Nghệ sĩ Tấn Hoàng: Ba sinh một kiếp

Thứ Hai, 15/08/2016, 12:00
Rảnh của Tấn Hoàng là chừng khoảng mười mấy phút, vừa thở lấy hơi, vừa trang điểm, vừa tranh thủ nói chuyện. Sân khấu chuẩn bị kéo màn...

 

Tối thứ Sáu, sau giờ cơm, người người rủ nhau ra phố vui chơi, giải trí sau tuần làm việc mệt nhọc. Tấn Hoàng hộc tốc từ trường quay ở Gò Vấp về sân khấu kịch Sài Gòn. Mồ hôi chưa kịp ráo, bụng lép kẹp, anh rối rít xin lỗi: "Anh bận quay quá chừng, chỉ giờ này mới rảnh".

Rảnh của Tấn Hoàng là chừng khoảng mười mấy phút, vừa thở lấy hơi, vừa trang điểm, vừa tranh thủ nói chuyện. Sân khấu chuẩn bị kéo màn, Tấn Hoàng vẫn chưa lấy lại sức khỏe sau cú tiêm liều mạng chống viêm họng để lên sóng cho một cuộc thi.

1. Nhà Tấn Hoàng xưa thuộc dạng dư ăn dư để. Ba Tấn Hoàng sau mỗi lần xa nhà đều vác theo mấy bao tiền, người nhà đếm không kịp, bạn con sang chơi, kêu lại ngồi đếm phụ.

Là bởi, ráp các máy thực phẩm gia súc khắp trong Nam ngoài Bắc hồi ấy đều do một tay ba Tấn Hoàng thực hiện. Mấy anh chị em Tấn Hoàng hồi đó chẳng thiếu thứ gì. Ai cũng học hành giỏi giang theo nghề này nghề kia, tương lai xán lạn.

Riêng Tấn Hoàng bị mấy câu xàng xê cống sự bỏ bùa. 16 tuổi, trót mê quá, lại thi rớt lớp 9, Tấn Hoàng được ông cậu gởi vào đoàn Sài Gòn 2 đang diễn ở Cần Thơ. Lúc đó nào đã mộng mơ làm nghệ sĩ gì cho cam, tại cái máu của tuổi trẻ, mê chơi và khoái là làm cho kỳ được. Theo đoàn, ngày nào cũng được nhìn nghệ sĩ, nghe cải lương cho đã.

Ghe hát rày đây mai đó, Tấn Hoàng hồi ấy chưa có giọng, để có tiền sinh sống, anh được cho chân quân sĩ, kiêm nhiệm hậu đài. Mà cổ tích đâu phải bao giờ cũng xảy ra. Đâu phải ai theo gánh cũng được cưng chiều, thương tình chỉ dạy, đâu phải ai cũng may mắn thành đào thành kép nổi danh. Lương quân sĩ bèo bọt, có những ngày đói lả, Tấn Hoàng uống nước cầm hơi. Chịu không thấu nữa thì làm liều ăn quỵt.

Đận ghe xuống bến, thấy gánh bánh canh bốc khói nghi ngút, mùi nước lèo thơm phức, mùi hành, mùi tiêu,… cầm lòng không đặng, Tấn Hoàng kêu một tô. Ăn xong, Tấn Hoàng móc túi len lén để năm mươi xu trả tô bánh canh một đồng rồi chui xuống ghe trốn riết suốt hai ngày cho đến lúc đoàn nhổ ghe đi.

Ảnh: Khánh Vy.

Mười mấy năm sau, thành cây hài lừng danh, Tấn Hoàng trở lại bến sông xưa dò tìm nhà bà bán canh. Hỏi ra mới biết bà mất cũng đã lâu. Tấn Hoàng thắp nén nhang tạ lỗi, mắt ngùi ngùi ngó xa xăm. Chuyện xưa nhắc, mắt hoe hoe đỏ. Quên sao được những tháng ngày gieo neo khốn khó.

Cái đói, cái rét bám riết vào thịt da, thanh niên đang sức lớn không bị quật thì thôi mà dính một trận thì khó lòng ngóc đầu dậy được. Tấn Hoàng bệnh một trận thập tử nhất sinh ở Sóc Trăng, ráng hết sức biên thơ về cho má, không dám nói bệnh. Ngó thằng con trai quéo quắt vì sốt vì đói, nước mắt má lưng tròng, vừa giận vừa xót vừa thương, bắt về cho kỳ được.

