Nghệ sĩ Nguyễn Hậu: Nụ cười quen lồng lộng mây trời

Thứ Bảy, 22/08/2015, 04:03
Sài Gòn, gió lồng lộng áo mỏng nên hiếm khi được nhắc với những trầm tích, với những ô cửa xanh, mảng tường vàng đầy rêu. Những gì thuộc về Sài Gòn, rất nhiều người tìm tòi, lý giải, chung quy gói gọn trong mấy từ: phóng khoáng, ít kiểu cách. Cái tính ấy ăn sâu vào hồn cốt, cứ thế mà tỏa ra trong cách sống, cách nghĩ của bao lớp người, dẫu nương náu, lập nghiệp hay chỉ đến Sài Gòn rồi đi. Ngồi với nghệ sĩ Nguyễn Hậu, bất giác tôi nhớ đến một Sài Gòn hoa lệ mà dung dị, hào sảng và phóng khoáng trong những bức ảnh cũ, những trang sách tôi đã đọc…

1. Chuyện với nghệ sĩ Nguyễn Hậu, rất thú. Phần vì trí nhớ đến độ phi thường của ông, người nào, việc gì, ở đâu, Nguyễn Hậu có thể vanh vách kể. Chỗ nào ngại không chính xác (mà Nguyễn Hậu cực kỳ cẩn thận điều này) thì khoan khoan, để lục tư liệu coi. Phần còn lại, nhỉnh nhiều hơn là ở kiểu chuyện trò rổn rảng, thiệt tình. Khơi chuyện cũ, lâu lâu khoái chí, Nguyễn Hậu vỗ đùi hoặc đập bàn, cười sang sảng. Nguyễn Hậu ốm hơn nhiều sau đợt bạo bệnh, giờ ăn uống phải kiêng khem đủ thứ.

Vừa dứt chuyện hỏi thăm sức khỏe, ông “cảnh cáo”: “Thôi viết cái gì mới mới nghen, suốt ngày bịnh tật với chuyện ở nhà thuê, nhà mướn, nghe thảm quá!”. Hỏi, vậy cuộc sống chú ổn nhiều chưa? Ông tình thiệt: “Ổn, giờ ở nhà thằng cháu. Nó cho ở luôn, lúc nào chết thì thôi!”. Chuyện cũ của Nguyễn Hậu, quanh đi quẩn lại, là chuyện phim ảnh - ông dành cả đời mê mải, tận hiến. Thường thì, viết về nhân vật, người ta cố tách bạch, chuyện đời và chuyện nghề. Với Nguyễn Hậu, đó là điều bất khả.

Nguyễn Hậu sinh ở Sa Đéc. Thuở nhỏ, ông thường được các anh chị dắt ra thị xã coi phim. Hôm nào má không cho đi thì rình lúc má không để ý, lội bộ hơn cây số, đứng ngẩn ngơ rồi năn nỉ các cặp đôi cho vô coi ké. Riết tên diễn viên, thoại phim, Nguyễn Hậu thuộc làu làu. Lần hồi, má của Nguyễn Hậu biết chuyện, đánh mấy trận nhừ tử, vẫn không bỏ được. Gia đình Nguyễn Hậu thuộc bề gia giáo, anh chị em trong nhà ai học hành cũng giỏi giang nên ba má ông không mấy thiện cảm với nghề diễn.

Năm Nguyễn Hậu 14 tuổi, ba ông được rút lên Sài Gòn làm ở nha học chánh, cả nhà ông khăn gói lên theo. Tưởng là cắt cơn nghiền phim của thằng con, ai dè, đi học, Nguyễn Hậu ngồi kế con trai ông chủ hãng phim Li Dac, khi ấy đang sản xuất các phim như Nhà tôi, Xóm tôi, Hoa mới nở,… Cậu bạn này bèn rủ Nguyễn Hậu đi đóng vai quần chúng trong Hoa mới nở, Xóm tôi (1972).

Trời xui khiến, Nguyễn Hậu luyện thi tú tài cùng lớp với con gái cố đạo diễn Bùi Sơn Duân (Lam Sơn). Một lần, theo bạn về nhà chơi, biết ba của bạn là đạo diễn, Nguyễn Hậu đu theo hỏi miết. Nguyễn Hậu vốn sáng dạ, trí nhớ tốt, đạo diễn hỏi 10 phim thì hết 8, 9 phim Nguyễn Hậu đã xem và tận tường chi tiết! Đạo diễn choáng, bèn hỏi thêm con, biết thằng nhỏ mê phim nên hay giảng giải này kia cho nghe. Bùi Sơn Duân trở thành thầy và cũng là người thay đổi cuộc đời Nguyễn Hậu. 

