Nghệ sĩ múa Tuyết Minh: Vũ khúc chim công

Chủ Nhật, 23/08/2015, 23:39
Phía sau những ồn ào, xô bồ của showbiz Việt, vẫn có những nghệ sĩ lặng lẽ làm nghề, lặng lẽ cống hiến. Họ chưa bao giờ coi mình thuộc về thế giới phù hoa. Và giấc mơ của họ, giấc mơ muốn chạm tới những giá trị thuần khiết của nghệ thuật, của cái đẹp. Tôi đã gặp một người như vậy, nghệ sĩ Tuyết Minh, trong một buổi chiều mùa thu Hà Nội đẹp dịu dàng.

Tôi hỏi Tuyết Minh, đời múa ngắn ngủi, khắc nghiệt, đôi khi bạc bẽo, thế mà đam mê, thế mà dấn thân. Tuyết Minh cười. Số phận sinh ra chị để dành cho múa. Cuộc đời Tuyết Minh là những vai diễn và những vở múa. Giản đơn lắm. Không có biến cố gì đáng kể để có thể làm nóng một bài báo. Nhưng tôi lại trân trọng sự lặng lẽ và dấn thân đó.

Tuyết Minh mặc chiếc váy đen dài dịu dàng. Trông chị thật mong manh. Nhưng đằng sau vẻ đẹp mong manh đó ẩn chứa một tâm hồn quyết liệt và dữ dội với đời sống, với nghề. Ở chị không có sự màu mè, bóng bẩy của thế giới mà chị đang sống; mà chị rất giản dị, đời thường. Tuyết Minh thích cảm giác lẫn vào đám đông, tự do trong thế giới của mình. Có lẽ Tuyết Minh luôn hiểu, giá trị thực cuộc đời nằm ở đâu và những thứ bên ngoài kia chỉ là giấc mộng phù dung mà thôi. Nhiều người ngạc nhiên khi gặp chị, nhìn thấy sự giản dị của chị. Bao năm nay, Tuyết Minh vẫn đi chiếc xe máy cũ, xách những chiếc túi đơn giản, và quần áo không phải hàng hiệu. Thậm chí, không ngần ngại di chuyển bằng xe ôm. 

Tuyết Minh nói, chị hài lòng với cuộc sống giản dị đó. Bởi điều chị hướng tới, không phải là những ồn ã ngoài kia mà những gì chị đang làm, đang nỗ lực cho nghề múa. Tôi không nghĩ, vị giám khảo cứng rắn trong chương trình truyền hình thực tế Thử thách cùng bước nhảy lại có lúc yếu mềm đến vậy khi nói về nghề, về tình yêu vô điều kiện ấy. Đó là những năm 2000- 2004, thời của những vở ba-lê nặng ký như Carmen, Kẹp hạt dẻ, Romeo và Juliet…

Thời đó, nghèo nhưng vui. Những vở ba- lê ít nhiều vẫn được dàn dựng và biểu diễn. Mỗi sáng dậy chị chỉ dám uống một cốc cà phê đen để giữ dáng và cũng vì tiết kiệm. Tiền thù lao mỗi buổi tập chỉ có 20 ngàn. Thậm chí một đôi giày múa mềm mại như bây giờ là cả một giấc mơ. Giày cứng đến nỗi, các ngón chân của chị tứa máu. Tuyết Minh phải tự chế đôi giày múa của mình  bằng lót ni lon cuộn vào trong để không bị ma sát, sau đó lót một lớp vải cắt ra từ quần tất. Những ngón chân gần như bị dính vào nhau mỗi lần làm vở, giờ thì vẹo vọ, dị dạng. Đó là di chứng của những tháng năm khổ luyện.

Hình như, chúng ta quen nhìn sự lộng lẫy của nghệ sĩ trên sân khấu, hơn là những cực nhọc, hy sinh của họ phía sau những tấm màn nhung. Nghề múa, đối với Tuyết Minh là 17 năm không ngừng học, khổ luyện. Tuyết Minh sinh ra và lớn lên trong cái nôi nghệ thuật, khu văn công Mai Dịch. Bố mẹ chị là những nghệ sĩ Tuồng. Nhưng Tuyết Minh chọn múa, bởi chị yêu thứ ngôn ngữ độc đáo ấy, thứ ngôn ngữ được nói bằng những chuyển động tinh tế của cơ thể.

