Này thì “rực rỡ u sầu”

Thứ Năm, 02/08/2012, 12:13
Huế hiện ra trong mắt tôi, như 20 năm trước, khi đoàn tàu ngừng bánh ở nhà ga. Đã lâu lắm rồi tôi không đi bằng xe lửa. Những chuyến bay để tiết kiệm thời gian đã lấy mất đi cái lý thú mà tôi vẫn muốn có mỗi mùa Hè là được ngồi bên ô cửa sổ toa tàu nhìn ra bên ngoài. Ô cửa ấy như một khung tranh với hàng triệu bức họa lướt qua mắt tôi cùng những sáng-tối của riêng mình. Và hàng triệu khung tranh ấy lại cùng chung nhau một tiếng nhạc nền: tiếng từng võng tàu đung đưa, lúc lắc; tiếng bánh xe nghiến trên đường ray; tiếng gió lướt qua thân tàu hun hút, hun hút…

Huế vẫn thế, không nhiều dịch chuyển và thật lòng, tôi không muốn tới Huế nhiều như những vùng đất khác. Với tôi, Huế là nơi chỉ nên thi thoảng dăm ba năm hẵng ghé một lần. Sự chậm rãi ư? Không phải. Sự trầm mặc buồn buồn ư? Không phải. Dường như, tôi không có nhiều điểm chung với Huế dù bà ngoại tôi sinh ra và lớn lên ở đó; ông cố ngoại tôi (hình như thôi) đã là sếp ga Huế từ thời Pháp thuộc. Nhưng tôi lại thích nghe giọng Huế. Nó nhẹ nhàng và nền nã; nó thướt tha và dịu dàng; nó ẩn chứa rất nhiều điều mà ta chưa rõ sau thanh điệu như ru lòng người ấy. Tôi thích nghe giọng Huế lắm, chỉ trừ giọng hai thằng cha không thể nào không nghe, không thể nào không gặp, không thể nào không uống với họ một trận long trời lở đất, một trận “huynh đệ tương tàn”: Anh em song sinh nhà Thanh-Hải…

Nếu gọi tên Lê Đức Hải; Lê Ngọc Thanh chắc ít ai nhớ tới. Nhưng cứ nói anh em Thanh-Hải là y như rằng bao nhiêu người trong giới nghệ lại có chuyện để kể về họ, cặp song sinh hội họa của đất thần kinh. Tôi còn nhớ, Nguyễn Quang Lập từng gọi Thanh-Hải là “hai anh em trời đánh không chết”. Nhưng tôi lại thích gọi họ bằng những cái tên khác, những cái tên đủ để nói được độ “rạch giời rơi xuống” của họ, những người anh-em đúng nghĩa nhất mà tôi từng có.

Tôi muốn gọi họ là “Thanh-Hải dị nhân” bởi nó nghe như truyện… chưởng của Kim Dung dù cho hai tay chơi xứ Huế này chẳng có tí chưởng hay kiếm hiệp nào trong người. Nhưng ở họ lại có cái sự “ngông ngông-ngáo ngáo” của mấy tay giang hồ “bàng môn tả đạo” trong kiếm hiệp Kim Dung như kiểu Đào cốc lục tiên của bộ Tiếu ngạo giang hồ vậy. Có thể nhiều người lần đầu gặp sẽ bị cái “ngông ngông - ngáo ngáo” ấy; cái kiêu ngạo ra miệng ấy của Thanh-Hải làm cho mình bị shock nhưng nếu không “ngông ngáo”, không kiêu ngạo thì không phải Thanh-Hải và nếu vậy thì mất đến 8 phần lý thú của hai anh em song sinh đó. Trong nét ngông ngáo kia, giữa những câu chữ kiêu ngạo kia là cái tình. Anh em Thanh-Hải sống có tình lắm. Thế nên đi đến đâu họ cũng có bạn quý, có bạn yêu và có bạn ghét… nếu như họ không có thời gian kịp gặp những người bạn ấy.

