Nghệ sĩ Phi Phụng: Năm mươi… gặp vận

Thứ Tư, 05/10/2011, 15:11
Phi Phụng là nghệ sĩ hài, hẳn nhiên ai cũng biết. Phi Phụng có lối diễn tưng tửng, rất đặc trưng. Tối xem Phi Phụng diễn trong các vở kịch dài ở sân khấu Idecaf cười như lên đồng. Khuya, xem Phi Phụng vào vai trên màn ảnh tivi, cũng vui đến quặn ruột… Tên tuổi của Phi Phụng được bảo chứng từ vai diễn nhiều hơn là danh xưng "Con gái của một danh hài". Bố chị, là quái kiệt Phi Thoàn.

1. Ngồi với chị ở quán cà phê cóc trên đường Ngô Quyền, quận 10. Quán nằm ngay đầu con hẻm nhà chị. Chị nói, nhà bề bộn quá, chứ nếu không sẽ mời tôi vô chơi. Rồi chị tính sang năm xây lại căn nhà cho đàng hoàng với người ta, nhưng đang kẹt giấy tờ lung tung gì đó. Mấy năm nay, Phi Phụng chạy show nhiều, giới nghệ sĩ hỏi đùa: "Làm gì làm như chết vậy, bà?". Phi Phụng đáp: "Làm để dành tiền xây nhà chứ làm gì". Năm nay, chị đã quá cái tuổi "tri thiên mệnh".

Chị nói, ngày chị đội nón lá đi bán sữa chua dạo khắp chợ Nguyễn Tri Phương, bà thầy bói quen thân phán chị: "Đến năm 50 tuổi sẽ nổi tiếng". Chị cười, nói tỉnh bơ: "Vậy thì còn bảy năm nữa tui là ngôi sao. Ai xin hình thì tranh thủ xin trước". Dứt câu, lại tất tả đi bán tiếp. Vậy mà, đúng 7 năm sau, danh vọng đã tìm đến chị. Có cảm giác mọi thứ diễn ra cứ tự nhiên như mây trên tầng không, nước chảy xuôi dòng, gió qua tán lá… Nhưng, có gì là tự nhiên đâu.

Bố chị là quái kiệt Phi Thoàn. Phi Thoàn là tên tuổi lớn ở làng hài miền Nam, ngồi với chị Mỹ Chi, nghe chị nhắc đến nghệ sĩ Phi Thoàn mới biết Phi Thoàn lừng lừng lẫy lẫy đến mức nào. Còn ông đạo diễn kiêm nhà biên kịch thân với tôi, mỗi khi nói về Phi Thoàn bao giờ cũng nổi hứng hát về những câu hát "nhại" lời mà Phi Thoàn từng sáng tác.

Hầu như, ai cũng thuộc vài câu nhạc "nhại" của Phi Thoàn, đến mức, về sau rộ lên trào lưu cải biên lời bài hát trong các nhóm hài kéo dài cho đến bây giờ. Cũng cần phải nhắc lại rằng, nhạc cải biên của Phi Thoàn không phàm phu đến mức "Chiều mưa tàn tàn, tôi dắt cái xe Honda đưa tiễn nàng vô nhà hàng, nhìn xuống mé sông thấy một người đàn ông mặc xà rông. Đứng xa như đàn ông, lại gần hóa ra… thằng bóng".

Trước 1975, Phi Thoàn thống lĩnh làng hài tại Sài Gòn. Sau 1975, tên tuổi của ông vẫn không hề phai nhạt. Tuy nhiên, nổi danh là một chuyện, còn giàu hay không lại là chuyện khác. Ở Sài Gòn, Phi Thoàn diễn nhiều đến khản giọng ở các tụ điểm, rời Sài Gòn lại rong ruổi ở các vùng miền, về đến nhà gặp mặt vợ là… có thêm con. Chập chập cheng cheng, hai vợ chồng ông có cả thảy 7 mặt con, Phi Phụng thứ tư.

Thuở nhỏ, gia cảnh khó khăn, Phi Phụng cùng hai anh chị em khác được mẹ gửi ra Đà Nẵng ở với dì ruột. Hỏi chị là những ngày ở Đà Nẵng, có gì vui không? Chị trả lời, sướng nhiều mà buồn cũng lắm. Nhà dì chị có của ăn của để, sáng xích lô trờ đến chở tới trường, trưa xích lô quay đầu xe chở về nhà. Dì cưng chị như cưng trứng mỏng. Nhưng mà, nhớ gia đình, nhớ mấy em chịu không thấu, nước mắt tuôn như mưa. Lớn xíu, chị được đưa trở lại Sài Gòn cho đến ngày nhiều biến cố xảy ra.

