Người cựu chiến binh xứ Bắc Hà và một tình yêu đẹp

Thứ Ba, 26/04/2011, 14:08
Trở về từ chiến trường với thương tích đầy mình, ông Nông Văn Thề đã viết nên một bài ca đẹp cho đời mình. Đó là có một tình yêu đẹp, lập gia đình, sinh con và làm giàu chỉ bằng một cánh tay còn lại ba ngón nguyên vẹn. Giờ nói chuyện với bất kỳ ai, ông cũng bảo: "Tôi đâu có làm được gì nhiều!".

Người thương binh không sợ đau

Nơi vợ chồng ông Thề ở là "đại bản doanh" của mận. Vào mùa xuân, hoa mận nở trắng vườn. Lối vào nhà ông là một con ngõ khá quanh co. Con ngõ đã chứng kiến nghị lực phi thường của người thương binh cần mẫn quyết chí vượt lên cái khó, cái nghèo để sống tốt. Bây giờ, vợ chồng ông đã già.

Trong người ông Thề còn nhiều mảnh đạn và những vết thương vẫn tấy nhức khi trời trở gió. Cả vợ ông nữa, dường như tuổi già, cộng với sự vất vả của gần một kiếp người đã khiến cho cơ thể của bà tích tụ bệnh tật, thế nên lưng bà đôi lúc vừa nhức vừa mỏi. Nhưng dù có lúc đau đớn nhưng hai ông bà rất vui vẻ, thanh thản sống bên con cháu.

Ông Nông Văn Thề sinh năm 1947 ở thôn Sín Chải A, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, Lào Cai. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1966, Thề nhập ngũ, bổ sung vào một đơn vị Quân giải phóng, chiến đấu từ Quảng Trị vào đến Tây Ninh, rồi lại vào An Giang, đến Hà Tiên. Nông Văn Thề chiến đấu rất dũng cảm. Năm 1968 ông được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ.

Hai năm sau, ông bị thương vào ngực, từ đó ông mang theo viên đạn AR-15 găm trong phổi cho đến bây giờ. Đầu năm 1972, vết thương khác ở bụng cắt đứt hai khúc ruột của ông . Chiến trường Tây Nam Bộ hồi đó, việc đưa một chiến sỹ, một khẩu súng, viên đạn từ miền Bắc vào đến nơi là một kỳ công. Thế là Nông Văn Thề lại xin trở về đơn vị, tiếp tục chiến đấu.

Vợ chồng Nông Văn Thế.

Năm 1974, khi đang đứng ở cửa hầm, ông lại bị đạn địch găm vào má, khi đang dùng tay rút mảnh đạn ra thì bất ngờ, một viên đạn khác tiện cụt hai ngón tay giữa của bàn tay trái, gân ngón áp út trái bị co cứng lại. Do bị thương nặng nhiều lần nhưng Thề vẫn nằn nì với cấp trên để về đơn vị chiến đấu. Ông lại cùng đơn vị hành quân ra trận.

Sau giải phóng miền Nam 30/4, ông lại cùng đồng đội hành quân ra biên giới Tây Nam đánh đuổi quân Pôn Pốt xâm lấn. Trong một trận chiến đấu ác liệt, ông bị thương ở tay phải. Do không có thuốc nên cánh tay bị nhiễm trùng, các bác sĩ phải cưa cánh tay để cứu chữa Thề trong điều kiện không có thuốc gây mê.

Theo tình yêu về Bắc Hà

Tháng 6/1975, ông Thề được chuyển ra Bắc điều trị ở Bệnh viện Quân y 5 (đóng tại thị xã Ninh Bình), sau đó, ông được chuyển về Viện Điều dưỡng 203 - Quân đội (Duy Tiên, Hà Nam). Khi đó, bà Đỗ Thị Du là điều dưỡng viên của Viện 203, rất cảm phục trước nghị lực của người thương binh Nông Văn Thề, dù đau đớn bao nhiêu cũng không hề kêu than.

Bà Du là một trong số nhiều cô gái được Đoàn thanh niên vận động lấy thương binh để tiện chăm sóc họ. Sẵn có tình cảm với ông Thề, bà ưng ý ngay. Khi đưa ra quyết định này, bà Du nhận được sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình.

Bà tâm sự: "Lúc đó bố mẹ tôi bảo, lấy một thương binh thì sau đó sẽ làm gì, ở đâu. Tôi nói, mình sẽ theo chồng về quê Bắc Hà, Lào Cai. Bố mẹ tôi gay gắt phản đối, nói rằng đã lấy một người thương binh, lại còn về cái nơi thâm sơn cùng cốc như thế thì lấy gì mà ăn. Không ai muốn tôi khổ và hy sinh đời mình vì một người tàn phế. Nhưng tôi đã quyết tâm. Sau cùng, mọi người đành phải chịu để tôi cưới và theo ông ấy. Sướng mừng khổ chịu tại tôi mà".

Tôi hỏi: "Bà đúng là một người dũng cảm, vậy khi quyết định cưới ông nhà, bà có nghĩ đến cuộc sống khổ cực sau đó không?".

