay, bố tới nhà bác An, thấy bác gái sắp vào. Vội về nhà mang gói đường và con dao con mới mua gửi vào cho con… Con có được nghỉ phép về hay không thì cũng gửi thư ngay… để bố và mẹ thu xếp vào thăm con. Nhớ gửi thư ghi rõ nghỉ ngày nào, có về nhà không, không về thì để bố và mẹ lên kế hoạch vào thăm con đấy. Con đi xa, sẽ được nhìn nhiều, thấy nhiều. Cuộc sống gian khổ của con và các bạn con đã bắt đầu. Hãy chịu đựng và vượt qua những nỗi gian khổ đó. Hạ đã lên cơ quan học việc từ hôm thứ 2, ngày 6/1/1975. Làm việc ở tổ cô Tuyết thấp, bác Như Phong đã đồng ý".

Năm 1978, theo chế độ, nhà thơ Quang Dũng được đi trại an dưỡng 3 tháng. Cuộc sống thời bao cấp, chế độ an dưỡng cũng tính theo tiêu chuẩn tem phiếu. Quang Dũng có tính, đi đâu, ăn miếng gì ngon, thưởng thức cảnh đẹp đều rất nhớ các con và cố gắng để đưa các con đi cùng. Chị Phương Thảo sinh sau này, được cha cho đi cùng nhiều nhất. Ông đặc biệt thương quý và chiều chuộng hai con gái.

Trong lần đi trại an dưỡng, ông đã viết thư cho hai con gái: "Ngày 29/6/1978. Hạ và Thảo. Bố rất đợi thư của cả nhà ta từ hôm bố lên trên này, hay bưu điện họ làm thất lạc nên không có. Tính từ hôm 29/6 thì bố còn ở đây 1 tháng và 5 ngày nữa. Tới ngày 4/8 là vừa vặn hết tem phiếu và tiền sinh hoạt của cả 3 tháng. Hôm nay có chú Hùng về Hà Nội, bố gửi 1kg đường về. ở trên này bố còn độ nửa cân, và bố đã mua 1 cân đậu đen. Hôm nào tiện thì bố sẽ gửi đậu về. Từ nay đến hôm ra viện, bố sẽ không có dịp về qua nhà đâu. Sẽ yên tâm ở luôn cho tới hết hạn là ngày 4/8. Vậy là bố không về đón các con lên chơi trên này đúng như lời bố hứa hôm trước, vậy bố viết tỉ mỉ cách đi cho các con, và bố ghi cả ngày bố chờ đón các con. Có nhiều cách đi, nhưng cách đi tốt nhất vẫn là lên nhà bác Lê Giáp ở Mía rồi bố ra đón. Từ chỗ Mía vào tới viện chỉ đi có 5km đường đồi thôi. Vậy sẽ đi vào những ngày thứ 5, thứ 6, và thứ 4 này (Các ngày này ôtô dễ lấy vé hơn). Vậy đúng sáng thứ 4 ngày 5/7, sáng thứ 5 ngày 6/7, sáng thứ 6 ngày 7/7 bố sẽ ra Mía, đến nhà bác Lê Giáp đón con. Bố sẽ ra cả 3 ngày ấy. Các con cứ đi ra bến Kim Mã, lấy vé tuyến đường Trung Hà, mua vé lên Phố Mía chỉ có 1,20 đồng thôi, phố Mía cách Sơn Tây có 4km, phải chú ý xuống Phố Mía rồi hỏi thăm nhà ông Lê Giáp ở xóm 1, thôn Đông Sàng. Cứ hỏi xóm 1, thôn Đông Sàng, nhà ông Lê Giáp có con là cô Hải, cô Liên, chú Hiệp. Ông Giáp đài TT Đường Lâm thì ai cũng biết. Nếu Hạ và Thảo cùng lên thì cứ mang đủ lương thực từ 3-5 ngày".

Nhà thơ Quang Dũng có tính tỉ mỉ và cẩn trọng đến mức thái quá. Trong bức thư này, có tới 3 lần ông dặn dò lặp đi lặp lại về các thứ và ngày mà 2 con gái ông có thể lên thăm cha. Ông dặn đi dặn lại như thể không yên tâm sợ các con đọc lướt một lần rồi quên mất.

