Nghệ sĩ xiếc Ngô Tuyết Hoàn: Chỉ còn lại nỗi đau

Thứ Tư, 13/08/2014, 08:00
Căn nhà của nghệ sĩ Ngô Tuyết Hoàn nằm sâu trong Khu tập thể xiếc phía sau Rạp xiếc Trung ương. Đi qua những vũng nước lầy lội sau cơn mưa mùa hạ trong khu tập thể là căn nhà nhỏ đóng cửa yên ắng. Một người phụ nữ xinh đẹp bảo với tôi: “Em phải gọi Tài ấy, còn Hoàn thì không xuống mở cửa được đâu”. Tài là tên chồng. Nhưng chẳng hiểu sao đứng trước căn nhà nhỏ đấy tôi lại cất tiếng gọi Hoàn.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, cuộc đời của ta là do ta định đoạt, ngoại cảnh chỉ tác động một phần nhỏ thôi. Nhưng, sự thực lại không đơn giản thế. Hình như cuộc sống này quá dữ dội, nó như những trận cuồng phong liên hồi đổ ập xuống số phận của con người bé nhỏ. Từ lâu, tôi vẫn thường nghe thấy câu: “Cuộc sống thật đơn giản, chỉ có con người là làm phức tạp nó lên”. Tôi vẫn lấy đó làm kim chỉ nam nhưng đến một hôm tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ bấy lâu. Đó là một buổi chiều hè nắng gắt cuối tháng 6, tôi nhận được cuộc điện thoại của Nghệ sĩ ưu tú - danh hài Minh Vượng. Chị nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Em ơi, thương lắm, sao mà lại khổ đến thế chứ! Người có tài, có tâm sao lại khổ thế...”. Lúc đó chị đang ở trong nhà của một nghệ sĩ xiếc. Nghệ sĩ Ngô Tuyết Hoàn.

Căn nhà của nghệ sĩ Ngô Tuyết Hoàn nằm sâu trong Khu tập thể xiếc phía sau Rạp xiếc Trung ương. Đi qua những vũng nước lầy lội sau cơn mưa mùa hạ trong khu tập thể là căn nhà nhỏ đóng cửa yên ắng. Một người phụ nữ xinh đẹp bảo với tôi: “Em phải gọi Tài ấy, còn Hoàn thì không xuống mở cửa được đâu”. Tài là tên chồng. Nhưng chẳng hiểu sao đứng trước căn nhà nhỏ đấy tôi lại cất tiếng gọi Hoàn. Một giọng nữ nhỏ nhẹ vang lên: “Ai đấy?”. “Chị đây. Chị là bạn chị Minh Vượng”. Vẫn giọng nữ ấy: “Vâng, chị lên trên này”. Tôi nhìn lên, căn gác trên tầng 2 nhỏ như một cái chuồng chim bồ câu. Nếu như bạn còn trẻ và khoẻ mạnh, tôi cam đoan,  hẳn bạn sẽ cảm thấy ấm áp và lãng mạn nếu như ở trên một căn gác treo lơ lửng thế này.

Tôi mở cửa  bước vào căn phòng. Trong khoảng không gian chật chội, Hoàn nằm bất động trên giường, nước da trắng xanh, mặc dù có tấm vải mỏng vắt qua người nhưng vẫn lộ ra đôi chân bị teo đi nhỏ xíu. Dù bất động, nhưng không thể phủ nhận người nằm đấy là một phụ nữ có nhan sắc. Đường nét khuôn mặt  mong manh, thanh tú vẻ đẹp mà ta thường bắt gặp trong những câu chuyện liêu trai. Nhưng, ai sở hữu vẻ đẹp này thì cuộc sống dường như có những góc khuất bí ẩn và bi ai.

Nghệ sĩ Ngô Tuyết Hoàn trình diễn một tiết mục xiếc.

