Nadia Murad ước nguyện đầu tiên của cô gái cuối cùng

Thứ Bảy, 02/02/2019, 18:52
“Tôi muốn là cô gái cuối cùng trên thế giới phải kể lại câu chuyện đời mình nhiều đau thương đến như thế này” - Nadia Murad từng giải thích về cuốn tự truyện của mình như thế. 


Cuốn tự truyện mang tên “The Last Girl: My Story of Captivity and My Fight against the Islamic State” (Cô gái cuối cùng: Câu chuyện của tôi về sự giam cầm và cuộc chiến đấu của tôi chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo), ra đời năm 2017. Khi ấy, Nadia cũng chưa hình dung được rằng chỉ một năm sau mình sẽ trở thành đồng chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình và được xem là một ngọn cờ của phong trào đấu tranh cho phụ nữ.

1. Song, Nadia Murad không tự xem mình chỉ là một nhà hoạt động cho nữ quyền thuần túy. Quyền bình đẳng giới cho phụ nữ, theo cách hiểu thông thường, không phải là điều cô hướng tới. Cô có một mục tiêu hẹp hơn nhưng cụ thể hơn, để cô dấn thân với một định hướng rõ ràng hơn và mãnh liệt hơn: Chống lại, đẩy lùi và xóa bỏ nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh.

Cần lưu ý là người cùng nhận Giải Nobel Hòa bình 2018 với Nadia -  vị bác sĩ phụ khoa 63 tuổi, người Congo - Denis Mukwege, cũng “tuyên chiến” với những hành vi ấy. Ông đã dành cả đời để bảo vệ các nạn nhân - những người phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể trong chiến loạn. Ông, người được mệnh danh là “Bác sĩ kỳ diệu”, được tờ The Guardian ca ngợi là “một trong những người đàn ông vĩ đại nhất còn sống”, đã giúp hàng chục nghìn phụ nữ vượt qua nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần.

Ông, người nhận Giải Nobel Hòa bình khi còn đang dở tay với một ca phẫu thuật, tuyên bố đóng góp toàn bộ số tiền thưởng cho “tất cả những người phụ nữ bị tổn thương vì chiến tranh và những phụ nữ còn đang phải đối mặt với bạo lực hằng ngày”. 

Ông, trong lời phát biểu khi nhận giải, khiến cả thế giới cúi mặt khi nhấn mạnh: “Giải Nobel này là sự thừa nhận sự chịu đựng của những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục trên khắp thế giới, cũng là sự thừa nhận thất bại trong việc bù đắp cho họ!”.

Với Nadia và với bác sĩ Denis Mukwege, Giải Nobel Hòa bình 2018 mang một diện mạo đầy đau đớn và khổ ải nhưng cũng tràn ngập tinh thần phản kháng. Bởi họ, bởi những người như họ và bởi những gì họ hướng đến. Thông cáo của Ủy ban Nobel Na Uy tuyên bố: Chỉ có thể xây dựng một thế giới hòa bình, nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của nữ giới được công nhận cũng như bảo vệ trong chiến tranh.    

Một ánh mắt, một phận đời, một ngọn lửa.

2. Nadia Murad trong hiện tại là một sản phẩm được tạo nên bởi sự vô nhân đạo của chiến tranh. Bất cứ ai đã nhìn vào ánh mắt sâu hun hút, dường như ẩn chứa ngàn vạn nỗi niềm dưới đôi nét trống rỗng hoang vắng của cô khi lên bục nhận giải đều có thể bất giác hình dung đến những ngày đôi mắt ấy còn lấp lánh những ánh tươi trẻ.

Sinh năm 1993 nhưng Nadia trông như già hơn cả chục tuổi. Sinh ra ở làng Kocho, trong một gia đình nông dân Iraq thuộc nhóm sắc tộc Yadizi, cô gái ấy đến năm 19 tuổi đang là một sinh viên. Rồi những lá cờ đen chết chóc của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tràn tới. 

600 người trong làng bị thảm sát, bao gồm cả 6 người anh em ruột thịt của cô. Cùng những cô gái trẻ khác, Nadia bị bắt làm nô lệ - một trong khoảng 6.700 nữ nô lệ đúng nghĩa của IS trên đất Iraq. Đó là ngày 15-9-2014.

Nadia bị áp giải về Mosul - một trong những thành trì quan trọng nhất của IS. Cô bị cưỡng hiếp, bị ép buộc phải phục vụ tình dục cho binh sĩ IS. Cô bị đánh đập, bị châm thuốc vào người và lại bị cưỡng hiếp sau những lần cố gắng chạy trốn. Cô phải chứng kiến những bạn gái của mình bị rao bán ngoài chợ như những món hàng, như thời Trung cổ. Nhưng, cô chưa từng bỏ cuộc. 

Cơ hội đến trong một lần kẻ giam giữ quên không khóa cửa. Nhờ sự giúp đỡ âm thầm của một gia đình láng giềng, cô có thể ẩn náu và trốn khỏi lãnh địa cờ đen, đến một trại tị nạn ở Duhok, miền Bắc Iraq.

