Năm ngón tay tấu khúc nhạc cuộc đời

Thứ Tư, 21/02/2007, 11:00

Vinh đến với âm nhạc vào một đêm trăng. Đêm ấy, người cậu ở xa về đem theo một cây đàn, và ông hát, lũ trẻ con quây quần, nhiều đứa lắng nghe đến ngủ quên trên gối cậu, chỉ có Vinh nghe mải miết. Hôm sau, Vinh nằng nặc đòi cậu dạy chơi đàn. Nhìn cánh tay còn lại của Vinh, cậu chỉ biết lắc đầu! Vinh ấp ủ ước mơ âm nhạc từ ấy...

Cuối tháng 3/2004, tôi là một trong số ít người có mặt tại Hội quán, khu du lịch Bình Quới vào đêm "hàng cây thắp nến", thưởng thức những tình khúc nổi tiếng, sâu lắng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc kỷ niệm 5 năm ngày mất của ông. Đêm ấy, khi các em bé khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu, ca sĩ Hồng Hạnh và nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh cùng kết thúc đêm diễn bằng bài hát "Như một lời chia tay", nhiều người đã rơi lệ. Khi ấy, hình ảnh nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh với năm ngón tay tấu đàn giữa hai hàng nến tưởng nhớ người nhạc sĩ họ Trịnh đã khắc sâu vào tâm trí tôi.

Cuối năm 2006, tình cờ gặp lại Nguyễn Thế Vinh trên đường phố Sài Gòn, không khó nhận ra người nghệ sĩ lưng đeo guitar, dáng người thấp nhỏ, da ngăm đen, tóc xoăn, ngồi trên chiếc xe máy cà tàng mà tay ga đã đổi sang bên trái. Hai anh em tấp vội vào một quán nước bên đường, nhấp ly cà phê, phì phèo điếu thuốc, Vinh đã ngồi cả buổi để kể cho tôi nghe về quãng đời bi kịch, cơ cực, niềm đam mê cũng như cách mà Vinh vượt lên số phận...

Vinh sinh năm 1969, 4 tuổi thì cha Vinh qua đời, mẹ dắt díu 3 anh em Vinh về ở với ông bà ngoại ở một làng quê cát nắng cháy thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Năm Vinh 7 tuổi thì mẹ cậu cũng theo cha, bỏ lại anh em Vinh côi cút.

Nhà ngoại nghèo, ông ngoại Vinh đã nhận thêm 2 con bò của hợp tác xã về nuôi. Vinh, lúc ấy 8 tuổi được giao nhiệm vụ chăm sóc đàn bò. Từ đó, cậu bé mồ côi Nguyễn Thế Vinh đã phải ngày ngày dầm mưa dãi nắng, oằn vai với gánh nặng mưu sinh. Bi kịch tiếp nối bi kịch, năm 1978, đi chăn bò thì cậu bé Vinh đang học lớp 3 bị té từ trên lưng bò xuống đất. Nhà nghèo, bệnh viện ở xa, những thầy lang quê nhà đã làm cánh tay của Vinh bị hoại tử. Bệnh viện Phan Rí đành phải cắt bỏ cánh tay phải của Vinh. Bi kịch chưa dừng lại ở đó, vài năm sau, đến lượt anh trai của Vinh cũng theo người mẹ.

Đang là một trong những học trò học giỏi nhất trường, Vinh phải nghỉ học, cậu quen làm việc và dĩ nhiên viết bằng tay phải, giờ tay phải mất đi có nghĩa cậu bé Vinh sẽ phải bắt đầu tập viết bằng tay trái. Nhà ngoại nghèo, nuôi thêm một đứa trẻ khuyết tật nên càng kiệt quệ, đã có lúc, ý nghĩ bỏ học le lói trong đầu Vinh. Ông ngoại biết chuyện, cứ ôm cháu ngoại mà khóc. Ông bảo Vinh, đừng bao giờ nghĩ rằng con tật nguyền, cứ học đi, học để sau này có cuộc sống tốt hơn. Nghe vậy, Vinh tập viết bằng tay trái, cứ như thế, cho đến một ngày Vinh có thể viết được như tay phải và lại cắp sách đến trường như những người bạn cùng trang lứa.

Ông ngoại ngày một già yếu, Vinh càng lớn thêm, trách nhiệm gia đình càng đè nặng lên đôi vai bé bỏng của Vinh. Nhiều ngày, Vinh phải đi hàng cây số gánh nước từ ngoài sông về tưới dưa. Ngày ấy, vùng đất quê ngoại Vinh chỉ trồng được mỗi loại dưa dùng để lấy hạt, nhuộm đỏ và bán vào dịp tết, hạt dưa nào cũng gầy guộc như thân thể bé tẹo của Vinh. Nhọc nhằn, nghèo khó, Vinh vẫn cố gắng đến trường. Bây giờ, trên vai Vinh vẫn còn những vết chai sạn của thời vất vả cực nhọc.

