NSƯT Quốc Anh: Vui buồn, sướng khổ lặng vào trong

Thứ Ba, 10/03/2015, 16:29
Đã 3 năm, NSƯT Quốc Anh lên chức Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, buổi trò chuyện tôi cố tìm ra có chút gì Quốc Anh của sân khấu hài nghiêng ngả tiếng cười, niềm vui, dí dỏm, bỡn cợt… Nhưng, một điều chắc chắn là Quốc Anh ngoài đời lạ hoắc, khác 180 độ, chẳng có gì liên quan đến một nghệ sĩ quen mặt của sân khấu hài. 

Anh hẹn gặp tôi sau hai ngày quay clip hài ở làng cổ Đường Lâm. Về đến Hà Nội, anh đổ xô đến Nhà hát Chèo với những công việc cuối năm bộn bề để chuẩn bị cho những ngày đón Tết Nguyên đán Ất Mùi. Phòng làm việc riêng của anh rộng, thoáng đãng ở ngay giữa trung tâm đô hội phố Nguyễn Đình Chiểu.

Đã 3 năm, NSƯT Quốc Anh lên chức Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, buổi trò chuyện tôi cố tìm ra có chút gì Quốc Anh của sân khấu hài nghiêng ngả tiếng cười, niềm vui, dí dỏm, bỡn cợt… Nhưng, một điều chắc chắn là Quốc Anh ngoài đời lạ hoắc, khác 180 độ, chẳng có gì liên quan đến một nghệ sĩ quen mặt của sân khấu hài. Khuôn mặt ấy thoảng thốt nét đớn đau, thăng trầm, sầu tư sâu lắng. Một người với đời sống nội tâm, kỉ niệm vật vã những vết thương dập dềnh ẩn hiện, chồi lên túa ra, trong trái tim ứa máu nghẹn ngào. Chẳng khó khăn gì tôi nhận ra điều ấy, và anh cũng nói chắc như đinh đóng cột, ngoài đời mình khác xa, khác lắm, chẳng có chút bóng dáng gì của danh hài.

Một lần tôi nghe được câu chuyện buồn của Quốc Anh do chính đồng nghiệp gần gũi anh kể lại, câu chuyện đó ám ảnh khiến tôi chẳng thể quên được. Chuyện Quốc Anh vốn là một người yêu công việc và hăng say tập luyện mỗi khi nhà hát chuẩn bị ra một vở diễn mới. Anh phụ trách nhóm diễn viên tập luyện. Mỗi lần tập, Quốc Anh như lên đồng, quên luôn cả chuyện ăn uống mà chỉ biết đến vai diễn.

Lúc đấy, NSƯT Thu Huyền, vợ ca sĩ Tấn Minh cũng ở trong nhóm tập và đang có con nhỏ. Mấy hôm tập, hôm nào các diễn viên cũng tập thêm giờ. Mọi thành viên trong đoàn đều bận bịu việc gia đình, ai nấy đều ái ngại cho sự nhiệt tình của Quốc Anh tập quên ăn, quên ngủ, quên gia đình. Thu Huyền hôm ấy đến buổi tập muộn, Quốc Anh tỏ vẻ không hài lòng. Thu Huyền nhìn Quốc Anh vui vẻ nói đùa: “Con lạy bố! Người ta có gia đình, có con nhỏ, tập xong còn về làm nghĩa vụ cho chồng cho con. Chứ có ai được rảnh rang như bố đâu. Bố không có con, bố tập lúc nào chẳng được…”.

Quốc Anh nghe xong câu đấy, nước mắt cứ thế túa ra, ôm mặt nức nở. Lúc ấy, Thu Huyền biết mình lỡ lời, chắp tay xin Quốc Anh đừng khóc. Nhìn thấy nước mắt rơi người ta đã khó xử, huống chi đây lại là nước mắt của một người đàn ông trung niên, một danh hài có tiếng.

