Ngọc Lê Ninh: Vỡ cùng hy vọng

Thứ Ba, 22/03/2016, 06:45
Ngọc Lê Ninh chọn những hình thức tương đối truyền thống và gần gũi để thể hiện tác phẩm nên những bài thơ của anh dễ cảm, dễ thấm vào lòng người, một phần nữa bởi nhạc tính trong thơ anh rất được chú trọng.


1. Một buổi trưa mùa đông đầy gió, Hà Nội bắt đầu chuyển sang những ngày rét đậm, bỗng tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Vũ à, em đang ở đâu thế, ra ngay 91A Thợ Nhuộm, quán ẩm thực đồng quê nhé. Có anh và một người em của anh đang chờ ở đây”. Tôi hiểu mỗi khi anh Cầm đã nhấc máy gọi điện, thì đều là những chuyện “đích đáng” cả. Và hôm nay, tôi linh cảm thấy không chỉ có việc hay mà còn có cả người hay nữa. 

Vội vã sắp xếp việc nhà vì sợ anh chờ lâu, phóng như bay ra điểm hẹn, nhân viên của quán đã đợi sẵn để dẫn lên tầng 2, nơi anh Cầm đang chờ. Đón tôi với khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, anh Cầm chỉ sang người kề bên: “Giới thiệu với em, Ngọc Lê Ninh, một người giống như em trai của anh, chuyên gia trong lĩnh vực nổ mìn, nhưng còn nổ ra cả một số bài thơ  nữa”. 

Tôi gặp và biết Ngọc Lê Ninh từ những câu đầu tiên như thế, một người đàn ông trung niên, gương mặt trầm tĩnh từng trải phong sương. Trên bàn đồ ăn vẫn y nguyên, chai rượu, như anh Cầm nói, vẫn chờ tôi đến rồi mới mở. Ly vang đầu tiên được rót, chuyện thêm một lúc, tôi mới dần hiểu rõ hơn về người đàn ông mang tên Ngọc Lê Ninh đang ngồi đối diện. 

Hóa ra tên thật của anh là Lê Ngọc Ninh, đã làm thơ từ thời sinh viên khi tuổi mới đôi mươi, từng đồng hành cùng Hoàng Nhuận Cầm trong nhiều cuộc giao lưu thơ nhạc với sinh viên các trường đại học ở Hà Nội cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. 

Việc đảo chữ Ngọc lên trước để thành bút danh Ngọc Lê Ninh chính là ý tưởng của Hoàng Nhuận Cầm. Từng làm khá nhiều thơ và đã đăng tải trên một số báo, tạp chí của thời kỳ đó song cuộc sống mưu sinh khiến Ngọc Lê Ninh phải tạm gác lại câu chuyện thi ca để lo cho những điểm đến khác trong sự nghiệp cũng như cuộc sống riêng của mình. 

Để rồi hơn 20 năm trôi qua, giờ đây khi đã trở thành một nhà khoa học có tiếng với học vị tiến sĩ, là chuyên gia về khoan nổ mìn - khai thác mỏ thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, từng nhận nhiều giải thưởng về khoa học trong đó có giải VIFOTEC Việt Nam lần thứ 10 (2009) về công nghệ nổ mìn thân thiện, Ngọc Lê Ninh mới tìm được sự tĩnh tâm để quay về với thi ca, và việc đầu tiên là cho ra mắt bản thảo đã được hoàn thành từ năm 1992, nghĩa là cách đây đúng 24 năm. 

Và cuộc gặp gỡ trưa nay mà anh Cầm mời tôi ra chính là để mừng cho sự kiện tập thơ đã được cấp giấy phép, bìa sách và chế bản cũng hoàn tất, chỉ chờ ngày đưa xuống nhà in. Trên bàn tiệc lúc này, rượu vang vẫn cứ rót, những câu chuyện đời, chuyện thế sự tạm gác lại, cả ba người chưa ai nghĩ tới việc cầm đũa, mà chỉ còn một bầu không khí thi ca với những nỗi niềm văn chương chữ nghĩa. 

Anh Hoàng Nhuận Cầm hôm nay giữ vai trò của một MC, sau khi đề nghị tôi đọc một chương trong U mộng ảnh của Trương Trào thì giới thiệu tiếp ngay đến phần đọc thơ của Ngọc Lê Ninh. Ba bài thơ Ngọc Lê Ninh đọc, cũng là những bài đầu tiên tôi được biết về thơ anh gồm: Thơ mở cửa, Khi tình yêu vùng dậyTình yêu nháp đều là những bài thật hay, gây ấn tượng mạnh mẽ.

