Người cán bộ Công an Điện Biên hai lần được gặp Bác Hồ
Cuộc đời hoạt động cách mạng cùng với công việc bề bộn của đất nước đã chiếm hết thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên sinh thời Người chưa có dịp lên thăm Điện Biên Phủ. Tuy nhiên đồng bào các dân tộc Điện Biên luôn trong trái tim Bác; mỗi cán bộ chiến sĩ, nhân dân được gặp Bác là một vinh dự và nguồn động viên lớn lao cho cả cơ quan, đơn vị, bản làng và dân tộc mình. Đại tá Giàng Páo Ly, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ), là người vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ. Những lời căn dặn của Bác trở thành động lực giúp Giàng Páo Ly cùng đồng chí đồng đội đạp bằng mọi gian nan thử thách, lập công xuất sắc trên mỗi bước đường công tác…
Trá hàng trùm phỉ, “thuyết khách” Vàng Chứ
Đêm ở Tả Lèng, đỉnh Pu Sam Cáp tím thẫm hiện lên sừng sững giữa bầu trời thăm thẳm nhấp nháy muôn vạn vì sao. Những ngọn gió hè mơn man đuổi nhau trên những cánh đồng chè mênh mông giờ đã được phủ một màu hư ảo của trăng thượng tuần. Tôi ngồi trò chuyện với Thượng tá Giàng Páo Là, Phó Công an huyện Phong Thổ trong ngôi nhà gỗ ở cuối bản Thèn Pả. Thượng tá Giàng Páo Là là con trai thứ hai của Đại tá Giàng Páo Ly, người vẫn được mệnh danh là “cây đại thụ” “bậc khai quốc công thần” của Công an tỉnh Lai Châu (cũ). (Ông sinh năm 1936, mất năm 1998 khi đang giữ cương vị Phó giám đốc Công an tỉnh). Cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến của Đại tá Giàng Páo Ly đã ghi những dấu son trong lịch sử 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng miền đất hiểm cực Tây. Ở cương vị công tác nào Đại tá Giàng Páo Ly cũng ghi dấu ấn là một người chỉ huy giản dị, mẫu mực nhưng sắc bén, mưu trí, quyết đoán trong chỉ đạo nghiệp vụ. Nhưng điều mọi người ngưỡng mộ ông nhất là với tư cách một “chuyên gia”, bậc thầy về dân vận và công tác phong trào ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giàng Páo Ly tham gia dân quân du kích từ năm 16 tuổi. 18 tuổi ông đã gia nhập bộ đội địa phương huyện Phong Thổ. Đầu năm 1954, ở Phong Thổ cụm phỉ do tên Nông Văn Kiếm và Đèo Văn Ngảnh cầm đầu hoạt động rất manh động và tàn ác. Chúng đã gây ra vụ bạo loạn giết nhiều cán bộ cốt cán của ta ở Bình Lư, Hồ Thầu, đồng thời lập ra hệ thống đồn bốt âm mưu cướp chính quyền, chống phá cách mạng. Là người dân tộc Mông, ông được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ xâm nhập điều tra hoạt động của bọn phỉ. Hoạt động đơn thương độc mã trong sào huyệt của phỉ, ông phải hết sức khôn khéo và tỉnh táo, sơ sảy có thể bị chúng thủ tiêu nhưng Giàng Páo Ly đã hoàn thành xuất sắc vai diễn.
Hồi đó ông “cắm” ở xã Bình Lư, Pu Sam Cáp trong vai một cán bộ nông nghiệp ở xã. Ông ẩn mình tốt đến mức nhiều lần Nông Văn Kiếm, Đèo Văn Ngảnh và bọn đặc vụ Tưởng (Voòng Bê Sính, Tôn Sào Cang) vì ngưỡng mộ một người có “cái bụng tốt, trí khôn hơn người” nên đã cho đám tay chân dụ dỗ ông theo chúng nổi phỉ, thậm chí phong chức to. Tương kế tựu kế, Páo Ly giả vờ theo chúng để vào tận sào huyệt của bọn phỉ điều tra, xác minh, vẽ sơ đồ bố phòng binh lực của chúng. Từ những thông tin của Páo Ly kết hợp với những thông tin khác, Ty Công an Lai Châu, Công an Khu Tây Bắc đã phối hợp với bộ đội tiêu diệt và làm tan rã các tổ chức phỉ ở Phong Thổ, Quỳnh Hồ, Mường Tè, bắt giữ một loạt tên cầm đầu, mở toang cánh cửa đông bắc của tỉnh Lai Châu, tạo điều kiện cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí từ nước bạn Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Ly Pho về thị trấn Lai Châu được thuận lợi, an toàn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tá Giàng Páo Ly vận động bà con dân tộc Mông ở Ma Thì Hồ, Mường Chà không nghe, không theo Vàng Chứ (năm 1988). |
…Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, trong khi tình hình biên giới còn nóng bỏng thì cái gọi là Vàng Chứ manh nha xuất hiện, sau đó phát triển mạnh ở vùng đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh Tây Bắc nói chung và Lai Châu cũ nói riêng. Đại tá Giàng Páo Ly lúc đó là Phó giám đốc Công an tỉnh kiêm Chính ủy Bộ đội biên phòng Lai Châu. Ông đã đề xuất Ban giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tăng cường cán bộ xuống củng cố 52 xã vùng cao xung yếu.
