Nghệ sĩ Dzung Art Nguyen: Người của “quân khu Nam Đồng”

Thứ Năm, 17/05/2018, 13:10
Ban đầu chụp phụ nữ vận áo yếm, áo dài chỉ để lấy tư liệu cho việc vẽ, bỗng dưng năm 2013, lần đầu tiên mở triển lãm ảnh áo dài tại Nhà triển lãm của Hội Nhiếp ảnh thành phố, nhận được nhiều sự ủng hộ khích lệ, để từ đó dòng chảy đam mê nhiếp ảnh cuốn nghệ sĩ Dzung Art Nguyen vào, chưa biết khi nào sẽ dừng lại.

Nghệ sĩ Dzung Art Nguyen (tên thật là Nguyễn Quốc Dũng), sinh năm 1959, tại Hà Nội, trong Khu tập thể Nam Đồng đầy kỷ niệm - bối cảnh trong tiểu thuyết “Quân khu Nam Đồng” của nhà văn tay ngang Bình Ca, sau một năm ra mắt đã đạt đến số lượng tái bản lần thứ mười, một hiện tượng văn học và xuất bản, trong đó, Dzung Art Nguyen vô tình trở thành người liên quan tới nhân vật trong tiểu thuyết. 

Một mối tình đẹp đã nở hoa như sự bù đắp cho những mất mát khi người con gái xinh đẹp tên Mai Hương ra đi khi độ tuổi đang tròn.

Anh chàng sinh viên từng thi đậu Trường Mỹ thuật Công nghiệp đạt điểm cao xưa, khi mang giúp quà của một người anh quân khu Nam Đồng, để thăm hỏi và chia sẻ nỗi buồn thương với gia đình Mai Hương, không thể biết trước sẽ gặp cô em gái tên Hằng, khi đó còn học lớp 9. 

Một buổi ngồi “cưa” mẹ và thêm mấy tháng nữa để em Hằng gật đầu sau những buổi đi dạo lòng vòng trên phố gần nhà, cho đến hôm nay, hạnh phúc với Dzung Art Nguyen thật viên mãn khi có thêm 2 cô con gái xinh đẹp cùng cháu ngoại và đi bất cứ nơi nào cũng có vợ theo cùng.

“Lũ trẻ” quân khu Nam Đồng xưa, với ngỗ nghịch non dại thơ trẻ, những ngày bố ra chiến trường, mẹ đi làm, cứ quấn quýt chơi với nhau, chia sẻ với nhau chút đồ ăn, hay bày đủ thứ trò nghịch ngợm, thậm chí cả đội mũ cối, găm “đồ” dao búa… kéo bè lũ đi đánh nhau, không thể nghĩ về sau, có một nhà thơ như Hữu Việt, có một tác giả như Bình Ca và một nghệ sĩ mặt tròn râu quai nón đầu trọc ngổ ngáo mà lại chuyên vẽ rồi chụp phụ nữ lãng mạn bay bổng như Dzung Art Nguyen.

Nhìn tranh Dzung Art còn có gì đó buồn bã bởi gam màu nâu là chủ đạo, bởi nét buồn thương trên khuôn mặt trái xoan của những hình ảnh phụ nữ trong phục trang áo yếm hay áo dài, sương khói bảng lảng mặt hồ không hình hài. 

Vậy mà chuyển  sang ảnh, là những tươi mới bởi nhịp điệu tạo ra trên nụ cười vui rộn ràng thiếu nữ, không gian mênh mông xanh thắm núi, đồng ruộng Ninh Bình hay u hoài huyền bí nhưng rất rỡ vàng của khung cảnh Sơn Tây. Đàn bướm trắng từ đâu bay tới nhún theo bước nhảy chân sáo với tà áo dài trắng tinh khiết tung bay trong gió… 

Vì thế, ai xem ảnh Dzung Art Nguyen chụp đều dễ thích, dễ rung động. Mỗi tấm hình là sự non thơ tưới mát lên những tâm hồn đang già cỗi, kiệt quệ, mất hết sinh lực đang dần chìm ngập giữa bùn đời.

