Nghệ sĩ tóc Andre: Một "kẻ lạ lùng" trong thế gian
Một người thừa hài hước để luôn làm người đối diện có thể cười ngả nghiêng, nhưng cũng thừa thẳng thắn sẵn sàng “chiến đấu” lại cả thế giới về bất cứ điều gì mà trái tim và trí tuệ của anh tin là đúng. Một trái tim có biên độ rộng mở, luôn cho đi và lấy việc cho đi làm lẽ sống của mình.
Anh là một Việt kiều đã chọn quay về quê hương làm nơi lập nghiệp hơn 20 năm nay, gieo sự tử tế cho nhiều thế hệ học trò ngành tóc và gieo yêu thương đến nhiều mảnh đất, nhiều số phận khốn khó trên khắp dải đất hình chữ S. Một người không có gia đình riêng, không có nhà, tiệm làm tóc đi thuê, tiền kiếm ra rất nhiều, nhưng phần lớn dùng để cưu mang, an ủi những người không may mắn.
Sáng sớm ngày mùng 1, ngày đầu tiên của tháng Tư âm lịch, Andre hoan hỉ cùng các học trò của anh tham gia công việc nhặt rác quanh Hồ Hoàn Kiếm. Anh viết trên face book: “Mong các bạn đừng cười chê tôi, vì tôi không tin vào cúng tiến, mê tín dị đoan, tâm linh lễ bái, cầu xin nơi chùa chiền...”.
Trong bộ quần áo của công nhân môi trường, Andre đẫm mồ hôi bên ngổn ngang bao rác vừa thu gom được. Những người dạo chơi quanh Hồ Hoàn Kiếm ngày cuối tuần, không mấy ai biết anh là một nghệ sĩ tóc nổi tiếng, một người đủ khiêm tốn để cúi nhặt từng cọng rác làm sạch môi trường nhưng cũng đủ kiêu ngạo để nói: “Trong ngành tóc tôi không có đối thủ”.
Andre theo đạo Phật. Đối với anh, từ bi hay yêu thương là một động từ chứ không phải tính từ. Nghĩa là chúng ta phải chuyển hóa những điều chúng ta tin tưởng, hướng đến bằng hành động. Chỉ có hành động mới có khả năng thay đổi cuộc sống, thức tỉnh lòng người và tạo ra những giá trị tốt đẹp.
Sau khi nhặt rác làm sạch Hồ Hoàn Kiếm, Andre sẽ có chuyến đi đến các vùng biển đảo như Lý Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa để giao lưu và tặng quà gồm thuốc men, áo quần, bình chứa nước cho ngư dân nghèo, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, dọn rác trên đảo Lý Sơn...
Andre bảo, anh mừng muốn khóc khi được Bộ Tư Lệnh cảnh sát biển cho phép anh được đến những nơi xa xôi này, để chia sẻ với bà con ngư dân, những gia đình có thân nhân mất trong mưu sinh và giữ gìn biển đảo.
Khoảng 2 năm về trước, Andre tổ chức một chương trình nghệ thuật ở Nhà hát Lớn, mang tên “Câu chuyện hoa hướng dương”- một chương trình cảm động với mục đích kết nối tấm lòng thiện của mọi người với nhau, vì những số phận kém may mắn trên cuộc đời này.
Sau nhiều năm làm từ thiện, Andre nhận ra rằng, làm từ thiện là việc khó, không dễ như chúng ta hình dung, cứ có chút tiền mang đi cho là xong. Andre muốn chia sẻ về cách làm từ thiện, làm sao để những gì chúng ta trao tặng phải đúng người, đúng nhu cầu, đúng thời điểm thì sự cho đi mới có ý nghĩa.
Đến với bất kỳ một ai đó, bạn phải mang toàn bộ cái Tâm của mình vào, không thể có chuyện làm qua loa cho xong. Quan niệm cứ có tiền bỏ ra từ thiện là xong là chưa đúng về từ thiện.