Sau khi thống nhất đất nước, chị theo bố đi diễn. Trong ký ức chị, ông là người khó tính. Có chuyện diễn cảnh ngất xỉu, mà không biết ông đã đánh chị biết bao nhiêu lần. Mà có lẽ cũng nhờ vậy, về sau này, Phi Phụng nhập vai nhanh hơn.

Ông có cách dạy con cũng ngộ. Một đứa có lỗi là bắt cả bảy đứa nằm sấp xuống nền nhà đánh luôn một lượt. Xưa, cái hẻm nhỏ nhà chị là hẻm làm bong bóng. Ông cấm tiệt mấy anh chị em Phi Phụng thổi bong bóng vì sợ con mình bị bệnh quai bị.

Trẻ con ham chơi, cãi lời bố nên tranh thủ lúc đi diễn, mấy anh chị em nhào sang xưởng làm bong bóng phụ việc, vừa có tiền, vừa có bong bóng thổi chơi. Trước khi ông về, thì bấm tay nhau có mặt ở nhà trước. Bong bóng ngày xưa, màu sắc lem nhem, môi miệng thì lau được, chứ màu bong bóng bám vào quần áo thì biết giấu vào đâu. Lộ chuyện, lại bị đánh. Cứ vậy suốt.

Sau này, Phi Thoàn có thời gian được con bảo lãnh sang Mỹ. Nhưng, sống ở Mỹ được một năm thì ông về lại Việt Nam và mất. Ông về Việt Nam cũng đơn giản thôi, bên đó buồn, không biết chơi cùng ai. Dẫu, với những gì còn sót lại trong ký ức của những người đang định cư bên đấy, show diễn của ông cũng nhiều.

2. Có thời, Phi Phụng đi hát ở quán bar. Chị nói, thì khó khăn, mấy chị em nghệ sĩ khác rủ đi hát thì cũng hát. Hát đủ thể loại, từ nhạc trẻ, nhạc xưa cho đến cải lương và cả.. hồ Quảng. Hát được một thời gian thì theo bố đi diễn. Tình thật thì chị không thích diễn hài, chị chỉ thích làm ca sĩ, mê nhất là dòng nhạc dân ca. Nhưng có khi, tổ nghiệp đã chọn cho nghiệp nào thì phải đeo theo cái nghiệp đó.

Đang diễn, đùng một cái, Phi Phụng nghỉ ở nhà sinh con. Nói là đùng một cái vậy thôi, chứ mọi thứ cũng có lớp lang của nó. Ngày trước, chị đi hát, người ta thích giọng mà mến luôn ca sĩ, nhưng duyên số chưa gõ cửa. Cho đến khi có anh bộ đội phục viên là bạn của anh rể chị về nhà chơi, chạm mặt nói những câu chuyện xã giao. Xong câu chuyện xã giao, yêu nhau lúc nào không biết. Vậy là thành chồng thành vợ.

Thời điểm Phi Phụng sinh con, chị nghỉ hẳn nghề ở nhà làm việc lặt vặt. Buồn tay buồn chân, nghĩ ra chuyện làm sữa chua kiếm thêm thu nhập. Đang bán ngon trớn, thì gặp nghệ sĩ Phú Quý, Phú Quý hỏi chị: "Đi diễn không?". Chị đáp: "Có". Vậy là ghép nhóm đi diễn chung. Diễn được ít lâu thì chị ghép nhóm với Thanh Tùng, Phương Dung… Chị diễn duyên, nên ai cũng thích.

Nghệ sĩ Trung Dân gặp chị, nói: "Bên Idecaf thích chị quá. Chị về diễn nha". Rồi nghệ sĩ Thành Lộc gọi điện thoại rủ rê, chị về Idecaf năm 2003. Chỉ sau vở kịch dài Phép lạ, Phi Phụng đã đóng đinh tên tuổi vào lòng khán giả. Người ta cứ xôn xao vì không biết cái bà mập mập thấp người đấy là ai mà diễn duyên đến vậy… Chị theo nghề lại từ đây.

Đến khi bộ phim truyền hình dài tập Cái bóng bên chồng và chương trình Trên vườn dưới ruộng của nghệ sĩ Trung Dân trình làng thì Phi Phụng đã có chỗ đứng vững chắc trong làng hài thành phố.

Chị kể thêm về nghệ sĩ Phi Thoàn nghe thương lắm. Thời điểm, chị làm kế toán cho đoàn Bông Hồng, nơi bố chị là diễn viên trụ cột. Tính chị xuề xòa, lại làm cái nghề cần phải cẩn trọng, nên chẳng biết thế nào lại thất thoát của đoàn hát đến 800 nghìn đồng. Đó là số tiền rất lớn, vì cát sê cho mỗi đêm diễn của Phi Thoàn cũng chỉ dừng lại ở con số hơn 20 nghìn đồng/đêm.

