Nghệ sĩ Kiều Oanh: Vọng thương ngày cũ

Thứ Bảy, 18/05/2013, 13:49
Chị ở Mỹ, thảng hoặc giữa khoảng thời gian chị đi đi về về Việt Nam là lại cuống cuồng với công việc.
Tôi gọi điện, xin chị cái hẹn cũng chỉ là hú họa. Xem như, có duyên thì ngồi với nhau, vô duyên thì đành chịu. May mà Sài Gòn một trưa nắng đổ, vẫn kịp ngồi với chị ở góc quán đủ tĩnh lặng để trò chuyện.
Chị là Kiều Oanh, diễn viên kịch nghệ rất nổi danh tại Việt Nam lẫn cộng đồng người Việt ở Mỹ.

1. Chị nói, quê chị xưa nghèo xơ xác, ở tận miệt An Phú, Phú Châu, tỉnh An Giang. An Phú là vùng đất quanh năm nước ngập, cảnh hắt hiu buồn. Chị là con út trong gia đình có đến 10 anh chị em. Nhà không có ruộng, mưu sinh bằng nghề bán buôn lặt vặt.

Cha chị bệnh triền miên, của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo cơn mỏi mệt của ông. Chị nhớ, chị em trong nhà đùm bọc chắt chiu nhau mà sống. “Em biết không, vợ chồng anh chị Năm của chị tốt lắm. Hy sinh hết cho anh chị em trong nhà. Cho đến tận giờ, chị vẫn biết ơn anh chị”, chị kể vậy.

18 tuổi, chị đậu Đại học Ngân Hàng, đồng thời, đậu thủ khoa Trường Cao đẳng Sân khấu 2, Khoa Cải lương. Chị mê hát từ thuở bé, như khi bạn bè đồng môn đăng ký thi trường này, trường kia. Chị lại đăng ký thi Trường Cao đẳng Sân khấu 2, cộng thêm ĐH Ngân Hàng để phòng bị.

Chị không học Ngân hàng, có thể là vì chị mê sân khấu. Mà cũng có thể là bởi lý do đơn giản hơn, nhà chị nghèo không đủ điều kiện để chị theo học trường ngoài. Chị học Sân khấu, chị vừa có chỗ ở miễn phí, lại vừa có lương mỗi tháng.

“Lần đầu tiên chị lên Sài Gòn, cũng là lúc chị đi thi đại học. Sài Gòn trong chị mới mẻ và lạ lẫm. Giờ chị ở Mỹ, chị đi nước này nước kia diễn cũng nhiều. Nhưng không nơi nào khiến chị choáng ngợp như lúc chị đặt chân lên Sài Gòn năm ấy. Một cảm giác vô cùng lạ lẫm”, chị nói. Tôi hiểu cảm giác này, tôi là người nhà quê, và khi ngồi sau yên xe gắn máy của ba để lên phố thi đại học, tôi cũng choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra ở Sài Gòn.

Học ở Trường Cao đẳng Sân khấu 2 ngày đó cực thì có cực, nhưng vui nhiều. Gần như tất cả những vai diễn quần chúng cho kịch truyền hình, phim ảnh… nhà sản xuất đều cử người vào trường tuyển chọn.

Là vai diễn quần chúng thôi, những vai không có lời thoại. Thậm chí, máy quay phim còn không ghi lại trọn vẹn khuôn mặt của diễn viên. “60 ngàn tiền cát-sê cho vai diễn quần chúng, em nha. Số tiền đó ngày xưa lớn lắm”, chị hào hứng kể.

Chị có được vai đầu tiên trong bộ phim nhựa nhan đề Bí mật thành phố cấm. Chị đóng vai… cô bé cầm bong bóng đứng… tận đằng xa. Chị lờ mờ nhận ra chính chị trên phim, chứ người khác chắc là không thể nào nhận biết được. Nhưng có sao đâu, với chị vậy là đã đủ vui.

Mỗi tháng, nhà trường chu cấp cho sinh viên số tiền gần 70 ngàn, đóng tiền cơm hết 16 hay 18 ngàn gì đó. Tiền còn dư, chị mua cho mẹ hai cái vòng giả cẩm thạch. Chắc là loại vòng làm bằng bột đá. Món quà dành tặng mẹ, chẳng bao giờ chị có thể quên được.

