Ngô Quang Châu – diễn giả của Việt minh

Thứ Tư, 28/08/2019, 18:10
Ngày 17-8-1945, trong cuộc mít tinh trước cửa Nhà hát Lớn, hàng nghìn đôi mắt của đồng bào Thủ đô Hà Nội dán vào diễn giả của Việt Minh. 


Diễn giả lôi cuốn khán giả không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả dáng điệu. Đó là Ngô Quang Châu - đội viên của tiểu tổ tuyên truyền xung phong.

Ngọn gió cách mạng thổi mạnh

Lần đầu tiên người viết bài này biết đến ông Ngô Quang Châu - diễn giả của Việt Minh ngày 17-8-1945 là nhờ được cụ Phí Văn Bái (1914 - 2014), chuyên viên 5 Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT) kể. Trọn cuộc đời dài hơn thế kỷ, mỗi dịp nhắc đến bạn cũ trong Cách mạng tháng Tám, lần nào cụ cũng nhắc đến ông Ngô Quang Châu.

Theo lời cụ Bái kể lại, tại một căn nhà trong làng Vạn Phúc giáp thị xã Hà Đông, đêm 16-8-1945, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Bắc Bộ đã được phát đi. Ngọn gió cách mạng bắt đầu thổi mạnh vào các ngõ phố Hà Nội.

Sáng 17-8-1945 trời mưa tầm tã. Tổng hội công chức triệu tập đồng bào đến dự mít tinh tại Nhà hát Lớn để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim. Mãi xế chiều mưa tạnh. 14 giờ, cuộc mít tinh khai mạc.

Cờ "ba que" vừa được kéo lên thì từ trên cao, một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn do ông Trần Lâm (sau là Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh & Truyền hình Trung ương) phụ trách được thả xuống. Lá cờ che kín cả khoảng không hai tầng Nhà Hát Lớn. Lập tức những lá cờ đỏ sao vàng giấu kỹ trong đám đông, cùng lúc tuôn ra, tạo thành biển người, rừng cờ, bừng bừng khí thế khắp đất trời thủ đô.

"Diễn giả của Tổng hội Công chức Đông Dương đang phát biểu  thì một đại biểu Việt Minh bước lên trước máy phóng thanh. Tôi nhận ra đó là anh Ngô Quang Châu. Anh Ngô Quang Châu đã lên cướp diễn đàn", cụ Phí Văn Bái hồi tưởng.

Ông Ngô Quang Châu (1919-2003) - Tư liệu gia đình.

Sức lôi cuốn của Ngô Quang Châu

Một người bạn chia sẻ cho tôi cuốn "Trước giờ Tổng khởi nghĩa" của Trần Quảng Vận, xuất bản tháng 11 năm 1946. Chỉ một năm sau, sự kiện chiều ngày 17-8-1945 được tác giả mô tả kỹ càng.

Chiều ngày 16 trong buổi họp tiểu tổ do Chu Văn Tích (sau này là Đại tá, bác sĩ Cục Quân y - Bộ Quốc phòng) làm tổ trưởng, đồng chí nào cũng đòi làm diễn giả. Khi Ngô Quang Châu và Nguyễn Khoa Diệu Hồng được chọn làm diễn giả, cả hai người đều lộ vẻ sung sướng ra ngoài mặt.

Ngô Quang Châu có tài thu hút thính giả trong những cuộc tranh luận. Anh bộc lộ hết lòng tin tưởng trong lời nói, trong dáng điệu, lý luận chắc chắn, tiếng nói có sức khuất phục được người nghe. Tuy anh chưa nói chuyện trước quần chúng đông bao giờ nhưng một đồng chí trong tổ là Trần Quảng Vận (sau này là Trần Lâm) đã biết năng lực nên hết sức đề cử với tiểu tổ để anh làm diễn giả.

Chiều ngày 17-8-1945, sau khi lá cờ dài 6 thước rộng 4 thước được Trần Lâm treo xòa xuống trước bao lơn Nhà hát Lớn, đồng thời ba bốn lá cờ đỏ sao vàng nho nhỏ khác len lỏi giữa rừng người. 

Hơn mười vạn nhân dân thủ đô say sưa hô vang các khẩu hiệu: "Đả đảo chính phủ bù nhìn", "Đả đảo giặc Nhật", "Ủng hộ Việt Minh". Rồi bỗng từ hai loa phát ra mấy tiếng to như thét: "Đồng bào hãy im lặng nghe lời hiệu triệu của Việt Minh".