Hai lần tái bản tập sách ảnh “Mùa nắng phai”, sách còn vương đầy mùi mực mới, ngay lập tức, anh đã phải vội vã thông báo “đã hết sạch” cho bạn bè. Mọi người giục tái bản tiếp, nhưng nghệ sĩ Dzung Art kêu mệt nên lẳng lặng chối từ. “Nếu có ra, sẽ là cuốn “nude” nhé!”, anh dí dủm trả lời.

Nói đến ảnh “nude”, cũng là một đề tài chụp chính của Dzung Art bên tà áo dài mỏng manh. Anh có tài, là bắt được thần thái cũng như đường cong hình thể của nhân vật. Và đặt nhân vật vào bối cảnh phù hợp. 

Mỗi buổi chụp, không chỉ là sự góp ý về phục trang, cách làm tóc, trang điểm… anh còn đi tìm khung cảnh riêng, thường vẫn theo thói quen xưa: một góc chùa hay nhà cổ, một màu nâu thuần khiết với những đồ gia dụng xưa cũ đậm sắc nghệ thuật… 

Riêng với nude, anh ưa sử dụng gam màu trắng đen chuyển dần từ đậm sang nhạt. Người nữ có thể không mặc gì, hoặc một tấm voan trắng che hờ… Riêng trong nude, cái khó không chỉ chọn góc chụp nào làm sáng lên vẻ đẹp thiên nhiên của mẫu, mà từ đó còn nói lên được thân phận qua tạo dáng từng nhân vật. 

Nhìn ảnh chụp “nude” của Dzung Art, người ta sẽ khó có cảm giác gợi dục, khi mà chính anh, với tinh thần trong vắt sau ống kính, chỉ nhìn thấy sự “đẹp” và không gì ngoài “đẹp”. Tuy nhiên, triển lãm đầu tiên về ảnh nude với tên “Đi đêm”, anh phải tổ chức “trốn” trên một căn gác hai của tòa nhà biệt thự Pháp xưa trên phố Khúc Hạo. 

Ba ngày treo ảnh, đông kín người xem. Để “đánh liều” mở thêm một ngày nữa. Bên quản lý văn hóa cũng tới, xem xét, rồi bảo nhau “chẳng có gì đâu”. Sau bữa đó, được mời lên nói chuyện thân tình do triển lãm không phép, Dzung Art vui vẻ như thể đó cũng là một cách nhìn và đánh giá cho các tác phẩm nude của anh. 

Đôi khi hứng lên, anh cũng post ảnh chụp “nude” trên Facebook, để khoảng gần tháng sau đột nhiên xuất hiện, thông báo rằng Facebook bị ai đó chơi xấu gửi báo cáo, nên bị ngắt sử dụng. Đã thế thì anh xài luôn hai tài khoản, và cần nữa, là cho lên website cá nhân. Chất “quân khu” vẫn thế, thích thì làm, chẳng có gì ngăn được.

Hẹn kĩ trước đó một tháng, tới đúng ngày, anh nhắn tôi tới Phú Mỹ Hưng uống cà phê. Vẫn thói quen thích ngồi trong một quán tự phục vụ, anh đến đúng giờ, chọn một cái bàn hướng mặt ra khoảng sân rộng đầy bóng cây và nắng, làm một combo bao gồm cả nước uống lẫn bánh ăn sáng, tay cầm một cái máy ống kính to rộng, làm tôi tự hỏi, cả ngày đằng đẵng đeo máy nặng kia trên vai, hay cứ luôn tay đỡ thân máy bấm chụp, anh hẳn sẽ mệt vô cùng?

Tác phẩm của Dzung Art Nguyen. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Dzung Art không nói nhiều, anh chỉ nói đủ. Với mỗi câu nói, đều lấp lánh nụ cười hồn nhiên. Nhìn qua tưởng anh tướng tá bụi bặm, nhưng ngắm kĩ, sẽ thấy ngay cặp mắt còn trong vắt trẻ trung tinh nhanh mà ấm áp. 

Với đôi mắt như thế, cách cười tự do như thế, đương nhiên khó thể nghĩ hay làm gì đó tổn thương ai bao giờ. Kể cả đôi khi anh ấm ức “chửi vung mẹt” lên, thì người ta vẫn có thể vào ấn icon mặt cười. Giống như một cậu bé con cáu bẳn khi không hài lòng, dĩ nhiên ít ai thấy cần phải bận tâm quá.

