NSƯT Việt Anh: “Đêm họa mi” không trở lại

Thứ Bảy, 16/10/2010, 10:45
Ôm trên tay bó hoa rực rỡ, bồn chồn liếc qua liếc lại những hàng ghế đã không còn một chỗ trống trong khán phòng rộng thênh của Nhà hát Lớn Hà Nội, NSƯT Việt Anh đành tựa lưng vào thành tường trầm mặc, dõi mắt lên sân khấu. Trên đó, học trò ông đang say sưa với câu chuyện của riêng mình.

Những nam thanh nữ tú tuổi ngoài đôi mươi, rạng ngời xuân sắc, đến từ thành phố phương Nam ngập tràn nắng gió, lại bắt đầu hành trình dò dẫm “đầy ải” mình trong con đường nghệ thuật không bao giờ tìm ra điểm kết thúc. Nuốt vào lòng tiếng thở dài se sắt, Việt Anh lẳng lặng ra khỏi khuôn cửa rủ tấm màn nhung đỏ thẫm, ngồi bó gối trên những bậc cầu thang xấp xỉ thế kỷ, ngay giữa thời khắc Thủ đô bước vào năm tuổi thứ 1.000.

1. "Ơ bác này nổi tiếng lắm, mình vừa mới gặp trên ti vi", tiếng thiếu phụ reo lên đầy phấn khích, tiếng lao xao và tiếng những bước chân ngập ngừng dừng lại, ngó ngó nghiêng nghiêng như vừa khám phá ra một bí mật bất ngờ. Khán giả Hà Nội áo hoa quần hoa đồng bộ, thật sự hoan hỉ vì được chạm mặt diễn viên phim truyền hình giữa sảnh Nhà hát Lớn oai nghiêm, sáng choang đèn đuốc.

Việt Anh cười, cơ mặt trùng xuống, thoắt nhẹ nhõm, mủm mỉm lời cảm ơn. Được nhận mặt chỉ tên giữa Hà Nội, luôn là một cảm xúc đặc biệt. Dẫu "trầy da tróc vỉ", lăn lộn trong nghề bằng đấy năm trời, Việt Anh vẫn chưa thể dửng dưng với những tình huống tưởng như đã trở nên thường tình, nhàm chán.

Bởi vậy, Việt Anh và những đồng nghiệp ở Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần cũng khó lòng bỏ qua khi nhận được lời mời tham dự Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân" lần thứ 2 đúng dịp Hà Nội đằm mình trong tiết thu và tưng bừng Đại lễ.

Là đơn vị tư nhân hay vẫn thường gọi bằng cụm mỹ từ thời thượng, sân khấu xã hội hóa, một ngày một đêm thoát ra khỏi điểm diễn cố định, là chuốc lấy bao mối lo và hàng đống phần việc linh tinh phải xở xoay, sắp xếp. Thế nên giới sân khấu xã hội hóa thường chểnh mảng thờ ơ với các cuộc liên hoan, hội diễn mang âm hưởng Nhà nước.

Nhưng lần này lại khác, những tên tuổi vẫn còn "đắt sô", đình đám, những nghệ sỹ thực sự bận rộn, túng thiếu thời gian, những Việt Anh, Công Ninh, Mỹ Duyên đã quyết chí dứt ra khỏi chuỗi ngày thường quen thuộc, háo hức ghi danh ứng thí trong cuộc đua tài do Bộ Công an và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp tổ chức.

Với riêng Việt Anh, ra Hà Nội, góp mặt vào Liên hoan sân khấu Công an, còn là cách thức để ông tự trải nghiệm, tìm ra đáp án cho những thắc mắc của riêng mình. Hà Nội đỏm dáng yêu kiều ngày kỷ niệm nghìn năm tuổi, lại xem ra không hợp lắm với những hình dung thông thường của NSƯT Việt Anh về một thành phố lẽ ra chỉ nên dành không gian cho thơ, ca, nhạc, họa.

Thả bộ dọc theo những con phố lung linh đèn màu, trang hoàng lấp lánh từ Nhà hát Lớn, sau mỗi tối muộn tan giờ diễn, Việt Anh chợt hẫng hụt, chạnh lòng vì Hà Nội đã như một cô gái trẻ, chả mấy tự tin vào nhan sắc trời cho, thốt nhiên nghe chúng bạn xúi giục đi phẫu thuật thẩm mỹ, thành ra phai nhạt cả nét duyên đã chắt chiu đắp bồi tích tụ từ bao đời.