Tỉ mỉ, và kỹ lưỡng cũng là một nét tính cách của nhà thơ Quang Dũng. Ông rất thương hai con gái, nhất là chị Hạ ốm đau. Ông canh cánh một mối lo âu lỡ sau này ông chết đi thì các con không biết bám víu vào đâu, làm sao mà sống được. Chính ý nghĩ bám riết ấy mà ông đã cho chị Hạ nghỉ làm ở nhà xuất bản và bảo hai chị em: "Các con phải học lấy một cái nghề ổn định, sau này cha mẹ có chết thì còn có nghề để sống".

Chính vì thế chị Hạ đã đi học sư phạm mẫu giáo Hà Nội. Học xong, lo con không có biên chế, ông đã hướng cho chị Hạ xung phong đi dạy học ở vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng trong 3 năm để về Hà Nội được xét vào biên chế. Cho con đi nhưng nỗi lo canh cánh về đứa con gái ốm yếu bệnh tật, nên được một thời gian ngắn, ngay sau khi nhà thơ Quang Dũng về hưu, ông đã xin giấy công tác đi vào vùng kinh tế mới, vừa là sáng tác, vừa trông nom xem con gái ăn ở dạy học thế nào.

Ông vào được hai năm thì phát bệnh, vợ ông và con út Phương Thảo phải vào đưa ông trở ra để đi viện. Thời gian ở vùng kinh tế mới, ông viết thư cho vợ: "11/6/1983. Mẹ Thảo… Hôm qua, cô Hảo có gửi cho bố một chai magi. Cũng vừa đúng lúc vì ở trên này mấy hôm nay không có muối. Sức khoẻ của bố vẫn rất tốt. Ngày nào cũng đi xuống các cơ sở để làm việc. Bố đợi có xe thì đi Lán Tranh độ mươi ngày… Hôm Hạ qua Sài Gòn chú Bé có gửi thư thăm bố thì bố mới biết sách Nhà đồi tái bản của bố sẽ chờ lãnh nốt giấy để in, chắc chắn là trong vòng hơn tháng nữa thì có sách. Khi nào có sách, bác Lê Khánh sẽ mang tiền nhuận bút xuống. Mẹ Thảo sẽ ký thay tôi và nhận giúp tôi. Yên tâm là có sách vì nhà in đã in xong bông 2 rồi. Bố có ý định ở lại vùng KTM này đến xong tết ta mới về. Yêu cầu mẹ Thảo cứ bán phần gạo của bố và gửi tiền vào bố mua gạo ở Lán Tranh. Gạo ở Lán Tranh, gạo ngon có 12 đồng. Nếu gửi tiền thì gửi cho bố ở bưu điện chợ Hôm, Thảo hay Doãn gửi cũng được. Mẹ Thảo giúp tôi gửi cho 1 ngàn đồng. Thảo đi gửi cho bố để bố đong gạo ăn qua tết ta mới làm xong việc. Tiền sách của bố chỉ ít nữa là có và bác Lê Khánh hay ai ở NXB Văn học sẽ mang xuống".

Sau đó một thời gian không lâu, đến năm 1984, khi con gái Phương Hạ xong nghĩa vụ 3 năm, quay về Bắc để tiện chữa bệnh tật và dạy học ở trường mẫu giáo Nguyễn Công Trứ thì nhà thơ Quang Dũng cũng đổ bệnh, những mẩu thư gửi ra Bắc nét chữ run rẩy, nguệch ngoạc. Không một ai đoán được bệnh tình của ông.

Chỉ đến khi hai con gái Hạ, Thảo thấy cha thở dốc, mệt nhiều, hay đi giải ra quần, mới đưa cha vào viện, phát hiện ra cha bị huyết áp, tai biến mạch máu não ở giai đoạn 1 và bị liệt nhẹ nửa người. Từ đó trở đi, dai dẳng suốt 4 năm ông bị đau ốm dài ngày và nằm điều trị ở Viện E tận Cổ Nhuế, Từ Liêm. Giai đoạn này, cả nhà rất vất vả.