“Ngoài tiền ra, bạn phải mang tình yêu của bạn đến, một tình yêu không phân biệt sang hèn, cao thấp. Bạn phải lắng nghe, chia sẻ, và nếu có thể hãy sống cùng những người đó trong một khoảng thời gian dù là rất ngắn. Để bạn đặt mình vào vị trí của họ. Luôn luôn đặt mình vào vị trí của người cần được giúp đỡ”.
Trong tiết mục mở đầu đêm nghệ thuật “Hoa hướng dương”, Andre đẩy chiếc xe lăn chở cô bé Hà Thị Tịnh (còn gọi là Tịnh An ra sân khấu), sau lưng và trên đầu hai bác cháu là một rừng hình ảnh hoa hướng dương. Đây chính là hình ảnh được gợi ý từ câu chuyện về Tịnh An, cô bé mang trong mình căn bệnh ung thư xương.
Andre đã gặp cô bé lần đầu tiên trong bệnh viện K, khi em đang ngồi co ro trên giường bệnh, sắc mặt vô cùng tuyệt vọng. Căn bệnh như bóng tối phủ dần xuống tuổi 15 đẹp đẽ của em. Andre đến gần ôm cô bé gầy gò vào lòng, hỏi em về một điều ước.
Tịnh An nói rằng, em muốn trở thành một đóa hướng dương. Andre bị chấn động vì câu trả lời đó, bởi anh đinh ninh cô bé sẽ nói con muốn khỏe lại và đi học, như nhiều bạn nhỏ khác.
Tịnh An giải thích, em muốn làm hoa hướng dương vì đó là loài hoa luôn hướng về mặt trời để được tiếp thêm năng lượng. Lời nói trong suốt của một cô bé nghèo đến từ Lạng Sơn, ở một thời điểm khó khăn của số mệnh khiến Andre như bị “thôi miên”. “Tôi tin rằng, cô bé đã được “mở huệ”. Con có một thái độ bình thản, an nhiên trước những đau đớn mình đang phải gánh chịu. Tôi đã theo sát từng bước chữa bệnh của con. Tịnh An tin tưởng tôi như một người ruột thịt.
Khi con phải xạ trị, nhìn con đau đớn, tôi có nói với bố của cô bé là, tôi muốn chịu đau thay cho con. Tôi và Tịnh An có thể nói chuyện với nhau về cái chết. Con không còn cảm thấy sợ hãi bóng tối và sự chia lìa. Tôi nói chuyện với con về sự hữu hạn của thể xác, linh hồn mới là mãi mãi. Chúng ta rồi ai cũng phải rời bỏ thể xác, như bỏ lại chiếc áo, để đến một miền rực rỡ hoa hướng dương.
Tịnh An đã tạo điều kiện cho tôi được bộc lộ những điều mình nghĩ, mình tin tưởng và giác ngộ, từ đó truyền cảm hứng sống cho nhiều người. Câu chuyện về con là cách để mọi người hiểu về đời sống theo một ý nghĩa sâu sắc hơn những gì họ vẫn hời hợt hình dung.”
Những ngày cuối tháng Tư vừa qua, Tịnh An đã rời bỏ trần gian, sau 5 năm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư. Andre đã cùng với gia đình của Tịnh An tổ chức tang lễ cho em chu toàn.
Từ 6h sáng anh đã có mặt ở nhà tang lễ Văn Điển, chuẩn bị đưa linh cữu Tịnh An lên đài hóa thân hoàn vũ. Chẳng phải máu mủ ruột rà, nhưng Andre còn hơn cả một người thân của Tịnh An.
Và cũng không riêng gì Tịnh An, bất cứ số phận thiệt thòi nào anh gặp trên đường đời, Andre cũng đều mang cả tấm lòng, trái tim, tình yêu của mình đến bên họ. Người ốm đau anh cho tiền chữa bệnh, cho thuốc. Người thiếu mặc anh mang quần áo đến, người thiếu ăn anh mang thức ăn đến, người đau khổ anh mang niềm an ủi đến, nhẫn nại trong từng chuyến đi xa hay gần, bất kể ngày hay đêm.
