Nghệ sĩ Vành Khuyên: Khốn khó vì tình yêu

Chủ Nhật, 21/07/2013, 14:05
Lần đầu tiên, tôi nghe Vành Khuyên hát. Một đêm nhạc kịch của riêng mình trong khán phòng Nhà hát Lớn sang trọng. Có lẽ phải lâu lắm, từ sau  NSND Lê Dung, một nghệ sĩ nhạc thính phòng mới có cơ hội làm live show riêng. Tiếng hát của con chim vành khuyên, tự do giữa bầu trời cao rộng, để thoả mãn giấc mơ âm nhạc mà chị theo đuổi.

1. Khuyên bùng cháy trong khát vọng của chính mình. Khát vọng của cô gái 17 tuổi, từ giã vùng quê nghèo Hà Tĩnh ra Hà Nội mang theo giấc mộng âm nhạc. Một mình giữa thành phố xa lạ. Và hành trang Khuyên mang theo chỉ có niềm đam mê âm nhạc. Một tâm hồn hát được nuôi dưỡng từ những câu hò quê mẹ và điệu ví dặm quê cha.

Có thể hồi đó, Khuyên quá ngây thơ và hồn nhiên. Ai đó từng nói: một chút ngây thơ, một chút hồn nhiên và rất nhiều mộng tưởng sẽ làm nên nghệ sĩ. Ở Khuyên, tôi nhìn thấy điều đó. Sự hồn nhiên, trong sáng và bản năng của một tâm hồn yêu nghệ thuật, để giữ cho mình không nhuốm bụi trần ai.

Khuyên sinh ra và lớn lên ở làng Cẩm Trang, Vũ Quang, Hà Tĩnh, có nghề làm gốm, gạch lâu đời. Nhà nghèo, đông con, từ nhỏ Khuyên đã phải tảo tần nuôi lợn, gà, đóng gạch, ngói, tự lợp nhà. Khuyên lớn lên bằng nước của sông Ngàn Phố, một nhánh của Sông La. Và bên dòng sông hiền hòa đó, cô bé Khuyên đã nuôi ước vọng, một ngày nào đó mình sẽ bay đi rất xa, sẽ cất tiếng hát giữa bầu trời cao rộng.

Vành Khuyên đã bắt đầu giấc mơ của mình như thế. 17 năm Khuyên miệt mài, chung thủy với dòng nhạc mình theo đuổi. Khuyên không sở hữu một giọng hát có thể gây ấn tượng ngay từ đầu. Nhiều người bảo giọng Khuyên nhẹ và bay quá. Mà hành trình của Khuyên là sự đam mê, khổ luyện, và cả sự kiên định của một cô gái trẻ dám dấn thân và lựa chọn con đường riêng của mình. Mặc những cám dỗ của chốn phồn hoa và sự phù phiếm, Khuyên đi, một mình trên con đường mịt mù. “Càng đi càng hiểu, rồi mê và yêu lúc nào không biết”.

Nhiều người nghĩ, Khuyên sẽ đi theo dòng nhạc dân gian, vừa nhẹ nhàng, vừa dễ sống. Bởi Khuyên hát dân ca rất ngọt. Thế nhưng, Vành Khuyên lại chọn nhạc cổ điển, thứ âm nhạc, mà ai cũng hiểu, gắn bó với nó cả đời sẽ là một hành trình lặng lẽ và nhọc nhằn. 17 năm, đứng chân trong dàn hợp xướng của Nhà hát Nhạc Vũ kịch, Vành Khuyên vẫn là một nốt trầm lặng lẽ. Chỉ có tâm hồn chị biết, chị đang nuôi khát vọng được vẫy vùng. Cho đến khi, Vành Khuyên lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ Harovit, đến từ Học viện  Âm nhạc Frankfurt, khi chị tham gia Đại Hợp xướng Cacmina Burama. Phát hiện đó đã mở ra trong Khuyên một chân trời mới. Sở hữu giọng soprano cao, dày, mang kịch tính, Vành Khuyên có nhiều cơ hội vào những vai diễn kinh điển và chị đã tỏa sáng. Nàng Muzzeta trong vở La Boheme là vai diễn đầu tiên của Vành Khuyên năm 2006, đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Từ đó, Vành Khuyên đảm nhiệm vai trò solit của nhà hát cùng với ca sĩ Hà Phạm Thăng Long.