Sáng đó, anh hẹn với tôi, em dâu, vợ và mẹ con cô giáo cũ của anh đến để chụp ảnh áo dài. Chụp ảnh đã là công việc kiếm tiền của Dzung Art, nhưng như chị Hằng vợ anh chia sẻ, với người thân thì là chụp tặng, để vui chứ không bao giờ cần tính toán. 

Trong khoảng hai tiếng, vừa làm vừa nói chuyện vừa uống cà phê, ăn và chụp, sau khi chọn cảnh, nhìn bóng nắng, và ngó trang phục chỉ chừng một phút, anh tặng mỗi người vài chục kiểu ảnh, mà mỗi khi bắt hình, rất nhanh, chỉ cần lia máy bấm tách tách là đủ.

Bởi lẽ thế, nên sau khi chụp cho cô Khanh - cô giáo từng dạy Dzung Art hồi cấp III  Trường Kim Liên Hà Nội, giờ đã chuyển hẳn vào Nam sinh sống, cô đã gửi tin nhắn trong inbox và làm anh cảm động: "Cám ơn em,bây giờ cô vẫn nhớ như in hình ảnh em khoác balô đi bộ giữa trưa nắng. Cô cứ nhìn theo em, cay cay sống mũi, đăng đắng cổ họng. Em là một nghệ sĩ có đức và có tài”. 

Sự tự nhiên thoải mái, mới tạo ra thần thái bên trong của chính người được chụp. Thế nên, cùng tham gia một buổi chụp hình với Dzung Art luôn có cảm giác thoải mái vui vẻ, như thể đang ở bên người thân rất hiểu nhau mà chẳng cần phải nói lời nào.

Gần bốn mươi năm trôi qua, giờ đi bên anh vẫn là hình ảnh quen thuộc của vợ. Từ ngày biết Dzung Art cho đến nay, tôi chưa thấy anh đi một mình bao giờ. Vợ anh, sẵn lòng tham gia rong ruổi cùng anh khắp mọi nơi từ Bắc, Trung, Nam, tới mọi buổi chụp hình trong đó có cả chụp nude. Chụp mẫu xong, thể nào Dzung Art Nguyen cũng quay sang chụp hình vợ. 

Những bức ảnh tình cảm nhất của anh, mà anh thích “khoe”, đó là chụp vợ, đặc biệt là cô con gái út, thời gian này cũng đã nhận được nhiều show chụp ảnh, thêm thu nhập, thêm tự lập khi còn đang học đại học. 

Nhìn anh chị nói chuyện, chia sẻ, thấy được cái tình gắn bó khăng khít mà cũng hết sức nhẹ nhàng dịu dàng. Không hiểu sao bao năm ở bên, kể cả khi chị Hằng cười vui: “phải chịu đựng nhau nhiều đấy”, thì vẫn thấy được rõ một đôi bạn vừa như anh em lại vừa như tri âm tri kỷ, nói với nhau những lời nhẹ nhàng rất đỗi ngọt ngào.

“Thật hay, có điểm chung, nhiều phụ nữ anh chụp, thấy được chính mình sau mỗi bức ảnh”, Dzung Art chia sẻ khi tôi nói cảm ơn anh đã chụp tôi, giúp tôi thấy lại bản thân sau vài năm lãng quên vì mải miết công việc, xoay tròn trong muôn việc để sinh nhai.  

“Thấy được mình”, không hề giản đơn, vì bao người sinh ra, trong vô thức, nào thể biết vì sao lại hiện sinh, vì sao sống, và mục đích đời người là gì…

Phụ nữ ưa chụp ảnh, chẳng hẳn vì khoe điệu, làm dáng hay muốn giữ sự đẹp còn lại, mà thực ra trong sâu thẳm để muốn biết rõ hơn chính mình. Dzung Art cầm máy, để làm sáng tỏ hơn. Và như thế, từ đáy tim, người người gọi anh là nghệ sĩ.

Việt Quỳnh
.
.