Nghệ sĩ Hồng Nga: Đường trần neo một tiếng tơ

Thứ Ba, 03/02/2015, 15:16
Bước sang tuổi thất thập, nghệ sĩ Hồng Nga quyết định vét hết số tiền chắt chiu dành dụm bao năm đi hát, làm liveshow cuối đời. Một mình bươn chải từ khâu khách mời, giới thiệu, cho tới bán vé; số tiền bán vé, sau khi chi trả hết các khoản phí, bà sẽ đem giúp người nghèo, người có hoàn cảnh không may. Hỏi, bà làm vậy, chẳng may đau ốm đột ngột thì biết bấu víu vào đâu? Bà cười tươi rói: “Cô tin, sẽ có người giúp mình”.

1. Chạng vạng, tôi đợi nghệ sĩ Hồng Nga tại khu chung cư cũ kỹ trên đường Cao Bá Nhạ, quận 1. Lát sau, bà mồ hôi mồ kê nhễ nhại về đến. Có lẽ, cái tính nghệ sĩ tập cho bà thói quen lúc nào cũng xuất hiện trước người đối diện trong dáng vẻ đàng hoàng nhất nên vừa thấy tôi, bà lật đật đưa tay áo lau mồ hôi, kéo lại cái áo khoác cho ngay ngắn, bảo: “Con coi, suốt ngày lèng xèng vậy đó!”.

Đợi bà vô nhà trả tiền xe và đưa cho anh xe ôm ly nước, tôi mới theo vào. Nhà tươm tất, gọn gàng, sáng sủa với gạch men trắng ốp tường xen kẽ những hoa văn trang trí vui mắt. Chẳng có món gì đáng giá ngoài những vật dụng hàng ngày và chiếc tủ kiếng móc đầy áo dài đi diễn của bà. Bà ngồi xuống mé đi-văng, kéo cái áo trong bọc nilon ra khoe: “Cô đi bán vé, sẵn ghé sửa cái áo này mốt mặc luôn. Mấy nay ốm dữ quá, lâu mặc nó thùng thình thùng thình, coi kỳ!”.

Lại hỏi, sao bà không nhờ nhà hát bán vé giúp cho đỡ vất vả? Bà nói: “Mình bán mình mới tính coi thừa bao nhiêu đặng nhờ người này, người kia mua giúp, chớ để nhà hát bán, rồi cuối cùng, số vé thừa biết làm sao? Còn nhờ thì hổng có tin ai được hết con ơi…”. Cô giúp việc đồng thời là người bạn già hủ hỉ với bà bấy nay, nhân bữa bà đi vắng đã lấy một lượng lớn vé, thản nhiên không lời từ biệt. Kể chuyện này, bà thở dài: “Tại cái số mình nó vậy, biết sao bây giờ. Nhiều khi họ cũng đang gặp khó khăn gì đó. Còn nếu họ tham, họ sẽ bị phạt”.

Liveshow lần này, với nghệ sĩ Hồng Nga, chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng lắm. Vừa là lời tri ân lần cuối đến khán thính giả đã yêu mến bà suốt bao năm qua, vừa khấp khởi hy vọng thiện nguyện trong khi bà có khá giả gì cho cam… Ai gọi mua vé, bà cũng ân cần, tận tay đến giao. Gần thì bà leo lên chiếc chaly màu vàng đỏ tự đi cho lẹ. Xa thì gom gom, đợi cùng hướng rồi kêu xe ôm đi một lượt. Đó cũng là cách di chuyển chính yếu của bà hiện tại.

Bà nheo mắt, cười vui kể thêm: “Nhiều khán giả gọi hỏi: “Ủa, cô làm show mà bán vé ở đâu vậy?”. Cô già rồi, khâu tổ chức, giới thiệu đâu có rành như mấy đứa nhỏ bây giờ. May sao mấy em bên báo rồi mấy em trẻ trẻ đưa tin qua mạng xã hội gì đó giúp. Mình đi giao, mệt thì có mệt thiệt nhưng khán giả gặp mình tận mặt, họ vui lắm làm mình cũng phấn khởi theo. Mình biết khán giả còn thương mình lắm!”. Nói đoạn, bà sực nhớ, xin phép gọi cho anh xe ôm, nhờ đi lấy cái áo dài bị bung hột cườm mượn hiệu may gắn lại để kịp giờ tối đi diễn. “Đó, như thằng nhỏ này nè, hồi đầu nó kêu, cô sợ không có sức diễn. Tại mình lớn tuổi rồi, phải giữ giọng tới hôm đó, lỡ đứt tiếng chắc chết. Nó mới nói, má qua diễn một xíu thôi hà, chủ yếu con để má giới thiệu liveshow cho khán giả biết luôn”.

