Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Mơ một giấc mơ dài

Thứ Hai, 27/04/2015, 16:52
Ông nằm đó, lặng im, bất động. Nghệ sĩ Anh Dũng rơi vào trạng thái hôn mê sau một cơn tai biến. Giờ thì nỗi buồn, những phiền muộn trong đời không còn làm ông vướng bận...

Đạo diễn Tú Mai, chị gái của nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng kể, sau những cú sốc liên tục dội xuống năm 2009, sức khỏe của Anh Dũng càng ngày càng suy sụp. Nỗi đau mất vợ chưa qua, thì 19 ngày sau, mẹ ông cũng đột ngột qua đời. Những đêm không ngủ, tóc bạc trắng. Anh Dũng tiều tụy, đau đớn. Rồi những lùm xùm ở Nhà hát Kịch khiến ông phải rời khỏi vị trí Giám đốc. Cuộc sống của ông càng ngày càng u uất, nặng nề. Nhưng với Anh Dũng, những danh vọng cũng chỉ là phù du mà thôi. Cái chết đột ngột của người vợ thân yêu, vết thương ấy không bao giờ lành trong trái tim ông.

Sáu năm trôi qua, hình ảnh bà vẫn hiện diện trong ngôi nhà của ông. Chưa một ngày, Anh Dũng không nhớ thương vợ. Nỗi trống vắng không ai có thể lấp đầy trong tâm hồn ông. Nhưng ông vẫn sống và làm việc, mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi ông hiểu Phương Thanh không bao giờ muốn ông gục ngã, và bởi nỗi lo canh cánh dành cho cô con gái duy nhất sớm mồ côi mẹ. Hai năm nay, sức khỏe của ông càng ngày càng giảm. Ông từng bị tai biến, tiểu đường. Hàng ngày ông cố gắng luyện tập, tham gia sinh hoạt với bạn bè, gia đình, tìm niềm vui trong nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau. Vậy mà...

 Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, có dịp đến thăm ông, nghe ông kể những câu chuyện về thời cuộc, về cuộc sống. Lần đó, tôi thấy ông rất buồn. Mà hình như cuộc đời ông, từ khi vợ mất, có lúc nào ông vui. Chạm vào đâu cũng là nỗi buồn. Ngôi nhà 4 tầng lạnh vắng. Lúc đó là buổi trưa, ông đang chuẩn bị cơm chờ con gái về. Phòng khách bề bộn đồ đạc. Tôi nhớ cả vẻ mặt buồn bã, trầm uất của ông.

Ông vừa nói chuyện vừa đốt thuốc liên tục. Cố xóa đi nỗi buồn. Nhưng khi ai đó càng cố xóa đi những ký ức buồn, thì đâu đó, ký ức ấy vẫn hiện hữu trong đời sống của họ. Ông kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện, những câu chuyện từ ký ức, một ký ức đau thương những cũng nhiều hạnh phúc. “Hình như, tôi đã sống đủ nỗi buồn vui của một kiếp người rồi”. Lần đó, ông nói rất nhiều về một phòng lưu niệm của vợ ở trên tầng 4. Nơi đó, ông cất giữ những ký ức, kỷ niệm về người vợ tài hoa bạc phận của mình.

Ông thuộc thế hệ vàng của sân khấu nước nhà, tốt nghiệp khóa đầu tiên (1968-1971) của Trường sân khấu Việt Nam. Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, những vai diễn của Anh Dũng ở Nhà hát kịch Việt Nam đã ghi dấu trong trái tim nhiều thế hệ khán giả. Tôi còn nhớ, cách đây hai năm, khi những vở kịch của Lưu Quang Vũ được dựng lại, nhiều người xem Hồn Trương Ba, da Hàng thịt với dàn diễn viên mới, vẫn ngậm ngùi một nỗi tiếc nuối với ekip của NSƯT Anh Dũng, NSND Trọng Khôi, Phạm Bằng. Vẫn một sự hẫng hụt, trống vắng nào đó chưa thể lấp đầy của sân khấu nước nhà.

