Nhà văn người Mông Mã A Lềnh:

“Người đa tình là người giàu có nhất thế gian”

Thứ Hai, 02/09/2013, 15:28
Mã A Lềnh đã xuất bản khoảng 35 đầu sách viết về mọi vấn đề của đời sống, trong đó đặc biệt là về miền núi, thế nhưng ông vẫn thật nhẹ nhàng, khiêm tốn: “Tôi có vài bài viết, tập hợp trong vài cuốn sách, ai thích thì đọc, ai không thích thì thôi”.

Thầy đang say sưa giảng về cảm xúc đau đáu của con người trong “lao động nhà văn”, bất giác ở dưới lớp có một cô học trò lớn tuổi giơ tay hỏi: “Thưa thầy, văn chương có làm cho thầy mỏi mệt?”. Câu hỏi của cô học trò làm ông giáo già đang giảng bỗng khựng lại. Nghĩ suy một chút, thầy cười một nụ cười giòn tan, rồi nói: “Tôi nghĩ là không. Có người làm thợ mộc, có người làm thợ xây, tôi làm thợ chữ. Tôi cũng như con kiến trong đàn kiến, con ong trong đàn ong cặm cụi xây tổ của mình. Cảm xúc của tôi, con chữ của tôi làm thành văn chương… Tôi không mảy may nghĩ về sự mệt nhọc. Cả đời tôi làm việc để người ta hiểu người Mông hơn”.

Ông giáo già tóc điểm sương bạc bạc, trăng trắng trên bục giảng không kêu ca về sự “mệt nhọc” ấy là Mã A Lềnh. Ông được biết đến như một thầy giáo “hình như không biết dạy, lại hay bày trò chơi, hát hò, kể nhiều chuyện với học sinh… làm cho học trò từ vỡ lòng đến lớp 4 ùa hết vào lớp tôi”, một nhà văn có sự gắn bó sâu nặng với dân tộc giàu (người Mông), nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai, và từng làm công tác báo chí, truyền hình ở tỉnh Lào Cai…

Gắn bó sâu nặng với dân tộc

Phải thú thật rằng khi chạm đến những trang văn của Mã A Lềnh, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ những câu chuyện thiếu nhi giản dị, trong sáng nhiều thông điệp trong cuốn Chuyện con suối mường Tiên, Làng mình với những cậu bé tí ti hay thắc mắc và hay ước mơ đến những tâm tình qua cả quãng đời bạc màu sương gió với Những người tôi gặp trên đường. Một giọng viết uyển chuyển rồi lại chắc nịch, chau chuốt rồi lại mong manh…

Mã A Lềnh đã xuất bản khoảng 35 đầu sách viết về mọi vấn đề của đời sống, trong đó đặc biệt là về miền núi, thế nhưng ông vẫn thật nhẹ nhàng, khiêm tốn: “Tôi có vài bài viết, tập hợp trong vài cuốn sách, ai thích thì đọc, ai không thích thì thôi”. Là thầy giáo cho lớp bồi dưỡng năng khiếu văn chương ở Trung tâm thiếu nhi tỉnh Lào Cai cũng vậy, ông bảo: “Tôi giảng cho ai say mê, ai thích học thì học, ai không thích học thì thôi”.

Mã A Lềnh là ông giáo giản dị. Nhưng là một kiểu giản dị để kiêu, giản dị mà bản sắc. Ông nói về văn hóa của dân tộc mình: “Tôi tin rằng loài người biết sáng tác từ lúc lọt lòng. Ca khúc “oa oa oa” là ca khúc hay nhất… Tôi sống trong cái nôi của dân tộc tôi. Bởi thế trong tâm trí tôi là nền văn hóa của dân tộc và nó trùm lên hầu hết các tác phẩm của tôi.

Mã A Lềnh nhận mình sinh ra trong đau khổ. Ông bảo rằng: “Bởi sinh ra trong đau khổ nên độ nhạy cảm nhân lên gấp bội. Thế nhưng chưa bao giờ ông phủ nhận ý nghĩa của những tháng ngày ấy trong cuộc đời mình. Bây giờ ông vẫn nhớ kí ức về mẹ. “Mẹ địu tôi đi hái lá búp đỏ về giã nhuyễn để ăn cho bớt cơn đói…”.