Quê Hoàn thuộc vùng núi phía bắc, tỉnh Hòa Bình. Gia đình có hai anh em. Năm Hoàn 11 tuổi, chả hiểu duyên cớ làm sao lại vào học tại Trường Nghệ thuật Xiếc Việt Nam. Khi Hoàn tròn 16 tuổi cũng là lúc tốt nghiệp ra trường, Hoàn về làm diễn viên xiếc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Từ đó đến nay, thấm thoắt đã 20 năm. Quãng thời gian khá dài với một đời người. Trên tường, những bức ảnh Hoàn biểu diễn đu người trên dây, trên những quả cầu lửa, khuôn mặt cô rạng rỡ đầy thăng hoa. Chỉ có tình yêu mới có thể làm cho con người ta gắn bó bền lâu và thăng hoa đến vậy. Tình yêu như một phương thuốc thần kì và hiệu nghiệm khiến cho người ta càng gắn bó thì càng khó bỏ. Cũng không thể giải thích tại sao tình yêu này trong cuộc đời đã không ít lần khiến cô đổ máu và rơi nước mắt. Nhưng rồi số phận vẫn neo vào cô để cô không thể từ bỏ nó.

Hoàn nằm thiêm thiếp trên giường, hoàn toàn không thể cử động, như một con chim non gãy cánh và giờ thì chỉ ở trong tổ của nó mà thôi. Cuộc sống ngoài kia cô sẽ không bao giờ được bay nhảy, sẽ không bao giờ chạm vào và hít hà nó nữa. Quãng đời đẹp đẽ trước kia giờ đã xa thật xa. Ôi! Những tấm huy chương vàng, bạc, đồng của các kì hội diễn. Những bằng khen khi xưa nay đã là dĩ vãng. Tháng 4/2013, Hoàn nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì đến tháng 8 trong một buổi luyện tập dây trên không, Hoàn bị tai nạn, bác sĩ kết luận thân thể của người nghệ sĩ vĩnh viễn thương tật 85%. Hoàn sẽ không bao giờ còn có thể tự ngồi dậy được, không thể đi được, càng không thể tự làm được gì cho mình. Khi ấy, Hoàn mới xây dựng hạnh phúc gia đình được ba tháng.

Hoàn tuổi Mậu Ngọ sinh năm 1978, chồng Hoàn sinh năm 1982,  kém Hoàn 4 tuổi. Hai người cùng là nghệ sĩ trong đoàn xiếc, họ yêu nhau rồi cưới nhau. Tưởng tình yêu lứa đôi rồi sẽ hòa chung đồng cảm với tình yêu nghề, họ sẽ đi như trong mơ, êm đềm và hạnh phúc. Ôi! số phận thật nghiệt ngã khi tai ương giáng xuống cuộc sống của phận người bé nhỏ. Phải chăng khi xưa cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Phải chi khi xưa Hoàn không có năng khiếu nhào lộn, không theo nghề xiếc thì có lẽ giờ đây Hoàn sẽ không gặp phải tai nạn khủng khiếp như thế này. Cuộc đời Hoàn sẽ đi theo một hướng khác. Định mệnh chăng? Nó tàn độc và dữ dội quá. Cuộc sống phải chăng là vô định và khó lường. Là luôn thay đổi. Mới bằng giờ này năm trước Hoàn vẫn bay trên không với những phần biểu diễn vô cùng tinh tế điêu luyện, chỉ sáng đầu mùa thu năm ngoái, tai nạn nghề nghiệp khiến cho Hoàn vĩnh viễn mất đi tất cả. Hoàn sẽ không thể tự ngồi dậy được nữa. Không thể tự làm gì cho chính mình. Một ước mơ giản dị nhất mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mong mỏi là sau khi lấy chồng sẽ sinh con giờ đây thật xa vời. Vậy là hết. Tiếng trẻ thơ bi bô cất tiếng gọi mẹ, gọi cha. Hạnh phúc run rẩy khi những tháng ngày hai vợ chồng rong ruổi trên khắp các nẻo đường để biểu diễn nghệ thuật xiếc. Mà ai cũng biết rằng thu nhập của nghệ sĩ xiếc là bần hàn...

Mới chỉ cảm nhận được hạnh phúc gia đình 3 tháng, vợ chồng nghệ sĩ xiếc Tuyết Hoàn đã phải chịu nhiều bất hạnh.