Cả cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật với hàng trăm vai diễn với từng số phận, từng mảnh đời khác nhau nhưng Anh Dũng chưa bao giờ nhận mình tài năng. Đó là niềm đam mê, là sự dấn thân, không vụ lợi. Ông nhớ mãi câu nói của nghệ sĩ Song Kim khi bà trút hơi thở cuối cùng: “Dũng ơi, nếu có kiếp sau thì chị cũng mong muốn trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam”. Một thế hệ đã coi sân khấu là lẽ sống của cuộc đời mình.

Ông nói, phía trước vẫn là những ngọn núi mà ông chưa bao giờ chạm tới đỉnh. Ông mong muốn, một vai diễn góc cạnh hơn, đúng với khí chất của ông hơn. Và ngay cả khi tâm hồn cạn kiệt vì đau đớn, thì ông vẫn miệt mài làm việc. Niềm đam mê nghệ thuật chưa bao giờ nguội tắt trong tâm hồn ông. Ông nói với tôi về tâm huyết của mình, về một thời kỳ vàng son của sân khấu nước nhà, về một thời mà sân khấu được coi là thánh đường. Ông bảo, ông thành người cũ rồi và người cũ thì bao giờ cũng sống bằng hoài niệm. Có phải vì thế mà ông luôn thấy hoài nhớ, nuối tiếc những dự định chưa thành.

Đâu còn cái thời, người ta kéo đến rạp để xem kịch, những kịch bản hay được vô tư dàn dựng mà không cần phải quen biết. Giờ, ngay cả môi trường trong lành nhất ấy cũng bị vẩn đục bởi đồng tiền, bởi những mối quan hệ thân sơ. Và có những vở kịch, dựng lên chẳng để cho ai, chẳng để làm gì. Nhiều giá trị đang bị nhập nhèm, đánh tráo. “Làm nghệ thuật là mang đến cái đẹp cho đời sống này, nhưng có lẽ, chưa bao giờ những tiêu cực, bất an lại len lỏi sâu vào đời sống sân khấu đến thế”. Ông buông tiếng thở dài. Lần đó, trong máy tính của ông là những trang bản thảo viết dở. Ông vẫn ấp ủ, đau đáu một nỗi về những vai diễn góc cạnh trong đời hay một kịch bản để đời. Nói về sân khấu, đôi mắt u buồn của ông sáng lên.

Vợ chồng nghệ sĩ Anh Dũng - Phương Thanh.

Gia tài của nghệ sĩ Anh Dũng không chỉ là những vai diễn trên thánh đường sân khấu. Với điện ảnh, dù chỉ ghé qua, như một cuộc dạo chơi, ông cũng đã có những vai diễn để đời. Một Thu nhanh trí, khôn ngoan trong Cô gái bên sông, một công nhân vùng mỏ yêu văn nghệ, chơi ghi ta Lê Quang Hòa trong Kỷ niệm đồi trăng (Bộ phim bắt đầu cho mối nhân duyên vợ chồng của ông và nghệ sĩ Phương Thanh)... Và rất nhiều những thước phim ám ảnh về những phận người, phận đời. 

Ngoài đời, nghệ sĩ Anh Dũng sống giản dị, chân tình. Những hào quang của sân khấu chưa bao giờ len vào đời sống thực của ông. Trong câu chuyện của những ngày cũ, Anh Dũng nói rất nhiều về người vợ yêu của ông, nghệ sĩ Phương Thanh. Họ đã có những tháng ngày hạnh phúc. Nghệ sĩ Anh Dũng từng chia sẻ: “Hạnh phúc của tôi là mỗi ngày được chở vợ đi ăn sáng”.

