Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong tiếng sóng saxophone

Thứ Sáu, 01/01/2016, 09:39
“Đừng giới thiệu tôi là anh trai Duy Mạnh nhé, không cần nhắc đâu. Tôi không dựa vào thằng em để lấy tiếng cho mình” - Nguyễn Ngọc Tuấn thường nhắc mọi người như thế trong những lần gặp gỡ.

Chơi với anh mới hiểu, anh tự hào thầm lặng về em trai, về việc 4 anh em đều được cha đầu tư cho học âm nhạc và thể thao từ nhỏ, khi mà xã hội còn chiến tranh, thiếu thốn...

Nguyễn Ngọc Tuấn không bao giờ nhận mình là nghệ sĩ saxophone chuyên nghiệp dù anh xứng đáng với danh xưng này, nhất là giữa bối cảnh văn nghệ lắm nhiễu loạn với những ảo giả, kẻ tự phong, háo danh, vĩ cuồng, ngộ nhận. Thử thách đã khắc nghiệt buộc anh phải lựa chọn: không thể chỉ lao động âm nhạc khi muốn một đời sống sung túc cho gia đình.

Được đào tạo bài bản và đã sống bằng nghề nhạc công đúng nghĩa, song vợ chồng Nguyễn Ngọc Tuấn - Hoàng Phương Nhi đã ngoặt sang kinh doanh như cách để có thể nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc, truyền tiếp ngọn lửa ấy cho con trai. Họ không muốn một tư thế nghệ sĩ úi xùi khổ sở vật lộn áo cơm, theo nghề trong sự ca thán. Họ muốn giúp cho nhiều người và có năng lực để sở hữu và giữ lại nhạc cụ, tác phẩm hội hoạ đẹp đẽ. Tuấn doanh nhân, Tuấn nghệ sĩ, Tuấn nhà sưu tập tranh và đơn giản là Tuấn Maxim.

Một cái tên nổi tiếng ở thành phố Cảng Hải Phòng. Những sở hữu vật chất và bộ sưu tập  giá trị không  làm Ngọc Tuấn sung sướng bằng việc mỗi lần cầm cây kèn tập luyện hằng ngày, thổi cho bạn bè và các sự kiện lớn, lên sân khấu. Phong thái trẻ trung với hình thể tráng niên, Nguyễn Ngọc Tuấn là doanh nhân - nghệ sĩ gây bất ngờ phức hợp với cuộc sống tưởng bình ổn nhờ cơ ngơi kinh doanh có tiếng ở Hải Phòng nhưng lại đầy bất ngờ bởi âm nhạc. Tôi chưa gặp nghệ sĩ nào yêu thể thao bằng ý chí bền bỉ như thế.

Giới âm nhạc và công chúng Hải Phòng, Hà Nội vẫn gọi anh là Tuấn Maxim, bởi anh là chủ nhà hàng khách sạn Maxim, 3K Lý Tự Trọng, quận Hồng Bàng - địa chỉ quen của văn nghệ sĩ và người mộ điệu. Biệt hiệu, nghệ danh này có từ hơn 30 năm trước, thuở hàn vi anh chơi nhạc tại nhà hàng Maxim (13-15-17 Đồng Khởi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Maxim từ 1925, là nhà hàng - câu lạc bộ - vũ trường lâu đời và uy tín bậc nhất Sài Gòn. Nguyễn Ngọc Tuấn (1961) vừa học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh vừa làm thêm. Trưởng ban nhạc là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nhận ngay Tuấn vào làm, thay cho nhạc công kèn đi Mỹ, chỉ sau khi Tuấn chơi bản Love story.

Nguyễn Ngọc Tuấn chơi kèn tại khai mạc triển lãm tranh Tam Bạc, sự kiện lớn của giới mỹ thuật, hội tụ hoạ sĩ 4 thành phố, 31/10/2015.

Đúng là định mệnh, chuyện tình của anh tại Maxim là tình yêu lớn cuộc đời. Tại đây, anh gặp hoa khôi nhạc viện Hoàng Phương Nhi (1967), là học trò cello của nghệ sĩ Thuý Lan (mẹ của violin Bùi Công Duy). Họ chơi nhạc mỗi đêm, lúc thì ở vũ trường trên lầu, lúc thì dưới nhà hàng. Sau 6 năm, đến 1990, họ làm đám cưới, mua nhà ở quận 8.