Nhưng, ơn trời, vì tình yêu đôi lứa, tình yêu nghệ thuật họ đã không bỏ nghề. Giờ đây, cái ánh nắng yêu thương và ấm áp đã lụi tàn và tắt ngấm. Nghĩ đến đây, tôi thấy căm ghét và giận ông trời. Chẳng phải là người tốt kết thúc sẽ có hậu ư? Chẳng phải là “yêu nghề nghề chẳng phụ ư?”. Vậy thì nó đâu? Cái kết thúc có hậu ấy đâu?! Hay đó chỉ là câu đãi bôi để người ta sống bám vào đấy để phỉnh phờ,  tìm một điều gì đó thiêng liêng, và  không có thật. Tôi đã chính mắt nhìn thấy một nhạc sĩ tài năng đến cuối đời vẫn khao khát có một cây đàn piano mới, một đêm nhạc riêng mà vẫn không có nổi. Một diễn viên khi xưa từng được cho là tài năng sống vật vã khổ sở ở một khu nhà ổ chuột. Còn đây, trước mắt tôi là một nữ nghệ sĩ đã cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, bộ môn xiếc tròn 20 năm. Cô ấy đã vượt qua đồng lương eo hẹp, vượt qua cả những lần đổ máu gãy tay trên sàn tập và những lần tai nạn nghề nghiệp khác nữa, mà lần nào sự cố cũng quá mạnh. Cách đây 10 năm, trong một buổi biểu diễn tuần văn hoá, Hoàn bị gãy tay phải mổ.  Sau đấy hai năm, trong một buổi biểu diễn ở Đài Loan, do lỗi thiết bị Hoàn lại bị nứt xương quai hàm, sự việc đó khiến cô phải điều trị tại bệnh viện suốt một thời gian dài. Sự bản lĩnh, mạnh mẽ, đam mê, quyết đoán đã chiến thắng tất cả những xung đột đổ máu, kể cả sự đói khổ của một nghệ sĩ, những tai nạn nghề nghiệp để cô có quá nhiều giấy khen, bằng khen, và cả những tấm huy chương. Giờ, cô nằm đó bất động, như một con chim non bị thương nặng, chỉ có cất tiếng nói yếu ớt. Tất cả những điều đó, lí tưởng, tình yêu, sự hi sinh cao cả có vô nghĩa hay không?!

Tôi xin mọi người hãy nhìn thẳng và gọi tên sự thật. Chỉ có sự thật mới khiến cho người ta lớn lên. Tuy rằng, sự thật thì bao giờ cũng chua chát và đắng lòng. Một người đàn ông bước vào phòng, đó là chồng Hoàn, một diễn viên xiếc với thể lực tốt, sức vóc trẻ trung. Từ ngày Hoàn bị tai nạn nghề, Tài đã cõng Hoàn trên lưng để gần nửa năm trời lang thang đến năm bệnh viện để may ra có một tia hi vọng mong manh. Càng hi vọng lại càng thất vọng. Sau hơn năm tháng đi chữa trị tại các bệnh viện, chỉ còn có mấy ngày nữa là bước sang cái Tết của năm 2014. Cái Tết đầu tiên của hạnh phúc ngọt ngào, lẽ ra vợ chồng anh phải được đón giao thừa và sang thăm họ hàng nội ngoại. Giờ là dấu chấm hết. Hằng ngày, anh cõng vợ trên tay để di chuyển và làm vệ sinh cho vợ. Anh tự chế một cái cầu thang máy bé xíu đủ để vừa một cái xe lăn để vợ có thể tự bấm nút và xuống tầng 1. Anh cũng tự chế cho vợ một sợi dây mà trong mỗi khi anh đi lưu diễn thì ai đó có thể buộc dây vào người vợ anh và hệ thống dây tự động sẽ nhấc bổng cô lên và đưa lên xe lăn.

Tôi nhìn cặp vợ chồng, liệu hạnh phúc có quá mong manh hay không?! Mọi chuyện đều có thể thay đổi. Cuộc sống luôn biến động, chẳng có gì là mãi mãi. Tôi không thể đưa tay lên để chụp ảnh gia đình này. Nó quá đau. Sự an ủi hay nói gì cũng là vô nghĩa. Tất cả những mớ triết lý hay ho, những câu châm ngôn, cũng là vô nghĩa. Chỉ còn lại nỗi đau và một biển mênh mông buồn day dứt

Mỹ Trân
.
.