Giản dị vậy thôi, nhưng đó là hạnh phúc. Cuộc sống đã có những năm tháng đẹp như giấc mơ. Hạnh phúc thủy chung của vợ chồng ông khiến đồng nghiệp và công chúng yêu mến, ngưỡng mộ. Nhưng rồi, nghệ sĩ Phương Thanh đột ngột ra đi năm 2009. Anh Dũng chới với. Đó là những năm tháng đau khổ nhất trong cuộc đời. “Tôi đã sống bằng những năm tháng của nỗi buồn cả đời người cộng lại. Năm năm mà tưởng như đã sống cả một kiếp người. Quá đủ rồi, những đau đớn, mất mát. Phương Thanh mất là một nỗi đau đớn không gì có thể khỏa lấp được. Nhiều ân hận, xót xa, rất nhiều dự định dang dở tôi chưa làm được khi còn bên nhau. Chỉ nghĩ thôi, cũng đủ cho tôi suy sụp. Nhưng tôi biết cô ấy sẽ không vui khi nhìn thấy tôi gục ngã, tuyệt vọng?”.

Anh Dũng đã “trốn chạy” khỏi ngôi nhà ký ức mà ông và nghệ sĩ Phương Thanh đã gây dựng lên từ những ngày gian khó. Hai bố con ông chuyển về ngôi nhà mới cũng ngoài đê sông Hồng. Cố xóa đi những ký ức buồn. Nhưng ký ức vẫn hiện hữu trong đời sống của hai bố con. Hồi trước, nhớ vợ ông vẫn thường xuyên một mình lên nghĩa trang Thanh Tước, ngồi im lặng rất lâu bên mộ vợ. Nhưng bạn bè khuyên bảo, ông cứ như thế, Phương Thanh sẽ quyến luyến không được siêu thoát. Từ đó, ông chỉ lên một tháng một lần.   

Nhiều năm nay ông bị tiểu đường, huyết áp cao, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc. Với nghệ sĩ Anh Dũng, làm việc để khỏa lấp nỗi buồn. Và đó cũng là một cách tận hiến cho sân khấu, niềm đam mê trọn đời của ông. Những trang viết kịch bản vẫn dở  dang trong máy tính.

Ngày 27/3/2015, ông rơi vào trạng thái hôn mê. Tại Phòng cấp cứu hồi sức, Bệnh viện Việt Xô, nơi 6 năm trước vợ ông, nghệ sĩ Phương Thanh cũng ở đây. Như một cuộc hội ngộ. Bạn bè, người thân lo lắng, có mặt bên ông 24/24.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, đến thăm ông thương xót: “Dũng bị đột quỵ, hôn mê. Lúc tỉnh lúc mê, khi mình vào thăm thì vẫn nằm thở máy và không biết gì cả. Anh chị em, con cái túc trực quanh giường, nước mắt lưng tròng. Nguyễn Anh Dũng cùng quê Mễ Sở với tôi. Em trai bà chị thân thiết Tú Mai. Dũng sinh năm 1951, tuổi Mèo. Tuổi này với đàn ông vẫn còn rất trẻ. Tôi rất quý những vai diễn xuất sắc của ông ở Nhà hát kịch Việt Nam”. Gia đình đã tính đến phương án xấu nhất có thể. Số phận quá nghiệt ngã. Bệnh tật và trái tim đa cảm thương tiếc vợ đã khiến ông ngã quỵ.

Tôi muốn mượn những dòng tâm sự của nhà thơ Vi Thùy Linh, người có mối quan hệ gắn bó với vợ chồng nghệ sĩ Anh Dũng - Phương Thanh làm đoạn kết cho bài viết này. “Đi hay đến, xuất phát hay trở về trong cõi nhân sinh nghĩ sâu xa đều cùng hành trình. Sống thế nào để được nhớ mới là quan trọng. Phương Thanh - Anh Dũng đã từng luôn muốn trở lại bối cảnh phim năm nào, để Phương Thanh - Kiều Oanh mắt đen tròn cất giọng hát trong sáng Tình ca một vùng than như trong phim Kỷ niệm đồi trăng. Tôi tin rằng chú chẳng mong một thiên đường, một cảnh lộng lẫy huy hoàng nào hơn là trở lại đồi trăng gần 30 năm trước, nơi Anh Dũng và Phương Thanh đã trao nhau cái hôn dài bằng cả kiếp người, tóc tràn qua mặt”.

Khánh Linh
.
.