Bây giờ Tuấn đã là chủ của Maxim HP, nhà hàng khách sạn của anh chị không chơi nhạc mỗi tối mà đầy âm nhạc. Với thành phố công nghiệp không có một gallery mỹ thuật như Hải Phòng, thì nơi để nghe nhạc cổ điển, thính phòng dù chỉ từ dàn âm thanh chuyên nghiệp của Nguyễn Ngọc Tuấn hay những buổi hoà nhạc nhỏ của vợ chồng anh là hiếm. Bởi hiếm nên đây là địa chỉ đỏ của những nghệ sĩ nổi tiếng cả nước mỗi khi đến Hải Phòng. Đến với Tuấn Maxim để nghe, chơi nhạc, thưởng thức bộ sưu tập tranh đáng giá, được lặng thầm ngồi ngắm bà chủ xứng đáng Hoa hậu quý bà đất cảng, và lại được chủ nhà đẹp đôi, hiếu khách, phóng khoáng, hiểu biết nghệ thuật, còn gì bằng!

Trong 10 tình khúc của album Vol 1 anh chọn 1 tác phẩm của em trai út - Duy Mạnh, một ca sĩ, nhạc sĩ sớm thành đạt và thành quả Mạnh gặt hái là xứng đáng bởi được đào tạo bài bản tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, chơi điêu luyện piano và saxophone sopprano và thường xuyên đi du diễn nước ngoài, nhất là Mỹ. Các con của Duy Mạnh được học nhạc từ bé, cháu gái 15 tuổi đã chơi những bản nhạc khó dành cho piano. Đại gia đình Ngọc Tuấn - Duy Mạnh lên sân khấu biểu diễn là một dự định khả thi ở tương lai gần.

Cuộc sống là sự dịch chuyển. Ngọc Tuấn quảng giao, anh đông bạn đều là tên tuổi nổi tiếng trong giới nghệ thuật. Anh vững chãi và giữ được cân bằng cuộc sống nhờ tình yêu đặc biệt với âm nhạc, hội hoạ và sự cập nhật từ bạn bè khắp nước. Tuấn thường có những chuyến đi dài ngày qua nhiều tỉnh. Đấy là tích hợp trải nghiệm để tiếng kèn sâu lắng hơn, hay hơn. Sự hay ấy không nhằm đua chen danh vọng trong giới showbiz mà là lý tưởng sống: kiếp người phải có sự phấn đấu tối đa cho một lựa chọn bằng khổ luyện, đam mê trong sáng.

Tháng Tư vừa qua, anh đã vào Quảng Bình viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi sang Lào đến Luang Prabang, Vientiane. Anh mới có chuyến đi dài từ 5/12 tới Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Bến Tre, Cần Thơ, lễ Bà chúa Xứ ở Châu Đốc An Giang, ra Vũng Tàu, sang Campuchia 4 ngày. Anh đi xe tuktuk trở lại sân vận động Olympic từng được coi là lớn nhất Đông Nam Á, nơi anh từng diễn cùng đoàn xiếc Long An; trở lại nơi cùng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 diễn năm 1992, không thể vào vì khách sạn đang sửa chữa.

Tuấn hiểu về ý nghĩa không gì lặp lại hai lần trong triết học, nên mỗi lần gặp ai mà anh đã mến yêu, thì bao giờ cũng là sự trân trọng, ân tình. Tối 21/12, anh gặp Duy Mạnh vừa đi diễn ở Huế vào, rồi thăm nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Quốc Dũng, saxophonist Trần Mạnh Tuấn... Kín lịch vì bạn bè quá đông, tình thì đầy theo tháng năm mà người thì dần vắng. Đến cuối tháng 12, Tuấn trở lại Hải Phòng.

Hải Phòng thời chống Mỹ từ cuối thập niên 60, người cha treo bao cát bắt các con tập quyền Anh để rèn sức khỏe, 4 giờ sáng chạy thể dục quanh vườn hoa, mua kèn clarinet cho Ngọc Tuấn tập năm 1974, tiền mua kèn bằng tiền căn nhà thì đủ thấy sự “khác biệt” của một gia đình khá giả nơi thành phố thợ thuyền. Cha anh, ông Nguyễn Thanh Tâm (1933-2012) - dân miền Nam tập kết, lấy mẹ anh và gắn bó với Hải Phòng đến lúc ông mất cách đây 3 năm. Sau 1975, ông vào Nam, Ngọc Tuấn và Ngọc Hùng (1963) vào theo cha. Thanh Cường (1961), Duy Mạnh ở lại Hải Phòng với mẹ vì bà không chịu vào.

