Người công nhân đi lên làm Thủ tướng

Thứ Hai, 22/11/2010, 14:40
Trong lịch sử của nước Nga mới, hình thành sau khi Liên bang Xôviết tan rã, những năm cuối cùng của thế kỷ XX được ghi nhận như một giai đoạn có tần suất thay đổi Thủ tướng cao vào loại hàng đầu thế giới.

Vị Tổng thống đầu tiên của LB Nga thời "hậu Xôviết" Boris Yeltsin do đặc tính cá nhân theo kiểu Tào Tháo "thà ta phụ người chứ không để người phụ ta" đã liên tục thể nghiệm những tìm tòi các nhân vật đứng đầu chính phủ để bảo đảm duy trì quyền lực của cá nhân mình.

Chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên mà ông Yeltsin đã có tới 6 lần thay đổi Thủ tướng. Thế nhưng, cũng trong giai đoạn này nước Nga đã có một vị Thủ tướng lập được kỷ lục về thời gian ngồi trên vị trí của mình tới hơn 5 năm: đó là ông Victor Chernomyrdin. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông Chernomyrdin đã qua đời trong một bệnh viện nước ngoài.

Người đầu tiên được đặt vào lãnh đạo nội các Nga trong thời "hậu Xôviết" với chức danh Quyền Thủ tướng là nhà kinh tế học Yegor Gaidar, cháu nội của nhà văn Arkadi Gaidar, tác giả cuốn "Timur và đồng đội" rất được phổ cập một thời. Tuy nhiên, chính sách cải cách kinh tế có vẻ như bạo dạn quá đà đã chỉ giúp cho ông Gaidar giữ được ghế Quyền Thủ tướng trong một giai đoạn ngắn  chưa đầy nửa năm, từ ngày 15/6/1992 tới ngày 14/12/1992. Người được Tổng thống Yeltsin chọn lên thay ông Gaidar chính là ông Victor Chernomyrdin, trước đó đã ngồi ở vị trí Phó Thủ tướng phụ trách nhiên liệu và năng lượng.

Cố Thủ tướng Nga Victor Chernomyrdin.

Ông Chernomyrdin đã thuyết phục được dư luận xã hội và bản thân Tổng thống rằng, làm theo cách của các nhà cải cách trẻ có nguy hại lớn cho nền công nghiệp Nga vốn quen bao cấp nên không thể tự mình ra đương đầu sòng phẳng với thị trường quốc tế.

Ông Chernomyrdin sinh năm 1938 tại làng Chiornyi Otrog của người Kazak ở tỉnh Orenburg. Cha ông làm nghề lái xe. Ông sớm biết tới lao động chân tay, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã từng làm thợ nguội và thợ máy tại xí nghiệp chế biến gaz Orski.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa QuybiSev và học hàm thụ tại trường đại học bách khoa toàn liên bang, Victor Chernomyrdin trở thành xưởng trưởng tại chính xí nghiệp cũ rồi cứ thế trưởng thành lên trên các cương vị quản lý và trong công tác Đảng: Giám đốc Nhà máy chế biến dầu mỏ Orenburg, chuyên viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Thứ trưởng, Giám đốc Tổ hợp khai thác dầu mỏ và khí đốt Tiumen (Tiumengazprom), Bộ trưởng Bộ Công nghiệp khí đốt.

Năm 1989 đã diễn ra  một sự kiện quan trọng có tính bước ngoặt trên con đường công danh của Victor Chernomyrdin: Bộ Công nghiệp khí đốt được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Gazprom, nắm độc quyền 100% đối với toàn bộ lượng khí đốt khai thác được ở nước Nga. Trong giai đoạn đầu, được sự ưu ái của vị Thủ tướng Liên bang Xôviết lúc đó là Nikolai Ryzhkov, ông Chernomyrdin đã kịp thời giành được quyền kiểm soát của Gazprom đối với toàn bộ lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu.