 Sau những vinh quang, những giải thưởng, là những giọt nước mắt, là mồ hôi và máu đã đổ trên sàn tập. Có lẽ, không vinh quang nào lại chất chứa nhiều nỗi niềm như nghề múa. Thế nhưng đời múa lại quá ngắn ngủi. Cơ hội để tỏa sáng không nhiều. Kể cả những solid như Tuyết Minh, thì vai diễn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ba- lê gần như không còn tồn tại trong đời sống ở Việt Nam. Và trong cuộc đua với cơm áo, gạo tiền, nhiều nghệ sĩ đã phải thỏa hiệp, chuyển sang múa hiện đại, hip hop để kiếm sống. Nhiều người bỏ ngang nghề múa đi làm quản lý quán bar, khách sạn. Còn Tuyết Minh, đã bao giờ chị mỏi mệt. Đã bao giờ bước chân người nghệ sĩ trong chị muốn dừng lại.

“Tôi sẽ múa đến khi nào không thể. Và tôi nghĩ, mỗi con người sinh ra trong cuộc đời này, đều muốn lưu dấu của mình trên nhân gian. Tôi muốn được viết, muốn kể cho mọi người nghe những câu chuyện đời sống bằng ngôn ngữ chuyển động của cơ thể. Tại sao không. Nỗi buồn, niềm vui, hạnh phúc hay bất hạnh, đều ra đi từ đó” - chị tâm sự. 

Từ năm 2004, Tuyết Minh chuyển sang làm biên đạo múa. Những câu chuyện của chị đều mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hôm nay. Một Quan âm Thị Kính, mượn chuyện xưa để nói chuyện nay. Một Con tạo xoay dữ dội cuốn hút, mượn thuyết luân hồi của nhà Phật để nói về những bất an của con người trong xã hội hiện đại. Một Tình yêu Hà Nội trong ký ức lãng mạn, hào hoa. Ở đó, tôi gặp một Tuyết Minh say mê, kỹ lưỡng trong từng chi tiết. Một Tuyết Minh nội tâm, dữ dội trong từng chuyển động của cơ thể. Chị luôn giữ trong tâm hồn mình hơi ấm của một ngọn lửa, ngọn lửa của niềm tin và đam mê. Hơi ấm ấy, hàng ngày chị vẫn truyền cho các thế hệ học trò của mình, để có thể giữ lại nghề múa.

Vở múa “Tình yêu Hà Nội” của biên đạo múa Tuyết Minh.

Tôi nhìn thấy khát vọng vẫn tràn đầy trong mắt chị, về một ngày nào đó, múa sẽ có đời sống, được tôn vinh và quan tâm nhiều hơn. Nghệ sĩ múa có thể sống được bằng nghề. Có thể giấc mơ đó còn xa. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ chạm tới giấc mơ đó nếu không có những người mải miết, lặng thầm dấn thân với múa như chị. Tuyết Minh sáng lập ra đoàn múa Khám phá, rồi sau này, quy tụ những tài năng ba lê trẻ, vì lý do nào đó, họ đã rẽ ngang, nhưng trong họ vẫn còn tình yêu với múa. Đó cũng là đoàn múa xã hội hóa duy nhất ở miền Bắc. Tuyết Minh truyền cho họ tình yêu mà chị có. “Những biên đạo múa luôn muốn để lại dấu ấn cá nhân của mình trong từng vở diễn, và tôi hạnh phúc vì công chúng đón nhận những tư tưởng, suy nghĩ của mình”.

Hàng đêm, những vở diễn vẫn lên sàn, dù khán giả không nhiều, thù lao cho từng đêm diễn cũng bèo bọt. Những biên đạo như chị, còn phải chạy vạy, làm đủ thứ như biên đạo cho các lễ hội, các event để lấy tiền dựng vở. Mỗi lần dựng vở xong, chị lại nhẵn túi. Rồi lại lao động quần quật để kiếm tiền dựng những vở diễn mới. Nhưng có một điều đặc biệt ở Tuyết Minh, dù làm biên đạo thì chị vẫn chưa bao giờ ngừng múa. Khi còn trẻ chị có thể làm solid. Còn bây giờ, chị lùi sân cho các bạn trẻ, chị vào những vai già. Chị quan niệm, múa là một cách làm cho chị giữ được sự tươi trẻ trong tâm hồn và tư duy, để bắt kịp các xu thế mới của thời cuộc, để mình không lạc hậu. 

