Nghệ nhân Lê Văn Kinh: Tài thêu xứ Huế

Thứ Bảy, 25/02/2012, 08:46
Với niềm đam mê nghệ thuật tranh thêu đến lạ lùng, nghệ nhân Lê Văn Kinh, người thợ thêu có đôi tay tài hoa hàng đầu xứ Huê,ë đã miệt mài lao động hơn 10 năm để hoàn tất 18 bức tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư bằng 18 ngôn ngữ khác nhau. Với thành quả này, cuối năm 2011, ông đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietking) trao chứng nhận kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011 cho bộ tranh thêu độc nhất vô nhị này.

Bước vào nghề thêu từ năm lên 10 tuổi cho đến hiện nay ở tuổi 84, ông xứng đáng được tôn vinh là một trong năm bậc thầy lão luyện của các nghề truyền thống xứ Huế (thêu, đúc đồng, chạm khắc gỗ, âm nhạc truyền thống, diều), được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và được các chuyên gia UNESCO gọi là “Báu vật nhân văn sống”.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh năm nay đã bước sang tuổi 84, là chủ nhân của hiệu thêu Đức Thành tồn tại ngót 100 năm ở Huế. Ông kể rằng, quê ông ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội).

Ông nội của ông Lê Văn Kinh là cụ Lê Chí Thành, một thợ thêu tài hoa ở Quất Động được triều đình nhà Nguyễn triệu về kinh đô Phú Xuân trong một cuộc trưng cầu thợ giỏi thuộc nhiều ngành nghề ở khắp đất nước. Vào Kinh, cụ được giao nhiệm vụ thêu các trang phục của hoàng triều và các vật dụng trang trí nội thất cung điện đình tạ. Cụ chính là người đã lập nên hiệu thêu Đức Thành nằm trên đường Gia Long sầm uất (nay là số 82 đường Phan Đăng Lưu – TP. Huế). Thân sinh ra ông Kinh là cụ Lê Văn Hỡi, một thợ thêu có tiếng tài hoa dưới triều vua Khải Định.

Sinh thời, cụ Hỡi từng được Tôn Nhơn Phủ của triều đình nhà Nguyễn phong tặng Hàn Lâm viện vì đã có công thêu bức chân dung của vua Thành Thái thêu hoàng bào cho vua Khải Định nhân dịp lễ “Tứ tuần Đại khánh” (mừng sinh nhật nhà vua 40 tuổi) và nhiều tác phẩm tranh thêu khác dùng trong những gian chính điện của hoàng cung, hoặc phủ trên những vật báu gia bảo của hoàng triều.

Chuyện được truyền tụng lại rằng: Nhân lễ trọng của hoàng đế An Nam, một chiếc hoàng bào được may bằng vải gấm của Thượng Hải để dâng lên cho vua Khải Định. Sau khi săm soi chiếc hoàng bào, hoàng thượng tỏ ý chưa mấy hài lòng về những đường nét của họa tiết, nên người thợ thêu tài hoa Lê Văn Hỡi đã được triệu vào cung để thêu thêm kim tuyến vào chiếc hoàng bào.

Cho đến ngày nay, một mảnh hoàng bào do chính tay cha mình thêu thêm kim tuyến vẫn được nghệ nhân Lê Văn Kinh cẩn thận lưu giữ và xem đó như một kỷ niệm vàng son của dòng tộc, của người cha, người thầy đã hướng tâm hồn ông biết thao thức với từng đường kim mũi chỉ của nghề thêu gia truyền. Nhiều bức tranh thêu của cụ Hỡi, trong đó nổi bật là bức Thất sư hí cầu được thêu bằng chất liệu đoạn huyền phủ đôn để lư trầm trước ngai vàng đến nay vẫn còn được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật cung đình Huế cho du khách năm châu thưởng ngoạn.

Lên 5 tuổi, ông Kinh bắt đầu được hướng dẫn học nghề thêu và từ đó, ông toàn tâm dốc sức với nghề bằng chính đôi tay tài hoa và trí óc sáng tạo của mình chứ không dựa dẫm vào những ánh hào quang thành đạt của người cha mà ông rất đỗi kính yêu. Năm ông lên 10 tuổi, cha ông lâm trọng bệnh rồi qua đời, từ đó ông phải nối gót cha mình để gìn giữ và phát huy truyền thống của nghề thêu do cụ tổ nghề thêu Lê Văn Hành tạo dựng.

