Người đàn bà đầu tiên nhận giải Nobel kinh tế năm 2009: Kinh tế xanh

Thứ Tư, 04/11/2009, 09:01
Mùa Nobel 2009 xem ra rất ưu ái phụ nữ: hình như chưa năm nào có được cùng một lúc 5 người phụ nữ được nhận giải thưởng danh giá vào loại hàng đầu thế giới này.

Đó là bà Elizabeth Blackburn, nhà nghiên cứu sinh học người Mỹ gốc Australia tại Trường Đại học California ở San Francisco và bà Carol Greider, giáo sư Khoa Sinh vật học phân tử và gien tại Trường Y của Đại học Johns Hopkins (hai trong ba người được nhận giải Nobel y học 2009); nữ GS người Israel, Ada Yonath, làm việc tại Viện khoa học Weizmann (một trong ba người cùng được nhận giải Nobel hóa học 2009), nữ văn sĩ Đức sinh ra ở Romania Herta Mueller (giải Nobel văn chương 2009) và nhà chính trị học người Mỹ Elinor Ostrom, người phụ nữ đầu tiên được nhận giải Nobel kinh tế.

Giải Nobel kinh tế có tên gọi chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, được lập ra năm 1969. Mục tiêu của nó là để tôn vinh những nhân vật có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế học. Hiện nay, giải Nobel kinh tế đã được thừa nhận rộng rãi là giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế. Theo một nguồn thống kê, cho tới nay đã có 64 người được nhận giải thưởng này, trong đó có 43 người là công dân Mỹ…

Tạp chí Nga Itogi nhận xét, thông thường có không ít người hoài nghi về vai trò khoa học đích thực của môn kinh tế học vì coi đó là một bộ môn không được diện "căn bản". Và những người này cho rằng, những ai nghiên cứu về kinh tế học không nên được đề cử vào giải Nobel. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, khi thế giới vẫn bị chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tôn vinh các nhà kinh tế học là một việc làm, nói một cách nhẹ nhàng, không hợp thời cho lắm. Thế nhưng, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cùng với Ngân hàng Quốc gia của nước này đã tìm ra được giải pháp xem ra có thể làm cho "cừu no mà cỏ vẫn nguyên".

Một năm sau khi bùng nổ khủng hoảng kinh tế, Ủy ban Nobel (vốn nổi tiếng về sự ưu ái đối với nền kinh tế thị trường) đã trao giải Nobel về kinh tế học cho hai nhà bác học từng bắt tay vào việc tìm kiếm những con đường phát triển xã hội không khủng hoảng nằm ngoài những tín điều thị trường thông thường. Đó là bà Elinor Ostrom  (năm nay 76 tuổi), GS Đại học Indiana cơ sở Bloomington và ông Oliver Williamson (năm nay 77 tuổi), GS Đại học California ở Barkeley.

Kiên trì một lối mà đi

Nếu GS Oliver  Williamson, người sáng lập ra trường phái Kinh tế Thể chế mới, đã được coi như một "nhà kinh điển sống" của kinh tế học thì nữ GS Elinor Ostrom có thể chưa được quá nhiều người biết trên thế giới. Nếu GS Oliver  Williamson từng được dự đoán sẽ nhận giải Nobel từ không chỉ một năm trước thì nữ GS Elinor Ostrom hiếm khi nghĩ mình sẽ nhận được vinh dự này. Bởi vậy, nên khi hay tin mình được trao giải Nobel 2009, bà đã thốt lên: "Phản ứng đầu tiên của tôi là sự ngạc nhiên cực kỳ to lớn và sự biết ơn… Được chọn để nhận giải thưởng này là một vinh dự lớn và cho tới bây giờ tôi vẫn cảm thấy bị sốc".

Quả thực là sự lựa chọn năm nay của Ủy ban Nobel đã là một bất ngờ khủng khiếp đối với các chuyên gia. Không ngẫu nhiên mà trong bản tiểu sử in bằng tiếng Pháp của bà Ostrom có cả câu: "Các công trình chưa từng được dịch ra Pháp ngữ". Ngay cả nhà kinh tế học gạo cội người Mỹ Paul Krugman, người đã nhận giải Nobel về kinh tế học năm 2008, cũng đã thú nhận rằng, ông trước đây chưa từng biết chút gì về bà Ostrom… Bù vào đó, các công trình của bà hay được nhà tương lai học lừng danh Francis Fukuyama trích dẫn.