Cái dị của anh em Thanh-Hải không phải ở chỗ họ để tóc dài, xiên lình đầy mặt và xăm trổ đầy mình bởi ở đời đầy kẻ làm vậy mà không ra được cái chất dị biệt của mình. Cái dị của họ nằm trong ý tưởng của họ ở mỗi dự án nghệ thuật mà họ đã làm. Từ tranh giấy bột màu cho tới tranh sơn mài; từ tranh sơn dầu cho đến những dự án nghệ thuật trình diễn thể nghiệm của họ, tất cả đều toát lên một ý tưởng rất dị và xuyên suốt, và thống nhất, và ám ảnh, và liên tục đến lạ kỳ.

"Thanh-Hải dị nhân".

Tôi không am hiểu nhiều về hội họa nhưng tôi thích tranh của Thanh-Hải, thích những hình khối không trọn vẹn; thích những mảng màu thâm trầm mạnh mẽ đến bạo liệt của họ. Họ thích sắc đỏ thì phải, bởi tôi nhìn thấy nhiều sắc đỏ trong những tác phẩm mà họ thực hiện. Phải chăng đó là máu? Máu của những người ruột thịt mà cảm thức của hai anh em sinh đôi bao giờ cũng mạnh mẽ nhất? Tôi không biết, tôi không dám nhận xét nhưng tôi chỉ hiểu là mình thích và bị cuốn hút bởi điều đó, một sự cuốn hút như thôi miên đến mức độ trong gian phòng khách chật chội của nhà tôi, 5 trong số 8 bức tranh tôi trưng bày là của họ, ở nhiều giai đoạn khác nhau.

Độ này tháng Bảy, Thanh-Hải đang làm một dự án mà tôi cảm thấy thích thú nhất kể từ khi quen biết họ. Đó là cuộc trưng bày những bức tranh được vẽ lại từ những tấm hình cũ thu thập khắp nơi, những tấm hình thể hiện một thời đoạn rất dài của đất nước. Nổi bật lên của chủ đề trung tâm chính là hình ảnh của những-số-phận-thời-chiến, hình ảnh của chia ly, của chờ đợi, của hi vọng ở cả chiều dài đất nước chữ S này. Đó có thể là ngoại tôi và mẹ tôi trong tấm hình ông ngoại mang theo mình vào chiến trường. Đó có thể là cha, là anh của ai đó ở miền Nam cũng có con nằm lại ở khắp 4 vùng chiến thuật. Tôi nhìn thấy ở đó dằn vặt của Thanh-Hải dị nhân, dằn vặt mà bao nhiêu năm rồi tôi chứng kiến trong các tác phẩm của cả hai, như tác phẩm trình diễn hai anh em đi ngược chiều nhau trên cầu Bến Hải, giằng co vật lộn với nhau rồi lại quyện vào nhau làm một. Họ, Thanh-Hải dị nhân, là một, luôn luôn là một, như cảm thức khát vọng được là một của biết bao nhiêu người con trên đất Việt này…

Tôi cũng muốn gọi họ là “Rực rỡ u sầu”, một cái tên của chính họ, do họ và từ họ mà ra. Tôi không thể nào quên được với lần đầu tiên tôi gặp họ và được nghe 4 tiếng “rực rỡ u sầu” đầy lạ thường ấy. Để khen một điều gì tót vời nhất và không thể còn lời nào xứng tầm hơn, anh em Thanh-Hải vẫn dùng tiếng “rực rỡ u sầu” kia như một thán từ, một tụng ca, một tự thoả mãn cho những gì mới trải qua của mình. Và với chúng tôi, 4 tiếng ấy đã thành một thứ khẩu hiệu chung để mỗi khi gặp nhau là phải làm một cú “rực rỡ u sầu” cho bõ quãng thời gian xa cách.

Tôi còn nhớ như in một ngày cuối năm 2007, ở Bangkok. Tôi đến với đất nước láng giềng ấy vì một công chuyện kéo dài nửa tháng và khi check-in tại khách sạn, tôi được người lễ tân thông báo rằng: “Có hai thằng anh mày mới đến check-in xong và đang ngồi uống rượu ở nhà hàng”. Trong khi đó, nhân viên khách sạn lại nói với Thanh-Hải rằng: “Thằng em mày mới tới, có nói nó ra nhà hàng luôn không?”. Và thế là chúng tôi quen nhau, tại Bangkok, nhờ vào sự nhầm lẫn của nhân viên khách sạn khi thấy có 3 tay Việt Nam tóc dài rũ rượi cùng đến một ngày.

