Người đàn bà của những tài năng

Thứ Năm, 19/04/2012, 15:54
Bà đứng trước cánh cổng gỗ quen thuộc đã có nhiều vết rạn nứt ghi dấu ấn thời gian, cánh cửa đã bao ngày đóng mở gắn bó với cuộc đời bà ngót hơn nửa thế kỷ qua, kể từ năm 19 tuổi về làm vợ của người khai sinh nền kịch nói Việt Nam, nhà văn Vũ Đình Long. Dù đã 85 tuổi, tóc bạc, da mồi, những đường gân đã hằn rõ trên bàn tay của người đàn bà đẹp một thời của Hà thành, nhưng đôi mắt của bà vẫn tinh nhanh, nụ cười của bà vẫn ánh lên sự rạng ngời và trí nhớ của bà vẫn minh mẫn đến lạ thường khi tôi hỏi chuyện bà về những tháng ngày tuổi trẻ…

Dù rất muốn, nhưng chưa bao giờ trong suốt một thời thiếu nữ của mình, bà có cơ hội hỏi bố mẹ mình tại sao lại đặt cho bà một cái tên mang hơi thở của Hà Nội: Mai Ngọc Hà, trong khi bà sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Cái tên ấy nó như vận vào đời bà, gắn bà với mảnh đất Đô thành phồn hoa. Bởi thế, 19 tuổi, khi cả gia đình bà rời mảnh đất cảng chuyển lên sống tại thủ đô, bà đã được bố mẹ gả làm vợ lẽ cho chồng của một người dì họ hàng đã mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, Mai Ngọc Hà, 19 tuổi, đã vâng lời cha mẹ về làm vợ của người đàn ông hơn mình 31 tuổi, mất vợ và có một cô con gái bằng tuổi mình, đó là nhà viết kịch, nhà văn Vũ Đình Long.

Theo hồi tưởng của mình, bà Mai Ngọc Hà kể lại ký ức về những ngày đầu về làm vợ nhà văn Vũ Đình Long. Khác hẳn với người chồng học cao hiểu rộng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con, bà chỉ được học hết tiểu học rồi ở nhà phụ giúp gia đình. Bởi thế, chưa bao giờ trong suốt những ngày tháng trước khi bước chân về làm vợ Vũ Đình Long, bà ý thức được công việc của một nhà văn, càng chẳng bao giờ cố để hiểu người chồng của mình đang làm gì với những số phận nhân vật khi hết đêm rồi ngày, ông cặm cụi bên bàn làm việc thao thức, trăn trở rồi hí húi ghi chép. 19 tuổi về làm dâu, làm vợ, làm mẹ kế… bà đứng ngoài tất thảy mọi sự của nhà chồng, để cho cuộc đời trôi đi trong sự an bài của số phận mà ông trời đã định đoạt cho mình.

Với sự nhạy cảm của một nhà văn, sự từng trải trong cuộc đời của một ông chủ nhà in Tân Dân, thấu hiểu được nỗi lòng của người vợ trẻ, và thấy được sự thông minh, nhanh nhẹn của bà, nhà văn Vũ Đình Long đã bắt đầu dạy bà những bước đi đầu tiên trong cuộc sống. ông cho bà đi học bổ túc, cho đi học đánh máy chữ, dạy bà cách sửa lỗi mo-rát… Một thời gian sau, không ai khác, chính bà đã trở thành “thư ký” của nhà văn Vũ Đình Long. Bà không chỉ giúp ông đánh máy những vở kịch, chép lại những bài báo, những cuốn sách dịch thuật lúc bấy giờ, mà bà còn trông coi giúp ông những mẻ in thử đầu tiên của các ấn phẩm ra lò tại nhà in Tân Dân, để ông toàn tâm toàn ý dành cho sáng tác.

Hai năm sau khi lấy chồng, bà sinh cậu con trai Vũ Dân Tân, hai năm sau nữa thì bà sinh thêm cô con gái Vũ Mai Hương. Những đứa con kháu khỉnh, xinh đẹp và giống bố như tạc đã gắn kết tình nghĩa vợ chồng keo sơn của bà và nhà văn Vũ Đình Long. Bà thú nhận rằng, thời điểm về làm vợ ông, bà chưa có tình yêu, có lúc bà chép miệng coi như số phận đã an bài vì mối tình “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” với sự chênh lệnh về tuổi tác. Mối tình ấy, có lúc đã khiến bà vỡ mộng về sự lãng mạn của tuổi trẻ, về một tương lai khập khiễng không biết phải chống chọi thế nào. Nhưng sống lâu cạnh ông, càng ngày bà càng ngộ ra nhiều ý nghĩa của cuộc sống. ông không chăm sóc bà bằng những lời nói ngọt ngào, không phải bằng những áng văn thơ trau chuốt của một người nhiều chữ, mà ông chăm sóc bà bằng chính tình cảm chân tình hết mực yêu thương.