NSƯT Việt Anh cứ đăm đắm một điều rằng, Hà Nội đừng nên lao vào cơn lốc cuồng xoay của các dự án kinh tế ngày một nhiều hơn đậm đặc hơn và cũng nặng nề hơn nữa, hãy để TP HCM làm cái phần việc kinh tài ấy.

Hà Nội linh thiêng hào hoa, Hà Nội của niềm tin và hy vọng, vậy Hà Nội hãy chỉ là thành phố của văn hóa nghệ thuật, là nơi người ở xa hướng về, cả những người chả dây mơ dễ má, chả ràng buộc họ hàng tình thân gì như ông cũng tìm đến để lắng lòng, góp nhặt bình yên nuôi dưỡng tâm hồn mình.  

2. Cuộc đổ bộ mau lẹ của các nghệ sỹ kịch 5B đến Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân" lần thứ 2 làm không ít đồng nghiệp, nhất là các nghệ sỹ ở những địa phương xa Hà Nội ước ao, trầm trồ và mơ mộng. Đi máy bay, về máy bay, phục trang đạo cụ cũng dồn hết lên máy bay cho tiện chuyến, cả Việt Anh lẫn Mỹ Duyên lẫn Công Ninh xuất hiện như những ngôi sao không chỉ trong mắt khán giả.

Được sống và làm nghề giữa môi trường sôi động bậc nhất, lại đã tạo lập cho mình một trích ngang nghệ thuật gồm những cái gạch đầu dòng đầy ấn tượng, NSƯT Việt Anh thung thăng đến Hà Nội, thảnh thơi vui vầy trong không khí sân khấu bao dung, ấm áp.

Nhiều bạn nghề thoáng chạm mặt Việt Anh, cười bắt tay hoặc đơn giản đứng từ xa chào rồi trong cơn say nghề, xởi lởi nhận ông là "thần tượng". Chỉ từ vai diễn để đời trong vở kịch nhắc đến tên "Dạ cổ hoài lang" đã gợi lại một thời hoàng kim của sân khấu 5B, thời đĩnh đạc của sân khấu TP HCM, Việt Anh cùng Thành Lộc, Hồng Vân… đã cố định được tên tuổi mình trong bạn nghề và công chúng.

Việt Anh ngày thường khôn nguôi ngậm ngùi về những năm tháng chưa xa ấy, về quãng thời gian, sân khấu thực sự là thánh đường, chốn linh thiêng trong tiềm thức của bao người, để rồi, hăm hở soạn sửa hành trang xống áo, ra Hà Nội, hào hứng nhập cuộc trong sân chơi nghệ thuật được khơi nguồn từ chính lực lượng Công an.

Xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn trong tiết mục dự thi của kịch 5B Võ Văn Tần giữa một sáng thu mơn man, dìu dịu, Việt Anh lại một lần nữa, tròn vẹn thực hiện được sứ mạng nghệ sỹ mà ông trời đã giao phó. 3 Huy chương vàng cá nhân dành cho các nghệ sỹ tham gia diễn xuất trong vở kịch "Đời có đợi anh không", chỉ khẳng định thêm tài năng mà bấy nay Việt Anh, Công Ninh, Mỹ Duyên đã xây đắp.

NSƯT Việt Anh cũng toại nguyện cùng nỗi niềm riêng được giải tỏa, kèm theo các câu trả lời cho chuỗi câu hỏi ám ảnh từ lâu. Xăm xắn ra Hà Nội, biểu diễn tại Liên hoan, cũng vì liên tục nghe mọi người nhắc đến Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước mà chưa hề giáp mặt, nên tò mò và muốn diện kiến bằng được.

Nghệ sỹ, quen tên biết tiếng, mến nhau vì tài, trọng nhau vì đức, có khi bỏ ra nhiều ngày rộng tháng dài chỉ để xem nhau một buổi diễn, nghe nhau một bài hát hay đọc của nhau những trang sách, mới thế thôi mà đã mãn nguyện, thấy sung sướng ví như tìm được tri âm tri kỷ.

Gặp nhà văn Hữu Ước, nói với nhau dăm ba câu gấp gáp, uống với nhau một hai chén rượu vào giấc trưa, trong ngày sân khấu mở hội, quy tụ đồng nghiệp bốn phương, NSƯT Việt Anh lấy làm tâm đắc lắm. Mục đích lặng thầm của chuyến đi đã thực hiện được, nhiều băn khoăn khúc mắc đã tự mình giải tỏa cho chính mình, Việt Anh trầm tư, chốc chốc lại lặp đi lặp lại điệp khúc: "Ông ấy đúng là nghệ sỹ, một nghệ sỹ đích thực đấy. Có lòng với sân khấu, tạo dựng được không khí sân khấu trong bối cảnh này, hỏi còn mấy ai".

