Người đàn ông ở bến không chồng

Thứ Tư, 26/12/2012, 16:15

Trong số các nhà văn có tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài chiến tranh, tác giả Bến không chồng có những quãng thời gian khá dài lặng lẽ ẩn mình trong cuộc sống. Đoạt nhiều giải thưởng cao từ tác phẩm, được dịch và chuyển thể sang kịch sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình, truyền thanh... cũng đoạt những giải cao, ít ai biết đến tác giả Bến không chồng sau chiến tranh phiêu bạt mãi xuống Hạ Long - Quảng Ninh, làm một cái nghề khá đặc biệt: Chống buôn lậu trong Cục Hải quan Quảng Ninh. Ông là nhà văn Dương Hướng, một người con ưu tú của hai vùng đất Thái Thụy - Thái Bình và Hạ Long - Quảng Ninh.

Phà Bãi cháy - Hạ Long - Quảng Ninh giữa thu trời xanh, nước xanh nay không còn nhộn nhịp, tấp nập, xe cộ, tàu thuyền xuôi ngược như ngày trước. Phà bây giờ im lìm như một chứng tích lịch sử sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong đạn bom, trong thời bình hối hả góp phần lưu thông huyết mạch của đại công trường than Quảng Ninh nay đã được thay thế bằng một cây cầu.

Cầu Bãi cháy, chiếc cầu tuyệt đẹp của Việt Nam, vừa hợp long đang đưa vào sử dụng nằm vắt ngang hai đỉnh núi như một dải lụa trắng bay phóng khoáng giữa mây trời Đông Bắc. Từng đoàn xe cộ như những đoàn kiến ngược xuôi hối hả. Cuộc sống diễn ra bình yên. Bàn tay lao động của con người không ngừng nghỉ. Góp phần vào một Hạ Long xanh, đổi mới và phát triển có những người lặng lẽ, những thao tác nghiệp vụ kiểm tra chống buôn lậu trên biển của các anh các chị diễn ra cần mẫn. Ngày nối đêm. Không ít khi rất phức tạp, nguy hiểm. Đã ba mươi năm, ông làm công tác này. Và hiển nhiên, những chủ tàu, thuỷ thủ và có cả những tội phạm nữa không mấy ai biết ông là nhà văn, một nhà văn từng mặc áo lính. Ông là nhà văn Dương Hướng, từng là một cán bộ xuất sắc của Cục Hải quan Quảng Ninh.

Cuộc đời Dương Hướng cũng lạ thường và thú vị như chính những trang văn của ông. Lứa tuổi ông, ai chả có một tuổi thơ dữ dội trong chiến tranh và nghèo đói. Làng Đông, Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình hẳn còn hằn vết chân cậu bé Hướng cần cù, ít nói nhưng học giỏi. Dương Hướng vào chiến trường khu Bốn những năm 60, chiến trường miền Nam những năm 70, chứng kiến và tham gia những trận đánh ác liệt. Ngày ấy, chàng chiến sĩ Dương Hướng mới hơn 20 tuổi, và chắc chắn, những trang viết sâu sắc về chiến tranh sau này đã được thai nghén từ ngày ấy. Vì thế nó sâu đậm, nó hằn rõ những thân phận và tính cách của mỗi nhân vật. Nó không nửa vời, nửa chừng và càng không hời hợt.

Ngòi bút Dương Hướng là một ngòi bút quyết liệt, dám nói thẳng nói thật kể cả những bi kịch đau đớn nhất của con người, của chiến tranh. Đối với ông, ngay trong chiến tranh đã có một kỷ niệm, thực ra còn hơn một kỷ niệm nhiều, nó là một món quà mà tạo hóa đã ban cho ông, trong những giây phút thanh bình hiếm hoi giữa hai chiến tuyến, người lính Dương Hướng bỗng chốc tìm được nửa phía bên kia một cách chớp nhoáng mà ông không dám coi đó là một mối tình, ông chỉ cho rằng đó là một giấc chiêm bao. Nhưng giấc chiêm bao đã cho ông một Dương Hướng con bằng xương bằng thịt mà hai mươi năm sau ông mới biết. Khi biết điều ấy, vượt lên trên những rắc rối thường tình, ông thầm cám ơn trời phật, cám ơn những đồng đội đã khuất.