Chuyện chỉ có vậy mà ám ảnh, đến khi tôi gặp anh tình cờ hoặc cố ý, lần nào cũng vậy, anh ở ngoài đời vận đồ đen từ đầu đến chân. Áo trong, áo ngoài, quần, và giày cũng một màu đen. Cả cái ôtô cũng màu đen nhánh. Màu đen là màu của bóng đêm, màu của những gì sâu sa, kín mít. Người bận đồ đen thường không thích lộ nội tâm của mình, và họ nhìn đời theo một cách riêng.  Đời anh là một tấn trò đời hay còn gọi là bi kịch của người nghệ sĩ.

Gọi là gì thì gọi, nhưng nhất quyết, cho đến hôm nay, ở cương vị Phó giám đốc, đời anh cho đến giờ cũng chưa bao giờ là mặt hồ phẳng lặng. Nó trồi sụt, xù xì, bầm dập. Anh bảo anh ra đời lúc sang canh vào tháng 2 Âm lịch năm Nhâm Dần 1962. Hổ sinh mùa xuân lại ban đêm nên đường đời lắm nỗi gian truân.

Đã qua hai lần đò. Người vợ đầu tiên, chị là diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam, cùng đơn vị ngày đầu anh công tác. Hai người chung sống với nhau cũng được hơn chục năm. Trước khi chị đến với anh, chị đã qua một đời chồng và có cô con gái nhỏ 2 tuổi. Cuộc hôn nhân có những tháng này đầy mơ mộng lãng mạn, bồng bềnh nhưng cũng không qua khỏi số mệnh rồi kết thúc vào đầu những năm 2000. Đời anh lại sang một trang khác.

Rời Nhà hát Chèo Việt Nam với một vết thương lòng, cùng lúc ấy anh li hôn với vợ, Quốc Anh ngậm ngùi về Nhà hát Chèo Hà Nội. Từ đây, khán giả cả nước bắt đầu biết tới Quốc Anh. Đó là năm 2002, anh đóng tiểu phẩm hài, quay clip, đóng phim truyền hình. Ít lâu sau anh bước tới hôn nhân thứ hai với một người phụ nữ cũng đã có một lần lỡ dở và có con riêng. Hai người quen nhau trong một quán ăn. Cuộc hôn nhân này đến nay cũng kéo dài hơn chục năm. Đã qua hai cuộc hôn nhân dài, nhưng anh chưa từng có con chung với cả hai người vợ. Mọi buồn vui, sướng khổ, tất cả đều giấu lặng vào trong.

NSƯT Quốc Anh vai Nguyễn Trãi trong vở “Oan khuất một thời”.

Cũng tại Nhà hát Chèo Hà Nội, Đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đã khai phá ra Quốc Anh khi thẳng thừng đưa gương mặt hài Quốc Anh vào vai nặng kí Nguyễn Trãi  trong vở Oan khuất một thời hay vở Quan lớn về làng. Quốc Anh lúc này như được gột rửa bước lên một nấc thang khác của nghiệp diễn. Vai diễn của anh khiến khán giả có cái nhìn nhận khác về một người diễn viên đa tài, sâu sắc.

Giờ ở cương vị Phó giám đốc, kinh tế cũng đã ít nhiều dư giả, vậy nhưng hồi ức năm xưa vẫn như những thước phim quay chậm bồi hồi trong lòng người nghệ sĩ đa cảm. Quê anh ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, mười sáu tuổi rời quê ra Hà Nội, anh đến Nhà hát Chèo Việt Nam vừa là diễn viên, vừa đi học tại Trường Nghệ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội).

Những năm tháng thời bao cấp đói khổ, rét mướt, ăn bo bo và mì trắng thay cơm. Thỉnh thoảng cậu diễn viên cùng đám bạn học ra làng Đồng Xa kì cạch cả buổi chỉ câu được một con cá, mò được vài chú cua đồng, hay bắt được rổ ốc đá để cải thiện. Những tháng ngày đói khát quanh năm. Lúc đó không chỉ có anh mà cả đất nước trong những năm bao cấp đều trong cảnh thiếu thốn ấy.

Chuyện đã qua hơn 30 năm nay, nhưng mỗi lần nhớ lại, hay đi qua đoạn đường Thường Tín, Hà Tây, là trong anh lại vật vã, trăn trở. Đó là năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước. Quốc Anh khi ấy mới 20 tuổi, đi từ quê ở Thanh Hóa ra Hà Nội để vào năm học.