2. Nhưng cái tên Vành Khuyên dường như vẫn rất lặng lẽ. Sự lặng lẽ khiêm nhường của Khuyên cũng giống sự lặng lẽ của đời sống âm nhạc thính phòng trong dòng chảy xô bồ của âm nhạc hiện đại. Nhưng Khuyên không bận tâm đến điều đó. Khuyên cắm cúi bước đi trên con đường của mình. Có gì đó như nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn người con gái miền Trung, yêu và dấn thân trong tình yêu của mình một cách vô điều kiện. Một tình yêu mà vì sự khốn khó, nhọc nhằn của nó, rất nhiều nghệ sĩ đã buộc phải từ bỏ. Còn Khuyên, âm nhạc là một cứu cánh cho tâm hồn giông bão.

Vành Khuyên có sự mộc mạc chân tình của người miền Trung. Nhưng ở Khuyên cũng có sự khí khái, thẳng thắn nên Khuyên không bao giờ chịu thỏa hiệp trong đời sống lẫn trong nghệ thuật. Vành Khuyên giờ đã lấy lại sự cân bằng khi đi qua những đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên. Cách đây 5 năm, cô gái ấy xách chiếc va li về nhà chồng ở phố cổ Hà Nội.

Ca sĩ Vành Khuyên trong liveshow Khát vọng âm nhạc.

Nhưng rồi, sau 5 năm, cũng chỉ với chiếc va li ấy, Vành Khuyên lại ra đi. Lựa chọn nào cũng mất mát. Vành Khuyên phải chấp nhận cả việc xa rời đứa con trai yêu của mình. Bởi hơn ai hết, cô hiểu và mong cho con có một điều kiện sống tốt nhất. Khuyên phải gánh chịu cả những thị phi của người đời. Tôi hỏi Vành Khuyên, sao không chịu thỏa hiệp. “Tôi có thể chịu tất cả những điều tiếng, thị phi để cho con một cuộc sống tốt nhất”.

Vành Khuyên đầy kiêu hãnh và tự trọng ra khỏi ngôi nhà ấy, ngôi nhà từng là mái ấm bình yên của chị trong những ngày sống cô độc ở thành phố ồn ã này. Từ bỏ cả tình yêu với người đàn ông, nghệ sĩ Thu Đông, đã từng là chỗ dựa bình yên trong đời của chị. Con chim Vành Khuyên, đã đến lúc muốn cất cánh, tự do hát giữa bầu trời rộng lớn, chứ không phải tiếng hót bị giam cầm trong lầu son gác tía. 

Giữa thế giới của sự bao la của trời xanh và mây trắng ấy, Khuyên mới được là mình, đúng là mình. Một năm mất mát, suy sụp. Vành Khuyên gần như đóng cửa, không gặp gỡ ai. Cô trốn mình trong ngôi nhà thuê ở gần chùa Bồ Đề, Gia Lâm. Xa rời thành thị, xa rời những ồn ào. Sau những ngày vật vã, Vành Khuyên đã đứng dậy.  Âm nhạc là cứu cánh cho tâm hồn cô trong những tuyệt vọng.

“Tôi chợt hiểu rằng, mình không thể chìm đắm trong đau khổ và tuyệt vọng. Phải đứng lên và đi tiếp vì cuộc đời còn phía trước. Mình hướng thiện, không làm được điều gì ác và tôi tin ông trời không lấy của ai tất cả”.Khuyên đứng dậy, tự thu xếp lại cuộc sống của mình. “Trong nỗi cô đơn tột cùng, trong những đớn đau đổ vỡ, chỉ có âm nhạc giúp cho tâm hồn tôi nương náu”.

Bao nhiêu năm lấy chồng và đi hát, giờ Khuyên vẫn trắng tay. Không nhà cửa. Không tiền bạc. Gia tài Khuyên còn lại là cậu con trai mà ngay lúc này đây, Khuyên cũng không có đủ điều kiện để nuôi. Căn nhà thuê chật hẹp tận Gia Lâm trở nên trống trải. Đời nghệ sĩ, nay đây mai đó. Tôi hỏi Khuyên có chạnh lòng, khi cô có nhiều cơ hội để kiếm tiền và cả sự nổi tiếng. Khuyên có thể hát dòng nhạc dân gian, có thể có nhà đẹp, xe hơi và một cuộc sống xênh xang. Vành Khuyên cười. Nhưng đôi mắt thì sâu thẳm nỗi buồn.

