Nghệ sĩ ballet Thu Huệ: Múa là giấc mơ của tôi

Thứ Bảy, 28/03/2020, 15:12
Một Thu Huệ của Thiên nga trắng lộng lẫy kiêu sa, tâm hồn luôn hướng thiện; của Thiên nga đen đầy âm mưu và u tối. Cô gái ấy, Thu Huệ, bằng bản năng, bằng sự khổ luyện và bằng cả tình yêu không giới hạn với ballet đã hóa thân trọn vẹn vào giấc mơ ballet Việt.


1. Thu Huệ sinh ra để múa. Hơn thế, để múa ballet, thứ nghệ thuật quý tộc mà ngay khi mới chạm ngõ, Huệ đã cảm nhận mình như thuộc về nơi ấy. Những khung cửa châu Âu cổ kính, sang trọng, những cung điện nguy nga tráng lệ, thân thuộc với chị như những năm tháng Huệ đã sống ở đó.

Và âm nhạc, những giai điệu sang trọng, đẹp đẽ đầy nội tâm của Tchaikovsky, một thế giới mà Huệ cảm giác đã gặp từ trong tiền kiếp, là nơi Huệ thuộc về. Với ballet, Huệ khám phá được vẻ đẹp bên trong của mình, nếu không có ballet, Huệ không bao giờ biết rằng mình đang sở hữu nó.

Thu Huệ không thể lý giải được tình yêu của mình, bởi Huệ sinh ra từ một vùng quê nghèo ở Thanh Hóa, gia đình không có ai làm nghệ thuật. Chị tiếp xúc với múa từ các câu lạc bộ ở trường làng. Ballet là một khái niệm xa vời, thậm chí Huệ chưa bao giờ mơ đến thứ nghệ thuật đỉnh cao quý tộc ấy. 12 tuổi, cô bé Huệ từ làng quê nghèo Thanh Hóa ra Hà Nội một mình tham gia khóa học 3 tháng ở trường múa.

Thu Huệ trong vai Thiên nga đen.

Huệ nhớ lại tuổi thơ là hành trình trên xe buýt từ 5h30 sáng đi từ Kim Giang đến trường múa ở Mai Dịch. Lên đến nơi trời còn tờ mờ sáng, cổng trường chưa mở. Ròng rã 3 tháng trời. Bố mẹ xót thương con gái, thuyết phục Huệ về quê. Nhưng trong tâm hồn trong trẻo của cô gái 12 tuổi ấy vẫn nuôi một giấc mơ lớn hơn, được tự do bay, được khám phá một chân trời mới của cuộc sống.

“Ngày đó, bố mẹ xót thương con gái, không muốn tôi đi học xa nhà nhưng tôi có một quyết tâm ghê gớm, muốn khám phá cuộc sống và làm được điều gì đó khác hơn ở vùng quê nghèo của mình”. Sau 3 tháng tham gia khóa học thử, Huệ quyết định ở lại Hà Nội, thi vào trường múa. Chị đã đi qua những ngày tháng đó trong nước mắt, đau đớn về thể xác và cả sự thiếu thốn về tình cảm, vật chất.

Ròng rã 6 năm liền, Huệ nén chịu một mình những vất vả, khó khăn và cả những thị phi, định kiến từ ngôi làng nhỏ cô sinh ra. Huệ nhớ hình ảnh mẹ đứng nhìn con gái nhỏ rời quê ra đi trong nghẹn ngào nước mắt.

Nguyên một năm trời Huệ đi học trong nước mắt như vậy. Nhưng rồi, chính những vất vả, không bằng bạn bằng bè ấy đã tiếp thêm cho cô bé nghị lực và quyết tâm. Ngày Huệ biểu diễn tốt nghiệp cũng là ngày ba mẹ chị vỡ òa trong hạnh phúc khi 6 năm liền, ông bà bấm bụng chịu đựng những điều tiếng từ làng xóm để con gái theo đuổi đam mê.