Đương nhiên, chị bị cho nghỉ việc ngay lập tức. Còn về phía Phi Thoàn, ông phải diễn để trừ dần số nợ mà con gái mình gánh chịu. Về nhà, hai bố con gặp nhau, ông không hề cất tiếng trách móc hoặc hỏi con gái mình một lần về số tiền trên. Bởi ông hiểu, tính của Phi Phụng, chị không có cái tính tư lợi cho riêng mình.

Sau cái đận làm mất tiền của đoàn hát, chị xin đi học nghề may. Mới học hành được ít lâu thì lại có người đến nhờ về làm nhắc tuồng cho nghệ sĩ. Nhớ sân khấu, chị lại đi. Nhắc tuồng, có lẽ là khâu ít người nhận nhất trong êkíp diễn. Người nhắc tuồng chỉ đứng sau cánh gà, ngóng ra sàn diễn xem nghệ sĩ ngắc ngơ chỗ nào thì nhắc để nghệ sĩ nhớ mà diễn cho trơn tru.

"Thương quá, em ha. Vậy mà khi chị có chút tên tuổi, diễn kịch dài thì ba chị đã mất. Ông có xem được vở diễn nào của chị đâu. Tối ông nằm dưỡng bệnh ở nhà, cố thức chờ chị về. Gặp chị, chỉ để hỏi: "Sân khấu, hôm nay có gì vui không con?". Chị trầm ngâm.

3. Mỗi đợt diễn sau Tết, sân khấu Idecaf thường tổ chức cho anh chị em nghệ sĩ đi chơi nước ngoài để xả hơi. Kinh phí do Idecaf tài trợ một nửa, nửa còn lại ai có tiền thì đóng, ai cần dành dụm thì sẽ trừ cátsê sau. Đi gần gần thôi, kiểu Singapore hay Thái Lan. Phi Phụng cũng làm hộ chiếu… Nhưng, hết hạn cái hộ chiếu đầu tiên có thời gian 5 năm, cho đến cái hộ chiếu thứ hai có thời hạn 10 năm mà hộ chiếu chị vẫn trắng bóc, chưa hề đóng dấu mộc xuất cảnh lần nào. Không phải chị không muốn đi cho biết đây biết đó, mà là chị cần phải dành dụm để lo cho gia đình.

Ngay cả như bây giờ, khi đã có tên tuổi, chị vẫn bán sữa chua đấy thôi. "Chắc hôm nào, chị cũng phải đi Campuchia du lịch một chuyến, hén em. Chứ để cái hộ chiếu trắng bóc hoài kỳ quá", chị đùa.

Tính chị bình dân, bình dân từ vai diễn chị thủ, cho đến ngoài đời sống. Chứng kiến cảnh chị nhiều chuyện với láng giềng khi ngồi trả lời phỏng vấn tôi thì biết.

Quan niệm sống của chị cũng ngồ ngộ: "Vậy nè em, chị ít khi nhìn lên lắm. Với chị, bây giờ là hạnh phúc lắm rồi. Đời sống trúc trắc mà, cứ lạc quan đi, bi quan làm gì, chuyện nào đến rồi cũng đến mà".

Hỏi chị là chuyện gì chị sợ nhất, chị trả lời: "Chị sợ đóng vai bi lắm. Hồi diễn vở Người tốt nhà số 5 có cảnh hai vợ chồng ly dị, chị đóng vai vợ nên phải khóc. Mà cứ đứng đực mặt ra hoài. Sợ nên vừa diễn vừa phải vái ba chị có gì phò hộ. May mà cũng xong. Giờ thì chị khóc ngon lành rồi. Nhưng vẫn thích đóng vai hài hơn".

Hôm quay phim ở bến xe miền Đông, chị bị ông bán báo cự. Cự vì lý do rất đơn giản, có phóng viên nào đó phỏng vấn chị qua điện thoại, xin hình ảnh. Chị đợi hoài mà  không thấy có hồi báo rằng báo đã ra chưa. Sẵn quay phim ở bến xe gần sạp báo, chị tranh thủ đọc ké trước khi mua vài tờ. Ông bán báo không hiểu, thấy chị săm soi báo hoài nên bực mình, cự luôn...

"Rồi chị trả lời sao?". "Trả lời gì em, thì mua vài tờ báo cho ổng khỏi cự nữa chứ sao", chị cười.

Nhớ là khi ngồi trao đổi với tôi, chị không trang điểm. Chào nhau ra về, tiễn tôi xong, chị nhanh chóng vào lại quán cà phê để buôn dưa lê với người hàng xóm bị đau thần kinh tọa.

Vẫn dáng đi tất tả của người phụ nữ quen bán sữa chua dạo…

Ngô Kinh Luân
.
.