“Tôi đang thuê căn phòng 18m2 ở Bồ Đề, quận Long Biên. Với đồng lương, thu nhập như bây giờ, hát cả đời cũng không thể có nhà mà an cư, lạc nghiệp. Mọi người thấy tôi luôn ăn mặc lịch sự, tưởng tôi dư dả. Sự thực là tôi đi xe Wave cũ và chẳng có nguồn thu nào khác. Mẹ tôi ở quê hàng ngày vẫn dậy từ 3h sáng, đi bộ 3km bán hàng xén ở chợ Bộng. Mẹ tôi đi chợ 50 năm rồi, không chịu nghỉ, dù đã 77 tuổi”. Tiền bạc và sự nổi tiếng, ai cũng muốn. Nhưng Vành Khuyên đã chọn một con đường khác. Ở đó không có những bon chen, không phủ mờ bởi hào quang và những giá trị ảo. Ở đó chỉ có niềm đam mê và tận hiến.

Có những lúc, Vành Khuyên cũng chạnh lòng, khi âm nhạc mà cô theo đuổi qúa vắng bóng trong đời sống. Thậm chí, đôi khi thấy mình như đi lạc nhịp với những thứ nhạc thời thượng, pop, rock màu mè. Những nghệ sĩ như Vành Khuyên, sống lặng lẽ với tình yêu của mình. Lặng lẽ cống hiến. Tôi không hiểu điều gì giữ cho chị sự bình tâm đến vậy.

Chị cười: “Bởi chỉ đơn giản vì tình yêu. Tình yêu dòng nhạc này đã ngấm vào Khuyên như hơi thở, như mạch máu để sống. Và Khuyên không bao giờ ân hận vì mình đã lựa chọn”. Cũng như Vành Khuyên sẽ không ân hận khi bước chân khỏi ngôi nhà mà chị nghĩ, từng là mái ấm của chị. Khuyên được trở lại đúng là mình, bản năng và bùng cháy. Có gì đó như là số phận trong những vai diễn của Vành Khuyên.

Một Despina dữ dội trong Così fan tutte của Mozart… một Carmen cá tính, mang đậm chất Phương Đông trong Carmen của Georges Bizet, một Eva trong thanh xướng kịch The Creation của Haydn. Khuyên cũng thăng hoa trong những tác phẩm âm nhạc hiện đại như Blanchefleur trong Người đi qua thung lũng của Pierre, Mụ Ba trong Cô Sao của Đỗ Nhuận, Bà Mai trong Blog Opera nổi tiếng. Vào vai những số phận đàn bà đẹp nhưng đa đoan.

Với Carmen năm 2010, Vành Khuyên để lại dấu ấn đậm nét. Dấu ấn về một Vành Khuyên, tiếng hát trong veo như suối ngàn, nhưng thấm đẫm nỗi đời, niềm vui, đau đớn, và sự từng trải. Khuyên đã hát bằng cả tâm hồn mình, bằng cả những bầm dập của cuộc đời nghệ sĩ. Sau vai diễn đó, Khuyên được mọi người gọi bằng cái tên gần gụi, nàng “Carmen Hà Nội”.

Vành Khuyên nói, ai cũng ấp ủ một đêm nhạc cho riêng mình. Trong khi các nghệ sĩ dòng nhạc nhẹ có thể làm show một cách nhẹ nhàng, thậm chí kiếm được rất nhiều tiền, thì đối với nghệ sĩ nhạc thính phòng, giấc mơ đó là không tưởng nếu không có một “Mạnh Thường Quân” tài trợ. Và Khuyên đã may mắn trong cuộc chơi “xa xỉ” này.

Tôi nhớ, trong những ngày cuối đời, NSND Quý Dương vẫn trăn trở về dòng nhạc thính phòng, về những vở Opera... về một nền âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam rồi sẽ đi về đâu. Nhưng có lẽ, ở bên kia thế giới, ông cũng sẽ mãn nguyện, khi có những nghệ sĩ trẻ đam mê và tận hiến như Vành Khuyên. Với họ, được hát đã là một niềm hạnh phúc

Khánh Linh
.
.