Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Hồn nhiên mấy mùa

Thứ Tư, 13/01/2016, 02:22
Trí Nguyễn, giản dị trong chiếc sơ mi xanh, ngồi lặng thinh nhìn ra cửa sổ. Đó có lẽ là vài phút hiếm hoi, Trí cho phép người đối diện chạm khẽ vào trái tim đa cảm, ẩn chứa nhiều nỗi niềm.

Quán café cấm hút thuốc, thành ra, để trấn tĩnh, Trí đưa tay khuấy tách trà đang uống dở. Sài Gòn, những ngày trở gió, lòng dạ Trí rối bời, ký ức của mấy mùa xưa cũ lũ lượt kéo nhau về, trong trẻo, yên lành như những ngày bồng bềnh xanh tóc.

1. Sau đúng 28 năm nỗ lực không ngừng, Trí Nguyễn - nghệ sĩ piano - đàn tranh bắt đầu được khán giả trong nước biết đến như một người con đất Việt thành danh nơi xứ người. Cuộc trở về của Trí, lần nào cũng ấm áp, vui vầy, nhỏ nhẹ và bình lặng trong vòng tay bè bạn và những người yêu quý tiếng đàn anh. Trí có vóc dáng của một cậu thiếu niên và lối nói chuyện cực kỳ duyên dáng của một người bặt thiệp, học sâu hiểu rộng. Không chủ tâm nói những điều to tát, xa vời, cuộc trò chuyện của chúng tôi, do đó dần thu hẹp khoảng cách. Một cuộc trò chuyện giữa hai người bạn mới quen, hỏi han chuyện thường ngày, chuyện công việc, đam mê và biết dừng lại đúng lúc, để không chạm vào những trống trải, những nỗi niềm sâu thẳm trong trái tim người kia.

Trí nói, những ngày nhiều gió, Trí thương và nhớ má vô cùng. Giả mà, có thể dừng được mọi công việc ở bên  kia, Trí cũng sẵn sàng để được ở bên má. Cách đây hai mươi mấy năm, Trí sang Pháp định cư, may mà có vòng tay má ủi an nỗi nhớ những con đường, hàng quán quen thuộc, bạn bè xưa cũ. 

Nhưng rồi, lá rụng về cội, nước chảy về nguồn, má của Trí năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm. Một người bạn tôi, sau lần chuyển nhà, thấm thía: “Ở đâu có mẹ, ở đó là nhà”. Chuyện là, một sớm sau hôm mệt nhoài xếp đặt lại nhà mới, nghe tiếng nước sôi, mùi café thơm nồng xộc tới, bạn xuống bếp thì thấy mẹ lui cui. Phố, đâu có mùi rơm rạ, đâu có khói bếp ban chiều lan tỏa, mà bạn lặng người, rưng rưng mắt. Người tha hương, mấy mươi năm nơi xứ người, vẫn ngóng vọng về quê mẹ, chính bởi ngoài những ký ức trong veo, đầy xuyến xao còn có bóng dáng mẹ, hoặc những ruột rà thân thuộc.

Ảnh: Nhựt Hùng.

Nhiều người cắc cớ, Trí yêu quê vậy, sao mãi chừng ấy năm mới về? Trí trầm ngâm, những chuyến lưu diễn nối tiếp nhau. Ngay cả hạnh phúc cá nhân, Trí cũng để dành, dang dở. Không cần giãi bày, Trí biểu lộ tình yêu bằng hành động. 28 năm định cư ở Pháp, khoảng thời gian đủ lâu để cái chất tinh tế và lãng mạn trở thành một phần trong tâm hồn, vậy mà Trí vẫn rặt giọng quê, không cầu kỳ, kiểu cách.

Lần nào về nước, Trí cũng nằng nặc đòi bạn bè dẫn đi ăn lại những món quà vặt Sài Gòn mà anh từng gắn bó. Và lần nào, Trí cũng háo hức như trẻ nhỏ được quà. Sau này, khi đã thân nhau, mấy lúc Trí vẫn email cho tôi, hẹn lần kế tiếp nhất định ghé hàng bánh bèo ruột tôi thường ghé. 