Năm 1956, ông Kinh chính thức bước vào nghề thêu tranh và tiếp quản để làm chủ hiệu thêu Đức Thành của gia đình ông để lại. Ông kể, năm 10 tuổi, ông đã có những bức tranh thêu như bức Tùng hạc (hai con chim hạc đậu trên cành tùng) với những đường nét tinh xảo hiếm thấy đã khiến cho những bậc cao niên trong dòng tộc ngợi khen và hy vọng. Từ bấy đến nay, hơn 70 năm đã trôi qua, nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn vẹn nguyên niềm đam mê sáng tạo những bức tranh thêu mang đậm phong cách của xứ Huế thơ mộng mà lắng sâu.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh với bằng chứng nhận kỷ lục Việt Nam.

Nói về nghề nghiệp của mình, ông Kinh bộc bạch: Xưa nay người đời vẫn thường nói với nhau rằng “Trai thì đọc sách ngâm thơ/ gái thì kim chỉ thêu thùa vá may”, nhưng ông lại được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình có ông nội và cha lập nghiệp bằng nghề thêu truyền thống của dòng tộc, nên từ nhỏ từng đường kim, mũi chỉ đã thấm đẫm trong ông, để rồi ông gắn bó với nghề thêu cho đến tận bây giờ.

Ông cho biết, người làm nghề thêu phải biết kết hợp một cách tinh tế rất nhiều yếu tố lại với nhau. Muốn cho ra đời một bức tranh thêu sống động thì người thợ thêu phải biết gửi gắm cả tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Kim thêu phải mua ở chợ Mậu Tài vùng Phú Vang, Thừa Thiên Huế, rồi mang về gia công mài nhỏ đạt đến độ sáng bóng thì đường thêu mới tinh xảo. Chỉ thêu ở Huế là loại chỉ mộc được làm bằng tơ tằm, sau khi mua chỉ thô về, người thợ phải tự tay nhuộm màu cho chỉ theo bí quyết gia truyền riêng. Nhờ vậy mà sợi chỉ thêu xứ Huế sau khi được người thợ xử lý đã trở nên bền hơn mà không bị đứt gãy. Màu sắc của những bức tranh sau khi hoàn thiện cũng thanh thoát ưa nhìn hơn.

Với ông, nghề thêu đòi hỏi phải có sự khéo léo của đôi bàn tay và sự phong phú trong sáng tạo của khối óc. Nhiều đêm giữa chừng tỉnh giấc, trong suy nghĩ vụt lóe lên một ý tưởng mới trong sáng tạo, ông lại chong đèn trở dậy để ghi chép lại những điều vừa nghĩ và đã có rất nhiều tác phẩm thêu của ông đã được ra đời từ những ý tưởng ấy. Bức tranh thêu có tên là Mẹ của ông là một ví dụ điển hình. Ông bảo, để thực hiện được bức tranh thêu mà rất nhiều người ưng ý này, ngoài nỗi khắc khoải nhớ thương mẹ trong ông đã dài như sông, cao như núi, những nếp nhăn trên gương mặt Mẹ đã được ông thể hiện bằng những đường chỉ màu vàng trên nền đen thăm thẳm đã gây ấn tượng mạnh đối với người xem là kết quả của những phút lóe sáng hiếm hoi trong sáng tạo mà ngay cả khi phác thảo tác phẩm này ông chưa hề nghĩ ra.

Suốt một đời chuyên tâm với nghề thêu, vui buồn theo cung bậc của từng đường kim, mũi chỉ, ông Kinh luôn tìm thấy niềm tự hào để vui sống trong những khúc thăng trầm của đời mình ấy là bản sắc văn hóa Việt trong từng bức tranh thêu. Chia sẻ với các thế hệ học trò, ông luôn nhắc nhớ rằng điều quan trọng nhất trong đời một người thợ thêu là chữ Tâm và sự cần mẫn, có cái tâm sáng thì lòng mới trong, mới nắm bắt được cái hồn của từng tác phẩm. Sự cần mẫn của đôi tay mới có thể sáng tạo nên những bức tranh thêu hoàn mỹ nhất… Nghệ nhân Lê Văn Kinh còn cho biết thêm: “Nghề thêu tay truyền thống từ xưa đến nay có bốn ngành riêng biệt gồm: Trang trí nội thất, y môn quần bàn, thêu theo lối mới và thêu ren xuất khẩu”. Về sau này, do yêu cầu thẩm mỹ của khách hàng ngày một nâng cao nên ông mới sáng tạo thêm một ngành thêu mới, đó là thêu Thư pháp.

Một thời gian dài trước năm 1975, ông Kinh cùng với cô em gái Bích Đào rất nổ tiếng với hàng tranh thêu truyền thống. Hai anh em ông Kinh đã tham gia rất nhiều cuộc triển lãm tranh thêu ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và Đà Lạt. Năm 1958, ông Kinh đã gây tiếng vang lớn khi gửi bức tranh Bất khuất thể hiện hình ảnh tướng quân Trần Bình Trọng khoác chiến bào, tay cầm kiếm cưỡi sư tử xông trận với ngụ ý “Việt Nam bất khuất” tham gia một cuộc triển lãm tranh thêu tại New York (Hoa Kỳ).

