Người đàn ông "xù xì"

Thứ Hai, 29/12/2008, 10:30
Gặp lại NSND Đoàn Dũng khi ông ra Hà Nội để dự Liên hoan Sân khấu thể nghiệm 2008, tôi mừng vô cùng. Mừng vì lẽ chỉ cách đây chưa đầy một tháng, cứ hai ba ngày, Đoàn Dũng lại gọi cho tôi một lần để báo tin về bệnh tật của ông và trong những lần điện thoại đó, phần nhiều tin xấu hơn là tin tốt. Hôm thì: Bồ ơi! Đau không thể chịu được! Bữa thì: Bi quan lắm bồ ơi! Chẳng biết có "tồn tại" được không, nản quá…

Chả là gần đây, căn bệnh sỏi thận của ông đã hành hạ ông gần hai tháng trời với những cơn đau đớn, những trận sốt li bì hàng tuần lễ và có lúc Đoàn Dũng đã vô cùng bi quan tưởng chừng không vượt qua nổi.

Nhưng rồi trời lại thương ông, để ông qua khỏi cơn bệnh và lại trở về với chúng tôi giữa mùa thu Hà Nội tuyệt đẹp. Gặp ông, vừa mừng, vừa thương và bao nhiêu ký ức về ông với tất cả những kỷ niệm từ thuở ấu thơ cũng như bao năm tháng sát cánh bên nhau dưới ánh đèn sân khấu lại ùa về trong tôi cùng những tình cảm yêu mến và không chỉ riêng tôi mà rất nhiều anh chị em nghệ sĩ khác cũng luôn dành cho Đoàn Dũng trong suốt cuộc đời nghệ thuật của ông.

To béo, phục phịch, râu ria xồm xoàm, bề ngoài trông có dáng vẻ Trương Phi, võ biền hơn là một nghệ sĩ nhưng con người đó lại rất dễ xúc cảm. Đôi khi lại rất mau nước mắt bởi vì ẩn chứa bên trong cái dáng vẻ dữ tợn đó là một Đoàn Dũng vô cùng tình cảm, nhân ái và lãng mạn.

Người đàn ông xù xì của chúng ta luôn đặt tình nghĩa, trọng chữ tín lên trên hết cộng với cái thô mộc, xù xì đó mà NSND Đoàn Dũng đã tạo nên một hình ảnh và phẩm chất của một nghệ sĩ Sân khấu - Điện ảnh đặc biệt "từ đỉnh đầu tới tận ngón chân" như lũ chúng tôi vẫn thường đùa ông.

Bản thân ông, ngay từ cái tên của ông cũng đã mang đậm chất sân khấu từ thuở đi học còn "để chỏm".

Số là thế này: Cái tên Đoàn Dũng đâu phải do cha mẹ đặt cho. Tên thật của ông là Nguyễn Anh Dũng. Ngay từ những ngày còn đi học cấp 1 tại Trường Ngô Sĩ Liên trên phố Hàm Long những năm 50 của thế kỷ trước, cậu bé "Dũng bệu" của chúng ta đã khác người. Cậu là con một, được bố mẹ rất nuông chiều.

Tính cách hiếu động, ưa mạo hiểm, hành động khác người… đã hình thành rất sớm và đặc biệt là ngay từ ngày đó, cậu bé "Dũng bệu" đã đầy chất lãng mạn trong người. Cậu sớm "luyến ái thầm" với một cô bé kém mình một tuổi tên là Đoàn Quế Hương (Năm đó Dũng mới có 10 tuổi và cô bé lên 9)…

Thế rồi "cuộc tình thầm lặng đó" cũng chẳng đi đến đâu vì nó chỉ là trò mơ mộng viển vông của tuổi học trò. Kết thúc cấp tiểu học, mỗi người một ngả nhưng hình ảnh của cô bé Hương cứ vẩn vơ trong đầu của "Dũng bệu" tới mức để ghi nhớ nó, người đàn ông "xù xì" của chúng ta đã ghép đôi tên mình và họ của cô bé thành Đoàn Dũng. Thế là cái tên Đoàn Dũng ra đời từ đó.

Hơn nửa thế kỷ nay, cái tên đó đã ghi dấu bao thăng trầm, vui buồn… và cả vinh quang của một đời nghệ sĩ mà cho đến hôm nay, ở một nơi nào đó trong thành phố, trong đất nước này hay một nơi xa xôi nào đó trên trái đất này, bà cụ Đoàn Quế Hương cũng không thể ngờ được rằng có một người đã gắn hình ảnh của mình vào tên tuổi một nghệ sĩ Sân khấu - Điện ảnh nổi tiếng đi suốt cuộc đời và năm tháng…

Cũng là sự tình cờ mà từ những năm đó (1949-1950), tôi ở ngay phố Hàm Long và lại học lớp dưới cùng trường với ông nên được biết Đoàn Dũng và được chứng kiến những việc làm đầy chất "khác người" của ông với chiếc mũ Jô kề, chiếc quần soóc trắng và chiếc xe đạp Stécling không phanh, không chắn bùn.