Bà Du cười: "Có chứ. Nhưng tình yêu, tình thương nó làm cho mình cứng cỏi và dũng cảm hơn. Tôi rửa vết thương cho ông ấy, chẳng bao giờ ông ấy kêu đau, tôi nhận ra ông ấy là một người dũng cảm. Cưới một người thương binh mà dũng cảm thì cũng đáng. Còn nếu tôi không lấy ông Thề, thì về Na Hối, chắc chẳng có ai dám lấy ông ấy đâu".

Ngày cưới của ông bà giản dị, do Viện 203 kết hợp cùng nhà gái tổ chức trong không khí đầm ấm. Ông Thề đã về tận Bắc Hà đón hai anh trai của mình xuống Hà Nam để đại diện cho gia đình. Cưới xong, ông Thề đưa vợ về quê. Gánh nặng với họ không chỉ là cuộc sống quá nghèo của một vùng núi hoang vắng, mà còn là bố mẹ già nua ốm yếu liên miên.

Nông Văn Thề cùng với vợ gây dựng kinh tế bằng bàn tay trắng, bằng sức lực của một thương binh hạng 2/4. Nông Văn Thề ngày nào cũng cùng vợ vào rừng, chặt gỗ làm nhà, lấy củi bán và khai hoang, vỡ đất trồng ngô, sắn…

Năm 1976, bà Du sinh con đầu lòng. Bà phải thường xuyên địu con trên lưng để đi làm nương. Năm tháng rù rì qua đi, rồi con thứ hai, thứ ba ra đời, vợ chồng ông bà nuôi con lớn lên.

Nghĩ về những ngày tháng đó, bà Du tự hào: "Tôi và ông ấy cũng chẳng biết lấy đâu ra sức lực mà vượt qua khó khăn nữa. Tôi chỉ thấy chồng tôi tuy là thương binh, có một cánh tay què quặt mà còn làm giỏi không kém người bình thường. Cái khó khăn lớn nhất khi hai vợ chồng tôi về đây là không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Chúng tôi phải đi 7, 8 cây số để khai hoang, trồng ngô, trồng sắn để lấy cái cho vào miệng".

Còn ông Thề thì ngậm ngùi: "Quyết đưa vợ về cái vùng chó ăn đá, gà ăn sỏi này, quả thực tôi phải chịu trăm thứ thiệt thòi. Người thân chỉ biết động viên tôi cố gắng, để làm gương cho người khác, vì là lính Cụ Hồ mà. Tôi quyết chí vượt qua nỗi mặc cảm của thương tật để học hỏi, làm kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo và giúp đỡ những người nghèo hơn mình".

Năm 1995, Bắc Hà có phong trào trồng mận Tam Hoa. Ông Thề mua thêm rẫy để trồng loại mận giống mới cho năng suất cao này, đồng thời đầu tư tiền của để làm trang trại, nuôi dê, bò, lợn nái, lợn giống, cấy lúa. Hai vợ chồng tối mắt tối mũi cả ngày ở trang trại.

Công việc chăm sóc đàn trâu bò, lợn gà không hề đơn giản. Ngoài vốn ra, nó đòi hỏi phải có kinh nghiệm, sự cần mẫn, chăm chỉ và sức khỏe. Ông bà có sự cần mẫn, nhưng thiếu nhiều thứ, đó là vốn liếng và sức khỏe. Cứ khi trái gió trở trời là các vết thương, những mảnh đạn còn găm trong cơ thể ông Thề lại nhức tấy.

Bà Du luôn là nguồn động viên của chồng. Mỗi khi ông đau, bà lại tận tình săn sóc, xoa dịu cho ông. Cũng có đêm, vì quá đau, ông Thề không muốn vợ biết, đành ra gốc cây trải rơm ngồi xuống và rên một mình cho bớt đau. Càng sống thì bà Du càng nhận ra, nghị lực và trách nhiệm của ông Thề vô cùng lớn lao.

Cứ như thế, hai vợ chồng đồng tâm hợp lực, bảo ban nhau cùng làm ăn, nuôi nấng các con. Họ trở thành một tấm gương sản xuất giỏi, có của ăn của để và được bà con nể phục. Nhiều cán bộ, bà con nông dân khác đã đến trang trại của ông bà để học hỏi cách thức làm giàu. Ông Thề nhiệt tình chỉ bảo, giúp nhiều bà con khác chuyển đổi cây trồng, cuộc sống khá lên, họ phấn khởi lắm.

Vĩ thanh

Na Hối bây giờ được nhiều khách du lịch biết đến, thương hiệu mận Tam Hoa ở khu vực cũng nổi tiếng cả nước. Tình yêu và nghị lực của người cựu binh đã nổi tiếng khắp huyện Bắc Hà. Ba người con thành đạt hiện nay là kết quả của một tình yêu đẹp. Nay sức khỏe giảm, ông bà để trang trại cho con quản lý và dành nhiều thời gian chăm sóc con cháu.

Tạm biệt ông bà về xuôi, tôi nhìn lại phía sau mình: một rừng bạt ngàn hoa mận trắng, như thể minh chứng cho mối tình đẹp đẽ giữa người con gái đồng chiêm trũng Duy Tiên với người con trai xứ sở mận Tam Hoa Bắc Hà 

Diên Khánh
.
.