“Hễ ai rời xa làng thì cuộc sống đều vô nghĩa…” trong cuốn truyện Làng mình -  song ngữ Mông, nhà văn đã viết vậy. Khi tâm sự chuyện của mình ông cũng bảo, có vài lần trong cuộc đời ông có cơ hội “đổi ngôi” sang một vị trí mà nhiều người cho là tốt hơn ở Hà Nội nhưng ông đã từ chối. Ông vẫn tự bảo: “Bầu trời rộng lớn nhưng có lẽ mình chỉ ở một nơi. Nơi mà có tổ ấm của mình ở đây, văn chương, đời sống của mình ở đây… Ở đây có nhiều người yêu mình hơn. Thôi thì nếu cảm thấy thế là toại nguyện rồi thì cứ thế thôi”. Ông lại cười như một chàng trai Mông nào đó mới trúng mánh ở chợ, một kiểu cười từ lâu mang bản sắc của Mã A Lềnh.

Đời văn - chỉ mấy vần thơ mà nghiêng ngả…

“Năm 1964 tôi bắt đầu đi làm ông giáo làng. Ngày ấy, dạy học ở những bản vùng cao heo hút lắm! Tết đầu tiên năm ấy, các thầy giáo về quê hết, chỉ mình tôi xung phong ở lại trông trường. Đêm giao thừa, trời tối đen như mực, buồn quá tôi viết tác phẩm đầu tay Thầy giáo bản Chư Lin. Đại loại tác phẩm kể về một thầy giáo đến một ngôi trường, ngôi trường bị bão gió đổ xiêu vẹo. Tôi tạo ra hình tượng rồi lồng ước muốn của mình vào hình tượng ấy…”.

Đến bây giờ Mã A Lềnh vẫn quả quyết nếu không có chữ thì có văn học dân gian, có chữ thì sẽ thành sách thành truyện. Con chữ mang ông đến những miền xa thế nhưng con chữ cũng nhiều phen làm đời ông nghiêng ngả. Ông tâm sự rất thật: “Là người sáng tác, tôi hiểu rằng thẩm mỹ của mỗi giai đoạn khác nhau. Trước đây sáng tác văn học theo chiều xuôi tính chất hô hào nhiều. Tôi nhớ, năm 1965 tôi đi công tác lên Si Ma Cai, trên đường đi thì đã quá mệt mỏi, thấy vũng nước mà ở đó trâu bò uống, chim chóc uống, con chuột cũng uống.... tôi cũng uống và viết nên những câu thơ: 

“Đi suốt ngày trời nắng chang chang

Bỗng tìm thấy mạch nước nguồn trong vắt

Vục đầu xuống nước trùm lên cơn khát

Lại xốc ba lô bước tiếp đường dài”. 

“Với tôi thì trong 4 câu thơ ấy, từng câu từng từ không thể thay đổi. Nhưng ở những năm 1965, tôi bị đặt câu hỏi rất nhiều. Thời điểm ấy, mọi người đều hiên ngang, hùng dũng ngẩng đầu lên, tại sao tôi lại vục đầu xuống? Không bị dồn tiếng đẩy đến chân tường nhưng chừng mực nào đấy, cuộc đời ông bị mấy vần thơ ấy làm cho “nghiêng ngả”.

Nói dài rộng như vậy để thời gian kịp trôi. Thấm thoắt đã rất nhiều năm, cái hôm đứng trước bục giảng với những học trò lớn ông đã bảo “Thẩm mỹ ngày nay khác nhiều, người ta dám nêu nỗi đau để sống”. Bởi thế, ông tin rằng văn chương của mình điều chỉnh để bao hàm cả thẩm mỹ cũ lẫn thẩm mỹ mới để bạn đọc có thể tự cảm nhận được.

Và rồi những câu thơ trong “thẩm mỹ mới”, Mã A Lềnh đã viết trong bài thơ Lá ngón, trăn trở được dồn nén từ cả cuộc đời: “Đi hết chiều dài đất nước/ Soải bước thêm trên những miền xa/ Chợt lòng cồn cào/ Tôi về quê núi/ Đã nhón bước cao như thuở rình em/ Mà sao lại vấp/ Chỉ một cọng gianh cũng ngã soài bờ mương/Lồm cồm bò dậy / Ngơ ngác nhìn/ Một chiếc lá ngón nhỏ nhoi úa vàng - Rơi - Thật- Khẽ/Sau lưng lành lạnh/ Em đấy ư? Lá ngón/ Núi rừng lặng phắc/ Con suối rì rào câu hát/ Như giọng em ngộp thở tâm tình/ Về làng hỏi han/ Cùng thời với em giờ năm con lít nhít/ Chẳng nói năng/ Bạn lặng lẽ chỉ vào/ Đây - Lá ngón/ Lòng se thắt/ Tiếng khèn tiếng trống âm vang lồng ngực/ Em lẫn vào cổ tích dân ca/ Như thời xưa cũ/ Tôi lại lao mình xuống núi/ (Vì em bảo đời người ngắn ngủi tấc gang)/ Câu nói như làn gió thoảng qua/ Con đường rộng đưa tới miền đô hội phồn hoa/ Con đường chữ dẫn lên vùng văn hóa/ Nhưng ba lô tôi trĩu nặng/ Chiếc lá ngón/ Nhỏ nhoi - Úa vàng”.

