Ngọc Jiu Art: Người gọi những giấc mơ... bay

Thứ Năm, 25/10/2018, 13:34
Đặng Thảo Ngọc mở Jiu Art, cái chính là để tự do thỏa mãn những giấc mơ của cô trong hội họa.


1. Nữ họa sĩ Đặng Thảo Ngọc là chủ nhân của Jiu Art, trung tâm nghệ thuật hội họa có tiếng ở Hà Nội. Không chỉ có các bạn nhỏ tìm đến Jiu Art để học vẽ.

Ở đây còn có một thế giới mở cho những người lớn tuổi tìm đến với hội họa để bắt đầu học những nét vẽ căn bản đầu tiên. Ngọc gọi đó là quá trình khám phá và khai mở một con đường tĩnh lặng phía sâu trong tâm hồn. Mỗi người đến đó đều được Ngọc và người bạn đời của cô đồng hành trên con đường đi tìm bản thể của chính mình, dù có khi những học viên của Ngọc đã ở phía bên kia dốc cuối cuộc đời. 

Jiu Art đặc biệt là thế, không chỉ đơn thuần là trung tâm dạy vẽ. Đó là một chốn riêng biệt, để cặp vợ chồng họa sĩ Đặng Thảo Ngọc và võ sư, họa sĩ Tạ Đình Khiêm truyền cảm hứng cho những ai yêu hội họa, muốn hiểu biết về hội họa. 

Đặc biệt, thông qua dạy và học vẽ, Jiu Art sẽ giúp cho các học viên phát huy cá tính sáng tạo và định hướng thẩm mỹ. Ở đó, trẻ em được học lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam bằng tiếng Anh, giúp các em tiếp cận với văn minh nghệ thuật nhân loại làm đầy đặn thêm hành trang kiến thức.

Nghệ thuật không có giới hạn, và sáng tạo lại càng không có biên độ. Khi bước chân vào thế giới của Ngọc, xem những bức tranh cô vẽ, hay ngồi trước giá vẽ nghe cô đánh thức tâm hồn mình quay về, tôi như chạm vào miền ánh sáng, vào những giấc mơ bay, hay những khát khao mãnh liệt của Ngọc. 

Ở đó, trong rút ruột sáng tạo hội họa của Ngọc, hay trong không gian truyền cảm hứng nghệ thuật đầy trách nhiệm của vợ chồng cô, thì cái ranh giới mà chúng tôi chạm được chính là mơ ước. 

Mơ ước mở ra cho chúng tôi một khoảng thênh thang rộng lớn trong tư duy, chúng tôi vượt qua nhẹ nhàng những khó khăn của đời sống để mở ra nhiều cánh cửa bí mật hơn nữa. Phía đó chắc chắn sẽ tràn đầy yêu thương và tinh thần lạc quan sống.

Ngọc mở Jiu Art, cái chính là để tự do thỏa mãn những giấc mơ của cô trong hội họa. Và, chính cô cũng có thêm điều kiện để truyền cảm hứng cho những người trẻ, những ai yêu hội họa, muốn tìm kiếm mình trong thế giới của những sắc màu. 

Ở Jiu Art cô trò truyền cảm hứng cho nhau. Trong những khoảnh khắc đối thoại bằng bút màu và giấy vẽ ấy, Ngọc nhìn thấy sâu hơn thứ mà cô muốn. Còn những học trò của cô, họ được đánh thức và khai mở những giác quan tưởng đã ngủ sâu trong con người mình. 

Với Ngọc, đó là chủ thể của sự sáng tạo, là nhân vật, là thế giới mà cô hình dung thấy mình trong vô vàn những gương mặt có số phận ẩn hiện. Còn với chúng tôi, những học viên của Ngọc tìm thấy một con đường mới của số phận để thú vị khám phá.

2. Nói một chút ít về Ngọc để thấy nữ họa sỹ sinh năm 1982 này có một số phận hội họa đáng để chú ý. Cô chính là trưởng nữ của họa sĩ nổi tiếng Đặng Xuân Hòa và họa sĩ Đỗ Thúy Hằng. 

Sống trong một gia đình có bố mẹ đều là họa sỹ, Ngọc đích thị là "con nhà nòi", học vẽ và vẽ đẹp từ bé, 9 tuổi đã giành giải "Grand Prize" cuộc thi “Nhật kí bằng tranh” phạm vi châu Á tổ chức tại Tokyo Nhật Bản do Hãng Mitsubishi tổ chức.

20 tuổi, cô là sinh viên Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu và từng giành giải tư cuộc thi "Ánh mắt trẻ" của Đại sứ quán Pháp. Cô liên tiếp góp mặt trong 4 triển lãm nhóm. Đó là cuộc trưng bày tại bảo tàng Cahors (Pháp) năm 2004 đến triển lãm Nửa năm tại gallery Đông Phong năm 2006. 

Hay tham dự triển lãm Bên kia tại Maison De Arts năm 2006 đến cuộc gặp gỡ Phụ nữ vẽ - vẽ về phụ nữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2007.