Năm 1990, mẹ anh và Duy Mạnh vào Sài Gòn dự cưới Ngọc Tuấn, anh đã giữ em út lại và chị dâu thì dẫn em vào theo học Nhạc viện, học piano, kèn và sáng tác. Duyên mệnh sau đó nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai Nguyễn Ánh 9 cũng chỉ nhận dạy duy nhất Duy Mạnh. Dấu ấn định hướng của cha thành con đường đời. Thanh Cường hiện là chủ City bar, 27 Hoàng Văn Thụ, tập tạ mỗi ngày. Ngọc Hùng quản lý nhà hàng Maxim 51 Điện Biên Phủ, thích chơi bóng đá, tập võ. Nhà hàng nào cũng đều chọn nhạc hay và có ban nhạc chơi mỗi tối.

Năm 1998, vợ chồng Tuấn rời Sài Gòn. Phương Nhi người Hà Nội, vào Nam từ nhỏ nhưng vẫn nói tiếng Bắc, theo chồng về sống ở Hải Phòng. Họ mở quán Maxim ở 51 Điện Biên Phủ và đến khi có khách sạn thì nhường lại cho anh cả, quán vẫn duy trì nhạc hoà tấu hằng đêm. Không có sân khấu để chơi nhạc đều đặn, thèm biểu diễn, anh từng đầu tư 4 tỷ làm sân khấu ca nhạc Biển gọi tại 31 Điện Biên Phủ. Buồn thay, Hải Phòng nơi dân chúng nổi tiếng yêu văn nghệ một cách máu lửa lại chỉ thích đến nhà hát, bar xem những chương trình có “sao” chứ không quen mô hình tụ điểm âm nhạc như Sài Gòn nên anh đã mất trắng số tiền đầu tư này. Sân khấu đã thành siêu thị Intimex.

Đến 2002, Ngọc Tuấn mới mua được ngôi nhà 40m²/4 tầng, bây giờ anh đang ở, kề bên khách sạn Maxim (từ 2006), 9 tầng, 32 phòng, nhà hàng sang trọng nội thất và cả ở dàn đèn chiếu cho thực khách thưởng lãm tranh. Yêu âm nhạc, biết sống thực tế, nắm bắt cơ hội, dù thiếu tiền phải bán kèn. Nhờ lấy thêm bằng cử nhân kinh tế, Phương Nhi vận dụng kiến thức và duyên kinh doanh để thành phụ nữ tay hòm chìa khóa giỏi giang. Con trai đầu của họ, Nguyễn Ngọc Thiện được bố mẹ cho sang Úc du học từ lớp 8. Cậu út Nguyễn Hoàng Phúc (2002) được bố đầu tư cho học piano từ năm 10 tuổi. Anh lên kế hoạch cho con học đàn đến 18 tuổi rồi tự chọn nghề nghiệp.

Anh Tuấn khẳng định: muốn tập thể dục thể thao đều, cần ý chí. 15 năm nay anh giữ được hình thể 1m70/70kg. Sự hào sảng, chân thành của anh đã khiến nhiều nghệ sĩ tiếng tăm quý mến. Họ gọi anh là “người chơi đẹp”. Nhiều triển lãm tổ chức tại HP những năm gần đây, họa sĩ (HS) Đặng Tiến mời những cây cọ nổi danh ở Hà Nội về tham gia, đều có vợ chồng Ngọc Tuấn - Phương Nhi đồng hành tài trợ. Các HS không ai nghèo nhưng Tuấn luôn niềm nở mời anh em lưu trú miễn phí. Cảm mến anh, nhiều HS đã tặng anh tác phẩm. Anh có tranh của Nguyễn Hà (1933) - HS lão thành của Hải Phòng, tuổi 83 vẫn sáng tác; tranh của Lê Đại Chúc, Chu Hoạch, Đinh Quân, Doãn Hoàng Lâm, Đào Thành Hưng, Võ Tá Hùng, Vũ Quý, Phương Bình, Đặng Tiến, Hoàng Phượng Vỹ, Phan Tuấn, Vũ Nghị... Rộng lòng hào hiệp, vợ chồng Tuấn - Nhi sống theo thuyết nhân quả. Chị đọc Kinh mỗi ngày. Anh chị coi việc giúp đỡ, ủng hộ được ai đó là niềm vui, giống như thuở mới lấy nhau, họ được gặp những người tốt.