Mỗi bài thơ mang một phong cách và giọng điệu khác nhau. Thơ mở cửa da diết khắc khoải, Khi tình yêu vùng dậy cuồng nhiệt nồng nàn, Tình yêu nháp thì có tứ lạ, lắng sâu mà day dứt. Ngọc Lê Ninh chọn những hình thức tương đối truyền thống và gần gũi để thể hiện tác phẩm nên những bài thơ của anh dễ cảm, dễ thấm vào lòng người, một phần nữa bởi nhạc tính trong thơ anh rất được chú trọng. 

Cộng hưởng với sự nối kết đẹp đẽ và nhịp nhàng của vần điệu, những câu thơ, khổ thơ, bài thơ như những làn sóng ngôn từ đi thẳng vào trái tim người đọc: Tôi nằm nghe đớn đau/ Của bao người đã chết/ Nơi đồi cao vực sâu/ Mộ phần chưa ai biết/ Tôi nằm nghe đói rét/ Trong cuộc chiến điêu tàn/ Rưng rưng dòng ly biệt/ Rơi đau ngày bình an (Thơ mở cửa), Gió nhẹ nhàng cởi áo nõn nà trăng/ Chim khe khẽ rúc mình trong khóm lá/ Nghe hạnh phúc mưa trong miền yên ả/ Tình dâng dâng ngập ngập buổi yêu đầu (Đêm thứ 3), Tình yêu nháp thật hư không ai biết/ Cứ vô tư trú ngụ giữa bao người/ Anh đã nháp vào đời em biết mấy/ Trắng trong ơi bẩn dấu yêu rồi/ Em tẩy xóa hình anh em xóa tẩy/ Tuổi thanh xuân mòn vẹt nỗi yêu đầu/ Không hết được dại khờ em thuở ấy/ Nháp lên rồi anh chạy trốn về đâu (Tình yêu nháp). 

Nghe xong ba bài thơ, uống thêm một ngụm rượu, kịp hát một ca khúc của tôi tặng Ngọc Lê Ninh và anh Cầm, tôi đành vội vã tạm biệt hai anh bởi công việc gia đình bất khả kháng. Song, cả tôi, Ngọc Lê Ninh và anh Cầm đều như thầm hiểu, giữa chúng tôi đã có một sợi dây liên kết của niềm đồng điệu, khăng khít và rung cảm trong một cái tình với thơ. 

Và chắc chắn, cuộc tương ngộ hôm nay mới chỉ là khởi đầu cho một cảm hứng chung bất tận giữa ba anh em bởi văn chương xứng đáng được coi là món ẩm thực tuyệt vời nhất mà Tạo hóa đã tặng cho loài người, trong đó thi ca như tôi hằng tâm niệm, luôn là mật ong của ngôn ngữ.

2. Tôi không phải chờ đợi lâu để có đầy đủ tập bản thảo của Ngọc Lê Ninh. Buổi tối cùng ngày, điện thoại từ phía nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lại vang lên, hai anh em tôi ngồi nép bên một hiên gió của phố Lò Đúc, mỗi người một tách trà nghi ngút khói, anh Cầm trân trọng trao tôi tập bản thảo Vỡ cùng hy vọng của Ngọc Lê Ninh với lời gửi gắm của tác giả: Cả Ngọc Lê Ninh và anh Cầm đều mong tôi đồng cảm và thấu hiểu với thơ Ngọc Lê Ninh nhiều hơn nữa khi được đọc toàn bộ 30 bài trong bản thảo, và biết đâu tôi sẽ viết được  cái gì..., như tấm lòng của một tri âm đền đáp một tri âm trong cuộc đời...

Đem bản thảo về và đọc nghiến ngấu trong đêm, tôi càng bị cuốn hút bởi một mê lực khó cưỡng trong ngôn ngữ và hình tượng thơ Ngọc Lê Ninh. Anh không chỉ có những bài thế sự như Thơ mở cửa, những bài thơ tình mê đắm và run rẩy như đã dẫn phía trên mà Ngọc Lê Ninh còn có nhiều bài thơ khác với phạm vi đề tài được mở rộng. Đó là những bài thơ về mẹ, về tổ quốc, về người thày, về quê hương, về tuổi thơ, về tình yêu cuộc sống, điển hình là các bài: Hai chiều tổ quốc, Thầy giáo, Đồng nội, Nợ, Mưa tôi, Khi giữa giao thời.

