Nghệ sĩ Kim Chi: Sống không phải để oán trách

Thứ Tư, 10/02/2010, 11:26
Tôi đến thăm bà Kim Chi trong một ngày đông buốt giá, khi cái Tết đang chạm ngõ từng nhà. Ngôi nhà của bà nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở Tây Hồ, yên bình và ấm áp, dường như tách khỏi cuộc sống đô thị ồn ã.

Người đàn bà từng được biết đến là một người đẹp nổi tiếng của làng điện ảnh và sân khấu, nổi tiếng vì là người vợ hiền đầu tiên của đạo diễn Hồng Sến, giờ đã tìm được một nơi chốn bình yên cho mình sau những bão táp mưa sa của cuộc đời. Bà đã chọn cho mình một đời sống lặng lẽ, biết vượt qua mọi nỗi đau, biết tìm cho mình một hạnh phúc sau cuối và ẩn mình phía sau những náo nhiệt của cuộc đời…

1. Trong hội khoá kỷ niệm 50 năm lớp diễn viên đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, bà Kim Chi vẫn nổi bật bên cạnh Trà Giang và những bạn diễn một thời. Tà áo xanh tôn lên dáng vẻ yêu kiều của người đàn bà trẻ nhiều hơn tuổi. Nhìn nụ cười đôn hậu, ấm áp của bà, không ai nghĩ, những thăng trầm mất mát của cuộc đời từng đi qua gương mặt ấy, từng làm đau lòng bà trong suốt bao năm qua, để khi ngồi dốc lòng với tôi về những ký ức xa xưa, bà không khỏi nghẹn lòng. Bà bảo, lâu lắm rồi bà mới có một cuộc trò chuyện dài như vậy. Bà đã xếp những ký ức buồn đau ấy vào từng ngăn quá khứ. An nhiên vui niềm vui của tuổi già.

2. Bén duyên điện ảnh từ năm 16 tuổi, cái tuổi đẹp như trăng rằm, dù bà  Kim Chi có một tuổi thơ không mấy bình yên. Ba tuổi, bà Kim Chi đã phải theo mẹ vào nhà tù khi thực dân Pháp muốn dùng mẹ con bà để uy hiếp tinh thần của ba. Rồi mẹ bỏ mấy chị em Kim Chi đi lấy chồng. Lên 10 tuổi, ba bà hy sinh, để lại mấy anh em côi cút. Nhưng có lẽ từ hoàn cảnh khắc nghiệt đó đã cho bà Kim Chi một ý chí sống mạnh mẽ, can trường. Bà được một người bạn của bố nhận chăm sóc, ông đưa Kim Chi ra Trường Miền Nam số 4 (Hải Phòng) học, rồi thi trúng tuyển vào lớp diễn viên đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam.

Ngày đó, ông Ngô Tôn Đản (người nhận trách nhiệm về Kim Chi) kiên quyết không cho bà đi theo nghề diễn, ông quan niệm, xướng ca vô loài, rồi khổ thôi con ạ, nhưng có lẽ đúng như bà Kim Chi nói, chính nghệ thuật đã chọn bà. Mối duyên với điện ảnh cũng đi cùng mối tình định mệnh của đời bà với đạo diễn tài danh Hồng Sến.

Ngày đó, bà yêu ông bằng một tình yêu thuần khiết, và vì tình yêu đó, bà đã không ngại ngần khi chủ động đề nghị: "Chúng ta cưới nhau", khi ông nhận quyết định đi B. Chính Hồng Sến cũng bất ngờ với quyết định mạnh mẽ này của bà Kim Chi. Còn bà, bà hiểu mình hơn ai hết. Bởi, Kim Chi không muốn rời xa người yêu của mình, dù biết chiến trường sẽ ác liệt, và hai người cũng không được bên nhau, thậm chí có những cuộc hành quân sẽ đi qua nhau. Nhưng họ sẽ có cảm giác được cùng nhau và sẽ liên lạc để không bao giờ bặt tin. Tình yêu mê say của một cô gái 20 tuổi đã đưa Kim Chi đến một quyết định làm ngỡ ngàng, thậm chí hồ nghi của tất cả mọi người. Hơn nữa, bà nói, hồi đó, thế hệ các bà, tình cảm đối với đất nước thật sự thiêng liêng. Bà chỉ muốn được dâng hiến. Bà Kim Chi trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường Sơn vào tuyến lửa. Bà vẫn nhớ như in những ngày hành quân gian khổ ấy.