Vinh đến với âm nhạc vào một đêm trăng. Đêm ấy, người cậu của Vinh ở xa về đem theo một cây đàn, và ông hát, lũ trẻ con quây quần, nhiều đứa lắng nghe đến ngủ quên trên gối cậu, chỉ có Vinh nghe mải miết, Vinh nghe như thấm từng nốt nhạc và đêm ấy, cậu bé Vinh mất ngủ, năm đó, Vinh 13 tuổi. Ngày hôm sau, Vinh nằng nặc đòi cậu dạy cho Vinh chơi đàn, nhìn cánh tay còn lại của Vinh, cậu chỉ biết lắc đầu! Vinh ấp ủ ước mơ âm nhạc từ  ấy...

Năm 1988, tốt nghiệp THPT, khi thấy mình đã đủ lớn, Vinh xin vào Sài Gòn mưu sinh, một nhóm sinh viên đồng hương đã đưa Vinh về phòng trọ ở chung. Chàng trai khuyết tật đã làm đủ thứ nghề để sống. Nhờ bạn bè động viên, một năm sau, Vinh dũng cảm đi thi đại học và Nguyễn Thế Vinh đã trúng tuyển vào Trường đại học Kinh tế TP HCM. Để có tiền theo đuổi việc học, Vinh đã làm đủ mọi nghề, hớt tóc, vá xe, giữ xe và đi dạy thêm. Khi mà Vinh chỉ còn một năm nữa thì ra trường, em trai của Vinh thi đậu vào đại học, lại một lần nữa đành bỏ dở việc học để tập trung lo cho em. Còn Vinh, ngày ngày lại ra đường sửa xe để kiếm từng đồng bạc lẻ.

Hàng ngày tắt mặt tối mày với mưu sinh nhưng Vinh không bao giờ quên được ước mơ âm nhạc từ thuở bé. Kiếm được món tiền kha khá nhờ trông xe, Vinh tự sắm cho mình một cây đàn guitar, thời gian rảnh rỗi, không có khách, Vinh tìm đủ mọi cách để có thể gảy lên một tiếng đàn...--PageBreak--

Không thể chơi đàn được như người bình thường, cây đàn guitar lại thiết kế để người chơi chỉ chơi được tay phải, tay trái của Vinh chỉ có thể bấm phím. Để gảy được đàn, Vinh đã phải nghĩ nát óc; mới đầu Vinh cột phím vào mỏm cụt còn lại của tay phải rồi lại cột chân nhang vào đó, rồi cả đánh đàn bằng ngón chân. Tiếng đàn nhão nhẹt. Không bỏ cuộc, một ngày, khi thấy cây đàn vô tình được đặt nằm ngửa, Vinh đã lật ngửa mặt đàn lên, dùng các ngón giữa, áp út và ngón út để bấm nốt, còn ngón trỏ Vinh dùng để gảy. Tiếng nhạc đứt đoạn nhưng nó đã chịu phát ra âm thanh mà Vinh muốn. Mừng đến phát khóc, nguyên một ngày hôm đó, Vinh say sưa tập, năm ngón tay bật máu. Nhiều ngày khổ luyện, năm ngón tay còn lại đã giúp Vinh có thể gảy lên những điệu nhạc mà mình yêu thích.

Không hài lòng với kiểu đánh đàn năm ngón, Vinh tập đánh hợp âm, bấm hợp âm khó hơn rất nhiều so với kiểu bấm đàn mà Vinh đã nghĩ ra, bởi người có đủ mười ngón tay học còn khó huống hồ Vinh. Hàng tháng trời, tranh thủ giờ nghỉ trưa, trong căn nhà trọ nóng hầm hập, Vinh lại trần trùng trục vật lộn với cây đàn. Niềm đam mê kỳ lạ cùng với sự khổ luyện không mệt mỏi, 3 năm trời, Vinh mới có thể “chơi” guitar theo đúng những gì mà mình mơ ước, Vinh có thể tự tin đệm cho bất kỳ ca khúc nào.

Vinh đến với sân khấu biểu diễn cũng rất tình cờ. Vinh mê nhạc Trịnh Công Sơn, mê đến ngây dại, cũng chính niềm đam mê ấy mà bàn tay của Vinh chai sạn như những anh thợ mộc, Vinh mê từ “Cát bụi”, “Diễm xưa”, “Như một lời chia tay” đến “Biển nhớ”... Nhạc của Trịnh sâu lắng, nhiều lúc buồn như chính cuộc đời của Vinh, buồn nhưng không bi lụy. Ở đó, Vinh vẫn tìm cho mình một con đường dù là con đường chỉ... “một mình tôi đi” như lời một bài hát của Trịnh.

