NSƯT Xuân Hinh: Người đeo kính không tròng

Thứ Năm, 27/02/2014, 14:40

“Đồng bóng”, vui thì rất vui, chanh chua chúa chát cũng chẳng kém gì ai, nhưng sống tận lực với cuộc đời, với nghệ thuật, sống tận tâm với bạn hữu, sống như thể ngày mai là ngày cuối cùng được cống hiến tiếng hát, tiếng cười cho đời, người đó không ai khác, chính là Xuân Hinh, anh hề chèo có duyên nhất trong thế kỷ XX của nền sân khấu Việt Nam.

Gặp nghệ sĩ Xuân Hinh trong những ngày đầu năm mới tại quán cà phê quen ở Hồ Thiền Quang, anh trông thật bảnh bao trong bộ quần áo complet đen sang trọng. Nhà thơ Hồng Thanh Quang, sau một hồi ôn lại kỷ niệm cũ khi đi Ucraina cùng Xuân Hinh, đã phát hiện ra một điều thật thú vị: “Ôi, ông bạn tôi đeo kính không tròng!”. Xuân Hinh chữa cháy: “Mình không bị cận, không bị lão dù ở quê thì đã lên lão. Đeo kính không tròng để chụp ảnh đỡ bị lóa. Cứ phải có kính mới oách ông ạ!”. Cảm tác trước hình ảnh kính không tròng, nhà thơ Hồng Thanh Quang có thơ rằng: “Xuân Hinh đeo kính không tròng/ Cũng như em chỉ lấy chồng thế thôi/ Không tròng đời mới là đời/ Có chồng em mới quý người như anh”. Cả bàn tiệc ngày đầu xuân được một trận cười hỉ hả. Rồi Xuân Hinh cất giọng ngân lên điệu chèo “Mời trầu” khiến không gian trở lại lặng phắc như tờ, tiếng hát đau đáu, day dứt khiến những gương mặt thi nhân và bạn hữu trở nên đắm đuối lạ lùng. Mùa xuân cứ như kéo dài bất tận trong cái cái nồng nàn của những tiếng cụng ly và những câu chuyện “ôn cố tri tân” của tình bằng hữu.

Đứng xa mọi scandal, đứng xa những thứ hào nhoáng bên ngoài nghệ thuật, có thể coi Xuân Hinh là một trong những người nghệ sĩ đích thực sống đàng hoàng được bằng nghề của mình. Cái nghề hát chèo, hát văn, cái nghề làm anh hề mua vui cho thiên hạ. Cả cuộc đời anh gắn với tên tuổi của những vai Hề: Hề Cu Sứt, Hề Mồi, Hề Gậy, Thầy bói đi chợ, Người ngựa, ngựa người…  Ấy vậy mà trong suốt cả một thế kỷ không ai vượt qua được anh trong những vai diễn tưởng chừng như thuộc về dân gian ấy.

Dường như Xuân Hinh sinh ra là để gánh trên vai cái gánh nghệ thuật dân gian, để đi chọc cười dân dã, để xua bớt những cái căng thẳng mệt mỏi của đời sống lao động, của những người nông dân chân lấm tay bùn, của những người lao động mệt nhoài, những số phận bé mọn. Anh thành đạt từ trong những thứ thuộc về nhân dân ấy. Cũng từ cái gốc của làng quê Bắc Ninh, mảnh đất của quan họ, Xuân Hinh đã bước vào đời sống hiện đại, trở thành một người anh hề được cả xã hội nể trọng. Anh bảo, là anh biết lấy cái căn cốt của cha ông làm điểm tựa cho mình.

Có lẽ trong số những diễn viên theo đuổi con đường nghệ thuật truyền thống, tôi chưa gặp ai có chất folklore, vốn dân ca, ca dao, tục ngữ nhiều như anh. Xuân Hinh là cả một kho tàng ca dao sống, để ở bất cứ trường hợp nào, anh cũng có thể nẩy bằng ca dao, tục ngữ. Còn khi Xuân Hinh cất tiếng hát, thì đến cả gỗ đá cũng xao lòng. Cũng là điệu hát ấy, vậy mà cái luyến láy của anh, cái âm giọng đầy chất ma mị của anh như trận đồ bát quái dẫn dụ con người, mê hoặc con người khiến họ như lạc vào một thế giới khác. Bởi thế, khi buồn gặp Xuân Hinh để nghe anh nói chuyện cười thì quên hết nỗi sầu, nhưng nếu đang cô đơn mà gặp Xuân Hinh mà nghe anh hát chèo, hát văn thì tâm hồn sẽ tan chảy.