Ngày đó, Hồng Sến bị viêm thấp khớp, đi lại rất khó khăn, có những đoạn đường tưởng như phải dừng lại. Mọi người cũng không ai tin, một cô bé xinh đẹp, đài các như Kim Chi lại có thể có cái ý chí vượt Trường Sơn. Kim Chi cảm nhận được điều đó, bà không thanh minh, mà chỉ bằng hành động để mọi người hiểu được tâm nguyện của mình.

Cô bé 20 tuổi, vượt Trường Sơn, nỗi sợ hãi không phải là biệt kích hay máy bay địch mà những con vắt rừng dựng thành dãy dọc đường đi hay những con đỉa đói dài ngày trong vũng nước. Cô bé ấy vẫn thẫn thờ trước hoang dã của núi rừng…

Là người con ưu tú của lớp diễn viên khoá 1 Trường Điện ảnh Việt Nam, bà Kim Chi có điều kiện ở lại miền Bắc, vươn lên đỉnh cao của màn bạc. Nhưng bà chấp nhận gian khó, cùng đạo diễn Hồng Sến vào Miền Đông Nam Bộ, trở thành thành viên trụ cột của Đoàn Văn công giải phóng. 10 năm trong chiến trường, đối mặt với cái chết, tiếng hát và những vai diễn của bà Kim Chi đã đồng hành cùng các chiến sĩ trong cuộc chiến gian khổ. Có người hy sinh mà trong túi áo vẫn nguyên vẹn tấm ảnh của nghệ sĩ Kim Chi.--PageBreak--

3. Bà Kim Chi vẫn nghẹn lòng khi tôi nhắc đến người chồng quá cố, đạo diễn Hồng Sến. Bà im lặng hồi lâu. Nỗi đau ấy bà đã nén nó thật chặt trong ký ức của mình. Tưởng đã ngủ quên. Nhưng khi chạm vào, bà vẫn thấy đau nhói. Gương mặt đẹp tròn đầy của bà không che giấu được nỗi đơn côi. Bà vẫn yêu người đàn ông ấy, ngay cả khi Hồng Sến rời xa bà. Bà biết ơn những tháng ngày bên ông. Chính Hồng Sến đã truyền cho bà tình yêu nghệ thuật. Trong ký ức của bà vẫn là những hình ảnh đẹp về người chồng quá cố, "Hồng Sến mang đầy chất của một anh nông dân Nam Bộ. Anh là một người làm việc cẩn trọng, có duyên và tốt với bạn bè".

Trong cuộc sống riêng, ông bà dường như chưa bao giờ to tiếng với nhau. Vậy nhưng, khi đã đổ vỡ, thì sự tổn thương đó thật ghê gớm. Lấy nhau 16 năm, nhưng thời gian sống bên nhau chỉ đếm bằng tháng. Ông mải miết đi làm phim, bà sang Bungari học lớp đạo diễn. Xa cách. Đổ vỡ. Bà Kim Chi đã ứng xử với sự ngoại tình của chồng theo cái lẽ thường.

Hồi đó bà Kim Chi còn quá trẻ. Lòng kiêu hãnh của một người đàn bà có nhan sắc đã làm bà bị tổn thương ghê gớm. Bà không chấp nhận sự tha thứ. Ngày đó, bà nghĩ, mọi thứ phải thật trọn vẹn và hoàn hảo không một tì vết. Bà đã phản ứng lại hành động của ông một cách quyết liệt, bằng cách yêu một người đàn ông khác để trả thù. Và chính phản ứng đó đã đẩy người đàn ông bà yêu về phía bên kia.