Trong thơ, Ngọc Lê Ninh đã bộc lộ rõ, anh là người xuất thân từ nông thôn, từ làng quê. Quả thực chỉ có những người từng gắn bó với làng quê mới có được những quan sát tinh tế dường này, và những quan sát ấy được đẩy lên thành hình tượng nghệ thuật, thậm chí thành những chất chồng của ẩn dụ và nhân sinh: Nghe tiếng cuốc giục chiều rơi mê mải/ Nghe bước chân cò làm vỡ ánh hoàng hôn (Đồng nội), Này dòng sông hờ hững trôi về đâu?/ Chẳng thấy nỗi đau lòng đê sụt vỡ?/ Chẳng thấy nỗi đau khi mùa con nước lũ/ Làm cỏ non run rẩy buốt thân đê? (Con đê và dòng sông).

Nhưng tôi vẫn cho rằng, những bài thơ tình của Ngọc Lê Ninh là những bài có nhiều công chúng hơn cả và đó thực sự là nội lực cảm hứng mạnh mẽ trong thơ anh. Ngọc Lê Ninh luôn có những cách diễn đạt mới mẻ, gây bất ngờ, lạ lẫm ngay cả khi đối diện với những đề tài không còn mới: Chấm vào đêm bằng ngòi bút tin yêu/ Nghe răng rắc đời anh gãy ngọn/ Em thiếu vắng thơ anh òa khóc/ Đêm lăn tròn nỗi nhớ vào em (Nỗi nhớ lăn tròn), Cô đơn liếm những mặt tường câm lặng/ Nỗi nhớ em giăng mắc cả một thời/ Buồn thất thểu lang thang ngoài ngõ vắng/ Theo tôi về giấc mộng vỡ làm đôi (Khóc dọc thời gian). 

Thơ tình ở nước ta khoảng chục năm trở lại đây có xu hướng táo bạo về sex, tràn đầy những nhục cảm, tháo tung và bung phá mỗi bản thể như muốn tận cùng sống, tận cùng của nghiệm thân trong một triết học hiện sinh. Những bài thơ của Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Yên Trang, Nguyễn Thúy Hằng, Trương Xuân Thiên... cho ta thấy rõ điều đó. 

Nhưng điều rất ngạc nhiên của tôi là, cách đây gần ba thập kỷ mà Ngọc Lê Ninh đã viết ra được những biểu đạt tình yêu nồng nàn cháy bỏng, cực kỳ nhục cảm mà vẫn giữ được nét kín đáo tinh tế của phương Đông: Chòm sao trong mắt ngủ/ Hoa giật mình lao xao/ Nhẹ mình hương bay cao/ Tóc mây vương đầu núi/ Trăng chạy trốn qua đồi/ Hai ta còn nóng hổi (Khi tình yêu vùng dậy, 1989).

Khi thơ đã chiếm lĩnh người đọc bằng cấu tứ và hình tượng thì trong một số trường hợp, tôi còn thấy rằng, Ngọc Lê Ninh đã rũ bỏ vần để đạt ý, vậy mà thơ vẫn quyến rũ mê đắm. Đây thực sự là nét duyên của thơ anh, người khác khó lòng bắt chước: Xóm làng đang thầm ngóng mắt tre non/ Sông vẫn thở nhịp đò ta rất khẽ/ Nghe tiếng sữa đụn căng tròn hạt lúa/ Vi vu diều thổi sáo thuở cùng nhau (Đồng nội).

3. Khi độc giả đọc đến những dòng này thì tập thơ Vỡ cùng hy vọng đã được in xong, đang nằm trên tay tôi, còn thơm mùi mực mới. Chợt nhớ lại lúc thơ cho tôi nghe, Ngọc Lê Ninh dường biến thành một con người khác hẳn. 

Thay cho vẻ trầm tĩnh nghiêm nghị là sự nhiệt tình sôi nổi, lôi cuốn và đầy cảm hứng; ly cốc trên bàn cũng như muốn nhảy múa theo từng câu chữ của anh. Vậy mà Ngọc Lê Ninh nói với tôi, anh không phải là nhà thơ, anh chỉ là một người làm khoa học.

Ngọc Lê Ninh ơi, anh có biết rằng cả đời chỉ cần một bài thơ hay thôi thì người ấy đã chính thực là thi sĩ rồi. Mà Ngọc Lê Ninh thì, với tôi, đã làm được nhiều hơn thế. Tôi cũng tin rằng, suối nguồn thơ ca giờ đây được khơi lại, hành trình thơ của anh sẽ còn tiếp tục và hứa hẹn đầy những điều thú vị phía trước. Và tôi viết những dòng này như lời ngỏ của một tấm lòng dành cho một tấm lòng...

Hà Nội, những ngày rét đậm trước Tết Bính Thân.

Đỗ Anh Vũ
.
.