Xuân Hinh bảo, ngày xưa, may mắn anh là người thích thay đổi, cứ đứng núi này trông núi nọ cũng có khi có cái hay. Tốt nghiệp khóa chèo đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Xuân Hinh được giữ lại làm giáo viên. Con đường công chức tưởng an nhàn, thì anh thèm đi biểu diễn, rồi bỏ trường mà đi, chạy khắp nơi và bây giờ thì đỗ bến tại Nhà hát Chèo Hà Nội. Có thời điểm nghề hát chèo khổ quá, không đủ nuôi thân chứ chưa nói đến nuôi vợ nuôi con, Xuân Hinh đã mấy lần quyết tâm bỏ chèo để đến với một nghề khác dễ kiếm sống hơn. Nhưng cái nghiệp đeo đẳng, quay đi quay lại vẫn không bỏ được cái duyên “con tằm rút ruột nhả tơ”.

Xuân Hinh chia sẻ: “Thuở đi học, nhà tôi nghèo vì đông con (7 anh chị em) tôi phải đi buôn chó lấy tiền ăn học và nuôi các em, nhưng vẫn say mê học, suốt bốn năm không bỏ buổi học nào. Có đêm mang chó đi bán chợ xa, lỡ xe phải ngủ lại ở bến, lũ chó trong rọ sủa nhiều quá bị người ta mắng, phải thả ra cho chúng khỏi kêu, sáng hôm sau lần mò đi tìm từng con bắt lại. Bởi là con nhà nghèo nên tôi không thích kiểu ăn mặc bó buộc. Khuôn phép, lễ giáo phải nằm trong ý thức và hành vi ứng xử với người, với đời, chứ đâu phải diện mạo bên ngoài. Tôi từng sắm những bộ lễ phục, complet, cravat hàng chục triệu đồng. Vậy mà đứng trước gương ngắm nghía chẳng thấy giống mình, cứ như thằng trưởng giả học làm sang, thế là cởi ra, xếp xó. Tôi biết mình chứ, anh chàng nhà quê ra tỉnh, cái duyên của mình là hương đồng gió nội, chứ để bay mất, nhạt nhẽo, hết duyên ngay... Thú thực, chính vì cái duyên đó mà tôi cưa được bà xã. Nàng là con nhà Hà Nội gốc, bên cạnh lúc nào cũng khối anh chàng bảnh chọe, học thức, còn tôi thì quê ơi là quê. Thời ấy tới nhà người yêu mà diện áo chim cò, tóc tai te tua, người ngợm còm nhom, dặt dẹo, lại chẳng có tiền. Vậy mà cái duyên quê chân chất của tôi làm nàng say mới cao thủ chứ”.

Anh kể: “Vợ mà chán mình thì chấm dứt ngay cho nó đỡ day dứt. Bây giờ mà bà ấy giở mặt mình lấy ngay cô nữa luôn, trong mấy phút?! Nhưng em ngồi ăn ở đâu là bà ấy mang khăn cho em lau mồm, mang chậu nước cho em rửa tay. Em đi thể dục quanh năm, về bao giờ bà ấy cũng pha nước nóng sẵn cho em tắm, tắm xong em vứt quần áo lung tung ra đấy là tự động mang đi giặt. Đêm ngủ, bà ấy mắc màn thì mắc, em cứ nằm không, cho muỗi cắn chết thì thôi. Vợ mình, bà ấy không có máu điên, chẳng bao giờ nói một câu gì làm mình phải mắng nữa. Em có nói nặng lời vẫn cứ ngồi yên, chẳng nói câu nào to, có khi đến bây giờ  tiền bà ấy cũng chẳng thiết”.

Dù đi khắp Đông Tây, dù gặp gỡ cả triệu người, dù có rất nhiều phụ nữ hâm mộ, nhưng Xuân Hinh là một người biết chắt bóp để lo cho gia đình. Khi đã quyết tâm theo đuổi nghiệp diễn, vợ có hai bằng đại học anh cũng bảo vợ nghỉ ở nhà để dạy dỗ, kèm cặp cô con gái và cậu con trai nên người, chỉ một mình anh bươn bả kiếm tiền nuôi vợ con. Hai con anh bây giờ đã lớn, cô con gái đang đi du học tại Mỹ. Dịp giáp Tết vừa qua, Xuân Hinh sang diễn tại Mỹ cho Việt kiều và du học sinh, con gái anh là một khán giả nồng nhiệt ngồi dưới sân khấu cổ vũ tinh thần cho bố.