Câu chuyện khởi đi từ nhầm lẫn đáng yêu đó, kéo theo những tìm hiểu nhau quanh ly rượu thơm và với nhiều cái tên bạn bè chung mà cả 3 (đúng hơn là cả 2 thôi vì tôi luôn coi Thanh-Hải chỉ là 1) cùng biết. Và ngay thời điểm ấy, Thanh-Hải cao hứng rủ tôi: “Chú có thích thì ngày kia đi Lào luôn với anh. Anh lái xe. Chỉ có rực rỡ u sầu thôi”. Tôi vẫn tiếc là hồi đó tôi không dám liều bỏ công bỏ việc mà đi. Bây giờ, Thanh-Hải mà rủ, tôi sẵn sàng gói đồ lên đường ngay tắp lự.

Huế đang xuống nắng khi chiều chuẩn bị về muộn dần dần. Và tôi, sau những câu chữ này, sẽ lang thang thả bộ ra ngoài sông Hương, đến chỗ của Thanh-Hải như đã hẹn trước. Hai anh có một không gian để làm nghệ thuật cực tuyệt vời nhìn ra sông Hương và ngóng qua bên kia Đại nội. Không gian ấy mở rộng cho tất cả những nghệ sỹ Huế, nghệ sỹ Bắc-Nam đến thực hiện những dự án nghệ thuật của riêng mình. Thanh-Hải thích sự rộn ràng của những dự án như thế, thích sự tấp nập của những đam mê cùng đổ dồn về bên nhau để làm, làm cho sướng bản thân mình, làm cho u sầu rực rỡ, làm cho thoả hết những khát vọng chôn giấu thật sâu trong con người mình.

Có một câu chuyện mà tôi được nghe kể lại và vẫn nhớ đến bây giờ. Đó là hồi nhỏ, Thanh và Hải mà ở gần nhau thì nghịch ngợm lỳ lợm số dzách. Thế nên, ba mẹ của hai anh  phải tách ra, một ông tối ngủ nhà với mẹ; một tướng tối ngủ cơ quan với ba (cách nhà 20 cây số) và chỉ cuối tuần mới cho đoàn tụ. Thế nhưng, ông tướng nào cũng vậy thôi, chỉ rình ba ngủ là 9 giờ tối lên xe đạp bám đuôi xe tải chạy về nhà mẹ để ôm phần còn lại của cuộc sống mình mà ngủ. Họ đã không thể tách rời nhau như thế. Và nếu ngồi nghe họ nói chuyện, ta sẽ thấy họ không tách rời nhau chỉ một nanomet nào.

Ví dụ như Thanh đang kể một câu chuyện và giữa chừng anh ngừng lại để nhấp một ngụm rượu thì Hải đã kể tiếp câu chuyện ấy với lối hành văn, cách nói, nội dung liền mạch như một người đang kể. Họ là thế, là một, là sự phân chia tạm thời của một tổ hợp duy nhất, một tổ hợp không bao giờ xa nhau một chút về phần tinh thần, về tâm hồn và về cả những ám ảnh dằn vặt về nghệ thuật.

Nhiều khi, nhìn họ, tôi hình dung họ là một chiếc xe với hai bánh thôi, một bánh là Hải và một bánh là Thanh, ở trên đó, chất chồng là những trăn trở; những ý niệm; những ham vui; những rong chơi; những bung phá; những rực rỡ u sầu; những ngáo ngáo ngông ngông dễ thương; những lời kiêu ngạo chẳng chết ai mà chỉ kéo thêm bạn về; những cuồng dã hoang say của hai kẻ trẻ mãi không bao giờ dứt; những vững chãi gai góc của hai kẻ chẳng sợ bất kỳ ai; những chu đáo ý nhị hiếm khi bộc lộ ra ngoài nhưng thực ra giữ bên trong cồn cào như núi lửa…

Họ là vậy, là duy nhất một người thôi, là một người sẽ đi cùng nhau đến tận cùng của con đường họ phải đi mà trên đó, lũ chúng tôi, bạn bè thân, thi thoảng níu họ dừng chân uống với nhau một buổi, tán láo với nhau một đêm cho u sầu thêm phần rực rỡ…

Huế, July 2012

Hà Quang Minh
.
.