2. Hơn hết, liveshow lần này, còn là tấm lòng của bà đối với Tổ nghiệp. Nghệ sĩ Hồng Nga ăn cơm Tổ từ năm 15 tuổi. Đời bà lận đận, truân chuyên, nước mắt nhiều hơn nụ cười, như con thuyền chênh chao mãi trên sóng không bến bờ. Nỗi đau hằn vào da thịt, cắt cứa vào tim. Sinh ly tử biệt, ganh ghét đố kỵ, bà đều nếm trải. Chỉ có tiếng hát nâng đỡ tinh thần bà vượt qua tất cả. Thời còn trẻ thì vừa đi hát, vừa lăn lộn đủ thứ nghề mới mong đủ miếng cơm manh áo gởi về cho mẹ nuôi con. Hết lo cho con lại khổ vì chồng. Lần này đến lần khác. Niềm tin vừa lóe sáng thì cũng chợt tắt. Đến cạn cùng hy vọng. Có đôi bận, chuyện này níu chuyện kia, bà buồn, định bỏ hát mà rồi không dứt được câu xề, điệu líu. Để rồi ở cái tuổi này, quẩn quanh với bà hôm sớm cũng chỉ có tiếng hát.

Nói bà cô đơn, quạnh quẽ cũng được, mà bảo không cũng chẳng sai. Con trai của bà ở cách đó có bao xa mà bà lủi thủi đi về hôm sớm một mình. Vậy mà lỡ có ai buông một câu trách con, bà đỡ lời: “Chắc tại tui khó quá! Nhiều khi bệnh mà nó hổng có gọi hỏi thăm. Nằm một mình, thấy tủi thân dữ lắm. Nghĩ, chắc tại cái số mình nó vậy. Kiếp trước mình nợ nó nhiều nên kiếp này mình phải trả. Trả tới đó thì dứt! Nó làm vậy để mình đừng thương nó nữa…”. Rồi bà cười, vui vui, buồn buồn: “Ở một mình riết quen rồi! Mấy nay có con cháu con chị bạn ghé thăm, tối qua nó làm lục đục không ngủ được!”.

Thì đời bà, cho đến tận bây giờ có tựa có nương được vào ai đâu ngoài vịn vào câu ca, làn vọng cổ, vào tình thương của khán giả. Bà kể, nhiều khán giả thấy bà cặm cụi đi hát, thương lắm. Bà hát xong, ráng nán lại đợi gặp cho kỳ được, rồi dúi ít tiền, dặn: “Cô để dành, lỡ có đau bịnh còn có cái mà lo…”. “Hổng phải người ta cho tiền mình mà mình xúc động nhen con. Mà nghĩ người ta có quen có biết gì mình đâu, sao người ta thương mình, lo và nghĩ cho mình tới lúc mình bịnh, mình đau…” – bà rơm rớm nước mắt. Nên, bây giờ còn xuống được câu vọng cổ, đi đứng nhanh nhẹn, bà tự nhủ, cứ hát cho những ai còn muốn nghe. Lúc nào liệu không còn hơi, bà sẽ tự lui vào bóng tối. Tuổi của bà đi hát, đâu còn đặt nặng chuyện miếng cơm manh áo mà vì, nếu không hát, bà biết lấy gì chống chọi với cô đơn?

3. Hồng Nga mê hát từ hồi mười hai, mười ba tuổi. Đẩy xe hàng bán được nhiêu tiền, đưa hết cho mẹ, dư ra được đồng lẻ nào là chắt mót để dành, bữa nào không coi cọp cải lương được thì vét tiền mua vé hạng cá kèo. Trời cho cô bé Kim Nga cái thanh mà không ban cái sắc. Thành ra, dẫu hát hay, được nhiều người khen, song do “tối sân khấu” nên cứ lụi đụi mãi phía cánh gà ngó người ta diễn mà lẩm nhẩm học thuộc hết tuồng này đến tuồng khác, chờ được diễn. Chính bà cũng ý thức được “khiếm khuyết” của mình nên càng cố gắng, nỗ lực hơn bất cứ một cô đào nào. Nhờ vậy, bà đóng được hầu hết các loại vai.