Năm Nguyễn Hậu rớt tú tài 2, chính ông chạy lo giấy quản dịch, rồi cho Nguyễn Hậu vô Việt Ảnh Film học nghề, có trả thù lao hẳn hoi. Năm 1974, Nguyễn Hậu có vai diễn đầu tiên - một thủy thủ trẻ - trong phim Hải vụ 709, hợp tác với Thái Lan. Nguyễn Hậu cười: “Dường như, phim ảnh là cái nghiệp của chú!”.

2. Sài Gòn giải phóng, Nguyễn Hậu theo má về quê ngoại, miệt Vĩnh Long, đúng lúc đoàn Ca múa nhạc Cửu Long tuyển diễn viên, Nguyễn Hậu đăng ký thử và là một trong 8 gương mặt được chọn. Sau thời gian xếp ghế, giăng dây, bán vé và hàng loạt công việc hậu đài, Nguyễn Hậu được nghệ sĩ Việt An và nghệ sĩ Chí Công giao vai diễn kép vừa vợ vừa chồng trong vở tấu hài Cương quyết ra đi. Một lần diễn thử và một lần ráp sân khấu, Nguyễn Hậu nhanh chóng tạo tiếng vang và mang về Huy chương Bạc cá nhân tại Liên hoan các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Tính Nguyễn Hậu nghiêm khắc, thấy chuyện gì không được là nói liền, lại có tài và chịu khó nên sau 4 năm len lỏi khắp vùng sâu vùng xa, ông được cất nhắc lên làm đội trưởng đội kịch, rồi kiêm chỉ huy biểu diễn. Thế nhưng, trong những tháng ngày đó, Nguyễn Hậu thèm… Sài Gòn. Sài Gòn là hy vọng mà cũng là nỗi nhớ. Sài Gòn là tình nhân mà trong trái tim cô tình nhân ấy, Nguyễn Hậu say đắm tình nhân… phim ảnh.

Năm 1982, đạo diễn Bùi Sơn Duân làm Chiếc vòng bạc. Nguyễn Hậu vào vai thổ phỉ K’ Nhin ra dáng và diễn rất chắc tay. Bùi Sơn Duân bấy giờ đưa cho Nguyễn Hậu tấm ảnh chụp cùng với 3 người bạn diễn, bảo: “Con nhìn xem, bạn diễn của con, người vạm vỡ, người đẹp trai, con có gương mặt sáng nhưng không bắt hình, lại nhỏ con nên phải ráng quan sát, học hỏi đóng sao cho đa dạng”. 

Lời của thầy, trở thành kim chỉ nam định hướng cho Nguyễn Hậu. Ai cũng bảo ông không đẹp trai mà diễn vai nào ra vai nấy, ngọt vô cùng. Sau Chiếc vòng bạc, Nguyễn Hậu lần lượt xuất hiện trong nhiều phim lớn như Ông hai Cũ, Con gái ông thứ trưởng, Đêm săn tiền/ Chiều sâu tội ác, Lục Vân Tiên, Ân oán nợ đời (phỏng theo Chúa tàu Kim Quy),… Đa phần là vai phản diện.

Quá mê điện ảnh, Nguyễn Hậu khước từ mức lương hơn ba trăm ngàn của Đoàn Cửu Long và 13 năm “công chức”, lên Sài Gòn sống đời tự do, lăn hết nhà trọ này tới nhà trọ khác, theo phim ảnh. Giờ thì gia tài phim của Nguyễn Hậu, từ điện ảnh tới truyền hình, tính ra cũng ngót nghét hơn 200. 

Có lẽ, ở miền Nam, sau cố NSƯT Hồ Kiểng thì Nguyễn Hậu là người đóng vai phụ nhiều thứ hai, với khả năng diễn xuất cực kỳ đa dạng. Ông có thể đóng vai hiền, tốt bụng, nông dân nghèo, chân chất song cũng có thể vào vai địa chủ tàn độc, tay sai, thổ phỉ, đại gia,… với hàng loạt vai đóng đinh trong lòng khán giả như Hai Gọn - Mảnh đất tình đời, Hải cầu móng - Xóm nước đen, Mười Đâu - Người đàn bà yếu đuối, Dương Văn Hiếu - Ông cố vấn, thầy giáo Tành trong Thung lũng hoang vắng,… Và lượng vai diễn vẫn tiếp tục được Nguyễn Hậu làm dày thêm ở hiện tại.

Nghệ sĩ Nguyễn Hậu vai thầy giáo Tành, phim “Thung lũng hoang vắng”.

3. Nguyễn Hậu có lẽ là nghệ sĩ hiếm hoi được đồng nghiệp từ già đến trẻ, từ đạo diễn đến diễn viên nể trọng bởi kiến thức, mối quan hệ sâu rộng mà chẳng giấu nghề hay đòi hỏi bao giờ. Người ta quý tài của Nguyễn Hậu đã đành mà còn thương cái tính thoải mái, có sao thì chân chất vậy, không kiểu cách, màu mè.