Cuộc sống thời bao cấp vẫn còn nhiều khó khăn. Các anh ở xa, chị Hạ sức khoẻ không tốt, nhưng vẫn ngày ngày cùng với em gái lo thuốc thang chạy viện chăm sóc cha. Ngày đó, chị Thảo đi xe đạp xuống tận Văn Điển, dạy học xong mới hì hụi đạp xe vào Cổ Nhuế để chăm cha. Bạn Quang Dũng là ông Lê Văn cám cảnh hai cô con gái quá vất vả đã cạy cục xin cho nhà thơ Quang Dũng về điều trị ở Việt Xô. Nhưng theo tiêu chuẩn, chỉ cán bộ cao cấp mới được vào điều trị nơi này nên nhà thơ Quang Dũng không được chuyển viện. Ông mất 10h15' sáng 13/10/1988, thọ 68 tuổi.

Phần II: Người ơi, ta nặng nghiệp phong trần

Trước khi nhắm mắt xuôi tay để về với thế giới bên kia, nhà thơ Quang Dũng đã có bài thơ đau đớn viết cho người vợ hiền trong đó có câu: "Người ơi ta nặng nghiệp phong trần".

Về người vợ hiền của nhà thơ Quang Dũng, người mà tác giả Phan Lạc Tiếp đã từng viết rằng: "Còn chị Diệm (Bùi Thị Thạch) bây giờ tôi không còn nhớ được mặt mũi ra sao nữa. Chỉ biết chị là một người đàn bà mỏng manh và khá cao. Chị thường mặc áo nâu, buồn. Tôi chưa lần nào tiếp chuyện với chị. Chị như một cái cây, tự lấp mình đi trong giữa đám rừng. Sự lặng lẽ, cô đơn như đã bủa vây thật chặt, thật kín, làm chị không còn gần gũi được với ai. Tôi cũng không được nghe, không biết anh Diệm đã lấy chị trong trường hợp nào. Cả trong bài thơ của anh, tôi cũng chưa thấy có dòng nào nói đến người vợ đáng thương này".

Thế mà tôi đã thật may mắn khi được gặp lại bà Thạch, vợ của nhà thơ Quang Dũng ngay tại Hà Nội. Có lẽ, trong hình dung, tôi cũng không bao giờ nghĩ, tôi có một cuộc trò chuyện rưng rưng nước mắt với bà cụ 88 tuổi trong một hoàn cảnh hy hữu khi bà đang ở trong ngôi nhà tuổi vàng, dành cho những cụ già ốm yếu, đơn chiếc và gia đình không có điều kiện chăm sóc.

Chị Phương Thảo không giấu được những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhẫn nhịn khi kể về gia cảnh phức tạp và có nhiều khó khăn của gia đình. Sau khi nhà thơ Quang Dũng mất, bà ở một căn buồng 6m2 của khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Tại đây, lần nữa sau cái chết của chồng, bà đau đớn chứng kiến sự ra đi của con gái Bùi Phương Hạ do bệnh tim.

Tiếp theo, lần nữa bà lại phải đau đớn chứng kiến cái chết của người con trai thứ đang ở độ tuổi 49 do mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Sống lâu hơn chồng và các con là phúc đức, nhưng cũng là một nỗi buồn đau khi phải chứng kiến những nỗi mất mát khôn cùng. Sau khi con trai mất, bà Thạch không chịu nổi những kỷ niệm đau buồn trong căn nhà này, bà đã để lại cho các cháu rồi khăn gói bôn ba đến với từng đứa con.

Bà sống với con gái út một thời gian, khi con gái út là chị Phương Thảo lấy chồng, rồi sinh hạ lần lượt 2 đứa con, ngôi nhà tập thể 30m2 ở dốc Thọ Lão trở nên quá chật chội không thể nào đủ chỗ cho mẹ già nay đã già yếu, bệnh tật phải có người chăm sóc.

Vậy là bà lại về với con trai cả ở Thái Nguyên. Nhưng số phận đã không buông tha khi người con dâu cả của bà lại bị căn bệnh quá hiểm nghèo. Sợ mẹ buồn, với lại gia đình đang bối rối tập trung chạy chữa cho chị dâu cả, bà Thạch lại được anh Thuận, con trai thứ đón vào Sài Gòn ở cùng.