Từ lúc lá cờ lớn tung ra đến lúc ngừng hẳn, tiếng reo hò ước chừng mười phút . Đó là mười phút tỏ rõ ý nguyện của trên mười vạn đồng bào thủ đô, đã bộc lộ được lòng khao khát của nhân dân toàn thành Hoàng Diệu, của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Những tràng sấm vỗ tay đã im bặt. Đồng bào thủ đô chăm chú nghe, chăm chú nuốt từng lời dõng dạc, rành mạch từ hai loa phóng thanh của Chu Văn Tích: "Đồng bào Thủ đô! Đồng bào hãy lặng nghe lời hiệu triệu của Việt Minh".

Vài giây im lặng từ phía dưới lễ đài.

"Tôi xin giới thiệu một chiến sĩ trong ban xung phong Dân chủ đảng trong thành bộ Việt Minh".

Tiếng vỗ tay lại dội lên hồi lâu, cho đến khi một giọng to hơn, hùng dũng hơn giọng của Chu Văn Tích.

Người đó là Ngô Quang Châu. Hình như diễn giả cảm động, hồi hộp quá, không làm chủ được mình nên nói thiếu bình tĩnh, thiếu dõng dạc, có lúc như gắt gỏng, nhát gừng, oang quá, lắm tiếng nghe không rõ. Nhưng diễn giả vẫn lôi cuốn được người nghe vì lòng hăng hái của một đội viên tuyên truyền xung phong  trong mặt trận Việt Minh.

Bỗng tiếng nói im bặt. Rồi tiếng lục đục. Rồi từ rừng người tiếng ồn ào, hỗn độn đưa lên lễ đài. Mười vạn người xôn xao không hiểu vì sao. Có người phá chăng? Diễn giả bị Nhật bắt chăng? Sao không nghe thấy tiếng nổ? Sao những lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung tăng chạy? Chu Văn Tích và Ngô Quang Châu cùng bắc loa bằng miệng đề nghị: "Im lặng, trật tự".

Thì ra vì Ngô Quang Châu vừa nói vừa làm nhiều điệu bộ, dậm chân, khoa tay mạnh quá, chạm phải máy truyền thanh nên máy hỏng. Mấy anh chuyên môn đang loay hoay sửa chữa. Sự cố được khắc phục chỉ trong ba phút. Ba phút hô đó sao mà dài thế! Rồi tiếng nói ở loa lại bắt đầu. Mười vạn người im bặt trút được gánh nặng. Tiếng diễn giả vẫn dõng dạc:

"Đồng bào Việt Nam. Trước tình thế nghiêm trọng, Chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn bất lực, lại yêu cầu yên lặng chờ đợi lệnh của những viên thủ lĩnh lừng khừng nhu nhược".

Ngô Quang Châu nói như thét trước máy, chân dẫm xuống bục thình thình, một tay nắm chặt, giơ lên đầu, tóc xòa xuống trán, răng nghiến chặt. Tất cả dáng điệu của người diễn giả 26 tuổi này bộc lộ một ý chí mãnh liệt, một lòng tin tưởng mạnh không bờ bến. Diễn giả của Việt Minh lôi cuốn khán giả bằng những dáng điệu. Hơn mười vạn đôi mắt dán vào diễn giả, nuốt từng lời nói dẫu chỉ là lõm bõm câu được câu chăng.

Từ bên dưới, nhiều tiếng trầm trồ: "Hăng quá". Tiếng loa vẫn tiếp tục truyền xuống: "Giờ này đồng bào hãy cùng chúng tôi hô to: "Việt Nam Độc lập!" "Việt Minh vạn tuế!".

Tiếng hô "độc lập", "vạn tuế" vang trời, tiếp theo những tiếng ầm ầm khắp nơi liên tục nổi lên: "Ủng hộ Việt Minh" và tiễng vỗ tay, tiếng reo hò.

Nhiệm vụ của mình đã hoàn thành, Ngô Quang Châu mau chóng lui xuống để nhường chỗ cho Chu Văn Tích giới thiệu tiếp diễn giả thứ hai: Nguyễn Khoa Diệu Hồng.

Chặng đường sau CMT8

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, theo sự phân công của Hội Văn hóa Cứu quốc, ông Ngô Quang Châu làm Trưởng ban tổ chức phòng triển lãm văn hóa tại nhà Khai Trí Tiến Đức khai mạc vào ngày 7-10-1945.