Bà Mai Ngọc Hà và con trai Vũ Dân Tân (năm 1952).

Chưa bao giờ ông khiến bà phiền lòng vì một câu nói nặng lời hay một lời trách móc bâng quơ, vô lý. Ngoài những lúc ngồi bên bàn làm việc, ông dành hết thời gian để chăm sóc các con. ông yêu quý và lo lắng cho các con.

Thời điểm Vũ Dân Tân 5 tuổi bị bại liệt sau một cơn sốt cao, ròng rã nhiều tháng ngày ông đi tìm thầy, tìm thuốc để có thể cứu chữa cho con. ở đâu có thầy hay, thuốc tốt ông đều đến tìm hiểu và mang về một tia hy vọng cho đứa con trai duy nhất của mình. ông tập cho con từng bước đi, bón cho con từng thìa cháo, ông dạy con bằng chính những trải nghiệm của cả một thời tuổi trẻ và bằng chính những hăng say của năm tháng xế chiều. Tình cảm ấy đối với ông, bà lý giải rằng nó vượt qua ranh giới của tình yêu nam nữ. Bà đón nhận hạnh phúc từng ngày bên người chồng tài hoa, đức độ. Bà tôn thờ ông bằng cả sự biết ơn và gửi trao của mình. Chính những tình cảm ấy đã là điểm tựa chở che cho bà trong những sóng gió của cuộc đời tiếp theo mà bà phải chống đỡ. Đó là khi nhà văn Vũ Đình Long lâm bệnh nặng và qua đời với một lời trăng trối duy nhất: ông mong bà không đi bước nữa để có thời gian chăm sóc các con nên người.

Năm ấy, bà mới 35 tuổi. Gạt nước mắt khóc chồng, bà cũng như khóc cho phận mình long đong sớm cảnh góa bụa. Bà không sợ cô đơn một mình, bà chỉ lo lắng về quãng đường phía trước của bà và hai con nhỏ đầy những chông gai không dễ dàng vượt qua. Bà không biết làm cách nào để bảo ban, dạy dỗ các con, bởi vì ngoài bản năng làm mẹ, bà không biết phải làm gì để giúp các con chống chọi với những va vấp trong cuộc đời. Bản thân bà, ngoài những tháng ngày “êm đềm trướng rủ màn che” dưới bóng người chồng của mình, chưa có một ngày nào bà phải bon chen để lo cho cuộc sống. Để nuôi con, bà bắt đầu cuộc đời của một công chức, bằng việc đi làm công nhân sắp chữ ở nhà in, kiếm tiền nuôi hai con khôn lớn.

Sự thành đạt trên con đường hội họa của Vũ Dân Tân khiến nỗi lòng người mẹ được an ủi thật nhiều. Dù Vũ Tân Dân như bà thừa nhận, là một người lập dị. Trong hội họa, anh luôn đi tìm cho mình một sự khác lạ và cũng những khác lạ ấy, trong cuộc sống đời thường, tính cách Vũ Dân Tân không lẫn vào bất cứ ai. Vũ Tân Dân hiểu mẹ và yêu mẹ. Dù chẳng mấy khi anh chuyện trò cùng mẹ về nghệ thuật, lại càng không nói về tương lai hay những ước mơ của anh về một cuộc sống ngày mai. Anh đi bên cạnh cuộc đời bà và mang lại cho bà sự bình an, dù có lúc, bản thân anh cũng chẳng biết làm cách nào để có thể có điều đó trong mình. Con người anh quá bất ổn và rắm rối.

Bà chia sẻ rằng, dù Tân không theo nghề của cha mình, nhưng anh thừa hưởng tính nết ông, ở sự cẩn thận, thẳng thắn, và không thích bon chen. Bởi thế, sau khi đi làm họa sĩ ở xưởng phim hoạt hình một thời gian, anh bỏ về nhà ở 30 Hàng Bông để mở cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài. Mà đồ lưu niệm chẳng phải thứ gì đắt đỏ, cao sang, chỉ là những nét mặt nạ được Tân vẽ lên chiếc mẹt tre anh đi mua sẵn từ chợ Đồng Xuân. Có lúc chán vẽ lên mẹt tre, anh lang thang đi lượm quả lim ở bờ Hồ hay ra ngoại thành chặt tre về vẽ. Thế mà khách cứ vào nườm nượp, có người trả tiền, có người thích, Tân biếu làm quà. Tân chỉ cần đủ để giúp mẹ có đồng ra đồng vào chợ búa, cơm nước. ở đời, chẳng ai học được chữ ngờ.

