Người bị lãng quên

Thứ Tư, 17/06/2020, 12:23
Nếu luật sư Martin Luther King vẫn luôn được các thế hệ sau nhắc tới, thì không còn nhiều người biết đến một Malcom X - người cũng đã từng một thời ngang dọc tung hoành.

Hoạt động trong cùng thời điểm, với cùng vị thế là những lãnh tụ đấu tranh cho quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi trong xã hội Hoa Kỳ, thế nhưng, nếu luật sư Martin Luther King cùng bài diễn văn kinh điển "Tôi có một giấc mơ" (I have a dream) vẫn luôn được các thế hệ sau nhắc tới, thì không còn nhiều người biết đến một Malcom X - người cũng đã từng một thời ngang dọc tung hoành.

Vụ ám sát kinh hoàng

Ngày 21-2-1965, hội nghị Tổ chức Liên hiệp người Mỹ gốc Phi (Organization of Afro-American Unity, OAAU) diễn ra tại nghị trường Audibon Ballroom, New York, Mỹ.

Malcom X tiến vào hội trường. Đúng lúc đó, trong số 400 người tham dự, có ai đó hét lên: "Đồ mọi rợ! Bỏ tay ra khỏi túi tao!". Dĩ nhiên, Malcom X không thể không chú ý đến vụ lộn xộn này. Ông dừng lại, và cùng các vệ sĩ tiến tới, cố gắng vãn hồi trật tự.

Bỗng nhiên, một bóng đàn ông từ trong đám đông chạy vụt tới, tiến sát Malcom X, chĩa thẳng một khẩu shotgun giấu trong áo vào ông mà siết cò. Hai kẻ khác nữa cũng tưới đạn vào Malcom X, bằng những khẩu súng ngắn.

Malcom X được đưa ngay tới bệnh viện Columbia Presbyterian, nhưng bất cứ nỗ lực nào cũng không thể cứu nổi ông. 15h30 chiều, bệnh viện tuyên bố rằng ông đã trút hơi thở cuối cùng. Trên người ông có tới 21 mảnh đạn. Chúng cày nát cả phần ngực lẫn vai trái.

Kẻ cầm shotgun - Talmadge Hayer, nhưng tên thật là Thomas Hagan - lập tức bị tóm, còn hai tên đồng lõa chạy thoát. Thomas bị đưa ra tòa, bị tuyên tội giết người và nhận án chung thân. 

Năm ngày trước đó, 16-2-1965, trả lời phỏng vấn một phóng viên mang tên Gordon Park, Malcom X đã hé lộ rằng tổ chức Quốc gia Hồi giáo (Nation of Islam) đang nỗ lực lên kế hoạch để giết mình. Có lẽ chính Gordon Park cũng không thể tin là tiên liệu đó lại diễn ra chính xác và sớm sủa đến như vậy.

Thomas Hagan chính là một thành viên của Nation of Islam. Đây là "đòn thù" giáng xuống một con người cũng đã từng có thời gian gắn bó mật thiết với Nation of Islam.

Malcom X (phải) và  Martin Luther King - một mục đích, hai con đường.

Sinh năm 1925, con trai của một mục sư Tin lành, lớn lên tại khu ổ chuột trong cảnh nghèo khổ cùng cực, Malcom X (tên thật là Malcom Little) có một xuất phát điểm rất "điển hình", như hàng triệu thân phận người Mỹ gốc Phi. Chính vì thế, khi có cơ hội vươn xa trong sự nghiệp hoạt động chính trị, cũng như Martin Luther King Jr, ông phất cao lá cờ đòi bình đẳng xã hội.

Song, khác với Martin Luther King, thậm chí đến mức đã từng phản đối nhau dữ dội, Malcom X từng cho rằng không thể đòi quyền lợi cho người Mỹ gốc Phi bằng con đường đấu tranh bất bạo động, như phương thức Martin Luther King cổ súy.

Có lẽ, sự quyết liệt đó khởi phát từ quãng thời gian 6 năm rưỡi mà Malcom X phải ngồi tù vì tội trộm cắp, bắt đầu từ khi 19 tuổi. Sau những song sắt, ông trở nên chai lì và dữ dội hơn gấp bội, khi phải chứng kiến tận cùng những sự tàn bạo của các quản giáo da trắng.

Và sau đó, như trang www.History.com liệt kê những điều ít được biết đến về Malcom X, ông tìm kiếm con đường giải thoát qua sách vở. "Trong mọi khoảnh khắc tự do của tôi, bạn thậm chí còn không thấy tôi đến thư viện. Tôi đọc sách ngay trong phòng giam của mình. Không ai thấy tôi rời xa cuốn sách" - Malcom X từng hồi tưởng.

Và hoàn toàn khác Martin Luther King, Malcom X chọn cho mình một điểm tựa tinh thần mới: Hồi giáo. Ông, cải đạo và lấy cái tên đầy màu sắc Hồi giáo là  El-Hajj Malik El-Shabazz, gia nhập Nation of Islam sau khi ra tù năm 1952.

Không ai khác, chính Malcom X là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp Nation of Islam trở thành một tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi. 

Từ Boston đến Philadelphia, Malcom X nỗ lực quảng bá và tiến hành quyên góp để xây dựng các nhà nguyện Hồi giáo (mosque). Rồi tại những mosque đó, ông diễn thuyết chống phân biệt chủng tộc. 

Pha trộn với các tín điều Hồi giáo, tư tưởng của Malcom X trở thành một thứ men say củng cố lòng tự tin vào chính mình của những người Mỹ gốc Phi: "Chúng ta không tựa vào dãy Plymouth, các anh chị em! Dãy Plymouth tựa vào chúng ta!".

