Người bộ hành lặng lẽ

Thứ Sáu, 24/05/2013, 10:30
Với Phạm Quốc Bản, hình như để ông ấn tượng đến mức dai dẳng về một người như thế, không dễ dàng gì. Bởi vì, đã nhiều năm, kể từ khi quen biết ông, tôi ít khi nghe ông nhắc cụ thể về một cá nhân nào. Không ít người còn ngại bởi sự trực tính và sòng phẳng đến rất lính của ông. Người ấy là cựu chiến binh, là nhà thơ, nhà xã hội học Mai Quỳnh Nam.

1. Không dưới hai lần, Phạm Quốc Bản (nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) nói về một người mà ông vì nể từ thời trẻ.

Ông Bản say sưa kể: Người ấy,  khi mới 17 tuổi, đã tạo ra sức hấp dẫn trước cả trăm con người. Người ấy nói chuyện về Bác Hồ, về Lê-nin, về lý tưởng sống của thanh niên…Ngày ấy, cánh lính trẻ chúng tôi nghe, nhìn và nhớ mãi. Đó cũng là kỷ niệm đẹp, khó quên trong cuộc đời quân ngũ của chúng tôi. Chuyện này xảy ra lâu lắm rồi…

Với Phạm Quốc Bản, hình như để ông ấn tượng đến mức dai dẳng về một người như thế, không dễ dàng gì. Bởi vì, đã nhiều năm, kể từ khi quen biết ông, tôi ít khi nghe ông nhắc cụ thể về một cá nhân nào. Không ít người còn ngại bởi sự trực tính và sòng phẳng đến rất lính của ông.

Người ấy là cựu chiến binh, là nhà thơ, nhà xã hội học Mai Quỳnh Nam. Còn kỷ niệm mà ông Phạm Quốc Bản nhắc đến như một ánh hồi quang, diễn ra vào đầu năm 1970 của thế kỷ trước, khi mà Mai Quỳnh Nam đang đầu quân ở Tiểu đoàn bộ, Tiểu đoàn 12, Sư đoàn 320 B, khi mà cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở thời điểm ác liệt nhất.

Còn tôi lại nhớ Mai Quỳnh Nam theo một cách khác và trong một trường hợp khác.

Vào cuối năm 1978, lần ấy, dưới gốc cây bằng lăng trước hội trường lớn Mễ Trì (Đại học Tổng hợp Hà Nội), tôi đã tình cờ gặp Mai Quỳnh Nam. Mai Quỳnh Nam nói, giọng chân tình: “Mình có giấy triệu tập đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, nhưng cuối cùng lại về học ở trường này. Quyết định ấy cũng được sự khuyến khích của thầy Lê Đình Ky.å Còn trước nữa, mình được cử đi học ở Trường Sĩ quan Đà Lạt đấy. Nhưng cảm thấy không hợp với đời quân ngũ nên mình ra quân. Ông từng là lính, tôi cũng từng là lính. Ông yêu văn chương, tôi cũng yêu văn chương. Ông làm thơ, tôi cũng làm thơ. Tôi có một tập bản thảo thơ viết từ khi còn ở chiến trường, nhờ ông đọc và góp ý…”.

Tôi còn nhớ ngày ấy, Mai Quỳnh Nam đi một chiếc xe đạp cà tàng và ăn mặc giản dị, giống như nhiều sinh viên khác.

Tôi trân trọng những sáng tác gần như thuộc dạng đầu tay của ông. Hình như đó không chỉ là thơ, mà còn là mồ hôi, là nước mắt, là máu, là một phần đời của người lính nữa. Chưa kể, rất có thể đó còn là những đứa con tinh thần sau những lần vượt qua đạn bom và cái chết. Càng trân trọng hơn khi sau đó không lâu, ba bài thơ Ký ức Trường Sơn, Ngoài bưng có gì và Viết trong chiến hào của Mai Quỳnh Nam được đăng trên Tuần báo Văn nghệ.

Thời điểm ấy, đăng được một bài thơ  trên các báo, tạp chí lớn chuyên về văn học như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, đối với một người làm thơ trẻ, thật chẳng dễ dàng gì. Về việc này, với riêng tôi, cũng có một chuyện khó quên. Chuyện xảy ra vào tháng 2/1978. Sau một thời gian trăn trở, kiếm tìm, thức khuya dậy sớm, tôi tích cóp được 10 bài thơ. Tôi thử “liều mình như chẳng có” đến gặp nhà thơ Vương Trọng ở số 4 Lý Nam Đế.

Nhà thơ Vương Trọng tiếp tôi và bảo: “Khoảng 10 ngày nữa trở lại”. Đúng hẹn, tôi nhận được câu trả lời của nhà thơ đàn anh: “Trong chùm thơ Giang gửi, có một bài đăng được. Mình đã chọn và xếp vào số tháng 9”. Hay tin này, tôi mừng rơn. Nhưng phải đợi đến bảy tháng nữa tạp chí mới ra, thì quả là “một ngày dài hơn thế kỷ”.