2. Cuối năm học thứ nhất, mẹ chị trở bệnh. Mấy chị em ở quê đưa mẹ lên Sài Gòn chữa trị, chỉ có mỗi chị ở tại thành phố này, nên việc chăm mẹ do chị quán xuyến. Những tháng ngày đầy biến cố trong cuộc đời chị.

Mấy cô mấy thầy trong trường thương, nên vờ không biết để chị đưa mẹ vào ở chung trong ký túc xá, mỗi khi bà không nằm bệnh viện. Cô bạn cùng phòng với chị tên Thủy, lên giường tầng trên ngủ chung với chị, nhường cái giường của mình cho mẹ chị. Chị khóc, chị nói chị thương mẹ chị, thương luôn cả cô bạn kia. Chị về nước, chị tìm bạn hoài, mà không biết giờ bạn ở đâu. Nếu may mắn, chị bạn đọc được bài báo này để bạn bè có duyên gặp lại.

“Những lần mẹ chị trở bệnh, tiền thuốc là 500 ngàn đồng mỗi ngày. Chị toàn xin ứng tiền trước trong các suất diễn mà chị có được để lo cho mẹ. Ngay cả khi chị ra trường, chị vẫn xin ở lại ký túc xá hơn một năm để tiết kiệm chi phí”, mắt chị đỏ hoe.

Ở trọ thêm trong trường hơn năm, chị ra ngoài mướn nhà trọ. Cũng trong thời gian này, chị đoạt huy chương vàng cùng với giải Diễn viên tài sắc trên sân khấu tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, năm 1995. Sáng chị ngủ dậy sau đêm thi, hàng loạt các trang báo lớn nhỏ đều giới thiệu gương mặt chị với những mỹ từ khen ngợi khác nhau. Chị hạnh phúc… Mà hình như, hạnh phúc với chị không bao giờ là trọn vẹn.

Đêm diễn lại và nhận giải ở Nhà hát TP.HCM, chị cùng với chị của chị cõng mẹ chị đến xem chị diễn. Đó cũng là lần cuối cùng, mẹ chị được xem chị diễn. Sau đêm diễn ấy, bà mất.

Tiền thưởng nhận được từ giải thưởng năm ấy, chị lo hết vào việc tang ma cho mẹ. Cúng thất tuần cho mẹ xong, chị lại ngược Sài Gòn với vẻn vẹn một ít tiền lẻ trong túi. Chào đón chị ở Sài Gòn, là một nỗi buồn khác. Cô bạn cùng quê An Giang ở chung nhà trọ với chị, trong thời gian chị về quê chịu tang mẹ, đã lặng lẽ dọn toàn bộ vật dụng trong nhà trọ đi nơi khác. Chị không biết phải giải quyết tình trạng của mình lúc đó như thế nào. May mà, thời gian luôn có cách để khiến mọi người vượt qua khó khăn, nếu nỗ lực.

Giải thưởng năm 1995, giúp chị có nhiều cơ hội. Nghệ sĩ Khánh Hoàng giao cho chị nhiều vai diễn chính trong các vở kịch dài có thu hình phát trên Đài Truyền hình TP.HCM. Truyền hình thời điểm này, là kênh quảng bá tên tuổi cho nghệ sĩ vô cùng hữu dụng.

Chị diễn vai đầu tiên, khán giả xem xong chị đi đến đâu họ cũng gọi chị bằng tên nhân vật mà chị đã thủ vai. Chị tận hưởng niềm vui ấy một cách rất hồn nhiên, chị chạy xe khắp phố để được người ta nhận mặt chị. Tổ nghiệp thương chị, chị lao động nghiêm túc, nên cái tên Kiều Oanh cứ rỉ rả đi vào lòng khán giả. Rỉ rả mãi cho đến lúc, sân khấu kịch nghệ nào có tên chị thì luôn chật kín khán giả. Chị duyên đến độ, chỉ cần chị bước lên sân khấu, phía dưới khán giả đã vừa cười vừa vỗ tay mà chưa cần biết chị diễn gì. Tôi là một trong những khán giả ấy.

Vậy rồi, chị đi Mỹ. Thêm một biến cố khác giữ chị lại vùng đất mới này.