Tấn Hoàng cứng đầu, nhất quyết không đi. Nghệ sĩ Diệp Lang hồi ấy thấy cảnh bảo: "Thôi, chị chăm nó ít bữa rồi lại cho nó theo đoàn. Chớ cái thằng nó mê cải lương quá, tội nghiệp nó! Ở đây cũng có anh em" .

Vậy là cái nghiệp thành hình, Tấn Hoàng theo làm "đệ tử" Diệp Lang. Mà nào có khá hơn. Phận quân sĩ bèo bọt, ít học bị sai vặt đã đành, còn bị mắng nhiếc, khinh rẻ. Hình như cái mặc cảm đó đeo bám Tấn Hoàng đến tận bây giờ, hay là vì anh yêu và say cái nghề này quá, đến độ chỉ cần được sống được thở cùng nó là anh mãn nguyện, những chuyện còn lại anh không cần biết đến.

Tấn Hoàng, ngay cả lúc danh tiếng lẫy lẫy lừng lừng vẫn không bao giờ biết cò kè chuyện thù lao giá cả. Bầu show nào kêu cũng gật, hỏi chớ mày lấy show này bao nhiêu? Tấn Hoàng cười cười, dạ chú/anh cho nhiêu cho. Tấn Hoàng nói nghe thương vô cùng: "Vậy chớ người ta trả cho mình toàn hơn mức mình có thể hình dung không hà".

2. Đời Tấn Hoàng "lên hương" khi nghệ sĩ hài Giang Thảo của đoàn Sài Gòn 2 phát hiện: "Chà, thằng này chân chất, nói câu nào duyên câu đó. Ngó bộ diễn hài được". Tấn Hoàng bảo, miếng hài của anh là nhờ học hỏi từ chú Tư Lượm.

Chú duyên lắm, nói câu nào khán giả cười câu đó. Giang Thảo rủ Tấn Hoàng phụ diễn với ông trước giờ mở màn. Quả tình, cái duyên chỉ đợi đến ngày phát tiết. Tấn Hoàng được cho lên học diễn. Khán giả vỗ tay như sấm, ai cũng háo hức coi cái thằng da ngăm ngăm mà duyên ơi là duyên ấy tên gì.

Rồi Tấn Hoàng theo vợ của nghệ sĩ Minh Vương đi diễn khắp nơi, từ cải lương, ca nhạc đến tấu hài; về nhóm hài của cố nghệ sĩ Kim Ngọc, sau đó nữa là đến Văn Chung, Duy Phương, Bảo Chung,… toàn những cây hài lừng lẫy thời đó. Hài tạm lắng, mỗi người một lối, Tấn Hoàng còn đang loay hoay thì được nghệ sĩ Phước Sang kêu về kịch Sài Gòn.

Cái duyên khởi nguồn từ chỗ thế vai cho nghệ sĩ Quyền Linh quá bận rộn với những chuyến đi trong chương trình “Vượt lên chính mình”. Số vai diễn thay mỗi lúc một nhiều, riết thành diễn chính luôn.

Cũng chính Phước Sang là người tin tưởng và thuyết phục NSND Trần Ngọc Giàu giao vai chính Hồn ma báo oán cho Tấn Hoàng diễn khi thầy còn do dự. Bây giờ thì Tấn Hoàng gần như là cái tên bán vé của kịch Sài Gòn, dù vai chánh hay phụ, già hay trẻ. Ngoài giờ ở sân khấu, phim nào cần, vai lớn nhỏ hễ kêu là Tấn Hoàng có mặt.

Tính đến nay, Tấn Hoàng đã tham gia cũng gần ba mươi phim. Tấn Hoàng thoạt nhìn tưởng là diễn viên có cũng được, không có thì kiếm người khác thế. Nhưng thiệt ra, vai nào Tấn Hoàng diễn thì người khác khó lòng thế được. Bởi Tấn Hoàng không đem vào đó kỹ thuật dù hơn ba mươi năm lăn lộn sân khấu, diễn cùng bao nhiêu người, mảng miếng và "thủ thuật" Tấn Hoàng dư sức rành rẽ.