Được một thời gian, nhớ nhà, nhớ các con, nhớ mảnh đất chôn rau cắt rốn, nhớ Hà Nội nơi nuôi giữ cả cuộc đời của bà, bà lại quày quả ra Bắc. Đầu năm 2008, bà bị ngã gãy xương đùi, trí nhớ đã bắt đầu lẫn lộn, bà phải nằm một chỗ và có người chăm sóc. Cực chẳng đã, các con bà đã người có công, người giúp sức, giúp tiền bạc hùn vào để nuôi mẹ, gửi mẹ tại nhà tuổi vàng ở khu Linh Đàm.

Khi tôi đến thì bà Thạch đã đỡ và khoẻ hơn rất nhiều. Bà vẫn không đi lại được, nằm một chỗ. Đời người có hai lần làm trẻ con thì đây là lần thứ hai và chắc cũng là lần cuối bà làm trẻ con. Bà nói với chị Phương Thảo: "Các con mua cho mẹ căn nhà này mà mẹ ở không hợp. Mai cho mẹ về quê thôi".

Chị Phương Thảo kể rằng, tuần nào, gia đình chị cũng xuống thăm mẹ ít nhất một lần. Vậy mà bà vẫn nhớ, ngày nào cũng gọi điện cho chị Thảo, bảo chị xuống… Thương mẹ lắm nhưng chẳng biết làm sao được. Mỗi tháng, mọi chi phí cho bà ở nhà địa chỉ vàng là 5 triệu đồng từ tiền ăn, tiền thuốc, tiền bỉm, tiền chăm sóc. Mặc dù các con đều vất vả, khó khăn, nhưng cố gắng để mẹ không thiếu thứ gì, để mẹ được chăm sóc đầy đủ nhất. Thế nhưng, vì điều kiện nhà ở chật chội, phải đưa mẹ đến đây đã là một nỗi day dứt lớn cho các con.

Tôi cũng mang cảm giác đắng lòng ấy khi nhìn thấy bà Thạch ở giữa những cụ già cô đơn khác. Trong tay bà Thạch khư khư cuốn sách "Tây Tiến" và có hình của chồng bà là nhà thơ Quang Dũng. Tại khu dưỡng lão này, bà đã kể cho tôi nghe những hồi ức đứt đoạn nhớ nhớ quên quên của mình về mối tình lớn nhất của đời bà. Xưa, bà Thạch nổi tiếng là tiểu thư ở xứ sở núi rừng Yên Bái.

Bà Thạch dáng người cao ráo 1,65m, nước da trắng ngần, thường vận quần soóc trắng và đi xe đạp đua khiến cho bao nhiêu người mê mẩn. Đã sang tuổi 23 nhưng bà Thạch không ưng ai cho dù các đám hỏi từ sĩ quan, dạy học, tham phán, thừa phái v.v. ngày đêm rập rình.

Cuối xuân năm 1942, bỗng dưng nhà hàng xóm có khách. Khách là một chàng trai trẻ, cao to, phong vận lãng tử, hào hoa, nét mặt nghiêm buồn, thường ngồi bên khung cửa sổ thổi sáo và ngâm câu: "Chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt" (“Chinh phụ ngâm”). Bà Thạch nghĩ người khách này có thể đồng tâm, đồng điệu với mình vì bà mê “Chinh phụ ngâm” lắm. Bà đã tìm cách nói chuyện với chàng. Rồi chàng về Hà Nội.

Bà ở lại bâng khuâng. Bà đã làm mấy câu thơ đề dưới ảnh chàng tặng: "Mắt rộng tìm chi ở chốn này/ Trần gian hẹp lắm vướng nhiều mây/ Anh đừng can nết phong sương nữa/ Rượu tình em sẽ chuốc anh say”. Vài hôm sau, bà nhận được phong thư đầu tiên. Bàng hoàng nhưng không dám tin vào người chân trời góc bể. Không ngờ kể từ hôm đó, cứ đều đặn 4 ngày, bà lại nhận được thư chàng. Thư viết trên giấy pơluya màu xanh, có in hình bông hồng ở góc. Tiếc là bà không giữ được những bức thư này vì những năm ấy, sợ bọn chó săn đánh hơi biết chắc chàng hay về nhà bà nên bà đã đốt sạch.