Riêng từ triển lãm cá nhân đầu tiên đầy ấn tượng vào năm 2008 có tên Đô thị trẻ, đến nay, trong 10 năm qua Ngọc đã tạo được dấu ấn cá nhân của riêng mình, định hình được một gương mặt riêng của thế hệ họa sĩ đương đại với cá tính khá độc đáo, bền vững. 

Một con đường riêng của nữ họa sĩ trẻ qua 3 triển lãm cá nhân: Triển lãm Đô thị trẻ năm 2008; triển lãm In Out vào năm 2011 và sự trở lại tươi mới, đầy đặn, chỉn chu về phong cách ở triển lãm mới đây nhất vào ngày 12-10 với tên gọi Riding Dream đã đủ làm nên cá nhân Ngọc.

Lại nói thêm một chút nữa về cái duyên của đại gia đình hội họa của Ngọc Jiu. Cả bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng của Ngọc đều là sinh viên Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, từng học với nhau cùng một lớp, cùng yêu nhau và nên vợ nên chồng từ mái trường này. 

Đến lượt Ngọc, chồng của cô là họa sỹ, võ sư Tạ Đình Khiêm cũng do duyên phận mà thành. Họ là bạn học cùng lớp tại mái trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Trở thành bạn đời, họ cùng nhau chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật và có mối bận tâm chung ở Jiu Art. 

Nói thêm một chút về võ sư, họa sỹ sinh năm 1976 này. Anh mê võ và luyện võ từ năm 13 tuổi. Song hành với hội họa, võ là hơi thở, là cuộc sống là tư tưởng của anh. Lúc nào đó chúng tôi sẽ dành riêng một bài viết để khai thác về người họa sĩ võ đạo này...

3. Tôi đã có buổi trò chuyện với Đặng Thảo Ngọc về hội họa của cô ngay tại triển lãm tranh Riding dream. Trong 16 tác phẩm đến với công chúng lần này, Ngọc có tới 3 cơn bão - màu (Pink Storm - Red Storm - Blue Storm) và tái hiện tới 9 câu chuyện ngày xửa ngày xưa (Once upon a time 1-9). 

Đó chính là hành trình kiếm tìm, hiện thực hóa và chinh phục giấc mơ của những người phụ nữ - nhân vật xuyên suốt đồng hành với Ngọc trên con đường hội họa được điểm xuyết bằng Lost in space (Lạc trong không gian), Finding new home (Tìm nhà mới), Moon landing (Đáp xuống mặt trăng) và Riding Dream (Cưỡi Dream). Nhận xét về cá tính sáng tạo của Ngọc, không gian mỹ thuật Hanoi Art Residence đã có những dòng viết về Ngọc lần này. 

"Tươi tắn và mới mẻ trong cả tư duy sáng tạo lẫn ngôn ngữ thể hiện, mỗi một cuộc trưng bày của Ngọc đều là một dấu mốc, một bước ngoặt trên hành trình làm nghệ thuật nghiêm cẩn, nhọc nhằn của riêng Ngọc. Tranh của Ngọc luôn đậm đặc tính nữ. Những cuộc đối thoại giữa những thế hệ phụ nữ luôn tạo ra nguồn cảm hứng cầm cọ bất tận cho Ngọc. Lắng nghe, đồng cảm và sẻ chia, Ngọc tìm cách đi sâu vào thế giới bên trong của những người đàn bà, để soi chiếu lại bản thân và nhìn thấy tương lai của chính mình, theo một cách thức riêng biệt, mới mẻ. Một cá tính sáng tạo không thể trộn lẫn".

Tôi đã hỏi Ngọc về những cái gạch nối đầu tiên khi cô cầm bút vẽ cho đến những khoảng thời gian cụ thể ở những triển lãm cá nhân trong vòng 10 năm qua. Đó là những gạch nối nhất quán từ một đứa trẻ, một thiếu nữ, một người đàn bà, thuở thơ bé cho đến lúc trưởng thành. 

Tôi có cảm giác như riêng trước hội họa, Ngọc đang chép lại những ký ức, hay cô đang nối dài những bức tự họa, những trang nhật ký của đời mình đẹp đẽ, mơ mộng đấy nhưng cũng đầy khao khát dày vò khi nhọc nhằn đi tìm bản thể của chính mình. 

Ở đó, trong những bức tranh Ngọc ký tự về những mơ mộng, hoang mang, những toan tính bất lực. Ở đó, trong, hay ngoài, buồn hay vui, đổ vỡ hay được, tôi đều thấy Ngọc nhẫn nại và ổn thỏa phía sau sự dày vò va đập ấy để không ngừng mơ ước. Mơ ước giúp cô bay qua hiện thực, những bề bộn khó xếp đặt của cuộc sống. 

Và tôi cảm nhận rõ, trong những cảm xúc dồn nén ấy là một tình yêu luôn ắp đầy, rỡ ràng ở Ngọc. Tình yêu, cái nhìn trong sáng và lạc quan giúp cho những nhân vật cùng Ngọc bay qua thất bại, bay qua buồn tủi để đến với hạnh phúc. 