Nhớ lại vị chỉ huy của mình những năm tháng ấy, Đại tá Tráng A Tủa, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên kể lại nhiều tình huống nguy hiểm, thậm chí ngàn cân treo sợi tóc khi Đại tá Giàng Páo Ly và các tổ công tác bị các đối tượng quá khích hung khí đầy mình vây đòi hành hung, đe dọa… lấy tiết. Thời khắc sinh tử đó Giàng Páo Ly vẫn bình tĩnh, ôn tồn nói chuyện, giải thích và dần cảm hóa được số người quá khích. Đại tá Vi Xuân Chựa, nguyên Trưởng Công an huyện Điện Biên là người có nhiều năm gắn bó với Đại tá Páo Ly thời “đánh” Vàng Chứ. Cho đến giờ Đại tá Chựa vẫn nhớ như in đợt ra quân xóa tụ điểm Vàng Chứ ở Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông hồi năm 1987 (đây là nơi khởi điểm ra đời cái gọi là Vàng Chứ). Đối tượng cầm đầu là Hạng Chu Vá là một kẻ ngoan cố, quá khích và rất manh động. Nhiều lần lực lượng Công an gọi hỏi, răn đe nhưng không “dằn mặt” được, thậm chí khi về bản hắn còn kích động người dân chuẩn bị vũ khí, luyện tập để sẵn sàng đối phó với cán bộ.
Không vào hang làm sao bắt được cọp, lần đó Đại tá Giàng Páo Ly vận bộ quần áo Mông rồi cùng Đại úy Vi Xuân Chựa quyết định vào bản Háng Xông, xã Phì Nhừ - “sào huyệt” của Hạng Chu Vá để “thuyết khách”. Hắn đón tiếp ông màn chào hỏi với 1 “trung đội thanh niên Vàng Chứ” được trang bị súng kíp dài thượt. Ông đàng hoàng “duyệt đội ngũ” sau đó vào thẳng trong nhà mặt đối mặt với tên Vá. Chẳng biết ông nói chuyện gì với hắn nhưng hết buổi chiều, rồi một đêm trôi qua, ngày hôm sau đến khi ông mặt trời đứng bóng thì thấy tên Vá hét “đệ tử” mổ lợn, tiếp rượu thết đãi Páo Ly. Tối hôm đó ông đã cắt máu ăn thề kết nghĩa anh em với kẻ cầm đầu Vàng Chứ ở Phì Nhừ. Hạng Chu Vá đã tâm phục khẩu phục và vận động hàng trăm cái đầu bướng bỉnh ở Phì Nhừ, Pú Nhi, Chiềng Sơ… và các bản lân cận quay về với phong tục tập quán của dân tộc…
Vẹn nguyên trong trái tim 2 lần gặp Bác Hồ
Hồi Đại tá Giàng Páo Ly còn sống, mỗi lần hồi tưởng kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ, trái tim ông lại bồi hồi và rưng rưng xúc động. Lần thứ nhất vào giữa năm 1961, sau khi lập công xuất sắc trong chiến dịch tiễu phỉ ở Phong Thổ, Mường Tè… chuẩn úy Giàng Páo Ly được cử về Hà Nội dự lớp bồi dưỡng chiến sĩ thi đua toàn lực lượng. Sau đó, một vinh dự lớn nữa đã đến với ông, khi có mặt trong đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang dự Hội nghị Chính trị đặc biệt, được báo cáo thành tích với Bác Hồ. Đối với Páo Ly, một người con của núi rừng Tây Bắc, việc được gặp Bác làm lòng ông vô cùng sung sướng và tự hào.