Suốt ngày, lũ trẻ nhỏ chúng tôi rồng rắn theo ông để xem ông nghịch ngợm, ông diễn trò và luôn mồm ca ngợi ông là "thủ lĩnh" của Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên trên phố Hàm Long.

Thế rồi bẵng đi hàng chục năm sau Giải phóng Thủ đô 1954, mỗi người một ngả, tôi không hề có tin tức gì của Đoàn Dũng cho đến một ngày cuối đông 1960, tôi gặp lại ông tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.

Chúng tôi cùng nhau học Khoá 1 khoa Diễn viên của trường. Lúc này, Đoàn Dũng đã trưởng thành qua môi trường quân đội nên tôi thấy ông khác xưa rất nhiều. Không còn là cậu "Dũng bệu" nghịch ngợm, lêu lổng và ngang tàng ngày xưa mà là một anh bộ đội Cụ Hồ hiền lành, chất phác.

Nhưng cái thô mộc, cái chất xù xì thì vẫn vậy và cũng chính nhờ những phẩm chất đó cùng với sự phấn đấu, rèn luyện chăm chỉ mà Đoàn Dũng đã sớm thành công, đã rất sớm có được những thành tựu cá nhân trong sự nghiệp sân khấu, điều mà mỗi nghệ sĩ chúng tôi khi vào nghề đều mơ ước.

Cái chất gồ ghề, thô ráp đó đã được các thầy dạy trong trường sân khấu và Đoàn Dũng khai thác triệt để trong các vai: Anh lính xe tăng Aliosa trong vở "Nila, cô bé đánh trống trận" của tác giả Nga A. Salinxki. Một Aliosa khoẻ khoắn nhưng lại vô cùng lãng mạn, trữ tình.

Trái lại, lão già Đumitrakê trong vở hài kịch "Đêm giông tố" của tác giả I.Cariagial thì lại khác hẳn. Đó là một "đống thịt di động" rất ngu ngốc và rởm đời đã được Đoàn Dũng diễn tả rất thành công nhất là đoạn khi hắn nghi ngờ vợ ngoại tình và bắt được cây gậy của kẻ gian lọt vào nhà mình. Đoàn Dũng đã có một lớp diễn với cây gậy rất tuyệt vời. Cầm cây gậy trên tay, ông đã dùng nó như hình ảnh thật của tên vô lại và giao lưu với nó như chính với kẻ thù…

Cũng từ sau những vai diễn đầy ấn tượng này, Đoàn Dũng đã khẳng định mình và sau khi ra trường, về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, ông đã trở thành một trong những nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc nhất của sân khấu nước nhà của nhiều thập kỷ sau này.

Khán giả làm sao quên được những vai diễn với nhiều màu sắc khác nhau, nhiều tính cách khác nhau đã được Đoàn Dũng khắc hoạ tinh tế, tỷ mỷ và cực kỳ ấn tượng. Đó là anh công nhân Đắc trong vở "Hoa pháo" của tác giả Trần Vượng, người cha trong vở "Người cha thô bạo" của tác giả Nga, vai Êrôxtrat trong vở "Vụ án kẻ đốt đền" của tác giả Nga, đại đoàn trưởng trong vở "Bài ca Điện Biên" của tác giả Tất Đạt, anh công nhân mù trong vở "Nhân chứng và lịch sử" của tác giả Hoài Giao… cùng rất nhiều vai diễn khác nữa.

Nhưng thành công của NSND Đoàn Dũng đâu phải chỉ ở lĩnh vực sân khấu, với sự làm việc nghiêm túc và đầy sáng tạo của mình, ở lĩnh vực điện ảnh, những vai diễn của Đoàn Dũng cũng rất đáng nể và được công chúng ghi nhận là một trong những anh tài sáng giá nhất của màn bạc nước nhà cùng với Lâm Tới, Thế Anh...

Những vai: Anh lính cộng hòa phản chiến Vệ trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", Đại đội trưởng Toàn trong phim "Biển lửa", Bí thư Đảng ủy xã trong phim "Rừng O Thắm", họa sĩ đa tình trong phim "Ngõ hẹp", ông Hội đồng trong phim "Dòng sông thơ ấu", ông Ba Dần trong phim "Nàng Hương"… và đặc biệt là vai Đề Thám trong phim "Thủ lĩnh áo nâu" đã khiến tên tuổi của ông lại càng ghi đậm trong lòng người xem.

Cuộc đời của mỗi chúng ta, với nhiều lý do khác nhau kể cả những lý do  "không thuận", nằm ngoài ý muốn của ta nhưng đôi khi chẳng còn cách nào khác, ta vẫn phải xuôi dòng theo nó …

Đoàn Dũng cũng có lúc rơi vào trường hợp như vậy!