3. Chị đi lưu diễn, gọi điện thoại cho mẹ nuôi, khoe: “Mẹ ơi, con qua Mỹ diễn”. Mẹ nuôi bắt chị phải đến nhà mẹ nuôi ở.

Mới diễn xong suất đầu tiên, đột ngột chị mắc chứng bệnh lạ. Chị mất hoàn toàn cảm giác từ phần thắt lưng, kéo dài hết chi dưới. Chị hoảng hốt, chị đang ở Mỹ, chị lại chỉ vừa diễn xuất đầu tiên. Chị nằm trên giường bệnh, khóc suốt, chị khấn: “Mẹ ơi, con có mất, mẹ phù hộ cho con được mất ở Việt Nam”.

Anh con trai duy nhất của mẹ nuôi chị chăm sóc chị từng chút một. Ngay cả chuyện ẵm bồng mỗi lúc chị cần di chuyển, anh cũng lo. Cảm cái nghĩa này, khi đi lại được, chị đồng ý nhận lời làm vợ anh.

“Vợ chồng mà em, là duyên kiếp ba sinh. Còn duyên thì ở với nhau, hết duyên thì còn nghĩa”, chị nói với tôi. Hết duyên, chị và anh chia tay. Không thành vợ chồng, thì là bạn hữu tốt. Chị vẫn gọi mẹ anh là mẹ, chị vẫn xem anh là người tri âm.

Tôi có hỏi chị, thời điểm chị quyết định ở lại Mỹ, tên tuổi chị đang rất nổi ở Việt Nam, có khi nào chị cảm thấy tiếc không. Chị trả lời, tử vi chị chấm, chị thân một mình, phải bôn ba khắp nơi. Đã là số mệnh, thì phải tuân theo số mệnh. Ở Mỹ, cộng đồng người Việt vẫn yêu thương chị như khán giả trong nước thôi. Có điều, lịch diễn chỉ diễn ra vào cuối tuần. Những ngày rảnh, chị học thêm ngoại ngữ, thiết kế thời trang.

Chị xinh đẹp, lại có tài, nhiều người thương chị. Có người đàn ông gốc Việt, là trí thức ở Mỹ, ngay từ năm 1996 đã ngỏ lời với chị. Chị cũng thương người ta, nhưng chị yêu sân khấu quá, chị cứ khẩn khoản: “Anh cố chờ em vài năm”.

Người đàn ông ấy chờ, chờ mãi đến năm 2000, người đàn ông ấy hỏi chị: “Em đã sẵn sàng làm vợ anh chưa. Mình cưới nhau rồi, em sang bên này, khi nào thích về Việt Nam thì về, anh về với em. Chứ anh có làm gì ảnh hưởng đến công việc của em đâu”. Thế nhưng, chị lại từ chối. Chắc là anh cũng giận, anh thôi liên lạc với chị.

Bẵng đi nhiều năm sau, ngay ngày chị tổ chức lễ cưới ở Việt Nam, anh gọi điện thoại về, chỉ nói duy nhất một câu: “Anh chờ em bao lâu rồi. Hôm nay, em làm đám cưới”. Tâm trạng của chị lúc đó như thế nào, tôi không hỏi. Giả là bạn hay tôi, khi ấy bạn khóc hay cười?

Chị nhắc đến chi tiết này, khiến tôi càng quý chị hơn. Chị bảo, ngay ở thời điểm này, chị làm được 5 đồng, thì chị để dành 2 đồng cho thân tộc, 1 đồng lo cho con gái, 1 đồng cho mình, còn lại 1 đồng chị dành làm từ thiện. Như khi đi diễn, góp được tiền mua căn nhà nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh, chị vội vã đưa các cháu ở quê lên Sài Gòn để chị lo lắng cho chuyện học hành. Bao năm rồi, chỉ có nghề diễn là chị sống cho chị, còn lại chị đều sống cho người thân.

Chị khoe, cuối năm nay chị sẽ làm chương trình kịch dài độc đáo lắm, quy tụ toàn bộ các nghệ sĩ có tên tuổi, uy tín trong nghề tham gia. Chương trình mà chị đã ấp ủ nhiều năm rồi, nay chị mới đủ tiềm lực để thực hiện.

Đó là chuyện cuối năm, còn giờ, chị đang bận mải miết với nhiều lịch diễn không tiền cát-sê, diễn để ủng hộ những người còn gặp khốn khó về mặt tinh thần. Như chị vẫn nói: “Chị giờ lấy diễn làm vui. Có cho chị nằm trên một đóng tiền, mà bắt chị không được diễn, chắc chắn chị sẽ chết”

Ngô Trí Minh
.
.