Từ chưa đầy 6.000 thành viên năm 1955, nhờ Malcom X, đến đầu những năm 1960, số lượng thành viên của Nation of Islam đã tăng lên 75.000 người.

Cho đến hiện tại, vẫn rất khó để đánh giá một cách chính xác những tư tưởng của Malcom X.

Kẻ thù của tất cả, người hùng của tất cả

Cổ súy đấu tranh bạo động, và là tín đồ Hồi giáo - không có gì bất ngờ khi Malcom X từng bị xem là "kẻ thù của người da trắng" ở Mỹ. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) theo chân ông từng bước, cho đến tận cuối đời. Và, có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sau thời đại của ông, truyền thông Mỹ vẫn luôn nhắc nhiều đến Martin Luther King hơn, như một lựa chọn an toàn.

Ngay khi Martin Luther King đọc bài diễn văn bất hủ "I have a dream", Malcom X kêu gọi "một cuộc nổi dậy của lòng phẫn nộ", và chế giễu "Cuộc tuần hành về Washington" (March on Washington) mà Martin Luther King đứng đầu năm 1963 đó là "Trò hề Washington" (Farce on Washington).

Tuy vậy, thật đáng ngạc nhiên, chỉ đến năm sau, 1964, khuynh hướng cực đoan trong tư tưởng của Malcom X đã kịp dịu lại. Rất khó cắt nghĩa bước biến chuyển này, nhưng ông đã tuyên bố từ bỏ Nation of Islam vào năm 1964, dù vẫn duy trì là một tín đồ Hồi giáo dòng Sunni. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, lựa chọn ấy của Malcom X chủ yếu xuất phát từ những bất đồng cá nhân giữa ông và thủ lĩnh Nation of Islam - Elijah Muhammad, sau khi vị này trừng phạt ông bởi những lời cay độc mà ông nói về vụ ám sát Tổng thống Mỹ John Kennedy.

Có thể, đó chỉ là giọt nước tràn ly. Có thể, trong sâu thẳm. Malcom X biết rằng ông sẽ không bao giờ hoàn toàn điều khiển được Nation of Islam hoạt động như một công cụ chính trị hữu hiệu phục vụ những ý tưởng của mình. Thế nên, ông ra đi, và thành lập một công cụ mới: OAAU.

Có điều, dường như Malcom X không hình dung được ông đã chơi một con dao sắc bén đến mức độ nào. Những phát shotgun nã thẳng vào người ông ngày 21-2-1965 là dấu chấm hết cho một sự nghiệp còn dang dở, của một nhà hoạt động ôm quá nhiều tham vọng.

Dù thế nào, đó cũng là một trong những người Mỹ gốc Phi có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở thế kỷ XX.

Cho đến hiện tại, Malcom X vẫn là một nhân vật rất khó đánh giá cặn kẽ. Những tư tưởng của ông, cách ông thoát khỏi tầng lớp dưới đáy xã hội để vươn tầm thành một thủ lĩnh, và kể cả cái chết của ông vẫn đều là những mệnh đề mở. 

Năm 2015, CNN cố gắng lật lại câu chuyện bằng loạt phỏng vấn "Các nhân chứng: Vụ ám sát Malcom X" (Winessed: The Assasination of Malcom X), nhưng kết quả đọng lại thì vẫn khó mà phủ định nhận xét của nhà nghiên cứu lịch sử Robin D.G.Kelley: "Malcolm X bị người ta gắn cho nhiều bộ mặt. Ý nghĩa của cuộc đời trong cộng đồng của ông - về chính trị và tư tưởng - bị thử thách nhiều, vì toàn bộ sự nghiệp chỉ gồm vài chục bài diễn văn và một cuốn tự truyện không được xác thực rõ ràng.... 

Malcol trở thành một thứ bảng trắng, trên đó những ai muốn thì đều có thể viết suy diễn của riêng mình về xu hướng chính trị và di sản của ông. Cả nhạc sĩ hip hop Chuck D của ban nhạc Public Enemy lẫn phó chánh án Toà án Tối cao Hoa Kỳ Clarence Thomas đều có thể tuyên bố Malcolm X là anh hùng của họ".

Song, cuối cùng, trong những chuỗi diễn biến hiện đang làm rung chuyển nước Mỹ sau cái chết của một người da đen mang tên George Floyd, hình bóng sắt đá của Malcom X dường như lại đang hiện lên rõ ràng hơn là tư tưởng bất bạo động của Martin Luther King.  

* Không còn nghi ngờ gì, tư tưởng đậm màu thù địch với người da trắng của Malcom X xuất phát từ việc ông được sinh ra và lớn lên ở Omaha, Nebraska - một "chiến địa" mà tổ chức phân biệt chủng tộc cực đoan 3K (Ku Klux Klan) hoành hành, gieo rắc sợ hãi và tang tóc cho rất nhiều gia đình da đen.

* Malcom X căm ghét cái họ bẩm sinh "Little" của mình. Ông xem đó là một "dấu hiệu nô lệ", và từ bỏ nó không một chút nuối tiếc khi mới bắt đầu tiếp xúc với Elijah Muhammad, để cải sang đạo Hồi. Theo gương ông, sau này võ sĩ quyền Anh huyền thoại Muhammad Ali cũng chọn từ bỏ cái tên thơ ấu Cassius Clay để trở thành một tín đồ Hồi giáo.

Đông Quân
.
.