Điều quý giá nhất là Tấn Hoàng vẫn diễn bằng niềm hăng say của thằng nhỏ 16 tuổi ngồi xe ròng rã hai ngày một đêm theo ghe gánh hát ngày nào. Diễn bằng năng lượng của tuổi trẻ và bằng sự nếm trải của một người đàn ông từng đi qua biết bao giông gió, hắt hủi, ghẻ lạnh và cả những giây phút hào quang của cuộc đời. Tấn Hoàng chọc cười khán giả, duyên đáo để.

Không cần cường điệu cử chỉ, không múa may quay cuồng, không cố tình thọt lét, không ồn ào lên gân, cứ điềm tĩnh mà nói, mà nhấn chữ, cũng chẳng cần đệm tiếng lóng, tiếng tục. Vậy mà "bỏ nhỏ" chỗ nào, khán giả cười rần, khoái chí vỗ tay chỗ đó! Thiệt điệu nghệ. Làng hài bây giờ không còn mấy người giữ được cái duyên ấy.

Nghệ sĩ Tấn Hoàng trong chương trình Tình  Bolero 2016.

3. Cải lương thử sức Tấn Hoàng thì bù lại cho anh một người vợ hiền như hột cơm cục đất. Là bạn cùng xóm, chơi với nhau từ thuở thiếu thời và lớn hơn anh hai tuổi, chị lúc nào cũng coi anh như đứa em trong nhà. Đùng cái anh nói tiếng thương, chị bỏ đi không thèm nhìn mặt. Tấn Hoàng trở lại đoàn, ráng học ca, giọng khá dần lên. Chị nghe buông câu vọng cổ thì xiêu lòng ưng về làm vợ anh.

Cũng không biết chị thương người hát câu vọng cổ mùi ơi là mùi hay tại tội nghiệp "cái thằng" mê cải lương chi mà mê dữ hổng biết. Chắc chị biết, ngoài cải lương ra thì Tấn Hoàng không màng thứ gì khác nên bao nhiêu năm anh lăn lộn, bôn ba với nghề, ăn đường ngủ sá chị chưa hề buông lời trách móc.

Hỏi đi nhiều gặp nhiều, có bao giờ… trót quên lời hẹn thề với vợ, Tấn Hoàng tình thiệt đáp: "Cũng có những lúc mình không còn là mình nữa nhưng nghĩ tới vợ, tới con rồi bây giờ là tới tụi cháu ở nhà thì mình thắng lại kịp. Mình lớn rồi, làm gì không đúng làm sao nhìn vợ nhìn con nữa hả em? Anh hay nói với vợ anh rằng, mình đã theo tui từ hồi tui còn là thằng Nguyễn Tấn Hoàng chưa có gì.

Bây giờ tui là Tấn Hoàng có chút danh phận mà phụ mình thì coi sao đặng. Mà vợ anh hiền và thương anh lắm. Chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì, chưa bao giờ hỏi anh kiếm được bao nhiêu tiền. Anh nhớ hoài lần đầu tiên vợ anh đi máy bay.

Bữa đó vợ anh ngồi chống tay lên cửa sổ, anh giỡn kêu mình để tay xuống đi không thôi hồi bị… giựt đồng hồ. Vợ anh giật mình để xuống liền, một hơi mới sực nghĩ là anh giỡn. Tự dưng lúc đó, anh thấy thương vợ anh quá chừng…".

Số Tấn Hoàng thiệt cực. Thời niên thiếu long đong theo nghề thì hiện tại vất vả bươn chải lo cho gia đình, hết con rồi đến cháu. Nhiều lúc nghĩ xót cháu, Tấn Hoàng rầy hai con: "Nhiều khi ba nghĩ ba chết thì không biết tụi bây làm sao".

Nói là nói vậy chớ ngó con thiếu trước hụt sau, ba mẹ nào không muốn bù đắp, vun xới. Thì đành, ráng lo được cho tụi nhỏ thêm chút nào hay chút đó. Tụi nó đâu có tội tình gì. Ruột thịt một khúc, đâu nói tiếng trước, tiếng sau buông được. Tấn Hoàng bảo: "Chắc tại cái số mình nó vậy", tỉnh queo như thể đó là chuyện hiển nhiên, là trách nhiệm của anh.

"Tôi không thương tiền. Đồng tiền ác, làm mình đau lắm. Tiền có rồi lại hết, rất phù du". Có ai kêu đi phim, diễn hài, hỏi thù lao định nhiêu, Tấn Hoàng lại tình thiệt đáp: "Dạ, chú/anh muốn cho nhiêu cho".

Hoàng Linh Lan
.
.