Tôi không biết cái cách Trí khư khư giữ quốc tịch Việt Nam suốt hai mươi mấy năm trên đất Pháp có lần nào khiến anh mệt mỏi vì rắc rối giấy tờ nảy sinh, nhất là với một nghệ sĩ thường xuyên lưu diễn như anh, nhưng, tôi chắc, đó là tình yêu vẹn nguyên và sự tự tôn dành cho đất mẹ, như Trí từng có lần phản hồi trên một tờ báo: “Tôi sinh ra là người Việt Nam, nói tiếng Việt, viết tiếng Việt. Tôi có nhập tịch nước này hay nước khác thì tôi cũng là người Việt. Dù tôi có đi đâu, làm gì thì tôi cũng là người Việt nên quốc tịch của tôi phải là Việt Nam”.

2. Cốt cách tạo nên thần thái, khí chất tác động lên ứng xử, tôi tin vậy. Nếu ví những bản nhạc trong CD Consonnances là sự giao hòa Đông - Tây thì Trí Nguyễn là sự giao hòa giữa cái nhã của những tinh hoa vương giả còn sót lại với bản tính hiện đại, khát khao cái mới của tầng lớp trí thức Tây học thế kỷ trước, lại vừa đậm nét bình dân của người Nam kỳ lục tỉnh. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Trí khi xem anh dạo một bản đàn. Nên, tôi không mấy ngạc nhiên khi được biết, hai bên nội ngoại anh vốn xuất thân khoa bảng, cực kỳ nề nếp và cao quý; ba má anh đều là du học sinh xuất sắc ở Pháp về.

May mắn thụ hưởng một nền giáo dục Tây học hoàn hảo và cả những giá trị truyền thống dân tộc, 5 tuổi rưỡi, Trí đã được mời gia sư riêng dạy piano, và được học đàn tranh với nghệ nhân nổi tiếng nhất thời bấy giờ, cố nghệ sĩ Hai Biểu, người mà Trí luôn dành một sự kính trọng và thương mến đặc biệt. Thầy Hai Biểu dạy nhạc lý cho Trí theo đúng kiểu cổ, nghĩa là ký âm ngũ cung Hò Xừ Xang Xê Cống, và những điệu Bắc, điệu Nam, hơi Ai, hơi Dựng… 

Âm nhạc dân tộc và cây đàn tranh 16 dây đã thấm vào Trí Nguyễn một cách bài bản như thế, dù rằng để có được thành quả hôm nay, Trí đã phải khổ luyện vô cùng. Tinh thông một nhạc cụ đã được coi là tài năng, lĩnh hội được những kỹ thuật biểu diễn cao nhất của cả piano và đàn tranh cũng như hệ thống âm luật phức tạp của âm nhạc Tây Dương và âm nhạc truyền thống Việt Nam, quả là có một không hai.

Vốn được đào tạo bài bản về piano ở École Normale de Musique de Paris (Sư phạm Âm nhạc Paris - trường đào tạo âm nhạc bậc cao của Pháp), có lẽ đàn tranh với Trí Nguyễn sẽ mãi chỉ là một sở thích đặc biệt, như tứ thú buộc phải tinh thông “cầm - kỳ - thi - họa” để giao tiếp trong xã hội xưa cho đến khi Trí được một người bạn gợi ý thử chơi đàn tranh ở một buổi biểu diễn trong khuôn khổ Lễ hội mùa hè. Phản ứng tích cực của khán giả tại buổi diễn đó và những buổi thử nghiệm sau đã khiến anh tự tin rằng, âm nhạc thực sự không phân biệt biên giới hay nền văn hóa. Sự rung động luôn có thể được thức tỉnh bởi nghệ thuật nghiêm túc.

Điểm độc đáo ở đây là, Trí không bao giờ có ý định “bắt” đàn tranh phải “gồng mình” chơi nhạc cổ điển hay những nhạc phẩm chuyển soạn. Anh cũng không tìm cách “phổ biến” âm nhạc dân tộc theo cách “phối nhạc” theo những âm hưởng hiện đại như nhiều nghệ sĩ đương đại Việt Nam đang làm. Trí chọn cách tìm sự hòa điệu giữa tư duy và tâm hồn nhạc của hai nửa thế giới, vì anh tin và hiểu ngôn ngữ đó một cách sâu sắc. 