Ngôi làng, không còn ai nhớ đến Huệ, hay cũng chỉ mường tượng về một cái tên, cô bé đó chắc “hư hỏng” rồi. Còn Huệ đã lột xác thành một con người khác. Tự tin, bản lĩnh và dám theo đến cùng giấc mơ của mình. Không kêu than, không coi những gian khổ mà một nghệ sĩ múa phải trải qua như những đau đớn về thể xác, chấn thương chảy máu, thậm chí có lúc mệt quá ngất xỉu trong nhà vệ sinh là khổ.

“Tôi không coi đó là những khó khăn mà là những điều tất yếu một nghệ sĩ múa phải trải qua trên con đường của mình. Tôi có thói quen tự chịu đựng. Có lúc nào đó mệt quá, buồn quá, tôi vào nhà vệ sinh xả nước thật to rồi khóc cho thỏa. Khóc xong, lau nước mắt, lại đi ra ngoài như chưa có chuyện gì xảy ra”.

6 năm đi qua với một thái độ không chủ quan và không ngừng cố gắng, Huệ luôn dành học bổng trong các khóa học. Giấc mơ đầu tiên mà Huệ chạm tới là được múa với thầy Cao Chí Thành, nghệ sĩ ballet số 1 Việt Nam. Giấc mơ đó đến sớm hơn khi chị được múa cùng thầy trong lễ tốt nghiệp. Rồi sau đó là solid 2 cho một trích đoạn Hồ thiên nga năm 2012 và chỉ 2 tháng sau, Huệ đã là solid 1 trong vở Kẹp hạt dẻ...

Những thành công đến với Huệ có vẻ dễ dàng và nhiều người nghĩ rằng, cuộc đời nghệ sĩ của chị được rải hoa hồng. Nhưng hoa hồng đẹp và thơm sẽ có rất nhiều gai. Sau cánh màn nhung, người nghệ sĩ ấy đã nếm đủ những vết xước của gai hoa hồng để nở những bông hoa đẹp nhất.

2. Tôi đã được đắm chìm trong giấc mơ Hồ thiên nga ở thánh đường Nhà hát Lớn Hà Nội. Đến bây giờ, khi ngồi viết bài về giấc mơ lộng lẫy của cô gái ấy, tôi vẫn run lên vì xúc động. Ballet là đỉnh cao của nghệ thuật cổ điển. Và Hồ thiên nga là một vở diễn đỉnh cao của ballet. Tất cả những tinh túy ấy được gọt giũa, chỉn chu và vẽ lên một cách không thể hoàn hảo hơn trong 2 tiếng đồng hồ trên sân khấu. Một thiên nga trắng và đen với những vẻ đẹp riêng của Huệ, toát ra từ chính nội tâm của Huệ.

Thu Huệ trong vở “Hồ thiên nga”.

Nhớ lại những tháng ngày đó, cảm xúc vẫn còn đầy trong Huệ. Chị dành 3 tháng trọn vẹn với Hồ thiên nga, với Trắng và Đen. Cả ngày trên sàn tập chưa đủ. Đêm về một mình, Huệ mở nhạc và nghe nhiều để ngấm, để có thể nhập tâm vào nhân vật một cách trọn vẹn nhất. Bởi Huệ quan niệm, nếu còn bắt chước sẽ gượng gạo.

Chị muốn khai thác vẻ đẹp của nhân vật từ trong nội tâm của mình. Và những cảm xúc từ bên trong sẽ chinh phục được trái tim khán giả. Huệ đã làm được điều đó. Ballet Việt sau 36 năm vắng bóng trên sâu khấu được hồi sinh trong Hồ thiên nga. Một Thiên nga trắng tinh khiết, trong trẻo, sang trọng và một Thiên nga đen rất riêng theo cách của Thu Huệ, đi tìm vẻ đẹp trong cái ác.