Andre được mệnh danh là “phù thủy” của ngành tóc. Việc cắt tóc với Andre chính là sáng tạo nghệ thuật. Bởi vì mỗi người có một mái tóc khác nhau, thần thái, tính cách, nghề nghiệp khác nhau, nên việc sáng tạo một mái tóc phù hợp với họ không thể dập khuôn máy móc. Mái tóc nói rất nhiều về một con người cũng như giá trị, thẩm mỹ mà họ đang theo đuổi, hướng tới.
Andre muốn làm đẹp cho phụ nữ Việt, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn, đấy chính là lý do anh trở về quê nhà lập nghiệp, chứ không phải những vùng đất khác, dù nơi đó anh có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Là một người Canada gốc Việt, sinh trưởng trong một gia đình có 3 đời làm nghề tạo mẫu tóc, Andre có sẵn trong gen của mình tình yêu với tóc và khát khao làm đẹp cho mọi người. Andre đã từng học nghề tóc ở những trung tâm lớn nhất thế giới. Anh đã vượt qua hơn 10.000 giờ học lý thuyết và thực hành tại trường dạy nghề tóc danh tiếng ở Canada, rồi làm việc trong Viện tóc lớn ở Vancouver.
Nhưng sự kỳ thị giữa người da trắng với người da màu đã khiến cho nhà thiết kế tóc cảm thấy tổn thương. Bán hết gia sản để đến London, nâng cao tay nghề tại trung tâm Tony&Guy, trung tâm hàng đầu về đào tạo nghề tóc. Dù quay về Canada được chào đón, nhưng Andre vẫn quyết định dứt bỏ tất cả. Anh cảm thấy quê nhà Việt Nam chính là tiếng gọi quan trọng nhất trong trái tim mình.
“Ở đó có nhiều người cần tôi, tôi biết như vậy”. Và từ năm 2000, Hà Nội có một tiệm làm tóc của một nhà thiết kế Việt Kiều, trên phố Nhà Chung, với cái tên Tony&Guy. Một cửa hiệu mà ai đã lỡ đến rồi thì khó mà không quay trở lại, bởi chủ tiệm chính là người đã khiến khách hàng của mình hiểu rằng, thế nào là một mái tóc phù hợp, một mái tóc mang tính nghệ thuật thực sự.
Tóc cũng chính là cầu nối, là cơ duyên để Andre trở thành bạn bè, tri kỷ của rất nhiều nghệ sĩ, doanh nhân. Đầu tiên họ đến để được tạo mẫu tóc phù hợp, nhưng sau đó họ bị hấp dẫn bởi tính cách nghệ sĩ khoáng đạt, hài hước và sự từ tâm của Andre và trở thành bạn bè.
Ca sĩ Thanh Lam hơn 10 năm nay chỉ có một địa chỉ làm tóc duy nhất là tiệm của Andre. Những nghệ sĩ khác như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Trần, Hoàng Quyên, Thái Thùy Linh, Tùng Dương, nhiều hoa hậu, người mẫu nổi tiếng...cũng luôn tin tưởng để Andre chăm chút mái tóc cho mình.
Không chỉ vậy, Andre còn tích cực truyền dạy nghề tóc cho nhiều thế hệ học trò. Anh hiểu được những hạn chế của ngành tóc ở Việt Nam- một nghề chưa có được sự chuyên nghiệp, đang bị làm sai lệch, méo mó bởi những thợ tóc “ăn xổi ở thì”.
Andre an ủi một em bé bị ung thư ở Bệnh viện K. |
Trên trang facebook cá nhân, không ít lần Andre đã thẳng thắn lên tiếng về cung cách làm ăn “thiếu đạo đức” của nhiều salon tóc. Nhiều người học hành không đến nơi đến chốn, tự xưng mình là nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng, “treo đầu dê bán thịt chó”, không có kiến thức và kỹ thuật đủ tốt để hành nghề, sử dụng thuốc rởm, vô trách nhiệm với mái tóc của khách hàng, xem lợi nhuận là trên hết.
Andre sẵn sàng giảm học phí, thậm chí dạy miễn phí cho những học trò nghèo, nhưng điều anh yêu cầu ở học trò đầu tiên là phải có đạo đức nghề nghiệp.