Vậy mà khi tạp chí ra mắt bạn đọc, cái tên Giang của tôi lại bị in sai thành Giảng, thế mới chán chứ. Mặc dầu vậy, tôi vẫn quên buồn để vui và không hề có ý trách cứ ai. Sau này, vào năm 1982, trong Tuyển thơ Văn nghệ quân đội 25 năm, tên tác giả Bài thơ viết tiếp dưới gốc tràm lại vẫn  in sai Đặng Huy Giang thành Đặng Huy Giảng.

Cho nên, việc Mai Quỳnh Nam có hẳn một chùm thơ đăng trên Tuần báo Văn nghệ vào năm 1978, làm cho cánh làm thơ sinh viên chúng tôi rất vui và có phần kính trọng, cho dù trước đó, vào năm 1972, Mai Quỳnh Nam đã có thơ đăng trên báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân giải phóng rồi.

Vì lẽ ấy, trong cuốn sách Chiến trường sống và viết, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã nhắc đến những người viết trẻ nhất của Văn nghệ Quân giải phóng, trong đó có Mai Quỳnh Nam.

2. Ai đã trải qua những năm 80 thế kỷ trước thì mới hiểu thế nào nỗi vất vả của đời sống, đặc biệt là đời sống của những người đã trót coi thơ là cái nghiệp. Tôi và Mai Quỳnh Nam cũng vậy.

Sau khi ra trường, thi thoảng chúng tôi vẫn tìm đến nhau. Ngày ấy, thường thì chọn một quán nước bên vỉa hè làm chỗ trú chân. Dăm chén nước chè, mấy vê thuốc lào, dăm cái kẹo lạc… cũng xong một cuộc vui. Và càng vui hơn khi bạn bè có thơ mới đọc cho nhau nghe.

Vào đầu năm 1980, Mai Quỳnh Nam đã âm thầm làm một cuộc độc hành thay đổi  mạnh mẽ về thơ. Ông cho rằng: Đã đến lúc phải thay đổi, bứt phá khỏi thơ chống Mỹ. Những bài thơ Thời nay, Bé Hạnh Lan, Số vé thứ bảy…là những dấu ấn đầu tay của thời kỳ mới trong thơ Mai Quỳnh Nam và nhiều bài đã được ghi nhận. Đó là Số vé thứ bảy trong Tuyển thơ Hà Nội, Ảo giác Hyrôsima trong Tuyển thơ văn xuôi của Nhà xuất bản Văn học.

Nếu thầy Mã Giang Lân - nhà thơ, nhà lý luận phê bình của chúng tôi coi thơ Mai Quỳnh Nam là “thơ hình học”, thì bạn bè cùng trang lứa lại coi thơ Mai Quỳnh Nam là “thơ định đề”. Đó là loại thơ khó làm, có cấu tứ chặt chẽ, có hàm ý, có tư tưởng mà đề tài chỉ là cái cớ, như nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Mai Quỳnh Nam là vậy. Ông ưa nhìn vào cái khuất lấp sau các hiện tượng, sau các cảnh đời để nảy ra ý tưởng. Ông thích cảm hứng xã hội, phản ánh đời sống của con người, của dân tộc với trách nhiệm xã hội lớn qua thơ Rítxốt (Hy Lạp). Ông nói: Thơ Rítxốt đã rất thành công, dù không sử dụng lối viết siêu thực. Cảm hứng xã hội học trong thơ Brodsky (Giải thưởng Nôben 1987) cũng rất mạnh. Còn Rítxốt và Szymborska (Giải thưởng Nobel 1996) là hai nhà thơ được đào tạo cơ bản về xã hội học.

Có lẽ sau khi học xong cử nhân văn chương, về công tác ở Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, rồi làm nghiên cứu sinh chuyên ngành xã hội học chính trị ở Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô mà quan niệm về thơ ở Mai Quỳnh Nam mới có những chuyển biến như thế.

Và chỉ cần đọc tên các tập: Bước trượt (1995), Các sự việc rời rạc (2002), Phép thử thuật tư biện (2007), Biến thể khác (2012 ) cũng thấy rõ chất xã hội học đã ngấm vào thơ Mai Quỳnh Nam như thế nào. Ở một chừng mực đáng kể, Mai Quỳnh Nam luôn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hệ thống lý thuyết cấu trúc xã hội và thân phận cá nhân con người trong hệ thống đó.

Tôi thích những câu thơ ám ảnh “Cả rừng lau trắng ngời/ trôi/ không luân hồi” trong Phép thử thuật tư biện và bài thơ Vũng nước trên đường trong Biến thể khác. Có lẽ ít ai có cái nhìn thật sâu, thật đa chiều và phức hợp như Mai Quỳnh Nam:

Vũng nước trên đường
như tấm gương
chôn sống mặt trời.