Tôi tự hỏi, làm sao Huệ có thể hóa thân được như vậy, giữa Đen và Trắng, giữa Ác và Thiện chỉ trong từng khoảnh khắc. “Đó là sự khổ công luyện tập, phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả bằng máu vì chấn thương. 3 tháng tôi ăn ngủ với Hồ thiên nga, chỉ bật nhạc lên là cái đầu tự dưng khởi động. Như bị nhập đồng vậy”.

Huệ kể cho tôi về đợt diễn cuối, vào tháng 12-2019, trước đó chị ốm nằm viện và chỉ biết lịch diễn trước 3 ngày. Huệ bật dậy, vội vàng lên sàn tập. Sân khấu có một ma lực ghê gớm. Và chỉ có ma lực của sân khấu mới khiến người nghệ sĩ quên cả những cơn đau, quên cơ thể mình đang ốm để sống trọn vẹn với vai diễn. Sau đêm diễn cuối năm đó, Huệ nằm mấy tuần liền.

Huệ không coi việc dẫm vào gai là đau đớn, không nghĩ những gian nan là khổ cực. Đó là một phần trên cuộc hành trình. Chị cũng không bao giờ mơ đến giấc mơ, một ngày thức giấc, cái tên Thu Huệ ngập tràn trên báo chí, truyền thông. Cô trở thành một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nối bật nhất Việt Nam được tạp chí Forbes vinh danh vì những đóng góp của một nghệ sĩ trẻ tài năng. Trong phần giới thiệu nghệ sĩ, Forbes Việt Nam khẳng định: Thu Huệ là diễn viên ballet Việt Nam đầu tiên đảm nhận vai chính Thiên nga trắng và Thiên nga đen...

Việc phân vai này đòi hỏi nghệ sĩ phải có tài năng, sức khỏe và sự khổ luyện để đạt tới kỹ thuật mong muốn. Ðây là một thách thức lớn trong môi trường ít có điều kiện biểu diễn, đào tạo còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam”.

Còn Huệ chỉ nghĩ, chị đã sống một tuổi trẻ không hối tiếc. “Tôi không coi đó là sự hy sinh mà tôi đã sống một tuổi trẻ có ý nghĩa. Tôi thấy hạnh phúc vì mình đã được theo đuổi giấc mơ của mình. Tôi không quên bất cứ ngày tháng nào bởi nó là những mảnh ghép của cuộc sống Thu Huệ hôm nay và  may mắn, tôi chưa bỏ lỡ một nhịp nào của cuộc sống”.

Nhà văn Lỗ Tấn đã viết đại ý rằng, trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường mà thôi. Huệ đã đi, con đường không bao giờ định trước nhưng đó là con đường của ý chí, của tình yêu và đam mê. Giờ Huệ có một cuộc sống bình yên ở Hà Nội, tự mua nhà, mua xe bằng chính công việc yêu thích của mình, dạy ballet cho trẻ em nước ngoài sống ở Việt Nam.

Nghệ sĩ ballet, nếu nghèo không thể theo đuổi đam mê. Thù lao từ biểu diễn và lương công chức lại quá thấp. Nhiều người trẻ đã “đứt gánh giữa đường” vì cơm áo gạo tiền. Còn Huệ, những khó khăn từ năm 12 tuổi, chị còn có thể vượt qua thì bây giờ, mọi thứ trở nên thật bé nhỏ.

Thu Huệ đang tiếp tục hành trình khám phá chính mình trong giấc mơ ballet - giấc mơ về một thế giới trong trẻo và thơ mộng, đầy nội tâm ấy vẫn còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Huệ lại lăn mình trên sàn tập bắt đầu cho một dự án mới của nhà hát, vở nhạc kịch Romeo và Juliet sẽ trình diễn vào cuối năm nay.

Chạm tới giấc mơ của ballet cũng là lúc người nghệ sĩ ấy đang khám phá ra những góc khuất của tâm hồn mình. Và khi đạt được trạng thái sâu thẳm của thiền ấy, chị sẽ chinh phục được trái tim của khán giả. Như Goethe đã nói: “Nghệ thuật là một hành trình đến với bản thể khác”.

Việt Linh
.
.