Cái tạng Dương Hướng viết về chiến tranh luôn là không tiếng súng, không ùng oàng, nhưng thân phận con người hiển nhiên được đặt lên trên hết. Từ chàng trai làng Đông - Thái Bình đến nhà văn Dương Hướng ở Hạ Long - Quảng Ninh tuy thay đổi nhiều nhưng vẫn đồng nhất với nhau về cái chân - thiện - mỹ trong cuộc sống và trong sáng tác. Đó có thể gọi là nhân cách nhà văn, một nhân cách không phải có nhiều trong làng văn đất Việt.

Lao động nhà văn là một lao động tổng hợp, từ khả năng đọc đời sống, sống trong đời sống, cảm nhận và thể hiện nó ra bằng tác phẩm. Viết văn xuôi còn đòi hỏi một sức khỏe bền bỉ và sự say mê nghề nghiệp. Người cán bộ Hải quan - nhà văn Dương Hướng luôn hòa đồng là một. Lặng lẽ viết và in sách. Nhận các giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn, Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh và lặng lẽ ra với biển làm nhiệm vụ của mình để mưu sinh, để thâu nạp đời sống, để viết tiếp. Các đầu sách của Dương Hướng từ Gót son, Bến không chồng, Trần gian đời người, Người đàn bà trên bãi tắm, Bóng đêm mặt trời... và vừa qua là Dưới chín tầng trời thảy đều mang đậm phong cách Dương Hướng, tức là sự lặng lẽ, khiêm tốn nhưng bên trong tác phẩm mới là những cái ông muốn nói ra, thì rất sâu sắc, rất quyết liệt.

Quảng Ninh là vùng đất dung nạp người tứ xứ. Những văn nhân, kẻ sĩ mọi phương trời hội tụ về đây. Họ quây quần bên nhau, sáng tác và công tác. Các nhà văn lớp trước như Nguyên Hồng, Võ Huy Tâm, đến lớp sau như Lý Biên Cương, Hoàng Minh Tường, Tạ Kim Hùng, Trần Nhuận Minh và Dương Hướng. Dương Hướng ngồi đó, khiêm nhường bên các bạn văn. Dương Hướng là vậy, im lặng cả trong sáng tác và đời sống. Và bạn bè ông, lớn tuổi và nhỏ tuổi đến với ông là đến với tấm lòng gợi mở, bao dung, chân thật. Dù một thời khó khăn, hoặc hôm nay cuộc sống khá đủ đầy vẫn mãi mãi một tấm lòng ấy, một tình cảm ấy.

Sinh năm 1949 tại Thái Bình nhưng lại gắn bó cuộc đời với vùng đất Quảng Ninh. Ông hiện ở chân núi Bài thơ, phường Bạch Đằng - Thành phố Hạ Long. Gia đình nhà văn đã vượt qua những ngày khó khăn, thiếu thốn nhất để có cuộc sống hôm nay. Vợ ông, một cô giáo dạy văn đã hơn ba mươi năm gắn bó với nhà văn, sẻ chia những vui buồn và thường chép những trang văn cho ông, những trang văn thấm biết bao mồ hôi và nước mắt.

Đạo vợ chồng là nghĩa tao khang, sẻ chia và thông cảm. Là nhà văn, đương nhiên khi sáng tác, sự tập trung vào tác phẩm là cao độ, đôi khi quên cả những công việc khác. Nhà văn Dương Hướng khác, ông chỉn chu việc cơ quan, gia đình và cả văn chương. Hai vợ chồng ông rất hay bàn về sáng tác. Trong các tác phẩm tiêu biểu của ông, Bến không chồng đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh nhưng chắc ít ai biết những trang bản thảo đầu tiên lại do cô giáo Quy, vợ ông nâng niu chép bằng tiếng Việt, và hiện nay đang nằm trên giá sách của những người yêu quý văn chương Dương Hướng. Ông luôn có lượng độc giả ổn định của mình, đó là những người lính bước ra từ chiến tranh với những bi kịch khác nhau, đời sống vật chất tinh thần khác nhau nhưng không bao giờ đầu hàng số phận. Những cuốn sách như đã thay lời nói về ước mơ, cuộc sống của họ.