Ngày thứ hai của hội nghị ông được chỉ định lên báo cáo. Sau này Páo Ly kể lại, ông rất lo vì từ trước tới giờ chưa phát biểu ở hội nghị lớn như thế này, tiếng phổ thông chưa thạo liệu Bác Hồ có hiểu không?... Báo cáo xong, ông mừng đến phát khóc khi thấy Bác gật đầu hài lòng, các đại biểu vỗ tay hoan nghênh. Đến giờ giải lao, Páo Ly được một cán bộ chỉ huy tìm gặp và đưa lên tầng 2, vào buồng số 9. Bác đang ngồi tiếp chuyện đại biểu các tỉnh Thái Bình và Hoà Bình, cạnh là đồng chí Tố Hữu và mấy cán bộ bảo vệ. Bác ân cần hỏi:
- Chú ở tỉnh Lai Châu phải không?
Páo Ly đứng nghiêm, cố gắng thật bình tĩnh báo cáo:
- Thưa Bác, cháu ở Công an nhân dân vũ trang Lai Châu, cháu tên là Giàng Páo Ly, dân tộc Mông ạ!
Bác vẫy tay bảo Páo Ly đến gần, rồi kéo tay anh ngồi xuống bên Bác. Bác hỏi:
- Tình hình công tác của Công an nhân dân vũ trang Lai Châu như thế nào?
Páo Ly lúng túng một hồi sau nhờ sự đỡ lời của đồng chí Tố Hữu anh mới báo cáo những kết quả công tác với Bác. Nghe xong Bác ôn tồn nói giọng ấm áp như một người cha:
- Chú về cho Bác gửi lời hỏi thăm sức khoẻ tới cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân và toàn thể nhân dân các dân tộc Lai Châu. Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ mong công an và nhân dân Lai Châu tiếp tục lập nhiều thành tích mới, có dịp Bác sẽ lên thăm.
Giàng Páo Ly xúc động xin hứa với Bác khi về sẽ truyền đạt lời thăm hỏi ân cần của Bác tới toàn thể cán bộ chiến sĩ Công an Lai Châu và quyết tâm sẽ thực hiện tốt lời dạy bảo của Bác.
Ngày Páo Ly về phép thăm nhà, cả bản kéo đến thăm, ai cũng hỏi: “Bác Hồ có khoẻ không?”. Páo Ly kể cho mọi người nghe những ngày anh sống ở thủ đô, được gặp Bác Hồ. Bác Hồ gửi lời thăm bà con dân tộc Mông ta. Mọi người phấn khởi lắm và về bảo nhau người Mông phải đoàn kết, phấn đấu giành nhiều thành tích để đón Bác lên thăm.
Tháng 3/1967, Giàng Páo Ly là một thành viên trong đoàn cán bộ tỉnh Lai Châu do đồng chí Nguyễn Văn Xã, Bí thư Tỉnh uỷ dẫn đầu về Hà Nội. Giàng Páo Ly lại vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ hai. Thật lạ lùng là giữa muôn vàn công việc trọng đại của đất nước, nhưng Bác vẫn nhận ra cậu hạ sĩ quan trẻ người Mông Giàng Páo Ly của núi rừng Tây Bắc. Trong buổi gặp ngắn ngủi và tràn đầy hạnh phúc đó, Giàng Páo Ly và anh em trong đoàn hứa với Bác là quân và dân Lai Châu sẽ làm tất cả để góp phần đánh thắng giặc Mỹ, bảo vệ và xây dựng Lai Châu ngày càng giàu đẹp. Nhưng rồi Bác Hồ đã không kịp lên thăm Điện Biên, công việc bề bộn của đất nước đã chiếm hết thời gian của Bác cho đến tận ngày Bác mãi mãi đi xa. Rất nhiều năm sau, mỗi lần hồi tưởng kỷ niệm ngày được gặp bác, trái tim Đại tá Giàng Páo Ly lại bồi hồi và rưng rưng xúc động. Là người duy nhất Công an tỉnh Lai Châu (cũ) hai lần được gặp Bác, vinh dự đó không chỉ riêng ông mà là cả lực lượng Công an Điện Biên và Lai Châu, trở thành động lực mạnh mẽ, giúp ông và đồng đội vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Đại tá Giàng Páo Ly có 5 người con, trong đó 6 con dâu, rể, cháu gia nhập lực lượng CAND: Thượng tá Giàng Páo Là, Phó Công an huyện Phong Thổ (Lai Châu); Trung tá Giàng Páo Sính, Trưởng Công an huyện Mường Nhé; con gái út Đại úy Giàng Thị Dung, Đội trưởng xuất nhập cảnh Phòng PA71; con rể Thượng tá Nguyễn Hữu Bát, Phó trưởng phòng PA81; con dâu Đại úy Trần Ngọc Ánh, Phó trưởng Công an phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên); cháu nội Giàng Lan Nhi, học viên năm thứ nhất Học viện An ninh nhân dân… |