Ngày khai mạc cũng là ngày Ngô Quang Châu có vinh dự được đón Hồ Chủ tịch cùng Cố vấn của Chính phủ, các vị Bộ trưởng tới dự: Luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giáo sư Đặng Thai Mai - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Cố vấn Nguyễn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại thoái vị), ông Vũ Đình Huỳnh - Bí thư Hồ Chủ tịch, ông Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền…

Sau đó, ông đã được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam.

Người viết bài này còn được ông Nguyễn Xuân Ngọc (1921 - 2012) kể về ông Ngô Quang Châu thời gian tham gia tổ chức Tuần lễ vàng trước cửa Nhà hát Lớn - Hà Nội.

"Tôi cũng được giao nhiệm vụ trực tiếp tại chỗ. Thùng quyên góp thường xuyên có hai người trông coi. Đến 7 giờ tối, chúng tôi được giao nhiệm vụ mang hòm vàng về. Anh Ngô Quang Châu chịu trách nhiệm quản lý hòm vàng ấy trên đường đi. Anh ấy gọi một chiếc xe tay, còn tôi đi xe đạp bên cạnh để bảo vệ. Về đến gần cuối phố Nhà Hỏa thì anh Châu dừng xe, lên gác. Tôi cùng lên theo. Chúng tôi vào một ngôi nhà của hai vợ chồng đồng chí hoạt động bí mật từ trước: anh Lưu Quyên tức Lưu Đức Hiểu - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1940".

Nhớ lại về người chịu trách nhiệm quản lý số vàng quyên góp được trong Tuần lễ vàng của đồng bào Thủ đô năm 1945, ông Nguyễn Xuân Ngọc nhận xét: "Anh Ngô Quang Châu người rất ngay ngắn, người đàng hoàng, có những đam mê, phát kiến rất hay. Trước Cách mạng, anh ấy nghiên cứu cải cách chữ Quốc ngữ. Sau 1954, miền Bắc giải phóng thì anh ấy lo lắng, quan tâm đến vấn đề học vụ cho học sinh. Anh ấy lên trình bày với tôi và nhà tôi (bà giáo Lê Tụy Phương, người mở trại trẻ Khe Khao trên Việt Bắc, Giám đốc trại Nhi đồng Thuỵ Khuê) cùng nghe".

"BỒ CHỮ CỦA DÂN TỘC"

Trên Tạp chí Văn nghệ số 4 tháng 8 năm 1948, khi viết bài tường thuật lại "Đại hội Văn nghệ", nhà thơ Xuân Diệu đã dành một câu đặc biệt đắt giá, "Bạn Ngô Quang Châu, bồ chữ của dân tộc". 

Tìm trong bộ báo Tiên Phong, cơ quan vận động văn hoá mới trong những năm 1945 - 1946, chúng tôi mới hiểu vì sao Xuân Diệu ví von ông Ngô Quang Châu là "bồ chữ của dân tộc". Nhiều bài viết về tiếng Việt của ông xuất hiện: Phải bạo dùng tiếng Việt (số 8, ngày 1/4/1946), Giá trị gợi tả của âm thanh trong tiếng Việt (số 10, ngày 1/5/1946), Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ (số 11, ngày 15/5/1946), Hợp lý hoá chữ Việt (số 14, ngày 1/7/1946), Sức sống của tiếng Việt (số 20, ngày 1/10/1946)…

Ngoài ra, Ngô Quang Châu còn là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về tiếng Việt như: "Luận về tiếng Nam - Tìm một lối làm giầu tiếng" 1943, "Xây dựng tiếng Việt và chữ viết" 1946,  "Vấn đề bổ sung vần Quốc ngữ" 1955, "Tiếng của dân tộc" (Nghiên cứu về những nét đặc biệt dân tộc trong tiếng Việt Nam) 1955…

GIÁM ĐỐC ĐẦU TIÊN NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ

Ngô Quang Châu (1919 - 2003) được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam khóa I (1946 - 1947), do nhà văn Đặng Thai Mai làm Chủ tịch. Đại hội thành lập hội Văn nghệ Việt Nam (7-1948) tại Việt Bắc đã bầu ông là Ủy viên quản trị. Ít lâu sau, ông Ngô Quang Châu được cử giữ chức vụ Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ (nay là Nhà xuất bản Văn học) trong suốt 4 năm cho đến khi ông nghỉ công tác.

Kiều Mai Sơn
.
.