Một góc cửa hàng thêu của nghệ nhân Lê Văn Kinh.

Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Kinh mở cơ sở thêu tranh xuất khẩu Cẩm Tú, tiếp đó ông thành lập Hợp tác xã Thêu ren xuất khẩu Phú Hòa. Cả hai cơ sở mới ra đời đã ăn nên làm ra bởi những mặt hàng thêu của ông và cộng sự đã đứng được trên thị trường Nhật Bản, Đông  Âu và Liên Xô cũ…Vừa sản xuất, ông vừa cưỡi xe Honda của mình đi đến các phường, xã trong dọc dài mảnh đất Bình Trị Thiên để mở các lớp đào tạo nghề thêu. Kết thúc hành trình đi tạo công ăn việc làm cho người dân ở các địa phương trong tỉnh, học trò của ông đã có thể tính đến con số hàng vạn người. 

Năm 1994, ông Kinh nghỉ hưu và trở lại với cửa hàng thêu tranh Đức Thành để phục hồi nghề truyền thống của gia đình và tìm người để truyền thụ những kỹ năng đặc sắc mà ông đã chắt lọc được.

Một buổi sáng mùa thu năm 1997, có một đoàn phóng viên người Mỹ đến tham quan cửa hàng tranh thêu của ông Kinh. Như lệ thường, ông Kinh đã giới thiệu cho khách tham quan những tác phẩm của mình đang được trưng bày trong cửa hàng, trong số đó có những bài Đường thi mà ông Kinh vô cùng ưng ý. Xem xong, một vị khách trong đoàn chợt hỏi: “Vì sao Việt Nam cũng có nhiều bài thơ rất hay mà ông không chọn thêu?”.

Câu hỏi tưởng như vô tình ấy đã chạm vào sâu thẳm nỗi suy tư nghề nghiệp của ông. Ít lâu sau, ông quyết định thể hiện nguyên bản chữ Hán cùng bản dịch bài thơ Cáo Tật thị chúng của Mãn Giác Thiền Sư lên tranh thêu. Sau khi hoàn thành bức tranh thêu ấy, ông Kinh trân trọng lưu giữ nó vào một góc trang nhã trong ngôi nhà của mình. Rồi đến một ngày, ông Jeff Bo Bollinger – một du khách người Đức đến hiệu thêu Đức Thành để xem tranh.

Với vốn tiếng Pháp khả dĩ của mình, ông Kinh và vị khách người Đức kia đã có một cuộc trao đổi kéo dài từ 9 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều về những vấn đề của văn hóa Việt. Từ chuyện anh em nhà Tây Sơn đến những bài thơ cổ, chuyện kiến trúc lăng tẩm đến đời sống của vua quan nhà Nguyễn trong Tử cấm thành.

Như gặp được người bạn cố tri, ông Kinh đã mang bức tranh thêu bài thơ Cáo Tật thị chúng ra khoe với Jeff Bo Bollinger, rồi bình giải bài thơ trong niềm cảm xúc cao độ. Cuối cùng, vị du khách người Đức với tất cả sự cảm phục của mình đã mua bức tranh thơ đó với lời cảm tưởng để lại như sau: “Tôi mua bức tranh một phần vì cảm tình với ông và vì bài thơ không còn mang tính Phật giáo hay Việt Nam nữa mà đã trở thành một giá trị nhân văn của nhân loại”.

Ít lâu sau khi trở lại quê nhà, Jeff Bo Bollinger gửi cho ông Kinh bản dịch bài thơ Cáo tật thị chúng bằng tiếng Đức với mong muốn, bài thơ sẽ được thêu bằng tiếng của dân tộc mình. Ý tưởng cùng tinh thần văn hóa sâu sắc của Jeff Bo Bollinger đã thôi thúc ông tái hiện bài thơ Cáo tật thị chúng bằng nhiều thứ tiếng, như một cách để mở rộng kinh doanh và hơn thế, để tinh thần Việt, văn hóa Việt được bay xa hơn cùng năm châu bốn biển.

Hơn 10 năm mệt mài với niềm đam mê cháy bỏng của mình, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã tìm cách dịch và thêu bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư ra 18 thứ tiếng của những quốc gia có nhiều tín đồ Phật giáo. Ông ao ước làm sao  còn sức khỏe, sẽ tiếp tục tìm kiếm người dịch để hoàn thành tiếp 7 bức tranh thêu bài thơ Thiền này ra ngôn ngữ của quốc gia có ảnh hưởng của Phật giáo khác

Phan Bùi Bảo Thy
.
.