Hơn chục năm về trước, quận Bình Thạnh có một quán cà phê nhỏ, chủ quán là một người mê nhạc Trịnh, ông thiết kế tại quán một sân khấu nhỏ để hát với nhau, ở đó có đủ các loại đàn. Vinh thường ngồi uống cà phê một mình ở quán đó và thường ngồi nghe chủ quán hát. Một ngày chủ quán không đến kịp giờ hát, sân khấu trống trơn, cây đàn treo lặng lẽ trên giá. Vinh hít một hơi thật sâu, anh từ tốn bước lên xin phép mọi người để được đàn, khỏi phải nói mọi người đã ngạc nhiên như thế nào, im lặng một lát, rồi có người vỗ tay cổ vũ Vinh. Anh mạnh dạn với lấy cây đàn so phím, các động tác thuần thục như một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Khi tiếng đàn ngân lên: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi... đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt... con tim yêu thương vô tình chợt gọi... lại thấy trong ta hiện bóng con người...”.

Tiếng đàn đã dứt hẳn, cả quán cà phê vẫn chìm trong im lặng, rồi những tiếng vỗ tay òa ra, từng chập không ngớt, người ta không thể ngờ rằng, một chàng trai khuyết tật có thể chơi một bản nhạc Trịnh “chuẩn” đến vậy. Lúc ấy, ông chủ quán cũng từ... hàng ghế khán giả bước lên, ôm lấy bờ vai gầy guộc của Vinh lắc nhẹ, ông yêu cầu được gặp Vinh sau khi mọi người khách ra về. Đêm ấy, khi nghe kể Vinh vẫn phải sống với nghề bơm vá xe, ông chủ quán đã đề nghị với Vinh một “hợp đồng” biểu diễn dài hạn.

Rồi ngày ngày, có nhiều người khách đến quán cà phê nhỏ ấy chỉ để được nghe tiếng đàn da diết, réo rắt từ chàng trai khuyết tật. Được giới nghệ sĩ và những người tổ chức biết đến, khâm phục, người ta nhanh chóng xếp Vinh vào hàng ngũ những người nghệ sĩ, Vinh đã vinh dự được mời đi biểu diễn nhiều nơi, từ phòng trà ATB nổi tiếng Sài Gòn đến phòng trà Hawaii số một của Huế.

Sau khi dành dụm được ít vốn để sắm cho cậu em trai một cửa hàng điện thoại di động, Vinh bắt đầu cuộc sống của người... hát rong. Đã trở thành nghệ sĩ, trừ những lúc lên sân khấu, Vinh vẫn giữ cho mình một lối sống giản dị, quần tây, áo sơmi, nhiều khi thành ra luộm thuộm, có người nhắc khéo, Vinh chỉ cười rồi bảo: Vinh lớn lên từ đồng ruộng, nghèo khó mà. Vinh nhớ có lần anh hát trong một trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật, nhìn những đứa trẻ thiệt thòi còn hơn mình, anh thấy thương quá. Hôm ấy, anh đã hát say sưa bằng tất cả tình yêu của mình, kết thúc, có đứa bé mon men lại gần anh để sờ vào cây đàn, đôi mắt bé bị mù, Vinh nắm lấy bờ vai của nó, rồi nắm lấy bàn tay của nó đặt vào phím đàn, đứa bé cười hạnh phúc, nụ cười như thiên thần. Vinh nói nhỏ vào tai nó rằng đừng bao giờ nghĩ mình tật nguyền và đừng bao giờ từ bỏ những ước mơ...

Vinh tạm biệt tôi khi nắng chiều đã tắt, anh bảo rằng tối nay anh lại bay ra Huế, đời người nghệ sĩ bôn ba lắm. Tôi hỏi với, thế thù lao người ta trả anh ra sao. Anh cười buồn: cũng chỉ đủ nuôi sống mình... Vinh ngồi lên chiếc xe 78 cà tàng tính phóng xe đi nhưng đột nhiên anh dừng xe, ngoái cổ lại phía sau nói với tôi: “Nghe nói báo cậu có nhiều chương trình biểu diễn ca nhạc từ thiện, khi nào cần cứ gọi Vinh một tiếng!”.

Giờ Vinh đã trở thành biểu tượng của nghị lực, tôi thích một câu nói rất triết lý của Vinh: “Ở đời, người hạnh phúc là người mỗi sáng thức dậy được làm những gì mình thích, mình đam mê, đối với Vinh, được chơi nhạc là đủ...”.

Bóng Vinh chìm vào dòng người tấp nập. Tôi lại nhớ bản nhạc Trịnh mà Vinh đã tấu: “Một mình tôi đi... đời như vô tận... một mình tôi về... với tôi...”

Thuận Thiên
.
.