Bến không chồng, một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Dương Hướng viết về đề tài chiến tranh không hề có tiếng súng đã gây tiếng vang trên văn đàn. Câu chuyện xảy ra ở một làng quê Việt Nam với tất cả những tích cực và tiêu cực đến tận cùng bản chất của những lệ làng, tập tục, hủ tục... Trên cái nền ấy, nhà văn xây dựng những tính cách, những số phận, những bi kịch của cả một thế hệ. Tiểu thuyết đã được đạo diễn Lưu Trọng Ninh đưa vào điện ảnh rất thành công. Ở đây, tư duy nhà văn và tư duy điện ảnh đã đồng điệu, thăng hoa để tác phẩm ăn sâu, bám rễ và ám ảnh người đọc, người xem nhiều thế hệ. Những cảnh phim như những cảnh đời luôn hiện ra trong trí óc nhà văn, dằn vặt, đớn đau không ít lúc là bất lực. Thân phận con người là mối quan tâm vĩnh cửu của các nhà văn. Nó là mạch nước ngọt ngào để các nhà văn hòa mình vào, đi tiếp trong bước đường sáng tạo không mấy bằng phẳng của nghề cầm bút.

Đời sống thực tiễn luôn là những bãi bồi màu mỡ để nhà văn sáng tác. Đội Kiểm soát chống buôn lậu Hải quan số 2 - Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh nơi nhà văn Dương Hướng từng công tác hơn 30 ròng năm với bao kỷ niệm về nghề, về đời đã cho ông một chất liệu đời sống phong phú, dày dặn đôi lúc đa tạp, kể cả những mặt trái, kể cả những nghiệt ngã trong công cuộc mưu sinh. Các đồng nghiệp của ông luôn tìm thấy ở ông sự thương yêu, bao dung và tình nghĩa hiếm thấy. Ông sống hòa mình, hóm hỉnh và rất có ý thức công việc. Mấy ai biết rằng, Dương Hướng rất giỏi nghiệp vụ Hải quan và khi chúng tôi chất vấn rằng ông đã thông đồng với những kẻ buôn lậu bao giờ chưa, Dương Hướng phá lên cười, cái kiểu cười cũng chả biết thế nào mà lần nhưng có thể đoán chắc một điều ông không bao giờ và chưa bao giờ dung dưỡng cho cái xấu, cái ác hoành hành, bởi giá trị từ đời sống lương thiện mang lại cho con người đã ngấm sâu vào ông từ cái ngày lẫm chẫm ở làng Đông. Là nhà văn, trước hết và trên hết, anh phải hoàn thiện cho tốt tư cách, nghĩa vụ công dân của chính mình.

Đã qua cái tuổi tri thiên mệnh, tuổi sung sức, chín chắn và nhiều chiêm nghiệm của ngòi bút văn xuôi. Dù âm thầm lặng lẽ, cũng đã có nhiều bài báo viết về ông, những câu hỏi về đời, về nghề dành cho ông. Theo cá tính của mình, ông trả lời, tâm sự và có chính kiến rất thẳng thắn, còn không ít những gợi mở, suy tư, chiêm nghiệm. Cái duyên thầm Dương Hướng dù khiêm nhường mấy cũng phát lộ và cái duyên văn, duyên giải thưởng vẫn thường xuyên đến với ông, như  một sự đền đáp sức lao động bền bỉ của nhà văn nơi cửa biển.

Với một nhà văn, khoảng cách từ cuộc đời vào trang viết là một biên giới mềm với những giá trị tương đồng giữa sống và viết, giữa đi và đến, giữa gieo hạt và gặt hái. Dù ở đâu, dù làm gì thì nhà văn vẫn luôn đắm mình trong cuộc sống của nhân dân, của những người lao động để từ ấy những ngẫm ngợi, những thăng hoa của họ luôn luôn gắn chặt với đời sống nhân dân. Khởi lên từ Bến không chồng, hiện nay dường như ông đã ra tới biển. Biển cuộc đời và biển văn chương rộng lớn đã thấm những giọt mồ hôi lặng lẽ của người con ưu tú làng Đông

Phùng Văn Khai
.
.