Bây giờ bà Kim Chi nghĩ, khi đã thấu nhận gần như mọi điều trên thế gian, cuộc sống không có sự hoàn hảo. Và người đàn ông nào cũng có một chút phong tình. Nếu là bây giờ, bà sẽ tìm mọi cách giữ tình yêu của mình. Nhưng có lẽ là số phận. Bà Kim Chi buông trôi bằng một cách an ủi. Những mất mát trong cuộc sống gia đình làm bà dễ bị tổn thương. Bà cần sự trọn vẹn. Bà đã không đủ độ lượng để tha thứ.

Sau sự đổ vỡ, bà vẫn đi cạnh cuộc đời ông, dõi theo từng nỗi buồn vui của ông. Và bà biết, trong những năm tháng cuối đời, ông đã từng nhiều lần "khóc trong đêm". Người bây giờ cũng đã thuộc về thế giới bên kia. Và bà cũng đã bao dung cho mọi chuyện.

Bà nhớ, khi số phận đẩy họ vào những ngã rẽ khác nhau, bà một mình nuôi con, thấm thía nỗi cô đơn trong hành trình dài của một kiếp người. Niềm tin đổ vỡ. Có những lúc bà Kim Chi tưởng mình sẽ gục ngã. Nhưng người đàn bà có tinh thần thép từng dám vượt Trường Sơn ấy đã sống mạnh mẽ và can trường. Bà tham gia đóng khá nhiều phim, Chín Băng Tâm (Biển sáng); Sáu Hiền (Bài ca không quên); Tú Dung (Đằng sau vụ án Hồ con rùa); Sáu Lèo (Biệt động Sài Gòn). Dù không có nhiều vai chính nhưng những vai diễn của bà đều để lại một nét duyên riêng trong lòng khán giả thời đó. Bà Kim Chi cũng là giảng viên của Trường Điện ảnh TP HCM.

4. Có thể nói cuộc đời bà Kim Chi như một cuốn tiểu thuyết có hậu. Hai con của bà đã trưởng thành và trở thành những nghệ sĩ thành danh, diễn viên Mai Phương và đạo diễn Hồng Chi. Bà vẫn đi đi về về giữa Sài Gòn và Hà Nội. Các con vẫn mong bà vào Sài Gòn vui niềm vui với con cháu. Còn bà, sau những đổ vỡ, mất mát, bà đã tìm được một bến đỗ bình yên cho mình. Cuộc đời có những mối lương duyên thật kỳ lạ. Và có lẽ mối duyên của bà Kim Chi với người chồng bây giờ, thầy giáo Vũ Linh, còn kỳ lạ hơn cuộc đời. Đó là người đàn ông đã từng nhận là anh trai kết nghĩa khi bà tròn 11 tuổi. Sau 40 năm quen biết, trải qua nhiều mất mát, thăng trầm, ông bà đã đến với nhau, sưởi ấm nhau bằng những niềm vui của tuổi già.

Bây giờ bà Kim Chi làm thơ, trải lòng mình bằng những vần thơ chân thành sâu lắng, rồi bà tham gia viết kịch bản, trăn trở với những nỗi buồn đau của nhân tình thế thái trên từng trang viết. Những vở kịch của bà vẫn dàn dựng, và nhận được nhiều giải thưởng của Hội Sân khấu, giải 3 với “Nhảy múa với Quỷ dữ”, giải khuyến khích với “Sống để yêu thương”.

Bà nói, bà đã học được thuyết chấp nhận, đứng về phía người khác để thấu nhận vấn đề, để tâm mình thanh thản và an vui, tự tại với đời. Dù bà đã đi gần hết cuộc đời nhiều nỗi truân chuyên, để ngộ ra rằng, cuộc sống không bao giờ theo ý mình

Hà Khánh Linh
.
.