Ngọc Tuấn đã đi gần khắp đất nước Việt Nam, chỉ còn thiếu Lai Châu và Cao Bằng là đủ hết chấm son trên bản đồ chữ S. Năm 2014, anh vào TP. Hồ Chí Minh và tham gia cuộc đua cùng vận động viên chuyên nghiệp trên xa lộ Đông Tây 30km và về đích top đầu. Sống trong môi trường nhiều cám dỗ, anh không hút thuốc lá, uống rượu bia khỏe nhưng không để say.

Buổi sáng anh dùng café, trà; nếu gặp bạn bè thích dùng wisky, nhưng không uống và chơi phá sức. Khi có những sự kiện hay ở Hà Nội anh lại lái ôtô Fortuner đưa vợ lên xem rồi về luôn trong đêm, nếu ở lại uống với bạn thì lượt về để vợ lái. Mỗi đêm, đọc sách trước khi ngủ. Thính giác của gia đình anh được nuôi dưỡng và gìn giữ bằng âm nhạc. Anh ưa nhạc cổ điển, nhạc quốc tế và rất muốn chơi jazz, “Tiếc rằng ở HP không có đất cho jazz phát triển, muốn biết trình độ nhạc đến đâu, chơi jazz sẽ lộ ra ngay. Ở đây, cũng không dễ tìm ai đệm về jazz, muốn chơi jazz phải có người đệm”.

Nhà và khách sạn của anh hiện hữu hoa tươi, anh thích hoa hồng và cả hương xì gà Cuba, hút pip để ngửi là chính. Anh có những chiếc kính Raban, Cartier đeo vào trông cực bảnh trai và tủ giày Adidas. Khi anh đóng bộ giày, đội mũ bảo hiểm hiệu, nhấc bổng chiếc xe từ nhà ra đường, ngồi lên xe, thì đấy là tinh thần của vận động viên nhà nghề. Ngọc Tuấn quan niệm: “Tôi yêu cái đẹp, đẹp là phải có sức khỏe, một cô gái dù dung nhan kiều diễm đến đâu mà yếu ớt thì không thể đẹp”.

Ngọc Tuấn thích xem chương trình thể thao về đua xe đạp, anh dư sức đoạt giải nhưng nhất quyết không tham gia các cuộc thi vì cảm thấy hầu hết nó có những điều không minh bạch. Nếu hứng, anh đạp xe rất xa. Một lèo đến Yên Tử (50km/lượt) lên chùa Đồng thắp hương rồi quay về luôn, ra Hạ Long, Thái Bình (70km/lượt), quay về ngay là chuyện thường. Đạp xe lên Hà Nội không là vấn đề.

Tiếng kèn của Nguyễn Ngọc Tuấn chất chứa những năm bôn ba hàn vi, trầm luân cuộc sống. Nó là hơi thở, nhịp tim, những đồng vọng bản ngã mà anh khiêm nhường đặt tên Những giai điệu cuộc sống. Anh có thể thổi nhiều giọng kèn, riêng với album đầu tay này thì thổi giọng tenor với: Biển nhớ, Hạ trắng, Một cõi đi về (Trịnh Công Sơn), Khúc thụy du, Anh còn nợ em (Anh Bằng), Định mệnh (Song Ngọc), Dĩ vãng cuộc tình (Duy Mạnh), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Phút cuối (Lam Phương), Tôi đi giữa hoàng hôn (Văn Phụng).

Năm 2014, Tuấn đã vào Sài Gòn để thu âm hai lần cho bằng ưng ý, đầu tư 100 triệu làm 1.000 đĩa CD, giờ tặng bạn bè anh vẫn nói chưa ưng ý hoàn toàn. Chúng đâu chỉ là giai điệu, đấy là một bản giao hưởng của đời anh và thế giới này qua sự thẩm thấu của một tâm hồn thức nhạy với cái Đẹp. Kèn là hiệu lệnh, tâm thức của Nguyễn Ngọc Tuấn với sự quyến rũ của âm thanh trau dồi hơn 40 năm vẫn mong đạt đến sự tuyệt kỹ, là đòi hỏi khắt khe nhưng gạn lắng kiếm tìm và kiến tạo thế giới bằng âm nhạc.

Vi Thùy Linh
.
.