Nói chuyện về các con, gương mặt Xuân Hinh rạng ngời. Anh muốn bù đắp để các con có cơ hội học hành thăng tiến, chứ không phải để trở thành những người hoang phí, dựa dẫm. Anh bảo: “Tôi không mê tín, nhưng duy tâm. Tôi cho rằng nghĩ nhiều về việc thiện, làm những điều lành, đừng quá bon chen, toan tính sẽ sống khỏe và thọ hơn. Đối với tôi, tiền tài, danh vọng không quan trọng bằng đứa con trai và con gái. Thằng con trai tuổi Dần, tôi sợ lớn lên ngỗ ngược, nên bây giờ đã bắt cu cậu mỗi ngày dành ra 10 phút ngồi thiền với bố để có bản tính điềm đạm”.

Xuân Hinh là một nghệ sĩ có trái tim nóng và một cái đầu khá tỉnh táo. Cũng bởi cuộc đời trong quá khứ có nhiều điều cơ cực nên buộc anh phải sống có trách nhiệm với chính mình và với những người thân yêu. Có thời điểm, người ta đồn rằng, anh là một nghệ sĩ “đắt giá” nhất nhì làng chèo. Cũng bởi anh đi diễn hài ở đâu thì ở đó quy tụ được khán giả và chỉ nhìn vào số lượng hàng trăm đĩa đã có, hàng trăm vở hài kịch đã đóng thì đủ biết anh đã phải lao động cật lực như thế nào. Xuân Hinh bảo, rõ ràng là trời cho cái duyên, nhưng nếu mình không lao động thì cái duyên cũng sẽ rời bỏ mình mà đi, cơ hội cũng bỏ mình mà đi. Ở đời, khóc thì có đầy thủ thuật, chứ làm cho người ta cười được là khó lắm. Muốn vậy anh phải học, học từ bác bán rau đến bà quét rác, học từ bác xe ôm đến anh thợ nề… 40 năm trong nghề nhưng anh chưa có ngày nào thôi học hỏi. Quan sát và học hỏi để gần với dân hơn, để vai diễn của mình nhưng thực ra đang sống cuộc đời người khác, có vậy mới mong người ta xem mình diễn, mong mình nói, nghe mình hát.

Có người đã nhận xét rằng, cái phép lạ thôi miên trong giọng hát của Xuân Hinh quyết không phải là từ những lời bông đùa tếu táo chọc cười, mà phải là sức quyến rũ của một năng lượng tâm linh. Khi ấy, Hinh giống như con đồng được hồn xưa nhập vào, hát nỉ non thánh thót. Những người có ăng-ten bắt được tần số ấy rất hiếm. Cái hồn vía thăm thẳm mơ hồ không nằm ở bộ râu hề hay chiếc áo cổ xưa, mà nằm trong thần thái của lời ca, giọng tấu, những luyến láy nhấn nhá rất chèo, rất Việt Nam chỉ riêng Xuân Hinh có. NSND Mạnh Tuấn, người thầy dạy của Xuân Hinh trước đây cũng có cái duyên dân tộc, nhưng chưa có sức thôi miên ma mị như giọng Xuân Hinh. Để có được một giọng ca, sức diễn thôi miên như vậy, Xuân Hinh đã trải qua nhiều khổ luyện. Ai bảo những câu hát làm rơi nước mắt khán giả không phải bắt nguồn từ những niềm đau nỗi khổ của anh nghệ sĩ nghèo Xuân Hinh, đã từng lăn lộn giữa đời thường, từng tắm mình trong cuộc sống cùng cực và dân dã?

Ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, Xuân Hinh đã có gần như tất cả những điều mà một con người mơ ước, một nghệ sĩ mơ ước. Anh có một gia đình hạnh phúc, vợ đẹp, con khôn. Anh có đủ tiền tài, đủ sự trọng vọng của mọi tầng lớp trong xã hội. Bây giờ, anh cũng làm ít hơn, anh nói tếu táo rằng, giờ đi còn phải chậm nữa là… chạy sô. Làm mấy chục năm thế đủ rồi, giờ vui thì làm, có hứng thì làm chứ không còn phải đi kiếm tiền bằng mọi giá. Xuân Hinh bảo, ở đời anh sợ nhất hai điều: sợ người tử tế và sợ thuyết nhân quả. Bởi vậy, anh cứ sống đúng với lương tâm của mình để đêm nằm là ngủ thẳng giấc mà không cần thiết phải vắt tay lên trán để suy nghĩ bởi những điều mà ở trên cao xanh đã ông trời đã định đoạt hộ mình…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.