Ngay cả ở những bức tranh hoàn chỉnh và lộng lẫy nhất như Đáp xuống mặt trăng, Cưỡi Dream, Về nhà thì tôi đều thấy đó là Ngọc, chính Ngọc, cho dù cô đã đi qua rất nhiều thân phận để tìm chính số phận của mình, đi qua nhiều gương mặt để nhận ra gương mặt mình... 

Để rồi một ngày, cô ngồi xuống, trung thực với giá vẽ, cô ký tự lại những cảm xúc trong hành trình tìm kiếm chính mình. Một hành trình không thể nói là không nhiều hy sinh.

Triển lãm "Riding Dream" 2018 của Đặng Thảo Ngọc.

Chia sẻ điều đó với Ngọc, cô thừa nhận. Có lẽ xuyên suốt con đường hội họa của mình, cô vẫn sẽ chọn chủ thể là CON NGƯỜI với đầy đủ hai chữ viết hoa để tìm tòi, sáng tạo. Cô trân trọng con người và chưa bao giờ vơi cảm xúc với đối tượng hội họa mà cô đã lựa chọn. 

Và cho dù cuộc sống có thể luôn có những thay đổi. Đời sống có thể vận động và biến thiên không ngừng thì cô vẫn chỉ là Ngọc Jiu, một nữ họa sỹ không bao giờ biết buông bỏ. Sống chết vẫn giữ gìn, trân trọng và nâng niu những gì là mình, của mình mà không thể khác. 

Ngọc Jiu chia sẻ quan điểm nghệ thuật của mình tại triển lãm: "Tôi luôn đặc biệt hứng thú với những nhân vật nữ. Đôi khi tôi còn mang đến cho họ một lát cắt đời sống hoặc một trải nghiệm ấn tượng nào đó của chính mình, nên ở một góc độ nào đó, chúng nhang nhác chân dung tự họa của tôi. 

Và cho dù cuộc sống thực của họ hạnh phúc hay khổ đau, sóng gió hay bình lặng, thì khi bước vào thế giới nghệ thuật của tôi, họ thường được sắp xếp vào một câu chuyện mới, được phản ánh với một lăng kính mới. 

Không chọn cách sao chép hiện thực, tôi thường chủ động chọn cho họ một không gian khác, một đời sống khác như tôi mong ước. Khi đó, hoạt động sáng tạo sẽ giống như một cuộc chơi của chính người nghệ sĩ. 

Đối diện với những bất hạnh, xót xa, phiền muộn, tủi hờn của những người đàn bà mà không thể thay đổi được điều gì, tôi sẽ biến đổi theo chiều hướng tích cực trong tranh. Đó cũng là cách tôi giúp những người phụ nữ cưỡi những ước mơ của mình”.

4. Có một thứ rất đáng ghi nhận và trân trọng ở Ngọc đó là cách mà cô luôn tìm tòi những thể nghiệm mới trong sáng tạo hội họa. Ở triển lãm In Out, Ngọc bỏ ra 2 năm trời để thử nghiệm lối vẽ cực mỏng. Dán băng dính toàn bộ mặt toan, vẽ tràn rồi bóc băng ra, những nhân vật phụ nữ của cô như được đứng sau những đường chéo. 

Một không gian mới cho nhân vật được hình thành, trong và ngoài - nhân vật và nghệ sĩ - nhân vật và người xem tranh. Đó cũng là cách Ngọc kiếm tìm sự cân bằng, trong cả lượng (độ dày mỏng của bút pháp thể hiện) lẫn chất (chất lượng đời sống của nhân vật đó). 

Tạo hình nhân vật nhàu nhĩ, khổ sở nhưng lại sử dụng sắc màu tươi tắn là cách cô chuyển tải quan niệm, đau khổ và hạnh phúc của con người không phải là đại lượng bất biến. 

Người ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong chính khổ đau và ngược lại. Còn ở triển lãm Riding Dream lần này, Ngọc cũng mất tới 2 năm sử dụng bút dạ, bút chì kết hợp cùng màu acrylic trên toan để làm tác phẩm. 

Sự năng động của acrylic làm thành những hình khối, mảng màu, kết hợp với những chi tiết nhỏ bé, tinh tế, của bút chì, bút dạ sẽ chứa đựng được một cách tròn trĩnh và tới cùng những ý tưởng, tư tưởng mà Ngọc muốn gửi gắm. Bằng chất liệu mới này, tranh của Ngọc chững chạc hơn, dày dặn hơn, trưởng thành hơn cả về tay nghề lẫn phong cách.

Bạn tôi, nhà báo Hồ Cúc Phương có một nhận xét rất thú vị về Ngọc: "Đứng giữa nhân vật để học cách lớn lên". Còn tôi, trong một buổi sáng trong veo, đắm trong tranh của Ngọc, tôi thấy rõ ràng cô đang hân hoan bay với những giấc mơ...

Như Bình
.
.