Ông đã trở thành một trong số ít những cán bộ quản lý xã hội chủ nghĩa cấp cao hoạt động theo cơ chế thị trường mà vẫn tạo nên được một tổ hợp làm ăn có hiệu quả. Điều này hiển nhiên đã giúp ông Chernomyrdin gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với Boris Yeltsin, người trong giai đoạn đó cũng đang muốn "giang hồ rẽ lối" khỏi cơ chế Xôviết một cách tỉnh táo và có hiệu quả nhỡn tiền.

Theo tạp chí Ngọn lửa nhỏ, sở thích cá nhân của ông Chernomyrdin rất giản dị: đàn phong cầm, săn bắn, ôtô cũng như canô chạy tốc độ cao và những khúc ca đa cảm. Ông đặc biệt thích nữ ca sĩ Alla Pugachova với những ca khúc kiểu như "Chỉ một mình tình yêu có lỗi", hay "Anh không em, trái đất hóa hòn bi, như chim ri, một cánh bay không thể"...

Ông Chernomyrdin được báo chí Nga đánh giá như một người đàn ông rất tôn trọng các giá trị gia đình, nhưng lại không bao giờ có tỏ vẻ mình gương mẫu quá trong con mắt xã hội...

Trong thực tế, "liệu pháp sốc" của êkíp trẻ trung được đào tạo và tư duy theo kiểu Mỹ  do ông Gaidar làm thủ lĩnh trong một thời gian ngắn đã chỉ mang lại những trái đắng của một thứ tư bản chủ nghĩa hoang dại.

Kết quả là, tới tháng 12/1992, tại Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ VII, Yegor Gaidar không được phê chuẩn làm Thủ tướng. Tới ngày 14/2/1992, ông Chernomyrdin đã trở thành Thủ tướng Liên bang Nga với câu tuyên bố nổi tiếng: "Tôi ủng hộ thị trường chứ không phải chợ búa".

Năm 1996, sau khi ông Yeltsin tái đắc cử Tổng thống Nga, ông Chernomyrdin  lại được Dumna quốc gia Nga chuẩn y cho tiếp tục giữ chức vụ này cho tới tận ngày 26/3/1998. Đây là một vị Thủ tướng mà báo chí Nga ghi lại được nhiều câu phát biểu hóm hỉnh nhất. Thí dụ như "Muốn làm tốt hơn nhưng kết quả lại như thường lệ" hay "Ai ngứa tay thì người ấy hãy gãi vào chỗ khác"...

Thủ tướng Chernomyrdin, có bằng phó tiến sĩ về khoa học kinh tế, là một nhà quản lý khá chắc chắn, với thành phần xuất thân từ ngành dầu khí (lĩnh vực luôn mang lại phần đóng góp đáng kể cho ngân sách Nga) nên có những mối quan hệ sâu rộng trong đội ngũ các nhà quản lý ở thượng tầng kinh tế Nga.

Ông Chernomyrdin luôn tỏ ra  tận tụy (có thể đôi lúc chỉ là hình thức) với cá nhân Tổng thống Yeltsin. Vì thế nên trong suốt một thời gian dài ông đã nhận được sự ủng hộ có vẻ như tuyệt đối của Tổng thống và phe cánh của người đứng đầu nước Nga, mặc dù nền kinh  tế Nga buổi giao thời luôn làm nảy sinh những vấn đề nan giải.

Tuy nhiên, khi ông Chernomyrdin nổi lên quá rõ như một trong những cử viên sáng giá nhất cho cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào giữa năm 2000, có ảnh hưởng không hẳn đã tốt cho vị trí của ông Yeltsin, thì lập tức từ Điện Kremli đã có những "phản ứng thích hợp".

Theo tạp chí Itogi số  8 năm 1998, vị "trưởng lão" đã tỏ ra không hài lòng vì phong cách quá tự tin của Thủ tướng Chernomyrdin và ham muốn trở thành "người cầm lái" sau ông Yeltsin đang được thể hiện quá rõ của ông này. Trong bản báo cáo đọc ngày 26,2,1998, ông Chernomyrdin đã đánh giá hoạt động nội các mà chính ông có trách nhiệm điều hành trực tiếp không phải từ quan điểm của một Thủ tướng, mà như thế từ bên ngoài nhìn vào, từ trên nhìn xuống, đó là quan điểm của một nguyên thủ quốc gia! Thông thường chỉ có Tổng thống mới đưa ra những bài phát biểu có chứa đựng  những đề xướng mang tính chiến lược và những lời "dạy dỗ" các Bộ trưởng như thế...