Có người nhận xét “văn của Mã A Lềnh như một lời tiên tri”, đó là lời tiên tri về sự thay đổi và những hậu họa đi kèm. Ông hay viết về một cuộc sống yên bình và đột ngột đổi thay vì những chính sách vô cảm… Những dòng văn đau đớn mà chính Mã A Lềnh đã viết: “Đêm khuya không ngủ được vì mải tính toán những đồng tiền. Ngoài kia con suối Mường Tiên vẫn thì thầm khúc hát muôn thuở. Vẫn thánh thót nhưng hình như vẫn chốc chốc hụt hơi. Suối không còn khỏe khoắn, không còn trong lành bởi ai đó chợt tỉnh: Ố ố, Tại sao không tận dụng sức nước suối thế nhỉ! Thế là nhà thầu đến ngó nghiêng, thế là những con suối bị ngăn dòng, chặt khúc. Thế là những con suối lộn hết cả đá cù, đá tảng lên, nước suối mát trong, lóng lánh chao soi rừng cây, bóng núi trở nên đục ngầu. Thế là người ta hoan hỉ, thao thao bất tuyệt đã phát hiện một nguồn lợi kinh tế. Thế là những con suối bắt đầu chết dần chết mòn. Mà đâu chỉ có suối chết, rừng cây chết theo, con cầy, con cáo, con chim cao chạy xa bay nghĩa là cũng chết theo; và những con người đang vắt ngắn tuổi thọ của mình…”. Nếu có những trải nghiệm riêng ở vùng đất Mã A Lềnh sinh ra, tận mắt trông thấy cuộc sống của những con người ở đó, nghe thấy tiếng rì rầm từ quá khứ đến hiện tại của những dòng suối đang chết dần vì sự hiện diện của những thủy điện nhỏ… Mới thấy lời tiên tri của người đàn ông Mông viết văn ấy thật đúng.

Và vẫn một nụ cười đến sáng cả một vệt sông…

“Có người viết văn, họ cố biến họ thành một cái gì khác thường, cố làm mình làm mẩy, tôi thì không vậy. Khi viết văn có người kê sách lên đùi, có người kê sách lên chân… Tôi thì không vậy. Tôi bình thường. Tôi không cẩu thả, câu chữ của tôi không be bét”. Tôi hỏi nhà văn lớn, trong tất cả những nhân vật của ông, có nhân vật nào mang tính cách của chính ông? Vẫn cười một điệu giòn tan, ông nói: “Nhân vật nào cũng mang nét tính cách của tôi cả”. Trong những trang sách mà Mã A Lềnh đã viết có những em bé như Páo Tủa, Mê Tu… trẻ thơ mà lại thật nhiều suy tư. Có lẽ vậy!

Tôi có hai dịp cùng một người bạn đi gặp Mã A Lềnh. Lần gặp đầu khi ông đang đứng trên bục giảng, giảng say sưa về “lao động nhà văn”. Lần thứ 2, khi ngồi cạnh con sông, phân chia hai nước Việt - Trung. Hôm ấy Mã A Lềnh nói chuyện với một cô gái đẹp. Cô gái ấy hỏi ông: “Thầy ơi, đa tình có phải là xấu không ạ?” Ông cười hồn nhiên rồi nói rằng: “Bạn cứ đa tình đi, người đa tình là người giàu có nhất thế gian”. Hôm ấy cô gái ấy nói “em bị lạc đường, bị chơ vơ không biết đường về”. Mã A Lềnh bảo, ông đồng cảm bởi có lúc ông cũng bị lạc đường ở một nơi xa xôi”. Thầy Lềnh còn đa cảm, nụ cười của thầy còn sáng cả một vệt sông…

Mộc Chi
.
.