Tháng 2/2015, cô đến trại Rwanga, trú ngụ trong một container. Ở đó, lần đầu cô được tiếp xúc với truyền thông quốc tế: Tờ La Libre Belgique của Bỉ. Sau đó, Nadia và khoảng 1.000 phụ nữ cùng trẻ em khác được sang Đức, nhờ một chương trình viện trợ của Chính phủ Đức. Tháng 12/2015, cô được triệu đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, để báo cáo về tình trạng buôn người và thảm sát trong cuộc xung đột đẫm máu ấy. Kể từ ngày ấy, Nadia Murad chính thức được xem là một nhà hoạt động xã hội đấu tranh cho phụ nữ.

Từ đó đến nay, Nadia liên tục nhận những lời đe dọa đến tính mạng của mình, từ những phần tử quá khích - những kẻ sẵn sàng làm nổ tung chính mình cùng sinh mạng hàng trăm người khác. Song, đã đến lúc người phụ nữ bị đày đọa ấy coi thường tất cả. 

Năm 2016, Nadia trở thành Đại sứ Thiện chí đầu tiên của Liên Hiệp Quốc đại diện cho phẩm giá của những nạn nhân thoát khỏi nạn buôn người. Tháng 3-2017, cô được diện kiến Giáo hoàng Thiên Chúa giáo La Mã Francis ở Vatican - một hành động rõ ràng là không đếm xỉa gì đến tinh thần Hồi giáo cực đoan. 

Ngày 7-11-2017, cuốn tự truyện The Last Girl của cô chính thức ra mắt. Và đến bây giờ, On her shoulder (Trên vai cô ấy) - một bộ phim của Alexandria Bombach làm về cuộc đời Nadia, được đánh giá là “bức chân dung tinh tế về thứ sức mạnh cần thiết để có thể lên tiếng” - đã hoàn tất.

3. Nhưng có lẽ, khi mới bắt đầu dấn thân vào con đường đấu tranh chống nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, chính Nadia Murad cũng không hình dung được tầm vóc đích thực của câu chuyện mà mình trải qua. 

Thực sự, cho đến hiện tại, khi bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, nhấn mạnh rằng: “Phụ nữ, một nửa thế giới, đã và đang bị sử dụng làm công cụ của chiến tranh”, việc tìm kiếm mối dây liên hệ giữa lời định tội đanh thép ấy với các hành động bạo lực tình dục trong thực tế vẫn còn khá mờ mịt, đối với không ít người.

Song, đúng là như vậy, kể cả ở các cuộc chiến tranh hiện đại lẫn trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh. Nhân loại đã chứng kiến gần như cả châu Mỹ latinh không còn bóng những cư dân nguyên thủy của mình, theo từng bước chinh phạt của thực dân Tây Ban Nha. 

Cũng mới đầu những năm 1990 thôi, cuộc xung đột ở Nam Tư cũ ẩn chứa trong nó rất nhiều tội ác, mà thảm sát thường đi kèm với cưỡng hiếp tập thể. Đến bây giờ, tại Congo - quê hương của bác sĩ Denis Mukwege, bạo lực tình dục vẫn diễn ra hằng ngày.

Nguyên nhân dễ nắm bắt nhất của các vụ cưỡng hiếp giữa binh lửa, dĩ nhiên, là để phục vụ nhu cầu sinh lý của binh lính. Nhưng, sâu xa hơn thế, bạo lực tình dục còn là phương tiện để thực hiện những mưu đồ khác, ở những tầng toan tính khác. Đó là cách khá dễ dàng để làm tăng các nguồn thu, cũng như gia tăng sự quyến rũ bằng những khoái cảm ma quỷ khi cần chiêu mộ chiến binh. 

Đó cũng là cách để tàn phá kết cấu cơ bản của các cộng đồng, hủy diệt phẩm giá cũng như sức phản kháng của những cộng đồng ấy, thậm chí còn là một phương pháp “diệt chủng” từ cổ đại.

Bác sĩ Mukwege bên các bệnh nhân của mình.

Đó là tội ác. Và những kẻ thủ ác cần phải bị trừng trị. Thế nhưng, đầu tiên, vẫn luôn cần những con người đủ dũng cảm đứng dậy tố cáo cái ác. Nadia chính là một người như thế. Cô vứt bỏ mọi mặc cảm, mọi sự ngại ngần, không chấp nhận nhẫn nhục để chia sẻ câu chuyện của mình với thế giới. Cô, hoàn toàn có thể để mọi cơn ác mộng tại Iraq lại sau lưng khi đã đến được nước Đức phồn thịnh và văn minh, vẫn day dứt với sứ mệnh đi tìm công lý cho những thân phận phụ nữ bị chà đạp. 

Còn quá nhiều thân phận như thế, khi thế giới còn bao nhiêu “lò lửa” xung đột. Và, ngay cả ở những nơi tưởng chừng yên bình, những tội ác tình dục đối với phụ nữ vẫn có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Và, nếu những người mẹ không thể yên bình hay hạnh phúc thì làm sao để những đứa trẻ tránh xa khỏi hận thù - mầm mống đầu tiên của hiềm khích, xung đột hay chiến tranh? 

Phi Hồ
.
.