Điều này cũng không có gì quá lạ: nữ GS Ostrom không phải người cùng chiếu với các nhà kinh tế học, bà là một chuyên gia nghiên cứu ở một lĩnh vực hơi khác. Thế nhưng, dù không phải là "người của công chúng", nhưng nữ GS Elinor Ostrom không phải là nhân vật vô danh trong làng khoa học Mỹ. Bà từng học đại học, cao học và tiến sĩ trong ngành chính trị học ở Đại học California ở Los Angeles. Bà được công nhận là nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực các nguồn lực công cộng…

Nếu ta đọc bản tiểu sử chính thức của nữ GS Ostrom, ta có thể phải kinh ngạc trước sự đa dạng trong những công việc mà bà đã trải qua. Đó thực sự là một phụ nữ quá giàu có năng lực sáng tạo! Bà vừa là thạc sĩ nghệ thuật học vừa là tiến sĩ triết học, vừa là Chủ tịch Hiệp hội Lựa chọn Xã hội - tổ chức khoa học liên kết các nhà kinh tế học, xã hội học và chính trị học. Nữ GS Ostrom từng được nhận một số giải trong lĩnh vực chính trị học như giải Johan Skytte (năm 1999), giải James Madison (năm 2005), giải William H. Riker (năm 2008), và Tisch Civic Engagement Research Prize (năm 2009)…

Có làm, có hưởng

Nữ GS Elinor Ostrom sinh ngày 7/8/1933 ở Los Angeles. Tuổi thơ của bà trôi qua trong một trang trại nhỏ của gia đình, nơi mẹ bà đã phải tự tay trồng rau quả để có thêm nguồn sống trong những năm Đại Suy thoái. Chính khi đó, những lúc cô bé Elinor giúp mẹ làm vườn, nhà nghiên cứu lỗi lạc tương lai đã hiểu ra một chân lý bất di bất dịch: ngoài món quà chính yếu của Thượng đế là cuộc sống, những điều quý giá nhất đối với con người là đất và nước. Tuổi thơ của Elinor Ostrom là một tuổi thơ thiếu nước, theo đúng nghĩa vật chất nhất của từ này.

Có một quy luật đáng để ý là: thông thường, các giải Nobel được trao cho các công trình nghiên cứu đã từng được bắt đầu thực hiện trong những năm các nhà khoa học còn là các sinh viên. Bà Ostrom bước chân vào nghiên cứu các khía cạnh kinh tế của khoa học môi trường ngay từ khi thuật ngữ này còn chưa thông dụng trong đời sống khoa học. Khi tốt nghiệp Khoa Chính trị học của Trường Đại học California năm 1954, bà Ostrom đã là một trong những người phụ nữ hiếm hoi trong giai đoạn sau chiến  tranh thế giới thứ hai có được bằng cử nhân loại xuất sắc ở học đường có uy tín cao này.

Vào làm việc thoạt tiên ở Boston rồi ở California rồi ở Đại học Indiana, nữ GS Elinor Ostrom đã cùng chồng lập ra phòng thí nghiệm mang tên Xưởng Lý thuyết chính trị và phân tích chính trị. Bà bị hấp dẫn bởi ý tưởng thoạt nhìn có vẻ đầy mâu thuẫn về cách tổ chức cộng đồng của xã hội. Quan điểm vẫn đang được phổ biến về việc tài sản công cộng cần phải được quản lý hoặc là theo lối tập trung hóa, hoặc là theo lối tư nhân hóa  - đó không phải cách tư duy của nữ GS Ostrom.

Nhiều nghiên cứu của bà đã được thể hiện trong công trình cơ bản đã công bố năm 1990 "Quản lý xã hội: tiến hóa các định chế hành động tập thể". Trong cách diễn giải của bà Ostrom, cứu rỗi của nền kinh tế thế giới không phải ở trong quá trình toàn cầu hóa của nó và cũng không phải ở sự thần thánh hóa doanh nghiệp tư nhân, mà là ở sự gia tăng các mô hình cộng đồng khác nhau - từ các công xã và các làng xã tới các thị trấn, thị tứ nhỏ hay các hợp tác xã... Chính chúng là những chủ thể quản lý có hiệu quả nhất và không mâu thuẫn nhất.

Đó là gì, một phương án khác thay thế cho chính quyền của các quốc gia? Có lẽ đó là một cố gắng theo dõi tính quy luật trong xây dựng thể chế xã hội từ dưới tận cùng, tức là từ đáy hình tháp xã hội. "Khi người ta tin rằng, những người khác, kể cả chính quyền, cũng đáp trả họ bằng một tình cảm như thế, thì họ sẽ hành xử cực kỳ chặt chẽ, - nữ GS Ostrom khẳng định. - Khi không có niềm tin, thì bất luận một nguy cơ nào đang đe dọa xã hội cũng không thể khiến người ta đoàn kết lại với nhau hơn, cho tới khi họ không bị dồn tới trước họng súng trường…".

Đó chính là cốt lõi trong lý thuyết của nữ GS Ostrom. Đó chính là "nền kinh tế có gương mặt con người" theo cách hiểu của nữ GS Elinor Ostrom mà theo bà, nó không chỉ tự thân có hiệu quả cao mà còn cho phép bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ cho các thế hệ mai sau sự cân bằng sinh thái tối cần thiết. Nói ngắn gọn, một bộ môn khoa học kinh tế không khô cứng với các biểu đồ chứng khoán lên xuống hoa cả mắt và sùng bái kim tiền mà là một bộ môn khoa học đa dạng, nhân văn và mang tính xã hội cao. Một khoa học xanh về kinh tế!

Lương Trung
.
.