Tôi hỏi Tuyết Minh, chị có bao giờ thấy buồn, khi múa gần như không có đời sống. Những vở diễn chị mê đắm với nó, mất ăn mất ngủ vì nó, cuối cùng cũng lận đận đi tìm khán  giả. Có thể, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng những ngày qua, vở ba lê kinh điển của thế giới, Hồ Thiên Nga đến Việt Nam, khiến chúng ta tự hỏi, múa ba-lê Việt đang ở đâu, đời sống của các nghệ sĩ ba-lê ra sao. Để xem Hồ Thiên Nga ở Nga, nhiều người phải đặt vé trước sáu tháng đến một năm mới có cơ hội. Nhưng Tuyết Minh nghĩ rằng, thay vì chúng ta ngồi phân tích và than vãn cho sự trì trệ, thiếu vắng của những giá trị đỉnh cao, thì hãy bắt tay vào làm việc. 

Chị chưa bao giờ mỏi mệt trên hành trình 17 năm miệt mài không ngừng của chị, bởi chị tin, niềm đam mê của mình đang được thắp lửa trong trái tim rất nhiều bạn trẻ, dù chỉ là những đốm sáng bé nhỏ, nhưng rồi, cùng với thời gian, sẽ làm nên vệt sáng lớn.

Tôi gặp Tuyết Minh khi câu chuyện danh hiệu nghệ sĩ của chị vẫn chưa lắng xuống. Tôi hiểu, với một nghệ sĩ làm nghề và dấn thân như chị, thì mọi danh hiệu đâu quá quan trọng. Nhưng đó còn là câu chuyện của danh dự. Với những ai đã dấn thân với nghề múa, thì họ hiểu hơn ai hết, nếu không có tình yêu và sự đam mê, thì không thể vượt qua được những cực nhọc, khắc nghiệt của nghề. 

17 năm lặng lẽ làm việc, rất nhiều giải thưởng và huy chương vàng. Những gì chị đã làm, những giấc mơ chị đã viết trong những vở múa của chị, về cái đẹp, về niềm tin yêu cuộc sống. Đó là những gì chị muốn tận hiến cho cuộc sống này. Rất nhiều học trò của Tuyết Minh đã nhận danh hiệu. Trong hồ sơ của chị có đến hàng chục giải thưởng, hàng chục huy chương vàng.

Chị nói: “Tôi làm nghề, dấn thân với múa, chỉ với mong muốn rằng, chúng ta có thể duy trì được nghề múa ở Việt Nam, chứ không vì giải thưởng hay sự vinh danh. Nhưng dẫu sao cũng buồn. Nhưng tôi nghĩ, mình có một danh hiệu cao hơn tất cả, đó là danh hiệu trong lòng nhân dân, sự tôn trọng của những người làm nghề”. Nỗi buồn ấy, không chỉ của riêng Tuyết Minh, mà còn rất nhiều nghệ sĩ, họ đã làm việc, đã cống hiến, nhưng danh hiệu vẫn là một điều gì đó quá khó khăn, thậm chí khó hiểu.

Tôi và Tuyết Minh thả bộ trên con đường Trần Phú. Lá rơi đầy. Đẹp đến nao lòng. Nhà chị đó, ngôi nhà bình yên cho những bước chân lãng du nghệ sĩ của chị trở về sau những bộn bề, mỏi mệt. Ở đó, có người đàn ông của đời chị, yêu thương, thấu hiểu, chở che cho những muộn phiền của chị. Ở đó, có thế giới mà chị đang sống, của âm nhạc, của những chuyến đi... và khát vọng về nghề vẫn chưa bao giờ dừng lại. Tuyết Minh nói, chị đang bắt đầu cho một vở dựng mới...

Việt Hà Nguyễn
.
.