Bà Thạch nhớ như in, phải đun 2 ấm nước sôi 6 lít mới đủ lửa đốt hết chỗ thư đó! Năm 1944, chàng từ biệt bà để đi xa (như Kinh Kha từ biệt Di Các). Chàng hát bài “Biệt ly” của Doãn Mẫn ngay bên chiếc cầu năm xưa để chia tay bà. Giọng của chàng trong trẻo và ấm áp.

Sau này, dằng dặc trong cuộc đời chồng vợ xa cách, cả khi ông đã vùi sâu ba tấc đất, nghe bài hát này, bà Thạch lại não cả lòng vì thương nhớ người chồng tài hoa yêu vợ, yêu con. Những ngày xa, bà Thạch thường nhìn lên cửa sổ, vẫn thấy hình bóng chàng trai ngồi ngâm Chinh phụ và thổi sáo.

Năm 1947, Quang Dũng từ Trung Quốc trở về, bao cô gái trẻ danh giá đánh tiếng mở lòng, Quang Dũng bảo với gia đình, lên Yên Bái nếu cô Thạch lấy chồng rồi thì mới về cưới vợ. Không ngờ bà Thạch vẫn một mực chờ đợi người viễn xứ trở về. Họ thành vợ thành chồng. Lúc đó bà Thạch đã 28 tuổi. Thành vợ chồng rồi, họ lại sống xa nhau biền biệt (1947-1954).

Năm thì mười họa, hai vợ chồng mới được gặp nhau. Những phút giây hạnh phúc giữa thời chiến loạn lạc ấy, Quang Dũng đã viết cho vợ những câu thơ: "Tay nắm trong tay đầu sát đầu/ Đôi tim hồi hộp đập bên nhau/ Thôi rồi mở mắt tan đôi lứa/ Mộng chết ta - người vẫn biệt nhau". Và Quang Dũng viết về người vợ hiền của mình: "Phải chăng em một giống hoa thần/ Mọc tuyệt vời cao, cách nẻo trần/ Nên mây phiêu lãng không đường chạy/ Rồi hẹn thầm nhau mộng ái ân".

Đám mây phù vân ấy đã đậu lại trong cuộc đời bà. Yêu ông, bà theo ông, rong ruổi trên những nẻo đường để tìm bóng dáng chồng. Con trai đầu lòng phải lên 5 tuổi mới biết mặt bố. Trong bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây", Quang Dũng đã nói lên hoàn cảnh đó: "Mẹ tôi em có gặp đâu không/ Những xác già nua ngập cánh đồng/ Tôi có thằng con bé nhỏ/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông".

Cảm nhau, xa nhau biền biệt, rồi nên vợ nên chồng, cũng biền biệt xa nhau. Chỉ đến khi bà Thạch sinh con gái út Phương Thảo duy nhất lần đó nhà thơ Quang Dũng ở nhà để đón tay đứa con vừa lọt lòng mẹ. Ông bà đã ở bên nhau, chung nhau trong một cuộc sống vất vả thời bao cấp.

Bà Thạch là người phụ nữ nép sau bóng chồng, nhẫn nhịn một đời vì chồng vì con. Bà khéo tay, nghề kiếm sống để nuôi đàn con là nghề đan len. Cả đời đan len để phụ giúp chồng con. Thế giới của bà quẩn quanh ngôi nhà với gia đình chồng và các con yêu thương. Mọi việc lớn trong nhà, Quang Dũng đều lo sắp đặt.

Nhà thơ Quang Dũng vốn là người hay lo, tỉ mỉ, chu toàn mọi thứ, ông đã dặn con điều gì thì dặn một lần chưa đủ mà tới 2 đến 3 lần vẫn cảm thấy chưa yên tâm. Sinh thời ông là người đẹp trai, cao to, nhiều tài hoa, vẽ tranh, viết nhạc, làm thơ nên bao người vì mê ông mà tìm gặp.