Từ những bài ca cổ qua radio đến những vai độc, lẳng, mùi, mụ, hề,… Vai nào, bài nào qua tay bà đều đọng mãi dấu ấn trong lòng khán giả mộ điệu. Cô Lan trong Tuyệt tình ca đau tình cất tiếng nấc đứt từng đoạn ruột, bà Cố Mẫu – Thái hoàng thái hậu ở tuồng Dương Vân Nga dằn xé, vừa cay nghiệt, vừa đớn đau. Người trong nghề vẫn kháo nhau, Hồng Nga đóng vai những bà mẹ rất đạt. Phóng khoáng, tự tin mà không theo bất cứ khuôn mẫu nào. Vừa đậm kỹ thuật, lại diễn rất đời! Đời thường có bao nhiêu bà mẹ thì trên sân khấu, bà hóa thân thành bấy nhiêu hoàn cảnh. Dường như, bà mang hết bi thương đời mình trút vào vai diễn.

Cá nhân tôi nghĩ, vai phảng phất bóng dáng Hồng Nga nhất là vai người mẹ trong vở kịch Tình nghệ sĩ của nghệ sĩ Minh Hoàng của thập niên 90. Ở đó, có một Hồng Nga buồn nhưng không bi ai; có đau thương, chán chường nhưng lại ham sống hơn bao giờ hết. Như Hồng Nga ngoài đời, nói về nỗi đau, mất mát nhẹ tênh mà người nghe vẫn thấy chua chát.

Bà hay bảo, “Tại cái số mình nó vậy” như một sự chấp nhận. Kiểu: “Đời tôi đã đủ buồn rồi…”. Ở đó, còn có một Hồng Nga thức thời và cực kỳ nhạy bén với nghề.

Yêu cải lương, say mê nặng nợ rồi bắt sang kịch, qua tấu hài diễn như chơi. Lấy nước mắt khán giả đó, khiến họ ghét cay ghét đắng “ác gì mà ác dữ quá!” mà cũng khiến khán giả cười rần rần đó. Như khi tôi thắc mắc: “Chắt chiu bao năm đi diễn, sao cô không làm một liveshow cải lương như kỷ niệm cho mình?”. Bà mỉm cười hồi đáp: “Cô đi diễn nhiều nên cô biết, khán giả bây giờ nghe ca cổ chỉ chừng 3 câu đổ lại thôi, chớ ca hơn người ta ngủ hết. Có thể người ta cũng lịch sự ngồi nghe nhưng trong lòng ngó bộ họ hổng có vui. Với lại, mình tổ chức lần này cũng là lần cuối rồi, để giúp đỡ những hoàn cảnh không may. Phải làm sao cho hút, bán cho được vé mới giúp được chớ! Ráng lần này nữa thôi, năm nay cô 70 rồi, ai biết ngày mai sao con ơi…”.

Nghệ sĩ Hồng Nga vai bà mẹ trong vở Tình nghệ sĩ.

4. Có lẽ, ấu thơ mê nghề chật vật nên hễ ra đường, thấy ai lang thang đàn ca hát xướng, có bao nhiêu tiền trong túi, Hồng Nga cũng vét hết ra biếu người ta. Mấy lúc vậy, bà tự nhủ: “Tổ thương mình quá! Mình còn may mắn hơn rất nhiều người!” Rồi gạt nước mắt, ngẩng đầu, mỉm cười, bước tiếp về phía trước, mặc bão giông dậy sóng sau lưng và giăng liền trước mặt. Cô Hồng Nga, có nụ cười thiệt đẹp và thiệt sáng. Sau nhiều đắng cay, thăng trầm, nụ cười ấy càng thêm rực rỡ, như thể chẳng sóng gió nào có thể chạm vào được nữa. Bạn bè, đồng nghiệp của bà thường bảo: “Ngó bộ được cái cười sáng trưng!”.

Sau show diễn này, thu xếp xong, bà qua Thụy Sĩ thăm cô con gái thất lạc với mấy đứa cháu rồi đón tết bên đó luôn cho đỡ buồn.

Hoàng Hoài Hương
.
.