3. Số ngày nán lại Hà Nội chưa qua hết các ngón tay của một bàn tay, NSƯT Việt Anh đã lại hấp tấp trở về thành phố Hồ Chí Minh. Một bộ phim dài tập đang đợi Việt Anh cho những cảnh quay mới, và một chương trình truyền hình cũng chờ Việt Anh về để hoàn tất. Lúc nào, Việt Anh cũng có công việc để làm, hay một dự định công việc để đeo đuổi.

Đấy là niềm vui gần như duy nhất của Việt Anh trong thời hiện tại. Vốn trai Sài Gòn nguyên bản, chính dân công tử quận 1, nhưng số phận đẩy đưa, hay đời nghệ sỹ vô định, quen cưỡi mây đạp gió, lúc nhìn về mặt đất thì thực tại đã khác xa, nên bây giờ, Việt Anh bảo, ông đã thành kẻ không nhà đúng nghĩa.

Nhà riêng không có, cô con gái duy nhất đang học bên Úc, mẹ của con gái cũng theo ở bên đó để chăm con, Việt Anh ngày lại ngày thuê bao một căn phòng khách sạn lấy chỗ tá túc đi về. Quá khứ còn ám ảnh mãi trong ông, nên Việt Anh chưa thể làm gì danh chính ngôn thuận vì lòng mình vẫn luôn trĩu nặng.

Mỗi con người, đôi khi nhiều đoạn đời đã qua, nhưng chỉ một khoảng là khiến người ta phải day dứt khổ đau nhất. Cũng như Việt Anh, hàng trăm vai diễn đã hoàn thành, hàng trăm số phận đã tạc hình trên sân khấu, nhưng chỉ một nhân vật, một vở kịch dẫu là dựng phát sóng truyền hình, lại bám riết lấy ông mãi mãi.

Gần 20 năm trước, Việt Anh trở thành Đại tá Lukianop trong tác phẩm kinh điển của sân khấu Nga Xô viết "Đêm họa mi". Đêm hòa bình đầu tiên, khoảnh khắc lặng ngơi tiếng súng đầu tiên sau cuộc chiến khốc liệt, chàng lính trẻ Xô viết Bogodin tình cờ gặp thiếu nữ Đức Inga trong một công viên nồng nàn tiếng họa mi.

Chiến tranh đã gieo vào Inga sự thù hận, hằn lên trong cô nỗi sợ hãi và vẻ tuyệt vọng điên cuồng. Nhưng, đêm họa mi cùng người lính Xô viết trong sáng, hồn nhiên, một người chiến thắng đầy quả cảm nhưng cũng bình dị, nhân ái đã dần khơi lại tình yêu cuộc sống của Inga. Ngày mới đã đến, cuộc đời cô đã khác và niềm tin vào con người lại trở thành điểm tựa của Inga.

Chỉ có Bogodin là đang đứng trước những hình phạt khủng khiếp đến từ sự máy móc, hẹp hòi, từ những kẻ vị kỷ giáo điều nhân danh kỷ luật. Một hình phạt có thể bóp chết tương lai chàng trai đang căng tràn sức sống, làm lụi tàn một cuộc đời đầy ắp năng lượng.

Lúc ấy, chỉ có Đại tá Lukianop là cứu được chàng trai, để cho lòng tốt vẫn mãi là một phần gia tài quý giá của chàng trai trong phần đời còn lại. Đại tá Lukianop đã đặt cược sinh mạng chính trị của mình, sẵn sàng hy sinh những thành quả trong cả cuộc đời binh nghiệp của mình để cho Bogodin và Inga nuôi dưỡng được ngọn lửa của lòng tin và tình yêu cuộc sống.

Lukianop là hiện thân của một kỷ nguyên lãng mạn, cái lãng mạn hào sảng làm nên những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Chỉ có điều, với NSƯT Việt Anh, thời khắc ấy đã xa, và ông, luôn mong mỏi được sống dậy một "Đêm họa mi", dù biết, đêm họa mi sẽ không thể trở lại được nữa bao giờ, sau bằng đấy biến thiên chuyển dịch…

Ngô Hương Sen
.
.