Việc ông phải từ bỏ Nhà hát Kịch Việt Nam để vào Nam sinh sống và làm việc tưởng chừng như rứt từng khúc ruột của ông. Cho đến nay, mỗi khi nhắc tới điều này, tôi lại thấy mắt ông ngấn lệ. Nhưng để rồi tự an ủi mình và làm an lòng thương cảm của bạn bè, ông lại chép miệng với một câu tiếng Pháp rất hài hước: C'est La vie! (Cuộc sống nó vậy!).

Với hai bàn tay trắng vào Nam, Đoàn Dũng đâu chịu ngồi yên cho số phận đưa đẩy mà với phẩm chất một nghệ sĩ lớn, một anh bộ đội Cụ Hồ, ông lại hăng say lao vào làm nghề, vừa diễn sân khấu, vừa đóng phim, vừa tham gia giảng dạy.

Rồi với sự kiên trì phấn đấu của mình, ông đã tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong nghệ thuật và cả trong lĩnh vực quản lý, ông cũng đã ngồi ở chiếc ghế Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho tới lúc nghỉ hưu.

Ngày ông nhận danh hiệu NSND, ngày ông nhận Huân chương Lao động, tôi gọi điện chúc mừng ông thì ông bảo: Cứ biết thế đã vì có ai biết được ngày mai sẽ ra sao, nên mọi việc đều đừng quá thỏa mãn và tự phụ, hãy để cho việc đời. Điều gì đến sẽ đến…

Đoàn Dũng rất trân trọng và giữ gìn mọi giá trị của cuộc sống cũng như nghệ thuật. Những câu thơ mà ông tâm đắc nhất ông tự dành cho ông và bạn bè là:

Đời đã rách, vá càng thêm toạc
Và kiếm đâu ra tấm mụn cùng màu
Cho nên phải nâng niu, chi chút tự ban đầu…
(Thơ: Huyền Sơn).    

Trong tình yêu, tình bạn cũng phải giữ gìn như vậy:

Xin em đừng như một ấm trà
Tình chỉ đậm được vài ba nước
Ấm trà nhạt, anh còn pha ấm khác
Nhạt em rồi, tình mới có nên pha?

(Thơ: Huyền Sơn).

Chính vì vậy nên trong cuộc đời, Đoàn Dũng sống rất thủy chung với nghề, với thầy, với bạn bè đồng nghiệp và gia đình. Bất cứ ai có khó khăn, khi cần, ông đều giúp đỡ tận tình với một tấm lòng chân thành mà không hề đòi hỏi gì, nhất là những việc hiếu nghĩa.

Từ ngày nghệ sĩ Trúc Quỳnh mai mối cô giáo Thanh Đương về làm bạn đời với Đoàn Dũng tính đến nay cũng đã trên bốn mươi năm trời nhưng cho đến nay "đôi uyên ương" đó vẫn đằm thắm như ngày nào mặc dù nay cũng đã lên ông lên bà, răng chưa long nhưng đầu thì cũng đã vừa hói, vừa bạc.

Gân guốc, thô mộc, xù xì như vậy nhưng rất tình cảm và đôi lúc lại để tình cảm của mình tự nó trào ra mà không cần khống chế, không cần che giấu. Đó là tất cả những gì mà chúng ta thường hay gặp ở Đoàn Dũng. Lâu không gặp thầy, gặp bạn- khóc! Ốm lâu ngày, xa sân khấu, nhớ- khóc! Nhận thư bạn - khóc! Tết nhớ thầy, nhớ bạn- khóc! Đón Nhà hát Kịch VN vào diễn - khóc! Vợ hiểu lầm - khóc…Và đặc biệt là tình cảm với Hà Nội. Với Đoàn Dũng, Hà Nội là tất cả cuộc đời ông. Chỉ cần xem trên tivi thấy Hà Nội trở gió mùa là cũng đủ để đêm đó ông trằn trọc nhớ thương đến mất ngủ.

Chính vì vậy nên những ngày qua, khi lâm bệnh, ông đã giấu vợ để dặn con rằng: Nếu bố có làm sao thì lời dặn dò duy nhất với các con là đưa bố về Hà Nội!

Hôm nay, một ngày cuối thu, tôi ngồi với Đoàn Dũng giữa trời Hà Nội đang trở gió heo may, cái thứ gió làm con người ta rất dễ xúc động và hồi tưởng về những miền quá khứ. Nhưng quả thật! Quá khứ của người đàn ông "xù xì" - NSND Đoàn Dũng  rất đáng để chúng ta trân trọng và yêu quý bởi vì ở ông, nó là kết tinh của những phẩm chất tốt đẹp của một người nghệ sĩ hết lòng vì nghề, vì đời, vì tình…

Hà Nội, 12/2008
.
.