Bà Thạch hiểu chồng, chấp nhận tất cả: "Trách ai san sẻ nhiều vương vấn/ Ngậm tủi hờn cho kiếp má hồng". Bà tâm nguyện: "Tôi không mong nữa một kho tàng/ Không ước lầu cao giấc mộng sang/ Người về xin một hồn đơn chiếc/ Một phút bên nhau những ngọc vàng".

Bà Thạch cuối đời chỉ có hai mong ước nhỏ nhoi. Mong ước thứ nhất là ghi lại những kỷ niệm tình yêu với người bạn đời Quang Dũng. Việc thứ hai là khi chết sẽ được hoả táng và nắm tro tàn thân bà lại được nằm bên Quang Dũng, người tình, người chồng người khách thơ mà suốt một đời bà đắm lòng. Mong ước thứ nhất thì sóng gió gia đình và những cách trở biến động trong cuộc sống đã không cho bà có một chốn ăn ở bình yên để thực hiện. Bà không than trách ai, chỉ đổ lỗi cho số phận của bà long đong vất vả cho đến cuối đời. Bà đã viết những vần thơ so mình với công chúa Ngọc Hân - vợ của Quang Trung Nguyễn Huệ khi xưa: "Chồng người là nhà vua/ Chồng tôi là nhà thơ/ Cách nhau 3 thế kỷ/ Cùng lưu danh muôn thuở/ Người xưa làm thơ "Ai tư vãn"/ Người nay làm thơ "Trách ai"/ "ai" trước và "ai" sau/ Nỗi niềm có khác nhau?/ Là một kiếp đàn bà/ đã theo chồng chấp cả…".

Vĩ thanh

Giờ đây, nàng thơ, người đàn bà của Quang Dũng đang cõng những ngày tháng còn lại trên cõi dương gian này trong một khoảng không gian chật hẹp trên chiếc giường bé nhỏ trong ngôi nhà cộng đồng này. Bà không còn nhiều tỉnh táo nữa để biết bà là ai, tình trạng sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần như thế nào và bà đang ở đâu. Những giọt nước mắt rơm rớm đọng nơi khoé mắt chị Phương Thảo, trong một buổi chiều cuối đông hun hút gió khiến cho tôi se thắt lòng.

Tôi biết, ở Đan Phượng quê nhà thơ Quang Dũng, mọi người vì yêu quý ông, tôn vinh ông nên đã dựng một bức tượng lớn của ông trong khuôn viên trường học. Để ngày ngày, các thế hệ học sinh nhớ quê hương đã sản sinh ra một người con hào kiệt, một người nghệ sĩ đa tài danh tiếng lưu truyền muôn đời.

Nhưng, không biết, có còn nhiều người yêu quý thơ Quang Dũng, mến mộ tài danh của Quang Dũng biết được rằng ông vẫn còn người vợ hiền đang sống lay lắt những ngày tháng cuối đời trong khó khăn bệnh tật, trong vòng tay lo toan vất vả của các con ông.

Hằng bao nhiêu năm nay, bà sống bằng món tiền tuất 160 ngàn một tháng của ông, bây giờ là hơn 200 ngàn. Bà sống tùng tiệm và thu vén trong chừng đó, bởi các con bà đứa nọ đứa kia đều còn vất vả trăm bề.

Nhưng rồi cũng đến lúc sức khoẻ không còn cho phép nữa, và trong bao nỗi khó, các con bà đã phải gạt nước mắt dằn lòng đưa bà vào trung tâm dành cho người già để tiện có người ngày đêm chăm sóc cho bà.

Sau khi bài báo này lên trang, Báo CAND đã gửi biếu bà Thạch mười triệu đồng mừng tuổi và chúc bà có một cái Tết Kỷ Sửu bình an và hạnh phúc. Hy vọng rồi đây, bà Thạch sẽ còn nhận được nhiều những tấm lòng tri ân trong vạn tấm lòng của những người yêu và mến mộ tài danh của nhà thơ Tây Tiến một thời

.
.