“Tôi rất trọng chữ đạo trong cuộc đời. Không chỉ là đạo đức nghề nghiệp đâu mà nói rộng ra là đạo làm người. Làm tóc nghĩa là một ngành dịch vụ chăm sóc con người, thì anh phải tử tế trước tiên đã”. Andre cũng thường xuyên khuyến khích học trò của mình làm từ thiện, chia sẻ với cộng đồng.
Nếu chỉ kiếm tiền để cất làm của riêng, Andre thực sự sẽ rất giàu có. Tay nghề đắt đỏ của anh đúng nghĩa “hái ra tiền”. Nhưng tỷ nọ, tỷ kia có được, Andre dùng hết vào việc làm từ thiện. Anh không nhớ mình đã qua bao nhiêu chuyến đi, gặp gỡ bao nhiêu con người có hoàn cảnh ngặt nghèo cần đến sự hỗ trợ.
Đi giúp người khốn khó về, túi cạn tiền mà lòng thanh thản. Nhưng cũng có chuyến đi về, lại chất chứa tâm sự, gọi điện “quấy quả” bạn bè cả giờ đồng hồ.
Chuyện anh vừa “trúng thầu” (nghĩa là được đơn vị nào đó) đồng ý cho đến nơi này, nơi kia trao quà từ thiện cho người nghèo, thậm chí nhặt rác làm sạch môi trường. Chuyện anh vừa mua được hàng trăm chiếc áo ấm mới tinh giá ưu đãi để tặng cho trẻ vùng cao trong mùa đông rét mướt.
Chuyện anh vừa từ viện K về, thăm nom mấy đứa trẻ ung thư đầu trọc lóc vì truyền hóa chất, thương chúng nó quá không ngủ được. Chuyện anh sắp về Thái Bình thăm các bệnh nhân làng phong, có cụ cùi ăn hết chân không đi được dép, anh tính phải làm chân giả cho họ...
Nghe mà thương, mà quý, mà phục một kẻ lạ lùng quá là lạ lùng, già nửa đời người chả buồn lo chuyện đời riêng, chỉ cặm cụi kiếm tiền lo việc bao đồng. Có lúc thấy việc đạo lý, chả liên quan đến mình vẫn phải chửi vung vãi cho bõ, lại có lúc nước mắt đầm đìa khi nhắc về một em bé nằm thoi thóp trong viện K, bất lực không thể làm được gì nhiều hơn cho em tiếp tục cuộc sống.
Nhiều đêm mùa đông, chỉ vì nghĩ đến “những người lạ” không có nhà, “kẻ lạ lùng” mở cửa như mộng du, đi lang thang trên phố tìm người vô gia cư co ro dưới mái hiên, đưa họ mấy ổ bánh mì, tìm bọn trẻ con không nhà ngủ vạ vật nơi góc phố. Cho chúng nó chiếc áo ấm và chút tiền lẻ. Phải làm được mấy việc như vậy, quay về mới ngủ được.
Andre bảo, đời là cõi tạm, chúng ta đến thế giới này bằng hai bàn tay không và lúc tạm biệt cuộc đời cũng tương tự thế. Bởi chẳng thể mang đi chút gì, nên nếu muốn tích lũy, hãy tích lũy thật nhiều yêu thương. Đúng vậy, trong cuộc sống nhiều bất an hôm nay, ngẫm ra, chỉ có yêu thương mới có khả năng lấp đầy mọi khổ đau, bất hạnh.
Chỉ có yêu thương mới đủ sức mạnh hàn gắn hay hóa giải những lỗi lầm, lòng tham, thù hận. Con người nếu chỉ lo làm giàu vật chất, bỏ quên làm giàu tình thương thì thế giới của họ sẽ chật chội đồ đạc mà trống rỗng linh hồn. Con người cần phải học thêm cách cho đi, và cảm nhận hạnh phúc từ việc cho đi, đó mới là con đường đến với giàu có thực sự.
Và tôi nghĩ, thế gian này sẽ ấm áp hơn khi có “những kẻ lạ lùng” như thế.
Như Andre.