đứa trẻ đùa chơi
đạp nước tung tóe
một vết bẩn trên gót son thơ bé.

Còn Viết tiếp Freud thì không phải ai cũng nghĩ tới và viết được:

Vô thức vô thường phát tán xung năng
hữu thức lòng anh biến trời xanh thành ảm đạm
mây lang thang vô dáng vô hình
giống khách thể đời lay lắt phù sinh.

Mỗi một bài thơ, đối với Mai Quỳnh Nam dường như anh phải trình bày một phát hiện gây cảm xúc và gây những tác động đến trí não, và cái gây ra cho trí não dường như là quan trọng hơn cả. Về thơ Mai Quỳnh Nam, nhà thơ Giáng Vân cho rằng: “Những câu thơ  anh viết, là thứ phải chiêm nghiệm bằng cả đời người. Và có chiêm nghiệm, mới thấy đó là thơ”.

May mắn được làm bạn với Mai Quỳnh Nam nhiều năm, tôi thấy ông là người yêu văn chương một cách nhiệt thành. Ông im lặng theo dõi đời sống thơ ca trong mối bang giao rất hạn chế. Với ông, học vấn và văn hóa luôn là đức hạnh của văn chương.

3. Mỗi day dứt về nguyên nhân và hệ lụy chiến tranh, thấu tỏ về thân phận con người trong tri thức triết học xã hội  luôn là những băn khoăn, trăn trở, trong con người Mai Quỳnh Nam hiện tại. Còn trong quá khứ, từ thuở thiếu thời, Mai Quỳnh Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ người cha. Nhân đây, cũng xin được nói thêm: Người cha của Mai Quỳnh Nam là cụ Mai Văn Lược - một người lịch lãm, một trí thức Tây học, người luôn đề cao sự học cơ bản.  Sinh thời, ông từng là chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mai Quỳnh Nam nhớ lại: Vào năm tôi 15 tuổi, cha tôi đã dịch bài thơ Nếu hòn sỏi nói…của Bertolt Brecht từ bản tiếng Pháp. Bài thơ này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi: Khi bạn tung hòn sỏi lên trời/ hòn sỏi nói tôi sẽ rơi xuống đất/ bạn tin hòn sỏi kia nói thật/ nếu có ai ném bạn xuống nước/ chắc chắn bạn sẽ bị ướt /nếu có cô gái viết thư và hẹn giờ đến gặp/ thì bạn chớ vội vàng tin/ vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên. Cũng có thể bài thơ này đã truyền cảm hứng cho tôi khi viết bài thơ đầu tiên.

Sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, ông trở lại công tác và gắn bó với Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Ông thuộc lứa cán bộ đầu tiên được đào tạo cơ bản về xã hội học và là một trong những chuyên gia đầu ngành về xã hội học. Ông hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu con người, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Khoa học xã hội cấp Nhà nước KX – 03/ 11-15.

Ngoài nghiên cứu, ông còn tham gia giảng dạy và đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Thầy giáo Mai Quỳnh Nam đã truyền sự hứng khởi cho nhiều khóa học viên và nghiên cứu sinh trong các bài giảng về truyền thông đại chúng và dư luận xã hội thuộc các chuyên ngành Xã hội học và Báo chí học.

Trong thời gian du học, ông gặp và kết hôn với bà Đặng Hoàng Phước Hiền, khi đó cũng đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Sinh hóa Bakh, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, nơi Krôn chọn làm bối cảnh để viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Thao thức.  Bà Đặng Hoàng Phước Hiền sinh ra trong một gia đình trí thức dòng dõi khoa bảng nhiều đời tại Diễn Châu, Nghệ An. Bà thuộc kiểu phụ nữ truyền thống, sống rất giản dị. Bà biết nhiều ngoại ngữ và am hiểu văn chương.

Con trai ông là Mai Đặng Hiền Quân theo “nghề của bố”. Năm 2007 Hiền Quân được nhận học bổng toàn phần hệ cử nhân tại Đại học Bates - trường đại học có chi phí đào tạo đắt nhất ở Mỹ. Năm 21 tuổi, Hiền Quân trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Vanderbilt với học bổng toàn phần và hiện là trợ lý biên tập Tạp chí Xã hội học Mỹ (American Sociological Review). Hiền Quân theo đuổi lĩnh vực học thuật còn chưa được nghiên cứu ở Việt Nam: “Xã hội học chính trị và thể chế”.

Sau xuân Quý Tỵ, tôi gặp lại thi sĩ, nhà xã hội học Mai Quỳnh Nam. Ông nói vui: Nói chung, cả nhà mình cùng hướng tới cái đích “xanh, sạch, đẹp” và “phát triển bền vững”.

Còn với tôi, Mai Quỳnh Nam là “người bộ hành lặng lẽ”  trong thơ và trong cuộc đời này

Đặng Huy Giang
.
.