Đi trên chiếc xe commăngca mà trong túi cậu học trò nghèo chẳng có lấy nổi một xu. Xe dừng ở Thường Tín, Hà Tây, bác tài đến thu tiền vé xe của anh. Lúc đấy, Quốc Anh không có tiền, ấp úng nói mong bác tài thông cảm. Người đàn ông trung niên vằn mắt nhìn Quốc Anh trông cũng thư sinh trắng trẻo mà bảo không có tiền?! Bao nhiêu năm qua con mắt ấy vẫn cứ ám ảnh anh. Ông ta bảo: “Mày không có tiền thì ai bảo còn ngồi trên xe tao”.

Vừa dứt lời ông ta dùng hết sức mình giơ cú đánh trời giáng xuống người của anh. Rồi ném anh xuống xe. Chiếc xe lao đi. Còn lại mình anh trên con đường đất, với tâm trạng vừa buồn, vừa tủi, vừa đuối lý. Cậu học sinh nghèo đi bộ 20 cây số vào một ngày cuối chiều mùa hè từ Thường Tín về Nhà hát Chèo.  Hơn ai hết anh thấm thía cái nghèo, cái khổ, cả nỗi nhục đói khát thiếu thốn…

Ngay cả bây giờ mỗi dịp Tết đến xuân về, anh cũng không quên được tháng ngày thời bao cấp đói khổ, hơn hai tháng trời đi diễn cùng với đoàn diễn viên nhà hát chèo lên các tỉnh miền núi Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La… Vậy mà chỉ mong mua sọt cam mang về cho cha mẹ nhưng rồi tiền cátsê hai tháng cũng chẳng đủ để mua được sọt cam. 

Nhiều năm Tết anh phải ở lại Hà Nội vì không đủ tiền mua vé về quê sum họp ngày Tết với gia đình. Anh dừng lại, ánh mắt mông lung buồn. Anh bảo: “Em biết không?Đã 9 năm nay anh nhất quyết năm nào cũng không đi diễn xa nữa vì trước khi bố anh mất, anh đã hứa với bố là khi mẹ còn sống ngày nào anh sẽ về quê ăn Tết với mẹ ngày đó”.

Mẹ anh đã ngoài 80, cũng như bao bà mẹ miền quê khác, vết hằn dọc ngang của năm tháng thời gian và thương nhớ con vô hạn. Bao nhiêu năm nay, người mẹ già, lưng còng tóc bạc, mặc áo ấm cứ ngóng ra cửa, chờ con trước cổng nhà vào đêm 30 Tết. 

Buổi biểu diễn cuối cùng của năm cũ chào đón năm mới, đêm 30 Tết, anh và các diễn viên nhà hát chèo vẫn phải diễn một đêm cuối để chào đón năm mới. Những năm trước đến 11 giờ là diễn xong, anh lại vội vàng bắt chuyến xe khách cuối cùng về miền quê Thanh Hóa - nơi có mẹ già đang ngóng đợi. Vậy là bao nhiêu năm cứ vào dịp giao thừa, anh lại có mặt trên chuyến xe khách cuối cùng về với mẹ.

Ba năm trở lại đây, anh đã có ôtô, sau khi diễn xong chỉ khoảng một tiếng nữa là sang năm mới, anh có thể tự một mình lái xe về quê. Về với mẹ, hai u con lại tản bộ đến những ngôi chùa trong thôn, trong xóm rồi đi xa hơn một chút nữa chùa trong huyện, trong tỉnh.

Năm nào cũng vậy, cả chục năm nay chỉ có hai u con cùng nhau đi lễ chùa. Trong khi anh và mẹ đi lễ chùa thì xung quanh những gia đình có ti vi, truyền hình văng vẳng giọng ngâm thơ đặc sắc của anh mà chẳng năm nào thiếu được. Giọng anh lên bổng, xuống trầm bài thơ: Ông đồ của Vũ Đình Liên: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài… Mẹ anh dừng lại nhìn anh âu yếm bảo: “Lại giọng của cậu Anh đây mà!”.

Trần Mỹ Hiền
.
.