Phải nói rằng, Nguyễn Hậu có con mắt nghề cực kỳ tinh. Diễn viên trẻ, thấy ai có tài, Nguyễn Hậu tìm chỗ này chỗ kia, “quăng” vô. Đạo diễn tuyển diễn viên, vai nào bí quá, tìm mãi chẳng ra người đóng, chỉ cần gọi cho Nguyễn Hậu, thể nào cũng ưng.

Ở vài đoạn của đời sống, Nguyễn Hậu long đong, chông chênh vô cùng. Mấy lúc, ông toan bỏ nghề nhưng rồi nghề thương, nghề níu. Lần thứ nhất, sau khi Nguyễn Hậu lấy vợ, đời sống khó quá, vợ lại không muốn ông theo nghề. Chiều vợ, ông đi làm vận tải du lịch. Được đâu chừng năm thì đoàn tìm cách bắt về. Thời phim nở rộ, song lớp diễn viên quá lứa lỡ thì như ông không có đất dụng võ.

Nguyễn Hậu mắt ươn ướt, nhỏ giọng, có năm nằm chèo queo, đợi hoài không thấy ai kêu đi phim. Có năm chỉ quay một hai phim, mỗi phim chừng mấy phân đoạn… Để sinh kế, Nguyễn Hậu đi đóng video minh họa ca nhạc. Một người bạn thương, kêu Nguyễn Hậu về, giao cho cái nhà hàng để ông quản lý. Nghĩ bụng: “Mình nóng tính, thấy gì không vừa mắt là nói liền, mắc công lỡ việc của bạn”, Nguyễn Hậu từ chối nhẹ tênh.

Nguyễn Hậu bơi qua làm kịch vụ, phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm, trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn, đi tuyển diễn viên cho hàng loạt dự án điện ảnh lớn nhỏ. Rồi nhờ sự từng trải, lăn lộn ở nhiều vị trí, Nguyễn Hậu có hàng kho chuyện hậu trường hấp dẫn. Tiếng lành đồn xa, ông được một số tờ báo có tiếng mời về giữ chân vài mục độc mà chỉ Nguyễn Hậu mới có thể viết được! Cộng với cái tính hồ hởi, vui vẻ, ai xin gì, hỏi gì cũng cho, cũng giúp, Nguyễn Hậu càng được nhiều người thương quý.

Chừng ấy năm lăn trải với nghề, chuyện vui buồn sướng khổ của Nguyễn Hậu, nếu kể, có thể viết thành sách. Mạo muội chép ra đây vài câu chuyện mà tôi tin, không hạnh phúc nào bằng. Sớm đầu tiên ở Hà Nội chuẩn bị lên Sapa quay Thung lũng hoang vắng, Nguyễn Hậu mua tờ báo, ông chủ sạp đợi Nguyễn Hậu lấy báo xong, hỏi: “Ông Hải cầu móng ra Hà Nội chơi hay đóng phim đấy?”. Nguyễn Hậu sững người: “Dạ, sắp ra Sapa quay phim!”. Nguyễn Hậu tính tiền tờ báo thì ông chủ xua tay: “Ông cứ giữ mà đọc, có mấy đồng, đáng gì đâu!”.

Nguyễn Hậu lên Sapa lần đầu, các bà các mẹ ở chợ vây quanh: “Ôi, bố thằng An này! (vai trong phim Đất phương Nam) Ông lên chơi à hay quay phim gì đấy?”. Không chỉ Nguyễn Hậu ngạc nhiên mà đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cũng hết hồn! Nguyễn Hậu ở Sài Gòn thì y như rằng, 10 lần ông ra quán, hơn phân nửa được khán giả bí mật trả tiền, khi thì ly cà phê, lúc tô hủ tíu. Mắt Nguyễn Hậu lóng lánh, bồi hồi xúc động.

Nguyễn Hậu nói, đời ông được làm nghề, được khán giả thương và có người vợ biết cảm thông, vậy là đủ. Bà không biết gì về phim ảnh, đôi lúc khiến ông bực mình nhưng bà là người theo ông dọn hết nhà trọ này qua nhà trọ khác, chẳng khi nào oán thán, kêu ca. Giai đoạn ông nằm nhà, bà không thắc mắc sao ông không đi quay, cũng chẳng mua sắm gì cho riêng cá nhân. Niềm vui của Nguyễn Hậu, những ngày không cưỡi con xe cà tàng ra phim trường là đọc sách, xem phim và sưu tầm tư liệu phim ảnh. Mấy nay, phim ảnh, băng đĩa của Nguyễn Hậu ngày một nhiều, không chỗ để. Bà dọn dẹp nhà, đụng đâu cũng đĩa phim, càm ràm: “Ổng bị tưng vì phim rồi!”.

Hoàng Hoài Hương
.
.