Cũng chính nghề vẽ mặt nạ này đã mang lại cho Vũ Dân Tân một người vợ Nga mà anh hết mực yêu thương, chị Natalia Kraevskaia (tên thân mật là Natasha) làm việc cho Viện Pushkin. Chị sang Việt Nam (từ năm 1983) giúp các giáo viên Việt Nam dạy tiếng Nga. Sự gặp gỡ của hai con người ở cách xa nhau, vượt qua mọi chông gai, bằng mọi giá đến được cùng nhau. Có lúc lẩn thẩn bà nghĩ, ông trời quả thật công bằng vì đã mang Natasha lại cho Vũ Dân Tân, vì chỉ cô gái Nga ấy mới chịu nổi tính cách của con trai bà, chỉ cô gái Nga ấy mới giúp con trai bà đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã trong nghệ thuật, nhiều lần định bỏ cuộc, trốn chạy chính mình, chỉ có cô gái Nga ấy mới khơi nguồn sáng tạo cho những ý tưởng đôi khi điên rồ, trái khoáy và bất cần của con trai bà. Nếu không phải là Natasha, chắc chắn sẽ không có một họa sĩ Vũ Dân Tân ở cuộc đời này.

Kể lại những ký ức về con trai, hai hàng nước mắt khô cằn bỗng vón lại nơi khóe mắt của người mẹ già nua. Bà thương con đã phải chia tay cuộc đời quá sớm. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng… khiến bà không khỏi nhớ tiếc ngậm ngùi. Bà yêu con và thương con hết lòng. Yêu con trai bao nhiêu, bà càng thương người con dâu ngoại quốc bấy nhiêu. Chị xa nhà, xa cha mẹ, xa cả đất nước để đến với Vũ Dân Tân, sinh cho bà một cô cháu gái xinh đẹp, dịu hiền. Chị đã giúp Vũ Dân Tân làm nên sự nghiệp, có một gallery 30 Hàng Bông nổi danh trong giới hội họa với sự lui tới thường xuyên cũng như nhiều triển lãm tranh của những họa sĩ tên tuổi như: Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Hoàng Hồng Cẩm, Đỗ Phấn, Nguyễn Đình Dũng, Ngô Đình Chương, Trần Thiều Quang, Khúc Thanh Bình...

Vừa qua, nhân nửa thế kỷ nhà viết kịch Vũ Đình Long ra đi, cũng không ai khác ngoài Natasha đã cất công đến tìm tại các thư viện, các nguồn tư liệu để sưu tầm và lần đầu tiên in Tuyển tập kịch Vũ Đình Long, dày 500 trang sang trọng với các tác phẩm đã gắn bó với tên tuổi của ông cũng như nền sân khấu, văn học nước nhà như: Chén thuốc độc, Tòa án lương tâm, Đàn bà mới, Thờ nước, Công Tôn nữ Ngọc Dung, Tổ quốc trên hết (hay là Tình trong khói lửa), Gia tài, ép duyên (hay là Trên đường cải tạo)…

Tôi rời ngôi nhà 30 Hàng Bông ra về khi phố đã đỏ đèn, cái lạnh cuối mùa phảng phất trong phố xá. Lẫn trong dòng người tất bật song trí óc tôi vẫn trôi trong những ký ức của người đàn bà là nhân chứng cho bao sự kiện đã lùi dần vào quá khứ. Tôi không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về những nhân vật nổi nênh trong các tác phẩm của Vũ Đình Long, nơi chiếc bàn, chiếc ghế năm xưa ông ngồi viết kịch vẫn còn hiện hữu. Tôi cũng không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về hàng chục bức tranh treo trên tường của Vũ Tân Dân với từng đôi mắt mở to nhìn khán giả dưới mọi góc độ. Và tôi bị ám ảnh bởi hai người đàn bà, hai mẹ con còn lại trong ngôi nhà đầy kỷ vật đang ngồi nhặt rau muống cho bữa cơm tối, ám ảnh bởi giọng nói tiếng Việt chưa sõi của Natasha và nụ cười của bà Ngọc Hà như thể xóa nhòa tất cả những ranh giới…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.