Lửa đã được đổ thêm dầu khi ông Chernomyrdin trở về Nga từ Mỹ sau các cuộc hội đàm của Ủy ban liên chính phủ Nga - Mỹ với Phó Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Al Gore... Báo chí Mỹ và Nga khi đó đều viết rằng, trông cặp Victor Chernomyrdin - Al Gore ngay từ bây giờ đã có "phong độ nguyên thủ quốc gia lắm"!Ở đây cần phải hiểu rõ tính cách của vị Tổng thống Nga đầu tiên trong thời hậu Xôviết.

Ông Yeltsin là người say mê quyền lực từ trong máu và luôn muốn phấn đấu để giữ vai trò chủ đạo ở các cấp chính quyền. Ông cũng là người có phẩm chất của một vận động viên thể thao đích thực (thời trẻ, ông Yeltsin còn có lúc đi làm huấn luyện viên bóng rổ), biết huy động tinh lực ở mức cao nhất vào những thời điểm cần thiết để giành chiến thắng bằng mọi giá.

Thông thường, trông ông có vẻ như không ghê gớm lắm, thậm chí có lúc còn như hơi "kém tắm", nhưng một khi cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa là ông lập tức như thay đổi hẳn và trở nên vô cùng dũng mãnh, giành quyền tấn công đầu tiên ngay, khiến đối phương không kịp trở tay.

Có lẽ ông Chernomyrdin dù rất lịch lãm  và đã uống chung với Boris Yeltsin không chỉ một vò rượu (vị "trưởng lão" rất mê các loại rượu ngâm và uống "thùng bất tri thình", tới mức gan bị hủy hoại nặng nề) nhưng đã không hiểu hết được điều tinh tế đó. Tới đầu năm 1998, vì nghe quá nhiều tin về bệnh tim của vị "trưởng lão" nên ông này đã dại dột để lộ sớm ham muốn làm "chủ xị" của mình.

Và thế là Điện Kremli lại lao vào các cuộc thậm thụt mới tìm gương mặt khác cho chức Thủ tướng. Những khúc mắc trong chính sách kinh tế mới trở thành nguyên nhân lý giải hành động của Tổng thống Nga, khi ngày 23/3/1998, ông Yeltsin cách chức toàn bộ nội các với lý do "làm việc không hiệu quả".

Thà ta phụ người trước chứ không thể để người phụ ta, đó có lẽ là phương châm mà Boris Yeltsin đã tuân thủ khi gạt ông Chernomyrdin ra khỏi ghế Thủ tướng. Người được đích thân vị "trưởng lão" chọn lựa từ một danh sách dài các ứng cử viên là nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng gốc Do Thái Sergei Kirienko, sinh năm 1962. Tuy nhiên, trẻ thì khỏe nhưng do không có nhiều kinh nghiệm chính trị nên ông Kirienko chỉ trụ lại được trên ghế Thủ tướng có gần 4 tháng, tới ngày 23/8/1998.

Trong thế cờ bí, ông Yeltsin bắt buộc phải chọn lại ông Chernomyrdin làm Quyền Thủ tướng vì dù sao một người bạn cũ vẫn hơn nhiều chiến hữu mới. Tuy nhiên, Duma Quốc gia Nga với phe đối lập rất mạnh đã hai lần bác bỏ ứng cử viên Chernomyrdin nên rốt cuộc là ông đã không được làm Thủ tướng Nga thêm một lần nữa.

Mặc dầu vậy, ông Chernomyrdin đã không bị thất nghiệp mà vẫn được các nhà lãnh đạo mới của nước Nga giao cho nhiều vị trí quan trọng. Ông từng làm Đại sứ Nga ở Ucraina trong nhiều năm liền. Từ tháng 6/2009 cho tới khi qua đời, ông là cố vấn của Tổng thống Nga về quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Ông Chernomyrdin là một người có cảm tình rất lớn đối với Việt Nam

Nguyễn Trung Tín
.
.