Anh đã diễn đạt được tâm hồn mình, tâm hồn Việt chưa từng bị phai nhòa trước những giá trị phương Tây qua những Lưu Thủy Đoản, Lý Con Sáo, Nam Ai, Tử Quy Từ… Anh chọn biểu diễn cùng tứ tấu đàn dây, và trong mỗi khúc cầm, Trí Nguyễn đưa thêm vào một vài trích đoạn ngắn trong những tác phẩm của các nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng như Vivaldi, Beethoven, Mussorgsky... vừa để nhấn nhá, thu hút người nghe, vừa làm nổi bật chủ đề “Hòa Điệu”.

3. Tất nhiên, cách hòa điệu có phần mới mẻ của Trí không phải ai cũng chấp nhận, đặc biệt là trong những buổi diễn của anh tại quê nhà. Dẫu, vẫn có những động viên đúng lúc, những thấu hiểu kịp thời. NSƯT Ca Lê Hồng, nghe Consonnances đã gọi cho Trí và tán dương cách thực hiện của anh. 

Tháng 7 vừa qua, album này cũng đã nhận Huy chương Vàng và được bình chọn là một trong ba album được yêu thích nhất của Global Music Awards và lọt vào top 10 album được yêu thích nhất trong năm 2015 tại trang web này. Đây còn là sản phẩm bán cực chạy trên hệ thống iTunes. 

Có những bản nhạc trong album được iTunes chào bán với giá 1,38 USD so với mức giá thông thường là 0,99 USD. Một vị khách nước ngoài nán lại sau buổi diễn của Trí, chỉ để nói với anh rằng, cô con gái bé bỏng của chị đêm nào cũng đòi mở bản Trăng thu dạ khúc mới chịu ngủ. Đó chính là món quà quý báu với Trí Nguyễn, đồng thời là minh chứng thuyết phục, anh đã thành công trong việc để giọng đàn phong nhã, man mác mà không kém phần lãng mạn ấy cuốn hút và đồng hành cùng cuộc sống của người nghe.

Trí ngập ngừng hồi lâu, trước câu hỏi, đâu là điều khó khăn nhất khi đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với người Việt ở hải ngoại cũng như người nước ngoài. Nhưng rồi Trí cũng cho tôi câu trả lời: “Người Việt mình thiếu đoàn kết, cái tôi quá lớn và luôn thường trực nỗi sợ hãi người khác vượt trội hơn mình. Một cái khó nữa là, đa phần, những lễ hội do người Việt mình tổ chức thường mang tính hình thức, màu mè mà thiếu chiều sâu. Điều này dẫn đến sự ngộ nhận của người nước ngoài với văn hóa Việt. Người ta chỉ nghĩ đến món ăn và múa lân, múa quạt vui vui thôi”. 

Tôi thấy trong đôi mắt tinh anh, pha chút nghịch ngợm, thơ trẻ ấy ánh lên một nỗi buồn, nỗi cô đơn khó diễn tả thành lời. Cô đơn như chính bản ngã hay là sự mỏi mệt của nỗi trơ trọi?

Có lần, sau một buổi đứng lớp tại Việt Nam, Trí gọi cho tôi rất khuya, xúc động và rút ruột rút gan ra mà nói. Trí thẳng thắn dò hỏi mà cũng là đặt ra một câu hỏi rất lớn cho những người làm nhạc: “Nếu cách làm của tôi không thuyết phục, bạn có cách nào khác không? Tôi luôn tự hỏi rằng, nếu mình tiếp tục giữ cái nhìn bảo thủ thì âm nhạc dân tộc sẽ ra sao? Theo quan điểm của tôi thì mình chơi nhạc để chia sẻ, để người nghe cảm thấy “đáng đồng tiền bát gạo”, để biến hóa sao cho nhạc phát triển thêm, đến với nhiều người hơn mà vẫn giữ được ngón đàn và ngón nhún truyền thống chứ không phải để theo khuông. 

Và hơn ai hết, chính những người học nhạc, chơi nhạc phải có cái nhìn cởi mở. Nếu không thì một ngày nào đó, âm nhạc truyền thống sẽ vào viện bảo tàng mất”. Hình như, Trí đang cố nén một tiếng thở dài.

Giữa Chạp, giao mùa, tôi lại nhận được email của Trí, hẹn gặp tháng 2 này. Thời gian, san cát lâu rồi mà Sài Gòn vẫn hồn nhiên cốt cách mấy mùa xưa cũ.

Hoàng Hoài Hương
.
.